Công dụng thuốc Lignopad

Thuốc Lignopad được bào chế dưới dạng miếng dán da, có tác dụng gây tê tại chỗ, nhằm điều trị hiệu quả tình trạng nhiễm Herpes zoster. Khi sử dụng miếng dán Lignopad, bệnh nhân cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và tần suất để đảm bảo sớm đạt hiệu quả trị liệu.

1. Lignopad là thuốc gì?

Lignopad thuộc danh mục thuốc da liễu, thường được dùng cho các trường hợp bị nhiễm Herpes zoster. Thuốc Lignopad được sản xuất bởi Teikoku Seiyaku Co., Ltd – Nhật Bản dưới dạng miếng dán, mỗi hộp bao gồm 5 gói x 2 miếng dán hoặc 2 gói x 5 miếng dán.

Thành phần dược chất chính của thuốc Lignopad là Lidocain hàm lượng 0,7g (5% kl / kl). Mỗi miếng dán Lignopad có kích thước 10 cm x 14 cm, có màu trắng và trên bề mặt thuốc được dập chữ "Lidocaine 5%".

2. Thuốc Lignopad có tác dụng gì?

2.1 Công dụng của hoạt chất Lidocain

Lidocain trong thuốc Lignopad có tác dụng gây tê tại bề mặt nhờ khả năng thẩm thấu tốt qua lớp niêm mạc. Theo nghiên cứu cho thấy, tác dụng gây tê của Lidocain mạnh hơn Procain gấp 3 – 4 lần, hơn nữa cũng ít độc hơn. Tác dụng của hoạt chất Lidocain thường xuất hiện nhanh chóng và có xu hướng kéo dài.

Ngoài tác dụng gây tê, Lidocain cũng giúp ổn định màng tế bào, nhờ đó rút ngắn thời kỳ trơ của tim. Không giống với Quinidin, Lidocain đa phần không gây ảnh hưởng tới dẫn truyền nội tại của cơ tim, vì vậy ít tác động tới sức co bóp của cơ tim cũng như mạch ngoại vi.

Nguyên lý gây tê của Lidocain dựa trên việc làm giảm tính thấm của màng tế bào đối với Ion Na+ nhờ liên kết với mặt trong của màng tế bào. Điều này giúp ngăn chặn quá trình khử cực màng tế bào và dẫn truyền xung động thần kinh, dẫn đến tác dụng tê bề mặt. Thông qua làm tê, Lidocain có thể làm giảm mức độ hoạt động của kênh natri, giúp giảm đau nhanh chóng.

2.3 Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Lignopad

Hiện nay, miếng dán Lignopad thường được sử dụng nhằm làm giảm hiệu quả các triệu chứng đau thần kinh xảy ra sau khi nhiễm Herpes zoster. Tuy nhiên, cần tránh tự ý dùng thuốc Lignopad cho các đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Người bệnh có tiền sử quá mẫn hoặc dị ứng với hoạt chất Lidocain hay bất kỳ tá dược nào có trong công thức thuốc.
  • Chống chỉ định Lignopad cho người quá mẫn cảm với thuốc gây tê tại chỗ thuộc nhóm Amide.
  • Không dùng miếng dán Lignopad cho người đang có vùng da bị viêm hoặc tổn thương.

3. Hướng dẫn sử dụng Lignopad đúng cách

Theo khuyến nghị của bác sĩ, chỉ nên sử dụng thuốc Lignopad khi có lợi ích điều trị đối với bệnh nhân. Sản phẩm được dùng chủ yếu cho người lớn và người cao tuổi. Dưới đây là cách sử dụng thuốc Lignopad an toàn và hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:

  • Loại bỏ sạch lông/ tóc trên khu vực da cần trị liệu, nên dùng miếng dán sau khi các nốt bọng nước do Herpes zoster gây ra đã lành. Đặt miếng dán lên vùng da bị đau với tần suất 1 lần tối đa 12 giờ, dùng vào ban ngày hoặc đêm đều được.
  • Trong trường hợp vùng da nhiễm Herpes zoster nhỏ hơn so với kích thước miếng dán, bạn có thể cắt nhỏ thành nhiều miếng trước khi bóc tấm phim bao phủ. Tránh dùng quá 3 miếng có kích thước lớn 10cm x 14cm cùng 1 thời điểm. Tốt nhất, khoảng cách giữa 2 lần dán thuốc nên tối thiểu 12 giờ.
  • Nếu không đáp ứng điều trị sau 2 – 4 tuần hoặc các triệu chứng bệnh thuyên giảm chỉ nhờ tác dụng bảo vệ da của miếng dán, bệnh nhân nên ngừng dùng thuốc và báo cho bác sĩ nhằm ngăn ngừa những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn khác.

4. Thuốc Lignopad gây ra các tác dụng phụ gì khi dùng?

Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ dưới đây trong quá trình điều trị với thuốc Lignopad, bao gồm:

  • Phản ứng thường gặp: Viêm da, nóng đỏ tại chỗ, phát ban đỏ, kích ứng da, ngứa ngáy hoặc xuất hiện vết rộp da.
  • Phản ứng ít gặp: Tổn thương vùng da dán thuốc.
  • Phản ứng hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, quá mẫn cảm với thuốc hoặc tạo vết thương hở.

Đa phần các triệu chứng bất lợi liên quan đến thuốc Lignopad thường ở mức nhẹ hoặc trung bình. Chỉ khoảng 5% trường hợp bệnh nhân gặp những phản ứng buộc phải ngừng điều trị. Mặt khác, hiếm khi xảy ra các tác dụng phụ toàn thân bởi thành phần Lidocain trong miếng dán Lignopad thường có nồng độ rất thấp. Các phản ứng toàn thân của Lignopad cũng xảy ra tương tự như một số loại thuốc gây tê tại chỗ thuộc nhóm Amide khác. Tốt nhất, khi gặp phải bất kỳ tác dụng phụ ngoại ý nào, bệnh nhân nên ngừng dùng thuốc và báo cho bác sĩ sớm để được xử trí đúng cách.

5. Những lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc Lignopad

Trong quá trình điều trị nhiễm Herpes zoster với thuốc Lignopad, bệnh nhân cần lưu ý và thận trọng một số điều sau:

  • Thận trọng khi quyết định dùng thuốc Lignopad cho bệnh nhân bị suy tim, suy gan hoặc suy thận nghiêm trọng.
  • Không dùng Lignopad cho bệnh nhi dưới 18 tuổi do chưa có đủ nghiên cứu lâm sàng chứng minh độ hiệu quả và an toàn mà sản phẩm mang lại cho đối tượng này.
  • Tuyệt đối không dán Lignopad lên niêm mạc hoặc vùng da có vết thương hở nhằm ngăn ngừa nguy cơ gặp phải các tác dụng bất lợi.
  • Tránh để mắt tiếp xúc trực tiếp với Lignopad vì miếng dán có nguy cơ gây phản ứng dị ứng hoặc kích ứng mắt.
  • Thận trọng khi dùng miếng dán Lignopad cho người đang sử dụng các thuốc gây tê tại chỗ khác hoặc uống thuốc chống loạn nhịp tim (nhóm I).
  • Nguy cơ kích ứng da có thể xuất hiện vì Lignopad có chứa thành phần Propylene glycol.
  • Một số nghiên cứu lâm sàng trên chuột đã cho thấy, chất chuyển hóa của Lidocain có thể gây ung thư và đột biến tế bào. Vì vậy, chỉ nên sử dụng miếng dán Lignopad khi mặt lợi ích lớn hơn so với rủi ro điều trị.
  • Hoạt chất Lidocain có thể vượt qua hàng rào nhau thai, tốt nhất không nên sử dụng cho phụ nữ đang mang thai khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Hoạt chất Lidocain cũng được bài tiết vào sữa mẹ. Mặc dù thành phần này có tốc độ chuyển hóa khá nhanh và chủ yếu ở gan, tuy nhiên nó vẫn có nguy cơ gây ra một số bất lợi cho phụ nữ đang trong giai đoạn nuôi con bú.
  • Kiểm tra hạn dùng của miếng dán Lignopad nhằm tránh nguy cơ dùng thuốc đã hết hạn.
  • Khi dùng quá liều Lidocain gây tê tại chỗ có thể dẫn đến các triệu chứng độc toàn thân như chóng mặt, giãn đồng tử, nôn ói, co giật, rối loạn nhịp tim, nhịp tim chậm và sốc phản vệ. Khi có các dấu hiệu trên, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế sớm để được hỗ trợ xử trí.
  • Bảo quản miếng dán Lignopad tại nơi khô thoáng, không quá 30 độ C và tránh khu vực có độ ẩm cao.

Trên đây là các thông tin về thuốc Lignopad. Lưu ý, Lignopad là thuốc kê đơn, cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh không nên tự ý dùng vì có thể gặp phải tác dụng không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

962 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan