Thuốc Methylprednisolone: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Các thuốc kháng viêm corticoid được sử dụng rất phổ biến để điều trị nhiều bệnh khác nhau. Trong số đó thông dụng nhất là methylprednisolone. Vậy thuốc methylprednisolone có tác dụng gì và sử dụng như thế nào?

1.Thuốc methylprednisolone chữa bệnh gì?

Thuốc methylprednisolone được dùng để điều trị các bệnh lý như viêm xương khớp, các bất thường về máu, một số phản ứng dị ứng nguy hiểm, một số bệnh ung thư, bệnh về mắt, bệnh về da, thận, đường ruột và bệnh phổi hoặc bất thường hệ thống miễn dịch.

Thuốc methylprednisolone có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể để đáp ứng với các bệnh lý khác nhau, qua đó giúp giảm các triệu chứng khó chịu như sưng, đau và dị ứng. Corticoid bản chất là một loại hormon của cơ thể (cortisol). Do đó, thuốc methylprednisolone còn được dùng kèm với một số thuốc khác để điều trị tình trạng rối loạn hormone cơ thể.

2. Cách sử dụng thuốc methylprednisolone

Thuốc methylprednisolone sử dụng bằng đường uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường uống sau bữa ăn. Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ một cách cẩn thận. Liều lượng thuốc phụ thuộc vào mức độ, tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng điều trị của từng người bệnh.

Thuốc methylprednisolone có nhiều cách chia liều theo ngày khác nhau. Có thể uống cùng liều lượng mỗi ngày hoặc dùng cách ngày theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ trực tiếp hoặc qua các dịch vụ y tế tại nhà.

Không tự ý tăng liều hoặc sử dụng lâu hơn so với hướng dẫn của bác sĩ. Vì nếu dùng sai cách thì tình trạng bệnh có thể không cải thiện nhiều mà nguy cơ xảy ra tác dụng phụ cao hơn.

Không tự ý ngưng thuốc methylprednisolone đột ngột khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Một số vấn đề tồi tệ có thể xảy ra nếu ngừng thuốc đột ngột. Liều lượng thuốc methylprednisolone nên được giảm dần trước khi dừng hẳn.

Nếu ngừng thuốc đột ngột bệnh nhân có thể xuất hiện hội chứng cai corticoid (hay gặp như mệt mỏi, sụt cân, buồn nôn, đau mỏi cơ, đau đầu, chóng mặt). Hội chứng cai thuốc dễ xảy ra hơn nếu bệnh nhân sử dụng thuốc methylprednisolone kéo dài hoặc với liều lượng cao.

Viêm xương khớp
Thuốc methylprednisolone được sử dụng để điều trị một số bệnh như viêm xương khớp

3.Các tác dụng phụ của thuốc methylprednisolone

Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc methylprednisolone bao gồm: buồn nôn, nôn ói, ợ chua, đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, thay đổi khẩu vị, tăng tiết mồ hôi hoặc nổi mụn... nếu xảy ra các tác dụng phụ kéo dài hoặc nghiêm trọng, cần báo ngay cho bác sĩ điều trị.

Thuốc methylprednisolone có thể ảnh hưởng đến đường huyết bệnh nhân, do đó nó có thể tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh đái tháo đường. Báo cáo với bác sĩ nếu xuất hiện dấu hiệu tăng đường huyết như cảm giác khát hoặc tiểu nhiều.

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, nên kiểm tra đường huyết thường xuyên và trao đổi với bác sĩ nếu có bất thường. Bác sĩ có thể cần phải chỉnh liều các thuốc kiểm soát đường huyết, thay đổi thói quen sinh hoạt hoặc chế độ ăn uống để kiểm soát đường huyết chặt chẽ hơn.

Thuốc methylprednisolone ức chế hệ miễn dịch nên làm cơ thể giảm đề kháng với các loại nhiễm trùng. Do đó bệnh nhân dễ bị vi khuẩn tấn công hơn (nhưng hiếm khi gây tử vong) hoặc làm nặng thêm các bệnh nhiễm trùng đang mắc phải. Tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào (như sốt, ớn lạnh, đau họng dai dẳng, ho, các mảng trắng trong miệng).

Các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm:

Vết bầm tím kèm xuất huyết tự nhiên xuất hiện trên da, có đáng ngại?
Bạn dễ xuất hiện các vết bầm tím có thể là dấu hiệu tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc methylprednisolone
  • Tăng cân bất thường;
  • Thay đổi kinh nguyệt;
  • Đau cơ xương khớp;
  • Dễ xuất hiện các vết bầm tím hoặc dễ chảy máu;
  • Thay đổi tâm thần (như trầm cảm, kích động);
  • Yếu cơ;
  • Sưng phù mặt;
  • Các vết thương chậm lành;
  • Sưng phù mắt cá chân, bàn chân, bàn tay, da mỏng, mọc tóc bất thường;
  • Các vấn đề về thị lực;
  • Nhịp tim nhanh, chậm hoặc không đều;
  • Các dấu hiệu xuất huyết dạ dày ruột (như đau bụng, phân đen hoặc màu hắc ín, chất nôn màu nâu hoặc bã cà phê);
  • Co giật (đây là dấu hiệu rất nghiêm trọng).

Thuốc methylprednisolone rất ít khi gây ra các phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, gọi cấp cứu ngay nếu có các dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng như phát ban, ngứa hoặc sưng (đặc biệt là mặt, lưỡi, cổ họng), chóng mặt, khó thở.

4.Các biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ do thuốc methylprednisolone

Đái tháo đường có mấy tuýp
Nếu bạn bị đái tháo đường hãy khai báo với bác sĩ tránh nguy cơ gặp tác dụng phụ khi sử dụng thuốc

Trước khi sử dụng thuốc methylprednisolone, trao đổi với bác sĩ về tiền sử dị ứng của bạn, bao gồm cả dị ứng thuốc methylprednisolone hoặc prednisone hoặc bất kỳ loại dị ứng nào khác.

Trước khi tiến hành điều trị, khai báo với bác sĩ hoặc dược sĩ tiền sử bệnh tật như:

  • Các bất thường về máu như dễ chảy máu, cục máu đông;
  • Loãng xương;
  • Đái tháo đường;
  • Các bệnh về mắt (như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, nhiễm trùng herpes ở mắt);
  • Các vấn đề về tim (như nhồi máu cơ tim hoặc suy tim sung huyết), tăng huyết áp;
  • Các bệnh nhiễm trùng đang mắc (như lao, herpes, nấm);
  • Bệnh lý gan, thận;
  • Bất thường về tâm thần: rối loạn tâm thần, trầm cảm, lo lắng quá mức;
  • Các vấn đề về dạ dày ruột (như viêm túi thừa , loét, viêm loét đại tràng);
  • Động kinh.

Các biện pháp giảm tác dụng phụ của thuốc methylprednisolone:

Xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày do tác dụng phụ của thuốc methylprednisolone

  • Thuốc methylprednisolone có thể gây xuất huyết dạ dày. Do đó, những bệnh nhân nghiện rượu sẽ tăng nguy cơ mắc phải tác dụng phụ này, vì vậy nên hạn chế đồ uống có cồn;
  • Thuốc methylprednisolone khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng nhiễm trùng hiện tại. Do đó, vệ sinh cơ thể sạch sẽ để để ngăn ngừa lây lan vi trùng. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân mắc các bệnh dễ lây lan như thủy đậu, sởi, cúm... Tham khảo ý kiến bác sĩ về các bệnh nhiễm trùng khi dùng thuốc methylprednisolone;
  • Thuốc methylprednisolone có thể làm mất tác dụng của một số loại vắc xin. Vắc xin sống có thể ảnh hưởng đến cơ thể nếu tiêm ngừa trong khi đang điều trị bằng thuốc methylprednisolone. Do đó, không chủng ngừa khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị;
  • Sử dụng corticosteroid (trong đó có thuốc methylprednisolone) trong thời gian dài có thể làm cơ thể giáp đáp ứng với các stress thể chất. Do đó, trước khi cần phẫu thuật, điều trị cấp cứu hoặc nếu bạn mắc bệnh hoặc một chấn thương nặng, hãy khai báo với bác sĩ điều trị về việc đang sử dụng hoặc đã sử dụng thuốc methylprednisolone trong vòng 12 tháng gần đây. Trao đổi ý kiến bác sĩ nếu bạn có những bất thường, mệt mỏi hoặc sụt cân;

Người cao tuổi là đối tượng nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc methylprednisolone, đặc biệt gãy hoặc đau xương, chảy máu dạ dày ruột và thay đổi tâm thần (như lú lẫn).

Thuốc methylprednisolone làm chậm sự phát triển của trẻ nếu sử dụng trong thời gian dài. Theo dõi, kiểm tra chiều cao và sự phát triển của trẻ thường xuyên nếu đang điều trị bằng thuốc methylprednisolone.

Phụ nữ mang thai chỉ sử dụng thuốc methylprednisolone khi thật cần thiết. Mặc dù nó hiếm khi gây hại cho thai nhi những vẫn phải cân nhắc về những lợi ích và rủi ro của thuốc này. Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ đã sử dụng thuốc methylprednisolone trong một thời gian dài có thể gặp vấn đề về hormone.

Thuốc methylprednisolone đi vào sữa mẹ nhưng ít có khả năng gây hại cho trẻ sơ sinh, nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho con bú.

5.Tương tác của thuốc methylprednisolone

NSAIDs
Các loại thuốc NSAID có thể gây tương tác với thuốc methylprednisolone

Các loại thuốc có thể gây tương tác với thuốc methylprednisolone bao gồm:

  • Aldesleukin;
  • Mifepristone;
  • Các loại thuốc có thể gây chảy máu, xuất huyết như thuốc chống kết tập tiểu cầu clopidogrel, thuốc kháng đông máu như warfarin, dabigatran;
  • Các loại NSAID như ibuprofen, celecoxib, aspirin... Đối với bệnh nhân đang uống aspirin liều thấp để phòng ngừa nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ (liều khoảng 81-325mg mỗi ngày) thì vẫn tiếp tục dùng trừ khi bác sĩ có hướng dẫn khác.

Một số loại thuốc làm giảm thải trừ thuốc methylprednisolone khỏi cơ thể và ảnh hưởng đến tác dụng của methylprednisolone, bao gồm:

  • Thuốc kháng nấm nhóm azole (như ketoconazole);
  • Boceprevir, Cyclosporine, Estrogen, chất ức chế protease HIV (như ritonavir);
  • Kháng sinh nhóm macrolid (như erythromycin), rifamycins;
  • Một số loại thuốc điều trị co giật (như phenytoin, phenobarbital).

Thuốc methylprednisolone có thể ảnh hưởng và làm sai lệch kết quả của một số xét nghiệm. Do đó, để đảm bảo chính xác bạn nên báo ngay cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm nếu đang sử dụng thuốc này.

Sử dụng thuốc methylprednisolone trong thời gian dài, bệnh nhân nên được thăm khám và làm các xét nghiệm (bao gồm đường huyết, điện giải đồ, đo huyết áp, khám mắt, đo mật độ xương, đo chiều cao, cân nặng) định kỳ để theo dõi sự tiến triển của bệnh hoặc kiểm tra các tác dụng phụ.

Dùng thuốc methylprednisolone trong thời gian dài có thể gây loãng xương. Các biện pháp giúp xương khỏe mạnh bao gồm thay đổi lối sống, duy trì cân nặng, tập thể dục, bỏ hút thuốc lá, bổ sung thêm canxi và vitamin D và hạn chế rượu bia.


Thuốc methylprednisolone là một loại thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ và hệ quả tiêu cực cho sức khỏe nếu sử dụng không đúng cách, vì vậy việc sử dụng thuốc cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bác sĩ và dược sĩ tùy theo phác đồ điều trị của bệnh lý cụ thể.

Để được chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp hiệu quả cũng như nhận chỉ định sử dụng thuốc đúng cách, hãy ĐẶT LỊCH KHÁM NGAY với chuyên gia cơ xương khớp của Vinmec hoặc ĐỂ LẠI THÔNG TIN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN.


Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu. Vì thế, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, bệnh nhân có thể đến khám, chẩn đoán bệnh và nhận được sự tư vấn về cách sử dụng thuốc hiệu quả, tránh các tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1M

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan