Tác dụng của thuốc Decadron

Thuốc Decadron được sử dụng trong điều trị viêm da, viêm mũi dị ứng, viêm ruột, loét đại tràng, thiếu máu,... Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về công dụng và cách dùng thuốc Decadron hiệu quả qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc Decadron là thuốc gì?

Thuốc Decadron là một loại corticosteroid, tương tự như một loại hormone tự nhiên do tuyến thượng thận sản xuất. Thuốc được sử dụng điều trị viêm khớp, viêm da/máu/thận, rối loạn đường ruột, rối loạn dị ứng, lupus, bệnh vẩy nến và hen suyễn.

2. Công dụng của thuốc Decadron

Thuốc Decadron được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Kiểm soát điều trị thông thường trong bệnh hen suyễn, viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, phản ứng quá mẫn với thuốc, viêm mũi dị ứng lâu năm, viêm mũi dị ứng theo mùa và bệnh huyết thanh.
  • Viêm da bọng nước dạng herpes, ban đỏ da tróc vảy, nấm mycosis, pemphigus và ban đỏ đa dạng nghiêm trọng (hội chứng Stevens-Johnson).
  • Suy vỏ thượng thận nguyên phát hay thứ phát, tăng sản thượng thận bẩm sinh, tăng calci máu liên quan đến ung thư và viêm tuyến giáp không mưng mủ.
  • Viêm ruột khu vực.
  • Viêm loét đại tràng.
  • Thiếu máu tán huyết mắc phải, thiếu máu giảm sản bẩm sinh, ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn ở người lớn, bất sản hồng cầu đơn thuần và một số trường hợp giảm tiểu cầu thứ phát.
  • Xét nghiệm chẩn đoán cường chức năng vỏ thượng thận, bệnh giun xoắn có liên quan đến thần kinh hoặc cơ tim, viêm màng não lao.
  • Hỗ trợ giảm nhẹ bệnh bạch cầu và u lympho.
  • Đợt cấp tính của bệnh đa xơ cứng, phù não liên quan đến khối u não nguyên phát hoặc di căn, phẫu thuật sọ hoặc chấn thương đầu.
  • Viêm mắt giao cảm, viêm động mạch thái dương, viêm màng bồ đào và các tình trạng viêm mắt không đáp ứng với corticosteroid tại chỗ.
  • Giúp lợi tiểu hoặc thuyên giảm protein niệu ở người bệnh mắc hội chứng thận hư vô căn hoặc do bệnh lupus ban đỏ.
  • Bệnh berylliosis, lao phổi bùng phát hoặc lan tỏa khi dùng đồng thời với hóa trị liệu kháng lao thích hợp, viêm phổi tăng bạch cầu ái toan vô căn, bệnh sacoit có triệu chứng.
  • Liệu pháp bổ trợ trong thời gian ngắn giúp người bệnh vượt qua đợt cấp tính hoặc đợt kịch phát trong điều trị viêm khớp gút cấp tính, viêm cột sống dính khớp, viêm tim do thấp khớp cấp tính, viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp dạng thấp thiếu niên.
  • Để điều trị viêm da cơ, viêm đa cơ và bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

3. Chống chỉ định dùng thuốc Decadron

Thuốc Decadron không được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh bị nhiễm nấm ở bất kỳ đâu trên cơ thể.
  • Tiền sử dị ứng, quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc Decadron.

Hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu bản thân từng có:

  • Mắc bệnh gan (xơ gan), bệnh thận, rối loạn tuyến giáp, bệnh sốt rét, loãng xương, nhược cơ, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, nhiễm trùng herpes ở mắt, loét dạ dày, viêm loét đại tràng, viêm túi thừa, bệnh viêm ruột; trầm cảm hoặc bệnh tâm thần; suy tim sung huyết; hoặc là huyết áp cao.
  • Thận trọng dùng thuốc Decadron khi mang thai hoặc đang cho con bú.

4. Dùng thuốc Decadron như thế nào?

Thuốc Decadron được sử dụng bằng đường uống với 1 cốc nước đầy khoảng 240ml, có thể dùng chung với thức ăn hoặc sữa để ngăn ngừa đau dạ dày. Tuân thủ đúng theo chỉ dẫn dùng thuốc Decadron của bác sĩ.

Dùng thuốc Decadron vào buổi sáng trước 9h và dùng 1 lần/ngày.

Liều lượng và thời gian điều trị dựa trên tình trạng sức khỏe của mỗi người bệnh và đáp ứng với điều trị. Dùng thuốc Decadron chính xác theo quy định.

  • Liều ban đầu thay đổi từ 0.75 đến 9 mg mỗi ngày tùy thuộc vào bệnh đang được điều trị.
  • Trong điều trị đợt cấp người bệnh mắc đa xơ cứng, liều dùng hàng ngày 30 mg Dexamethasone trong một tuần, sau đó là 4 đến 12 mg cách ngày trong một tháng đã được chứng minh là có hiệu quả.
  • Ở bệnh nhi, liều khởi đầu của Dexamethasone có thể khác nhau tùy thuộc vào thể bệnh cụ thể đang được điều trị. Khoảng liều ban đầu là 0,02 đến 0,3 mg/kg/ngày chia làm 3 hoặc 4 lần (0,6 đến 9 mg/m2bsa/ngày).

Thực hiện theo lịch trình dùng thuốc Decadron một cách cẩn thận. Bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh giảm liều Decadron dần dần để giảm thiểu tác dụng phụ như như buồn nôn, chóng mặt, suy nhược hoặc đau cơ/khớp.

Không tự ý ngừng dùng thuốc Decadron mà không hỏi ý kiến ​​bác sĩ. Hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu tình trạng của bản thân không cải thiện hoặc xấu đi.

5. Thuốc Decadron gây ra những tác dụng phụ nào?

Tác dụng phụ của thuốc Decadron (dexamethasone) có thể xảy ra, bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn, đau bụng, thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn hoặc thay đổi hình dạng hoặc vị trí của mỡ trong cơ thể.
  • Phản ứng phản vệ/dị ứng, sốc phản vệ, phù mạch.
  • Nhịp tim chậm, ngừng tim, rối loạn nhịp tim, tim to, trụy tuần hoàn, suy tim sung huyết, tăng huyết áp, thuyên tắc mỡ, bệnh cơ tim phì đại ở trẻ sinh non, vỡ cơ tim sau nhồi máu cơ tim, phù, phù phổi, ngất , nhịp tim nhanh, thuyên tắc huyết khối, viêm tắc tĩnh mạch, viêm mạch.
  • Mụn trứng cá, viêm da dị ứng, da khô có vảy, bầm máu và chấm xuất huyết, ban đỏ, vết thương chậm lành, tăng tiết mồ hôi, phát ban, nổi vân, ức chế phản ứng với các xét nghiệm da, da mỏng dễ vỡ, tóc mỏng, nổi mề đay.
  • Giảm dung nạp carbohydrate và glucose, phát triển trạng thái cushing, tăng đường huyết, glucose niệu, rậm lông, tăng nhu cầu insulin hoặc thuốc hạ đường huyết đường uống trong bệnh tiểu đường, biểu hiện của bệnh đái tháo đường tiềm ẩn, kinh nguyệt không đều, tuyến thượng thận và tuyến yên không đáp ứng, ức chế sự phát triển ở bệnh nhân nhi.
  • Suy tim sung huyết ở bệnh nhân nhạy cảm, giữ nước, nhiễm kiềm hạ kali máu, mất kali, giữ natri, hội chứng ly giải khối u.
  • Trướng bụng, tăng nồng độ men gan trong huyết thanh (thường hồi phục khi ngừng thuốc), gan to, thèm ăn, buồn nôn, viêm tụy, loét dạ dày tá tràng có thể thủng và xuất huyết, thủng ruột non và ruột già (đặc biệt ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm ruột), viêm loét thực quản.
  • Hoại tử vô trùng chỏm xương đùi và cánh tay, mất khối lượng cơ, yếu cơ, loãng xương, gãy xương bệnh lý của xương dài, bệnh cơ do steroid, đứt gân, gãy đốt sống.
  • Co giật, trầm cảm, bất ổn về cảm xúc, hưng phấn, nhức đầu, tăng áp lực nội sọ với phù gai thị (giả u não) thường xảy ra sau khi ngừng điều trị, mất ngủ, thay đổi tâm trạng, viêm dây thần kinh, bệnh thần kinh, dị cảm, thay đổi nhân cách, rối loạn tâm thần, chóng mặt.
  • Lồi mắt, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể dưới bao sau.
  • Chất béo tích tụ bất thường, giảm khả năng chống nhiễm trùng, nấc cụt, tăng hoặc giảm khả năng vận động và số lượng tinh trùng, khó chịu, tăng cân.

Nhận trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bản thân có dấu hiệu:

  • Phản ứng dị ứng: Khó thở, sưng mặt-môi-lưỡi-cổ họng, nổi mề đay.
  • Căng cơ, yếu cơ, cảm giác đi khập khiễng.
  • Mờ mắt, tầm nhìn đường hầm, nhìn thấy quầng sáng quanh đèn và đau mắt.
  • Sưng tấy.
  • Tăng cân nhanh chóng.
  • Trầm cảm nặng, lo lắng, xuất hiện suy nghĩ hoặc hành vi bất thường.
  • Co giật.
  • Phân có dính máu hoặc hắc ín.
  • Ho ra máu, chảy máu cam.
  • Nhịp tim nhanh hay chậm, nhịp tim không đều, rung rinh trong ngực, mạch đập yếu.
  • Viêm tụy - đau dữ dội ở dạ dày trên lan ra lưng, buồn nôn và nôn mửa.
  • Mức kali thấp - chuột rút ở chân, táo bón, tăng cảm giác khát nước hoặc đi tiểu, tê hoặc ngứa ran.
  • Tăng huyết áp - nhức đầu dữ dội, đập thình thịch ở cổ hoặc tai.

Đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ thuốc Decadron và những tác dụng phụ khác có thể xảy ra. Gọi cho bác sĩ để được tư vấn y tế về tác dụng phụ của thuốc Decadron.

6. Tương tác thuốc Decadron

Một số tương tác thuốc Decadron bao gồm:

  • Aminoglutethimide có thể làm giảm sự ức chế tuyến thượng thận bằng corticosteroid.
  • Khi dùng corticosteroid đồng thời với các thuốc làm giảm kali, bệnh nhân nên được theo dõi chặt chẽ để phát hiện hạ kali máu. Ngoài ra, đã có những trường hợp được báo cáo trong đó việc sử dụng đồng thời amphotericin B và hydrocortison dẫn đến chứng phì đại tim và suy tim sung huyết.
  • Các kháng sinh nhóm Macrolide đã được báo cáo là làm giảm đáng kể độ thanh thải corticosteroid.
  • Sử dụng đồng thời các thuốc kháng cholinesterase và corticosteroid có thể gây suy nhược nghiêm trọng ở bệnh nhân nhược cơ. Nếu có thể, nên ngừng thuốc kháng cholinesterase ít nhất 24 giờ trước khi bắt đầu điều trị bằng corticosteroid.
  • Sử dụng đồng thời corticosteroid và Warfarin thường dẫn đến ức chế đáp ứng với Warfarin, mặc dù đã có một số báo cáo mâu thuẫn. Do đó, người bệnh nên theo dõi thường xuyên các chỉ số đông máu để duy trì hiệu quả chống đông máu mong muốn.
  • Thuốc trị tiểu đường: Vì corticosteroid có thể làm tăng nồng độ glucose trong máu nên có thể cần phải điều chỉnh liều lượng của thuốc trị đái tháo đường.
  • Thuốc chống lao: Nồng độ isoniazid trong huyết thanh có thể giảm.
  • Cholestyramine có thể làm tăng độ thanh thải của corticosteroid.
  • Tăng hoạt động của cả cyclosporine và corticosteroid có thể xảy ra khi cả hai được sử dụng đồng thời. Co giật đã được báo cáo với việc sử dụng đồng thời này.
  • Kết quả âm tính giả trong xét nghiệm ức chế dexamethasone (DST) ở những bệnh nhân đang điều trị bằng indomethacin đã được báo cáo. Do đó, kết quả của DST nên được diễn giải một cách thận trọng ở những bệnh nhân này.
  • Dùng digitalis glycoside có thể tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim do hạ kali máu.
  • Ephedrin có thể tăng cường thanh thải chuyển hóa của corticosteroid, dẫn đến giảm nồng độ trong máu và giảm hoạt động sinh lý, do đó cần tăng liều corticosteroid.
  • Estrogen có thể làm giảm chuyển hóa ở gan của một số corticosteroid, do đó làm tăng tác dụng của chúng.
  • Chất gây cảm ứng, chất ức chế và chất nền cho gan: Các loại thuốc gây ra hoạt động của enzyme cytochrom P450 3A4 (CYP 3A4) (Barbiturate, Phenytoin, Carbamazepine, Rifampin) có thể làm tăng chuyển hóa corticosteroid và yêu cầu tăng liều corticosteroid. Các thuốc ức chế CYP 3A4 (Ketoconazole, kháng sinh nhóm macrolide như Erythromycin) có khả năng dẫn đến tăng nồng độ corticosteroid trong huyết tương.
  • Ketoconazole đã được báo cáo là làm giảm chuyển hóa của một số corticosteroid lên đến 60%, dẫn đến tăng nguy cơ tác dụng phụ của corticosteroid. Ngoài ra, riêng ketoconazole có thể ức chế tổng hợp corticosteroid ở tuyến thượng thận và có thể gây suy thượng thận khi ngừng corticosteroid.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS): Sử dụng đồng thời aspirin (hoặc các chất chống viêm không steroid khác) và corticosteroid làm tăng nguy cơ tác dụng phụ đường tiêu hóa. Aspirin nên được sử dụng thận trọng kết hợp với corticosteroid trong giảm prothrombin máu. Độ thanh thải của salicylat có thể tăng lên khi sử dụng đồng thời corticosteroid.
  • Phenytoin: Theo kinh nghiệm hậu mãi, đã có báo cáo về cả việc tăng và giảm nồng độ phenytoin khi sử dụng đồng thời Dexamethasone, dẫn đến những thay đổi trong kiểm soát cơn động kinh.
  • Corticosteroid có thể ức chế phản ứng với các xét nghiệm da.
  • Sử dụng đồng thời với Thalidomide nên thận trọng, vì hoại tử biểu bì độc hại đã được báo cáo.
  • Vắc-xin: Người bệnh đang điều trị bằng corticosteroid có thể biểu hiện phản ứng giảm dần đối với độc tố và vắc-xin sống hoặc bất hoạt do ức chế phản ứng kháng thể.

Trên đây là thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Hiprex. Lưu ý, Hiprex là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể xảy ra tác dụng không mong muốn.

Nguồn tham khảo: drugs.com, rxlist.com, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

361 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan