Thuốc Atropin 0,1% được chỉ định trong điều trị giảm co thắt trong các bệnh lý đường tiêu hóa, tăng tiết mồ hôi, chứng nôn khi đi tàu xe,... Bạn có thể tham khảo thông tin về thuốc Atropin 0.1% qua bài viết dưới đây.
1. Công dụng của thuốc Atropin 0,1%
“Thuốc Atropin 0,1% có tác dụng gì?”. Thuốc Atropin 0,1% chứa hoạt chất Atropin sulfat 1mg/ml bào chế dưới dạng dung dịch tiêm.
Atropin 0,1% được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Chỉ định trong tiền phẫu thuật nhằm làm giảm tiết dịch phế quản và nước bọt.
- Hồi sức tim phổi nhằm làm chậm nhịp xoang, suy nút xoang.
- Điều trị chậm nhịp xoang ở người bệnh có các triệu chứng do thuốc hoặc các chất độc hại gây ra như thuốc trừ sâu Organophosphat, Pilocarpin, nấm Amanita muscaria.
- Kiểm soát nhịp tim chậm ở người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp tính.
- Phòng ngừa tác dụng cholinergic trên tim như chậm nhịp tim, loạn nhịp tim trong phẫu thuật.
- Kết hợp với Neostigmin làm đảo ngược tác dụng của thuốc giãn cơ không khử cực.
2. Cơ chế tác dụng của thuốc
Atropin là hoạt chất thuộc nhóm alcaloid kháng Muscarin - một amin bậc ba tác dụng lên cả hệ thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên. Atropin tác dụng ức chế cạnh tranh với Acetylcholin tại các thụ thể muscarin của các cơ quan chịu sự chi phối của hệ phó giao cảm, ức chế tác dụng của Acetylcholin tại cơ trơn. Thuốc được dùng trong ức chế tác dụng của hệ thần kinh phó giao cảm, tại liều triều trị Atropin tác dụng yếu lên thụ thể Nicotin.
3. Liều dùng của thuốc Atropin 0,1%
Atropin 0,1% thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều thuốc sử dụng cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa trên tình trạng người bệnh.
Một số khuyến cáo về liều thuốc Atropin 0,1% như sau:
- Atropin 0,1% dùng trong tiền phẫu thuật:
- Người trưởng thành: Liều thuốc khuyến cáo là 300 - 600μg tiêm tĩnh mạch trước khi gây mê hoặc tiêm dưới da, tiêm bắp một giờ trước khi gây mê.
- Trẻ em: Tiêm dưới da 30 phút trước khi gây mê với liều dùng khuyến cáo theo cân nặng như sau: Trẻ sinh non dùng liều 65μg, trẻ em từ 3kg trở xuống dùng liều 100μg, trẻ em từ 7 - 9kg dùng liều 200μg, trẻ em từ 12 - 16kg dùng liều 300μg, trẻ em từ 20 - 27kg dùng liều 400μg, trẻ em từ 41kg trở lên dùng liều 600μg.
- Atropin 0,1% dùng làm chất giải độc chất ức chế Cholinesterase:
- Người trưởng thành: Dùng liều 2mg tốt nhất là tiêm tĩnh mạch, lặp lại liều cho đến khi xuất hiện dấu hiệu ngộ độc Atropin.
- Trẻ em: Dùng liều 50μg/ kg tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, lặp lại liều cho đến khi xuất hiện dấu hiệu ngộ độc Atropin.
- Giải độc thuốc trừ sâu Organophosphat, ngộ độc nấm:
- Người trưởng thành: Dùng liều 2mg tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, lặp lại liều cho đến khi các dấu hiệu, triệu chứng Muscarin giảm dần.
- Trẻ em: Dùng liều 50μg/ kg tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, lặp lại liều cho đến khi các dấu hiệu, triệu chứng Muscarin giảm dần.
Đảo ngược tác dụng của thuốc giãn cơ không khử cực: Liều thuốc Atropin 0,1% khuyến cáo ở người trưởng thành là 0,6 - 1,2mg tiêm tĩnh mạch kết hợp với Neostigmin Methylsulfat.
Atropin 0,1% dùng trong hồi sức tim phổi: Người trưởng thành dùng liều 3mg tiêm tĩnh mạch một lần, trẻ em dùng liều 20μg/ kg tiêm tĩnh mạch một lần.
Atropin 0,1% dùng trong điều trị loạn nhịp tim: Người bệnh có nhịp tim chậm, đặc biệt là kèm theo biến chứng do hạ huyết áp nên dùng liều khởi đầu khuyến cáo là 300μg tiêm tĩnh mạch, tăng liều dùng lên 1mg trong trường hợp cần thiết.
4. Tác dụng phụ của thuốc Atropin 0,1%
Thuốc Atropin 0,1% có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải tác dụng phụ trong thời gian điều trị bằng thuốc Atropin 0,1%.
5. Chống chỉ định dùng thuốc Atropin 0,1%
Chống chỉ định sử dụng thuốc Atropin 0,1% trong những trường hợp sau:
- Người bệnh mẫn cảm với Atropin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Người bệnh bị Glaucom góc đóng.
- Người bệnh phì đại tuyến tiền liệt.
- Người bệnh nhược cơ.
- Người bệnh bị hẹp môn vị hoặc liệt ruột.
- Người bệnh bị viêm loét đại tràng nặng.
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Atropin 0,1%
- Thận trọng khi điều trị bằng thuốc Atropin 0,1% ở người cao tuổi, trẻ em, người mắc hội chứng Down, người bệnh bị tiêu chảy, sốt hoặc bí tiểu.
- Thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp tính, thiếu máu cục bộ, người bệnh có tình trạng đặc trưng bởi nhịp tim nhanh như suy tim, tăng năng tuyến giáp, thiểu năng tim hoặc phẫu thuật tim.
- Đã có báo cáo về nguy cơ ngừng xoang, block nhĩ thất nghịch ở một số người bệnh tiêm Atropin sau ghép tim.
- Điều trị bằng Atropin trong các thủ thuật chẩn đoán hoặc điều trị ở người bệnh ghép tim cần được thực hiện hết sức thận trọng, theo dõi nồng độ ECG và cần có sẵn thiết bị điều nhịp tạm thời.
- Thận trọng khi dùng thuốc Atropin 0,1% ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vì nguy cơ giảm tiết dịch phế quản có thể dẫn đến hình thành các nút phế quản.
- Các thuốc kháng Muscarin như Atropin có thể làm trì hoãn quá trình làm rỗng dạ dày, giảm nhu động dạ dày - ruột và thư giãn cơ vòng thực quản. Vì vậy cần thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh có tình trạng nghiêm trọng hơn do những tác động này như viêm thực quản trào ngược.
7. Tương tác thuốc
- Nguy cơ tác dụng phụ của thuốc Atropin 0,1% tăng lên khi sử dụng đồng thời với một trong các thuốc sau: Thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin.
- Sử dụng đồng thời Atropin và Digoxin làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của Digoxin.
- Sử dụng đồng thời Atropin và một trong các thuốc sau làm giảm tác dụng của thuốc Atropin 0,1%: Trihexyphenidyl, Pilocarpin, Scopolamine, Tolterodine, Amitriptyline, Hyoscyamine, Diphenhydramine.
- Atropin làm giảm hiệu quả của các thuốc sau: Sulpiride, Aripiprazole, Trifluoperazine, Quetiapine, Risperidone, Paliperidone, Perphenazine, Haloperidol và Clozapine.
- Sử dụng đồng thời Atropin và Phenylephrine làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp.
Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị
của thuốc Atropin 0,1%. Vì vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Atropin 0,1%.