Tác dụng của thuốc Uretron D/S

Thuốc Uretron DS được bào chế dưới dạng viên nén, có chứa nhiều thành phần khác nhau. Thuốc được sử dụng trong điều trị các triệu chứng kích thích đi tiểu.

1. Thuốc Uretron DS công dụng là gì?

Mỗi viên thuốc Uretron DS có chứa: 81.6mg methenamine, 40.8mg Natri photphat đơn chất, 36.2mg Phenyl salicylat, 10.8mg xanh methylen và 0.12mg Hyoscyamine Sulfate. Trong đó:

  • Hyoscyamine Sulfate là 1 chất đối giao cảm, giúp thư giãn các cơ trơn, tạo ra tác dụng chống co thắt. Hyoscyamine Sulfate được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, nhanh chóng phân bố khắp các mô trong cơ thể;
  • Methenamine: Phân hủy trong môi trường nước tiểu có tính acid, giải phóng formaldehyde với tác dụng kìm khuẩn hoặc diệt khuẩn. Methenamine được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa;
  • Xanh methylen: Có đặc tính khử trùng yếu. Xanh methylen được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa, nhanh chóng bị khử thành xanh leucomethylene;
  • Phenyl salicylat: Giải phóng salicylate - 1 chất giảm đau nhẹ;
  • Natri photphat đơn chất: 1 chất acid hóa, giúp duy trì độ pH trong nước tiểu, cần thiết cho quá trình phân hủy methenamine.

Chỉ định sử dụng thuốc Uretron DS:

  • Điều trị các triệu chứng kích thích đi tiểu;
  • Làm giảm các triệu chứng tại chỗ như viêm, tăng nhu động, đau đi kèm nhiễm trùng đường tiết niệu dưới;
  • Làm giảm các triệu chứng ở đường tiết niệu do các thủ thuật chẩn đoán gây ra.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Uretron DS:

  • Bệnh nhân quá mẫn cảm với các hoạt chất của thuốc;
  • Trẻ em dưới 6 tuổi.

Cần cân nhắc lợi ích/rủi ro khi sử dụng thuốc Uretron DS cho các bệnh nhân sau: Người mắc bệnh tim (đặc biệt là suy tim sung huyết, rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, hẹp van 2 lá), tăng nhãn áp, bệnh tắc nghẽn đường tiêu hóa, nhược cơ, bí tiểu cấp tính trong bệnh lý tắc nghẽn niệu quản (như tắc cổ bàng quang do phì đại lành tính tuyến tiền liệt).

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Uretron DS

Cách dùng: Đường uống. Nên uống thuốc với 1 ly nước đầy, uống thuốc cùng với thức ăn hoặc không đều được. Trong thời gian dùng thuốc Uretron D/S, người bệnh nên uống nhiều nước. Đồng thời, bệnh nhân chú ý là không nằm xuống ít nhất 10 phút sau khi uống thuốc này.

Liều dùng:

  • Người lớn: Dùng 1 viên/lần x 4 lần/ngày;
  • Trẻ em: Liều dùng tùy theo chỉ định của bác sĩ.

Quá liều: Các triệu chứng khi dùng thuốc Uretron D/S quá liều thường là co giật, chóng mặt nghiêm trọng, sốt, tim đập nhanh, thở chậm hoặc thở nông, phấn khích bất thường,...

Khi sử dụng thuốc Uretron DS quá liều, người bệnh sẽ được can thiệp bằng gây nôn hoặc rửa dạ dày. Tiêm tĩnh mạch chậm bằng physostigmine với liều 1 - 4mg (0,5 - 1mg ở trẻ em), lặp lại nếu cần thiết trong 1 - 2 giờ để đẩy lùi những triệu chứng kháng muscarin nặng.

Đồng thời, nên dùng liều nhỏ diazepam để kiểm soát tình trạng hưng phấn và co giật. Nếu bệnh nhân bị suy hô hấp, có thể cần hô hấp nhân tạo. Đồng thời, cần hydrat hóa đầy đủ, điều trị triệu chứng khi cần thiết.

Quên liều: Nếu quên dùng 1 liều thuốc Uretron D/S, bệnh nhân nên uống ngay khi nhớ ra. Nếu đã gần đến thời gian dùng liều tiếp theo thì người bệnh hãy bỏ qua liều đã quên, trở về lịch trình dùng thuốc như bình thường. Bệnh nhân không nên dùng 2 liều cùng lúc hoặc tự ý thêm liều.

3. Tác dụng phụ của thuốc Uretron DS

Khi sử dụng thuốc Uretron DS, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Tim mạch: Đỏ bừng mặt, tim đập nhanh;
  • Hệ thần kinh trung ương: Chóng mặt, mờ mắt, buồn ngủ;
  • Tiết niệu - sinh dục: Tiểu khó, bí tiểu cấp;
  • Tiêu hóa: Khô miệng, buồn nôn, ói mửa;
  • Hô hấp: Khó thở;
  • Dị ứng: Hiếm gặp. Người bệnh nên đi cấp cứu ngay nếu có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng như phát ban, ngứa da, sưng tấy, khó thở hoặc chóng mặt nghiêm trọng;
  • Thuốc có thể khiến nước tiểu hoặc phân chuyển sang màu xanh lam. Tác dụng phụ này vô hại, sẽ giảm dần khi ngưng thuốc.

Khi gặp các tác dụng phụ do sử dụng thuốc Uretron DS, bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp điều trị sớm, hiệu quả.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Uretron DS

Một số lưu ý người bệnh cần quan tâm trước và trong khi dùng thuốc Uretron DS:

  • Trước khi dùng thuốc Uretron D/S, người bệnh nên báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, aspirin, thuốc kháng viêm không steroid (như ibuprofen) hoặc các alkaloid của belladonna (như atropine, scopolamine) hay bất kỳ loại dị ứng nào khác;
  • Thông báo cho bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Uretro DS nếu người bệnh có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào sau đây: Tắc ruột, bệnh nhược cơ, bệnh tăng nhãn áp, khó đi tiểu, suy tim và các vấn đề về tim mạch;
  • Không sử dụng thuốc vượt quá liều khuyến cáo. Nếu có biểu hiện mạch nhanh, mờ mắt hoặc chóng mặt thì bệnh nhân nên ngừng dùng thuốc ngay lập tức;
  • Những bệnh nhân không dung nạp alkaloid belladonna hoặc salicylat có thể không dung nạp thuốc Uretron D/S. Tình trạng chậm làm rỗng dạ dày có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát tình trạng loét dạ dày;
  • Hạn chế sử dụng thuốc lá và rượu trong quá trình dùng thuốc Uretron D/S để giảm nguy cơ chảy máu dạ dày;
  • Thuốc Uretron D/S khiến bệnh nhân ít đổ mồ hôi hơn, dễ bị say nắng hơn. Do đó, người bệnh tránh làm những việc khiến cơ thể quá nóng như: Tập luyện quá sức, xông hơi, làm việc nặng trong điều kiện thời tiết nóng bức,... Khi thời tiết nóng, bệnh nhân nên uống nhiều nước, mặc quần áo mỏng nhẹ và nghỉ ngơi ở nơi mát mẻ;
  • Các thành phần Hyoscyamine và methenamine có thể đi qua nhau thai. Hiện chưa rõ liệu thuốc Uretron DS có gây hại cho thai nhi khi sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không. Do đó, bà bầu chỉ dùng thuốc này khi thực sự cần thiết, được bác sĩ cho phép;
  • Có tình trạng methenamine và hyoscyamine được bài tiết qua sữa mẹ. Do đó, nên thận trọng khi sử dụng thuốc Uretron DS ở phụ nữ đang cho con bú, chỉ dùng khi thực sự cần thiết, được bác sĩ chỉ định;
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đặc biệt nhạy cảm với các tác dụng độc hại của các alkaloid belladonna với các triệu chứng hưng phấn bất thường, giảm tiết mồ hôi, da nóng/khô/đỏ bừng;
  • Thuốc Uretron D/S có chứa salicylate, có liên quan tới aspirin. Trẻ em và thanh thiếu niên dưới 18 tuổi khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ thì không nên sử dụng aspirin hoặc các thuốc có liên quan tới aspirin nếu bị cúm, thủy đậu, bệnh chưa được chẩn đoán hoặc nếu gần đây họ được tiêm vắc-xin virus sống. 1 căn bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng có thể xảy ra, đó là hội chứng Reye;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Uretron DS ở bệnh nhân cao tuổi vì họ có thể phản ứng với liều dùng thông thường của hyoscyamine với những triệu chứng như táo bón, khó tiêu, phấn khích, kích động, lú lẫn hoặc buồn ngủ. Nhầm lẫn và buồn ngủ là yếu tố làm tăng nguy cơ té ngã;
  • Thuốc Uretron DS có thể khiến người bệnh bị chóng mặt, buồn ngủ hoặc làm mờ tầm nhìn. Rượu hoặc chất kích thích sẽ khiến tác dụng phụ chóng mặt hoặc buồn ngủ càng trở nên trầm trọng. Người bệnh không nên lái xe, vận hành máy móc,... hay làm những việc đòi hỏi sự tỉnh táo cho tới khi có thể thực hiện các việc này một cách an toàn.

5. Tương tác thuốc Uretron DS

Một số tương tác thuốc của Ure Tron DS:

  • Do những ảnh hưởng của hyoscyamine đối với nhu động ruột và làm rỗng dạ dày nên sự hấp thu các loại thuốc uống khác có thể giảm nếu sử dụng đồng thời với thuốc Uretron DS;
  • Xanh methylen ức chế nhiều isoenzyme của CYP trong ống nghiệm. Tương tác này rõ rệt hơn đối với các loại thuốc có chỉ số điều trị hẹp, được chuyển hóa bởi một trong các enzyme này như digoxin, phenytoin, alfentanil, cyclosporine, warfarin, dihydroergotamine, ergotamine, quinidine, fentanyl, pimozide, sirolimus và tacrolimus;
  • Thuốc kiềm hóa nước tiểu và thuốc lợi tiểu thiazide có thể làm cho nước tiểu trở nên kiềm, làm giảm hiệu quả của thành phần methenamine bằng cách ức chế quá trình chuyển đổi thành formaldehyde;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Uretron DS với thuốc kháng muscarin có thể làm tăng tác dụng kháng muscarin của hyoscyamine do hoạt tính kháng muscarin thứ phát của các thuốc này;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Uretron DS với thuốc chống tiêu chảy hoặc thuốc kháng acid có thể làm giảm hấp thu hyoscyamine, dẫn đến làm giảm hiệu quả điều trị bệnh. Sử dụng đồng thời thuốc Uretron DS với thuốc kháng acid có thể khiến nước tiểu trở nên kiềm, làm giảm hiệu quả của methenamine bằng cách ức chế chuyển đổi thành formaldehyde. Do đó, liều dùng của các thuốc này nên cách nhau 1 giờ so với liều hyoscyamine;
  • Sử dụng đồng thời thuốc chống nhược cơ với hyoscyamine có thể làm giảm nhu động ruột hơn. Do đó, cần thận trọng với tương tác thuốc này;
  • Ketoconazole và hyoscyamine có thể dẫn tới tăng độ pH đường tiêu hóa. Sử dụng đồng thời hyoscyamine với ketoconazole có thể làm giảm sự hấp thu của ketoconazole. Do đó, nếu cần kết hợp 2 loại thuốc này thì nên dùng thuốc hyoscyamine sau thuốc ketoconazole tối thiểu 2 giờ;
  • Sử dụng đồng thời thuốc ức chế MAO với hyoscyamine có thể làm tăng tác dụng phụ antimuscarinic;
  • Sử dụng đồng thời thuốc giảm đau opioid (thuốc gây mê) với thuốc Uretron DS có thể làm tăng nguy cơ gây táo bón nặng;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Uretron DS với Sulfonamide có thể gây kết tủa với formaldehyde trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ kết tinh trong nước tiểu.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Uretron DS, bệnh nhân nên tuân thủ đúng hướng dẫn chi tiết của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất và giảm tới mức thấp nhất nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

45 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan