Công dụng thuốc Parkxime

Parkxime có thành phần chính là Fexofenadine, một thuốc kháng histamin thế hệ hai. Thuốc có tác dụng đối kháng đặc hiệu và chọn lọc trên thụ thể H1 ở hệ tiêu hóa, hô hấp và mạch máu. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc Parkxime.

1. Parkxime là thuốc gì?

Parkxime là sản phẩm của công ty Aurochem Pharma Pvt., được bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Thuốc Parkxime chứa hoạt chất chính là Fexofenadine, một thuốc kháng histamin thế hệ hai, có tác dụng đối kháng đặc hiệu và chọn lọc trên thụ thể H1. Fexofenadine là chất chuyển hóa có hoạt tính của terfenadin, có tác dụng cạnh tranh với histamin tại các thụ thể H1 ở hệ tiêu hóa, mạch máu và đường hô hấp. Thuốc Parkxime không có độc tính trên tim vì không ức chế kênh kali liên quan đến sự tái cực ở tế bào cơ tim. Fexofenadine hầu như không có tác dụng đối kháng acetylcholin, đối kháng dopamin và không ức chế thụ thể alpha 1 hoặc beta-adrenergic. Ở liều điều trị, thuốc Parkxime không gây ngủ hoặc ảnh hưởng đến thần kinh trung ương. Thuốc Parkxime hấp thu tốt khi dùng đường uống và bắt đầu phát huy tác dụng sau uống 60 phút. Tác dụng kháng histamin có thể kéo dài trên 12 giờ.

2. Công dụng của thuốc Parkxime

Thuốc Parkxime được chỉ định trong điều trị triệu chứng trong viêm mũi dị ứng theo mùa, mày đay mạn tính ở người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.

Thuốc Parkxime chống chỉ định ở các bệnh nhân quá mẫn với Fexofenadine, Terfenadine hoặc với bất cứ thành phần nào trong công thức.

3. Liều dùng của thuốc Parkxime

3.1 Liều dùng thuốc Parkxime

Người lớn:

  • Điều trị viêm mũi dị ứng: Liều khuyến cáo là 60mg x 2 lần/ngày hoặc 180 mg, uống 1 lần/ngày.
  • Điều trị mày đay mạn tính vô căn: Liều khuyến cáo là 60mg x 2 lần/ngày hoặc 180 mg, uống 1 lần/ngày.

Trẻ em:

Điều trị viêm mũi dị ứng:

  • Trẻ em > 12 tuổi, dùng liều 60 mg x 2 lần/ngày hoặc 180 mg, uống 1 lần/ngày.
  • Trẻ em từ 2 đến 11 tuổi nên dùng liều 30 mg x 2 lần/ngày.

Mày đay mạn tính vô căn:

  • Trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Liều khuyến cáo là 60mg x 2 lần/ngày hoặc 180mg, uống 1 lần/ngày.
  • Trẻ em từ 2 đến 11 tuổi: Khuyến cáo dùng liều 30mg x 2 lần/ngày.
  • Trẻ em từ 6 tháng tới 2 tuổi: Khuyến cáo dùng liều 15mg một lần x 2 lần mỗi ngày.
  • Trẻ em từ 2 đến 11 tuổi bị suy thận: Liều khuyến cáo là 30mg x 1 lần/ngày.

Đối tượng khác:

  • Người lớn bị suy thận và người cao tuổi: Nên bắt đầu với liều 60mg uống 1 lần/ngày và điều chỉnh theo chức năng thận của bệnh nhân. Cụ thể như sau:
  • Độ lọc cầu thận > 50mL/phút: Không cần điều chỉnh liều lượng khi dùng hai lần mỗi ngày (tức là 60 mg mỗi 12 giờ).
  • Độ lọc cầu thận 10 đến 50 mL/phút: Sử dụng sau mỗi 12 đến 24 giờ.
  • Độ lọc cầu thận <10 mL/phút: Sử dụng sau mỗi 24 giờ.
  • Thẩm phân máu ngắt quãng hoặc thẩm phân phúc mạc: Sử dụng thuốc sau mỗi 24 giờ.
  • Điều trị thay thế thận liên tục (CRRT): Khuyến cáo dùng liều 60 mg mỗi 24 giờ.

3.2. Cách dùng thuốc Parkxime

Thuốc Parkxime được dùng bằng đường uống. Thời điểm uống thuốc không phụ thuộc vào bữa ăn.

4. Tác dụng phụ của thuốc Parkxime là gì?

Bệnh nhân sử dụng thuốc Parkxime có thể gặp phải các tác dụng phụ bao gồm:

Tần suất > 10%:

  • Hệ thần kinh trung ương: Nhức đầu;
  • Tiêu hóa: Nôn.

Tần suất 1 đến 10%:

  • Hệ thần kinh trung ương: Buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, đau, rối loạn giấc ngủ;
  • Tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, nôn, khó tiêu;
  • Hệ sinh dục: Đau bụng kinh;
  • Nhiễm trùng: Nguy cơ nhiễm virus, nhiễm trùng đường hô hấp trên, lậu;
  • Thần kinh cơ xương: Đau cơ, đau lưng, đau chân tay;
  • Khác: Viêm tai giữa, ho, sốt, phản ứng quá mẫn (bao gồm phản vệ, phù mạch, tức ngực, khó thở, đỏ bừng, ngứa, phát ban da, mày đay), mất ngủ, lo lắng, ác mộng.

5. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Parkxime

  • Cần thận trọng và điều chỉnh liều thích hợp khi dùng thuốc Parkxime cho người có chức năng thận suy giảm vì nồng độ thuốc trong huyết tương tăng.
  • Cần thận trọng khi dùng thuốc Parkxime cho người cao tuổi vì bệnh nhân thường bị suy giảm sinh lý chức năng thận.
  • Độ an toàn và tính hiệu quả của thuốc Parkxime ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi chưa được xác định.
  • Cần ngừng thuốc Parkxime ít nhất 24 - 48 giờ trước khi tiến hành các thử nghiệm kháng nguyên tiêm trong da.
  • Khi sử dụng kết hợp với Pseudoephedrine, nên xem xét các lưu ý và chống chỉ định liên quan đến Pseudoephedrine. Tránh sử dụng chế phẩm kết hợp cố định chứa 180mg Fexofenadine hydrochloride và 240mg Pseudoephedrine hydrochloride ở bệnh nhân suy thận do nguy cơ tích tụ Pseudoephedrine.
  • Nguy cơ quá liều và độc tính ở trẻ em dưới 2 tuổi khi dùng các chế phẩm không kê đơn có chứa thuốc kháng histamin, thuốc long đờm, giảm ho và thuốc thông mũi để giảm các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên. Do đó, không khuyến cáo sử dụng các sản phẩm trên ở bệnh nhi < 2 tuổi và khuyến cáo sử dụng thận trọng ở bệnh nhi ≥ 2 tuổi.
  • Quá liều: Thông tin về độc tính do quá liều Fexofenadine còn hạn chế. Triệu chứng quá liều có thể bao gồm buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng. Để xử lý khi quá liều thuốc Parkxime, nên sử dụng các biện pháp thông thường để loại bỏ phần thuốc chưa được hấp thu ở ống tiêu hoá (gây nôn và rửa dạ dày), điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng cho bệnh nhân. Thẩm phân máu làm giảm nồng độ thuốc Parkxime trong máu không đáng kể.
  • Phụ nữ có thai: Hiện tại chưa có đầy đủ dữ liệu về việc dùng thuốc Parkxime trên người mang thai. Do đó chỉ dùng thuốc cho phụ nữ đang mang thai khi lợi ích vượt trội nguy cơ.
  • Phụ nữ cho con bú: Fexofenadine có thể phân bố vào sữa mẹ. Buồn ngủ và khó chịu đã được báo cáo ở trẻ bú mẹ tiếp xúc với thuốc kháng histamin. Nếu trẻ sơ sinh bú sữa mẹ tiếp xúc với thuốc kháng histamin thế hệ thứ hai qua sữa mẹ, trẻ phải được theo dõi cẩn thận về tình trạng khó chịu, bồn chồn hoặc buồn ngủ.

6. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi hiệu quả điều trị và/hoặc gia tăng tác dụng phụ. Tốt nhất bệnh nhân nên thông báo cho y bác sĩ tất cả các loại thuốc, bao gồm thuốc kê toa, không kê toa và cả thực phẩm chức năng để được tư vấn. Sau đây là một số tương tác cần lưu ý khi sử dụng thuốc Parkxime:

  • Erythromycin và Ketoconazol có thể làm tăng nồng độ Fexofenadine trong huyết tương nhưng không làm thay đổi khoảng QT.
  • Không sử dụng đồng thời Fexofenadine với các thuốc kháng acid chứa nhôm, magnesi vì có thể làm giảm hấp thu Fexofenadine.
  • Fexofenadine có thể làm tăng nồng độ cồn, các chất an thần và các chất kháng cholinergic.
  • Fexofenadine có thể làm giảm nồng độ các thuốc ức chế Acetylcholinesterase và Betahistine.
  • Nước bưởi chùm có thể làm nồng độ của Fexofenadine.
  • Rifampin có thể làm giảm nồng độ trong huyết thanh của Fexofenadine.

Trên đây là các thông tin tổng quan về thuốc Parkxime. Các thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế hướng dẫn của nhân viên y tế. Bệnh nhân không được tự ý dùng mà cần tham khảo ý kiến nhân viên y tế.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

101 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan