Thuốc Invanz 1g được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn từ trung bình tới nghiêm trọng do các vi khuẩn nhạy cảm với Ertapenem. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về công dụng, liều dùng và lưu ý khi dùng thuốc Invanz 1g.
1. Thuốc Invanz 1g có tác dụng gì?
Thuốc Invanz 1g là 1-B methyl-carbapenem tổng hợp, dùng đường tiêm, có tác dụng kéo dài và có cấu trúc dạng beta-lactam, như là penicillin và cephalosporin, có hoạt tính chống lại vi khuẩn kỵ khí và ưa khí, gram âm và gram dương.
Invanz được bào chế dưới dạng bột đông khô vô khuẩn để pha truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Mỗi lọ chứa lg Ertapenem gốc acid tự do. Mỗi lọ Invanz còn chứa các tá dược sau: 175mg bicarbonat natri và hydroxid natri để điều chỉnh pH tới 7,5.
2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Invanz
2.1. Chỉ định sử dụng thuốc Invanz
Invanz được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn từ trung bình tới nghiêm trọng do các vi khuẩn nhạy cảm với Ertapenem, trong điều trị khởi đầu theo kinh nghiệm trước khi xác định được vi khuẩn gây bệnh trong các bệnh nhiễm khuẩn sau:
- Nhiễm khuẩn ổ bụng có biến chứng.
- Nhiễm khuẩn da và tổ chức da có biến chứng, bao gồm nhiễm khuẩn chi dưới và bàn chân do đái tháo đường.
- Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng, viêm thận bể thận
- Nhiễm khuẩn vùng chậu cấp, viêm nội mạc - cơ tử cung sau sinh, nạo thai nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn phụ khoa sau mổ.
- Nhiễm khuẩn huyết.
- Thuốc Invanz 1g được chỉ định để dự phòng nhiễm trùng tại chỗ ở người lớn trong phẫu thuật đại trực tràng theo chương trình mổ phiên.
2.2. Chống chỉ định Invanz
- Dị ứng, quá mẫn với Ertapenem hoặc các thành phần của Invanz và kháng sinh cùng nhóm, bệnh nhân đã có phản ứng phản vệ với beta-lactam.
- Do sử dụng dung môi lidocain HCI để pha dung dịch tiêm bắp, nên chống chỉ định tiêm bắp thuốc Invanz 1g cho bệnh nhân được biết quá mẫn với thuốc tê nhóm amid và ở bệnh nhân bị sốc nghiêm trọng hoặc block tim.
3. Cách dùng và liều dùng thuốc Invanz
3.1. Liều dùng
Liều thường dùng của Invanz ở bệnh nhân từ 13 tuổi trở lên là 1g x 1 lần/ngày.
Liều thường dùng của Invanz ở bệnh nhi từ 3 tháng đến 12 tuổi là 15 mg/kg x 2 lần/ngày (không quá l g/ ngày).
Dự phòng nhiễm trùng tại chỗ ở người lớn sau phẫu thuật đại trực tràng theo chương trình mổ phiên: liều khuyến cáo là 1g truyền tĩnh mạch, liều duy nhất 1 giờ trước khi phẫu thuật.
Bệnh nhân suy thận: có thể sử dụng thuốc Invanz 1g điều trị nhiễm khuẩn ở người lớn bị suy thận. Nếu độ thanh thải creatinin >30ml/phút thì không cần điều chỉnh liều, độ thanh thải creatinin <30ml/phút thì dùng liều 500mg/ngày. Bệnh nhân thẩm tách máu: Nếu liều ertapenem hàng ngày được dùng trong vòng 6 giờ trước khi thẩm tách, cần sử dụng thêm một liều 150 mg sau khi thẩm tách xong. Không cần bổ sung thêm liều nếu ertapenem được dùng trên 6 giờ trước khi thẩm tách máu.
Bệnh nhân suy gan: không cần điều chỉnh liều thuốc Invanz 1g.
3.2. Cách dùng
Có thể dùng thuốc Invanz truyền tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Nếu dùng đường truyền tĩnh mạch, thời gian truyền phải hơn 30 phút.
Thời gian điều trị với Invanz thông thường là 3-14 ngày, nhưng thay đổi tùy theo vị trí và mức độ nghiêm trọng nhiễm khuẩn, vi khuẩn gây bệnh, đáp ứng lâm sàng của người bệnh. Nếu có chỉ định lâm sàng, khi thấy bệnh nhân có cải thiện về lâm sàng có thể chuyển sang kháng sinh đường uống.
4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Invanz
Đã có báo cáo phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, thậm chí tử vong ở bệnh nhân dùng kháng sinh beta-lactam. Phản ứng này dễ gặp hơn ở người có tiền sử mẫn cảm, dị ứng với nhiều loại dị nguyên. Một số bệnh nhân có tiền sử quá mẫn với penicillin cũng có phản ứng quá mẫn nghiêm trọng khi dùng beta-lactam khác. Do đó, trước khi dùng thuốc Invanz 1g, cần hỏi kỹ bệnh nhân về phản ứng quá mẫn trước đây với các penicillin, cephalosporin, các Beta-lactam và dị nguyên khác. Trường hợp bệnh nhân gặp phản ứng dị ứng với thuốc Invanz 1g, phải ngừng thuốc ngay và điều trị cấp cứu kịp thời.
Co giật và tác dụng phụ khác trên hệ thống thần kinh trung ương đã được báo cáo trong quá trình sử dụng Invanz. Theo một nghiên cứu lâm sàng ở bệnh nhân người lớn được điều trị bằng Invanz 1g/lần/ngày, cơn co giật bất kể có liên quan tới thuốc hay không, xảy ra ở 0,5% bệnh nhân trong thời gian điều trị và 14 ngày theo dõi sau đó. Tác dụng phụ này xảy ra phổ biến nhất ở bệnh nhân bị rối loạn thần kinh trung ương (tổn thương não hoặc tiền sử động kinh) hoặc chức năng thận bị tổn hại. Khuyến cáo tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị, đặc biệt ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ dẫn đến co giật.
Không khuyến cáo dùng acid valproic hoặc divalproex sodium chung với ertapenem. Có thể dùng các kháng sinh khác ngoài carbapenems để trị các bệnh nhiễm khuẩn ở các bệnh nhân đang được kiểm soát tốt cơn co giật với acid valproic hoặc divalproex sodium. Trường hợp cần thiết phải dùng thuốc Invanz 1g, có thể xem xét dùng thêm một liệu pháp chống co giật khác.
Cũng như các kháng sinh khác, sử dụng thuốc Invanz 1g điều trị kéo dài sẽ làm tăng sinh các chủng vi khuẩn không nhạy cảm với kháng sinh này. Cần đánh giá liên tục tình trạng đáp ứng điều trị của bệnh nhân. Nếu bội nhiễm xảy ra trong khi điều trị, cần điều chỉnh phác đồ điều trị thích hợp.
Đã có báo cáo về viêm đại tràng giả mạc, từ mức độ nhẹ tới ảnh hưởng tới tính mạng với hầu hết các thuốc kháng sinh kể cả ertapenem. Do đó, cần nghĩ tới biến chứng này khi bệnh nhân bị tiêu chảy trong thời gian dùng thuốc Invanz điều trị.
Phụ nữ mang thai: Chưa có nghiên cứu đầy đủ về tính an toàn khi sử dụng Ertapenem ở phụ nữ mang thai. Chỉ dùng thuốc Invanz 1g cho phụ nữ mang thai nếu lợi ích điều trị lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra cho mẹ và thai nhi.
Phụ nữ đang cho con bú: Ertapenem bài tiết vào sữa mẹ. Thận trọng khi dùng thuốc Invanz 1g cho phụ nữ đang cho con bú.
5. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Invanz
Theo các nghiên cứu lâm sàng báo cáo rằng những tác dụng bất lợi khi sử dụng thuốc Invanz có mức độ nhẹ đến trung bình, chiếm khoảng 20% bệnh nhân sử dụng Ertapenem. Chỉ khoảng 1,3% bệnh nhân phải ngừng thuốc Invanz do phản ứng bất lợi liên quan đến thuốc.
- Hệ miễn dịch: phản vệ, dị ứng.
- Rối loạn tâm thần: thay đổi trạng thái tâm thần (bao gồm kích động, hung hăng, mê sảng, mất phương hướng, các thay đổi trạng thái tâm thần)
- Rối loạn hệ thần kinh: đau đầu, choáng váng, buồn ngủ,mất ngủ, co giật, lú lẫn, giảm ý thức, loạn vận động, bất thường về dáng đi, ảo giác, giật rung cơ, run.
- Rối loạn tim mạch: hạ huyết áp, thoát mạch, biến chứng ở tĩnh mạch tại chỗ tiêm, viêm tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch huyết khối.
- Rối loạn tiêu hoá: tiêu chảy, buồn nôn, nôn, nhiễm nấm Candida miệng, táo bón, khô miệng, khó tiêu, chán ăn.
- Rối loạn da và mô dưới da: ban đỏ, ngứa, phát ban do thuốc với tăng bạch cầu ưa acid và những triệu chứng toàn thân.
- Rối loạn cơ xương khớp và mô liên kết: yếu cơ
6. Tương tác thuốc
- Probenecid: Thuốc cạnh tranh dẫn đến ức chế sự đào thải chủ động Ertapenem qua ống thận, nên có thể làm tăng thời gian bán thải và nồng độ của Ertapenem trong cơ thể. Tuy nhiên không cần điều chỉnh liều ertapenem khi phối hợp với probenecid.
- Acid valproic: Dùng đồng thời với thuốc Invanz sẽ làm giảm nồng độ của thuốc này, do đó làm tăng nguy có bộc phát cơn co giật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.