Công dụng thuốc Tanapolamin

Thuốc Tanapolamin thuộc nhóm thuốc chống dị ứng có thành phần Dexclorpheniramin maleat 2mg. Vậy công dụng của thuốc Tanapolamin 2mg là gì? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về loại thuốc này.

1. Công dụng của thuốc Tanapolamin 2mg

Thuốc được dùng để điều trị triệu chứng các biểu hiện dị ứng khác nhau: Viêm mũi (theo mùa hay quanh năm), viêm kết mạc, mề đay.

Mặt khác, Tanapolamin không được phép kê đơn trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh quá mẫn cảm với một trong các thành phần của thuốc.
  • Bệnh nhân có nguy cơ bị bí tiểu liên quan đến rối loạn niệu đạo tuyến tiền liệt.
  • Người bệnh glaucome góc đóng.
  • Khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi do đặc điểm của dạng bào chế.
  • Chống chỉ định thuốc Tanapolamin 6mg chống chỉ định cho trẻ em dưới 15 tuổi.
  • Phụ nữ có thai cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng thuốc.

2. Liều dùng và cách dùng thuốc Tanapolamin 2mg

2.1. Liều dùng

Đối với thuốc Tanapolamin hàm lượng 2mg sẽ được khuyến cáo với liều dùng như sau:

  • Trẻ em từ 6-12 tuổi: 1/2 viên, ngày 2-3 lần.
  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 1 viên, ngày 3-4 lần.
  • Các liều cách nhau ít nhất 4 giờ.

Đối với thuốc Tanapolamin hàm lượng 6mg sẽ được khuyến cáo với liều dùng như sau: Người lớn và trẻ em trên 15 tuổi uống 1 viên, ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. Thời gian điều trị phải ngắn, nên bắt đầu điều trị vào buổi tối do thuốc có thể gây buồn ngủ.

Thuốc Tanapolamin được xác định quá liều khi sử dụng ở liều lượng 12,5 - 25 mg/ kg thể trọng. Đây là mức độ quá liều nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của con người. Các triệu chứng nhận biết tình trạng này là: ngủ nhiều, kích thích nghịch thường hệ thần kinh trung ương: Loạn tâm thần, cơn động kinh, ngừng thở, co giật, tác dụng kháng muscarin, phản ứng loạn trương lực và trụy tim mạch, loạn nhịp.

Người bệnh khi xuất hiện các dấu hiệu trên cần ngay lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được có biện pháp xử trí. Bác sĩ sẽ thực hiện điều trị triệu chứng và hỗ trợ chức năng sống, cần chú ý đặc biệt đến chức năng gan, thận, hô hấp, tim và cân bằng nước, điện giải. Người bệnh có thể được chỉ định phương pháp rửa dạ dày hoặc gây nôn bằng siro ipecacuanha. Sau đó, cho dùng than hoạt tính và thuốc tẩy để hạn chế hấp thu.

Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý rằng không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tóm lại, để sử dụng thuốc an toàn, hãy sử dụng thuốc Tanapolamin đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, không sử dụng quá liều, nhỏ hơn hoặc lâu hơn so với chỉ định.

3. Tác dụng phụ của thuốc Tanapolamin

Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: buồn ngủ, tim đập nhanh, nguy cơ bí tiểu, hạ huyết áp tư thế, rối loạn cân bằng, chóng mặt, giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung, lẫn, ảo giác,... Một số tác dụng phụ hiếm hơn, chủ yếu ở nhũ nhi, có thể gây kích động, cáu gắt, mất ngủ...

Trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ luôn cân nhắc lợi ích và hiệu quả mà thuốc Tanapolamin đem lại nhiều hơn nguy cơ mắc tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số trường hợp khi dùng Tanapolamin vẫn có thể xảy ra tác dụng không mong muốn.

4. Tương tác thuốc Tanapolamin

Tương tác thuốc có thể làm giảm tác dụng của thuốc Tanapolamin, hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn. Do đó, bạn không nên sử dụng thuốc Tanapolamin với:

  • Rượu: làm tăng tác dụng an thần của thuốc kháng histamin H1. Điều này gây ra các triệu chứng giảm tập trung và không tỉnh táo. Như vậy đối với nhóm đối tượng thường xuyên lái xe hay vận hành máy móc sẽ rất nguy hiểm.
  • Các thuốc ức chế thần kinh trung ương khác (thuốc giảm đau và chống ho họ morphine, thuốc chống trầm cảm có tác dụng an thần, thuốc ngủ nhóm benzodiazepines, nhóm barbiturat, clonidine và các thuốc cùng họ, thuốc ngủ, methadone, thuốc an thần kinh, thuốc giải lo): tăng ức chế thần kinh trung ương. Việc giảm tập trung và tỉnh táo có thể gây nguy hiểm khi lái xe hay vận hành máy móc.
  • Atropine và các thuốc có tác động giống atropine (thuốc chống trầm cảm nhóm imipramine, thuốc chống liệt rung có tác động kháng cholinergic, thuốc chống co thắt có tác động giống atropine, disopyramide, thuốc an thần kinh nhóm phenothiazine): tăng các tác dụng ngoại ý của nhóm atropine như gây bí tiểu, táo bón, khô miệng.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Tanapolamin

  • Dexclorpheniramin có thể làm tăng nguy cơ bị tiểu tiện do tác dụng phụ chống tiết acetylcholin của thuốc, đặc biệt ở người bị phì đại tuyến tiền liệt, tắc đường niệu, tắc môn vị tá tràng và làm trầm trọng thêm ở người bệnh nhược cơ.
  • Có nguy cơ biến chứng đường hô hấp, suy giảm hô hấp và ngừng thở ở người bị tắc nghẽn phổi hay trẻ em nhỏ. Thận trọng khi có bệnh phổi mạn tính, thở ngắn hoặc khó thở.
  • Có nguy cơ bị sâu răng ở những người bệnh điều trị thời gian dài, do tác dụng chống tiết acetylcholin, gây khô miệng.
  • Thuốc có thể gây ngủ gà, chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ và suy giảm tâm thần vận động ở một số người bệnh. Tránh dùng cho người lái tàu xe hoặc điều khiển máy móc.
  • Tránh dùng cho người bị bệnh tăng nhãn áp.
  • Dùng thuốc thận trọng với người cao tuổi (lớn hơn 60 tuổi) vì những người này thường tăng nhạy cảm với tác dụng chống tiết acetylcholin.
  • Dùng thuốc thận trọng đối với bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân không dung nạp lactose vì thuốc có chứa lactose.
  • Chỉ dùng cho người mang thai khi thật cần thiết. Không dùng thuốc trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
  • Dexclorpheniramin có thể được tiết qua sữa mẹ và ức chế tiết sữa. Vì các thuốc kháng histamin có thể gây phản ứng nghiêm trọng với trẻ bú mẹ, nên cần cân nhắc hoặc không cho con bú hoặc không dùng thuốc, tùy thuộc mức độ cần thiết của thuốc đối với người mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

231 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan