Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau gây buồn ngủ

Hiện nay, có rất nhiều cách điều chế thuốc giảm đau như thuốc giảm đau gây buồn ngủ và thuốc giảm đau không gây buồn ngủ. Trong đó, thuốc giảm đau gây buồn ngủ đặc biệt nguy hiểm khi đang lái xe. Vì thế, bạn nên uống thuốc ở nhà để kiểm tra thuốc này có gây cảm giác buồn ngủ cho bạn hay không.

1. Thuốc giảm đau không gây buồn ngủ

Paracetamol dạng viên đơn thuần thuộc nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau, không gây buồn ngủ, được sử dụng để điều trị các triệu chứng như đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau lưng, đau răng, sốt và cảm lạnh. Paracetamol với hàm lượng thông thường là 500mg, một thuốc khá an toàn nhưng nếu dùng không đúng liều có thể gây ngộ độc đặc biệt là gây hoại tử gan, cần phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hoặc theo kê toa của bác sĩ.

2. Thuốc giảm đau gây buồn ngủ

2.1. Thuốc giảm đau giãn cơ

Các thuốc giãn cơ sirdalud, decontractyl được chỉ định điều trị trong các trường hợp đau do co thắt cơ, rối loạn cân bằng và chức năng cột sống, trường hợp đau sau phẫu thuật, chấn thương tủy sống, thoát vị đĩa đệm, viêm xương khớp, tình trạng co cứng do thần kinh, bệnh xơ cứng rải rác tủy sống mạn tính, thoái hoá cột sống hay đột quỵ não. Tuy vậy, thuốc có nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, khô miệng, hạ huyết áp, nôn, rối loạn tiêu hóa, yếu cơ và gây buồn ngủ cũng nên thận trọng khi điều trị loại thuốc này.

Thuốc giảm đau giãn cơ
Thuốc giảm đau giãn cơ là thuốc giảm đau gây buồn ngủ

2.2. Thuốc giảm đau có chứa codein

Tác dụng chính của thuốc giảm đau có chứa codein là gây hưng phấn, giảm đau, giảm ho nhưng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn của codein tương tự như các opioid khác kể đến là làm cho người bệnh buồn ngủ, ngoài ra còn gây táo bón, chóng mặt, buồn nôn, nôn, chóng mặt, mất phương hướng mặc dù hiếm gặp và nhẹ hơn nhóm opioid. Đặc biệt có trường hợp bị co thắt phế quản, dị ứng hoặc suy hô hấp đã được báo cáo. Codein còn gây nghiện, hội chứng cai thuốc không phân biệt trên trẻ sơ sinh hay phụ nữ mang thai. Tránh sử dụng codein cùng với rượu bia, đồ uống có cồn vì có thể làm tăng tác dụng an thần của thuốc.

Ngoài ra, không lạm dụng efferalgan codein giảm đau. Viên nén sủi bọt efferalgan codein gồm hai hoạt chất paracetamol và codein. Phối hợp paracetamol hạ sốt, giảm đau và codein giảm đau trung ương sẽ cho tác dụng hiệp lực giảm đau mạnh hơn rất nhiều và thời gian tác dụng cũng kéo dài hơn thành phần đơn lẻ. Vì thế, các trường hợp đau vừa, đau nặng hay không đáp ứng với thuốc giảm đau ngoại biên khác thì có thể dùng viên phối hợp efferalgan codein để giảm đau hiệu quả hơn.

Đối với thành phần quá mẫn với paracetamol, codein, những người suy giảm chức năng gan, thận, suy hô hấp không được dùng thuốc này. Hoạt chất codein trong viên thuốc efferalgan codein có thể gây cảm giác buồn ngủ hoặc gây ngủ li bì nên thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc hoặc làm những công việc đòi hỏi có sự tỉnh táo và độ chính xác cao.

Gặp triệu chứng buồn nôn, nôn, chán ăn, xanh xao, đau bụng là do quá liều paracetamol còn khi bị quá liều codein thì bị tím tái, thở chậm do thuốc ức chế trung khu hô hấp, phát ban, nôn ói, ngứa, mất điều hòa, phù phổi cấp và buồn ngủ xảy ra ở người lớn. Khi quá liều codein sẽ giảm tần số hô hấp, các cơn ngừng thở, dấu hiệu phóng thích histamin, phù mặt, ban ngứa, trụy mạch, co đồng tử, co giật, bí tiểu ở trẻ em. Như vậy, nếu xảy ra các dấu hiệu ngộ độc như trên cần đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời để tránh những rủi ro không mong muốn.

2.3. Thuốc giảm đau tramadol

Tác dụng không mong muốn của tramadol tùy thuộc vào đáp ứng cá thể, thường gặp ở người cao tuổi như như rối loạn thần kinh, tâm thần, ảo giác, nhầm lẫn, hoang tưởng và xuất hiện cơn co giật khi sử dụng liều cao hoặc lên cơn động kinh khi dùng cùng lúc với các thuốc làm giảm ngưỡng kích thích khác.

Tác dụng phụ gây buồn ngủ cũng thường xảy ra, ngoài ra còn có buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, mệt mỏi, khô miệng, táo bón khi sử dụng kéo dài.

Các phản ứng hiếm gặp như đau dạ dày, phát ban, suy nhược cơ thể, thị lực giảm, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, tăng hoặc hạ huyết áp.

Các phản ứng rất hiếm gặp như phản ứng phản vệ, đôi khi dẫn đến sốc có thể gây tử vong, rối loạn tiết niệu, rối loạn hô hấp hoặc suy hô hấp nếu sử dụng liều vượt quá liều khuyến cáo hoặc dùng cùng lúc với thuốc giảm đau khác. Khi sử dụng một thời gian dài gây lệ thuộc thuốc, hội chứng cai thuốc với các triệu chứng kích động, lo âu, căng thẳng, mất ngủ, tăng động, run rẩy và ảnh hưởng trên đường tiêu hóa. Một số ca sử dụng tramadol còn làm tăng enzym gan.

Như vậy, thuốc giảm đau có gây buồn ngủ không? Bên cạnh thuốc paracetamol đơn độc không gây buồn ngủ thì các thuốc giảm đau gây buồn ngủ nên kể đến ở đây là nhóm opioid nói chung, cụ thể hơn là thuốc giảm đau có chứa codein, tramadol được chỉ định đối với những người bệnh cần giảm đau, giảm ho, chống tiêu chảy hoặc gây mê. Bên cạnh các tác dụng phụ về tính phụ thuộc của thuốc gây nghiện thì khi sử dụng cần chú ý đến tính gây buồn ngủ của thuốc, thận trọng đối với chuyên viên vận hành máy móc hoặc lái tàu xe.

thuốc giảm đau gây buồn ngủ
Hoạt chất codein trong viên thuốc efferalgan codein có thể gây cảm giác buồn ngủ

3. Cần chú ý gì khi dùng các loại thuốc giảm đau gây buồn ngủ

Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để biết rõ cần uống thuốc tại thời điểm nào trong ngày để tránh tác dụng phụ gây buồn ngủ, không ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt hay tránh gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.

Những người có nghề nghiệp đặc biệt như lái xe, người thường trực cơ quan, vận hành máy móc khi đi khám bệnh cần cho bác sĩ biết nghề nghiệp của mình để bác sĩ lựa chọn thuốc điều trị thích hợp tránh gây buồn ngủ, không ảnh hưởng đến năng suất làm việc.

Người bệnh khi sử dụng các loại thuốc này cần đọc tất cả các thành phần trên nhãn của thuốc và so sánh với các loại thuốc khác khi phối hợp nếu có đồng thời lưu ý những cảnh báo, đặc biệt là tác dụng phụ gây buồn ngủ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan