Tư vấn bởi BSCK II Phạm Thị Sơn - Bác sĩ Thần kinh - Khoa Khám bênh & Nội khoa, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Hải Phòng
Bệnh nhược cơ là một bênh tự miễn và là rối loạn phổ biến nhất của dẫn truyền thần kinh cơ. Do cơ thể sinh ra một loại kháng thể làm ảnh hưởng đến quá trình truyền đạt thông tin từ thần kinh sang cơ gây tình trạng cơ bị nhược.
1. Dấu hiệu bệnh nhược cơ
Dấu hiệu bệnh nhược cơ là tình trạng suy yếu trên các vùng cơ, dẫn đến:
- Sụp mi: Đây là triệu chứng hay gặp sớm nhất của bệnh nhược cơ. Sụp mi thường nặng hơn về buổi chiều.
- Khó thở do các cơ thành ngực bị suy nhược
- Khó nhai hoặc nuốt do yếu cơ vùng hầu họng, khiến cho người bệnh cảm thấy khó đóng miệng, hay chảy nước dãi
- Khó khăn khi leo lên cầu thang, khi lăn các vật thể hay nâng vật nặng
- Khó nói chuyện
- Thường có xu hướng rũ đầu xuống hoặc cúi gập đầu xuống
- Liệt cơ mặt hoặc yếu các cơ vùng mặt
- Suy nhược cơ thể
- Giọng nói thay đổi
2. Biến chứng của bệnh nhược cơ
Triệu chứng đáng lo ngại và nguy hiểm nhất của bệnh nhược cơ là suy hô hấp do yếu hoặc liệt các cơ hô hấp (bao gồm cơ hoành, cơ liên sườn, cơ ức đòn chũm, cơ thang). Nhiều trường hợp người bệnh bị liệt hoàn toàn các cơ hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được cứu chữa kịp thời.
Bên cạnh đó, nuốt sặc và ho khạc kém cũng là một nguyên nhân gây ra biến chứng sặc phổi và viêm phổi, góp phần làm cho tình trạng suy hô hấp trở nên nặng nề thêm. Ngoài ra, bệnh nhược cơ cũng khiến cho bệnh nhân luôn cảm thấy mệt mỏi, suy kiệt, ăn uống kém, giảm hoặc mất khả năng tập trung, ảnh hưởng đến các mối quan hệ, khó hòa nhập và cộng đồng.
3. Bệnh nhược cơ sống được bao lâu?
Vấn đề thời gian sống của bệnh nhân bị nhược cơ còn tùy thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh, sự tuân thủ điều trị và các yếu tố liên quan đến bản thân người bệnh. Trên thực tế, bệnh nhân có thể sống với căn bệnh nhược cơ trong nhiều chục năm, tuy nhiên phải có chế độ ăn uống hợp lý, lao động, sinh hoạt phù hợp và điều trị ngay khi phát hiện bệnh.
Một số lời khuyên để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân nhược cơ:
● Lựa chọn một cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán, chỉ định điều trị chính xác và tư vấn đúng đắn.
● Lên kế hoạch sinh hoạt hàng ngày để giữ gìn sức khỏe một cách tốt nhất.
● Mỗi bệnh nhân nhược cơ nên đóng vai trò là “người y tá đặc biệt” của chính bản thân và đề ra cách để giữ cho bệnh nhược cơ ổn định nhất có thể.
● Khi dùng thuốc kéo dài cần chú ý thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế các tác dụng ngoài ý muốn
● Tránh làm việc gắng sức, mệt mỏi không cần thiết.
● Hạn chế căng thẳng
● Tránh để xảy ra nhiễm trùng (ví dụ vết thương hở, tiếp xúc với đám đông,
nhiễm lạnh).
● Tham khảo lời khuyên của bác sĩ trong việc dùng các loại thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến dẫn truyền thần kinh - cơ và tất cả các loại thuốc đang sử dụng.
4. Tin vui cho bệnh nhược cơ
Trước đây, khi phương pháp ức chế miễn dịch còn chưa được áp dụng, có khoảng 30% bệnh nhân mắc nhược cơ sẽ tử vong từ sớm do ảnh hưởng của bệnh và hơn 60% bệnh nhân không thể cải thiện các triệu chứng nhược cơ hoặc tình trạng bệnh trở nên xấu dần. Hơn nữa, có đến 70% các bệnh nhân tử vong khi nhược cơ biến chứng trở thành cơn nhược cơ cấp.
Tuy nhiên, một tin vui cho bệnh nhược cơ là giờ đây với phương pháp điều trị hiện đại, người bệnh nhược cơ hoàn toàn có thể sống một cuộc sống gần như bình thường, tuổi thọ không giảm đi đáng kể so với những người khỏe mạnh khác và chất lượng cuộc sống cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ phải lệ thuộc không ít vào các loại thuốc điều trị trong nhiều năm liên tục hoặc thậm chí là suốt đời, dẫn đến nguy cơ mắc các tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc. Nói chung, trong điều trị bệnh nhược cơ, bác sĩ sẽ tùy theo tình trạng nặng của từng trường hợp mà lựa chọn cách chữa trị thích hợp, thường là kết hợp các phương pháp nội khoa và ngoại khoa.
Tóm lại, mục tiêu chữa trị bệnh nhược cơ không phải là chữa tận gốc bệnh mà chỉ có thể điều trị triệu chứng, làm thuyên giảm các dấu hiệu bệnh nhược cơ và ức chế phần nào sự tiến triển của bệnh. Bệnh nhân khi nhận thấy những dấu hiệu bệnh nhược cơ cần tiến hành thăm khám với bác sĩ để kịp thời điều trị, tránh để lâu làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.