Chỉ định của thuốc làm loãng máu

Thuốc làm loãng máu là loại thuốc ngăn hình thành cục máu đông. Cơ chế hoạt động là giúp ngăn chặn các cục máu đông hiện có trở nên lớn hơn. Các cục máu đông trong động mạch, tĩnh mạch và tim có thể gây ra các cơn đau tim, đột quỵ và tắc nghẽn mạch máu, việc sử dụng thuốc làm loãng máu cần tuân theo chỉ định của bác sĩ nhằm đạt hiệu quả điều trị bệnh.

1. Thuốc làm loãng máu là thuốc gì?

Thuốc làm loãng máu là loại thuốc giúp máu lưu thông trơn tru qua các tĩnh mạch và động mạch thông qua tác động giữ cho cục máu đông không hình thành hoặc lớn hơn. Đây là một trong các nhóm thuốc chính yếu được sử dụng để điều trị một số loại bệnh tim và dị tật tim cũng như các tình trạng khác có thể làm tăng nguy cơ mắc các cục máu đông nguy hiểm.

Tuy thuốc làm loãng máu có thể bảo vệ người bệnh khỏi các cơn đau tim và đột quỵ nhưng thuốc cũng đi kèm với rủi ro. Ví dụ: thuốc sẽ có thể khiến một người bị chảy máu nhiều hơn bình thường khi bị chấn thương. Tuy vậy, vì các lợi ích cứu sống của những loại thuốc này thường lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn nên chỉ định dùng thuốc sẽ đặt ra khi cần thiết cũng như cân nhắc với nguy cơ có thể đi kèm. Đồng thời, điều quan trọng là người bệnh cũng phải tìm hiểu về loại thuốc làm loãng máu đang sử dụng cũng như tác dụng phụ có thể gặp phải, các dấu hiệu bất thường cần theo dõi.

2. Chỉ định của thuốc làm loãng máu

Bác sĩ cần phải chỉ định thuốc làm loãng máu nếu một người có một số bệnh lý về tim hoặc mạch máu:

  • Nhịp tim bất thường được gọi là rung nhĩ
  • Thay van tim
  • Nguy cơ đông máu sau phẫu thuật
  • Dị tật tim bẩm sinh

Có hai loại thuốc làm loãng máu chính, bao gồm thuốc chống đông máu như heparin hoặc warfarin (còn gọi là Coumadin) làm chậm quá trình tạo cục máu đông của cơ thể và thuốc chống kết tập tiểu cầu, chẳng hạn như aspirin, ngăn chặn các tế bào máu được gọi là tiểu cầu kết tụ với nhau để tạo thành cục máu đông.

warfarin
Thuốc chống đông máu warfarin giúp làm chậm quá trình tạo cục máu đông trong cơ thể

Khi một người được chỉ định sử dụng thuốc làm loãng máu, hãy làm theo hướng dẫn cẩn thận. Thuốc làm loãng máu có thể tương tác với một số loại thực phẩm, thuốc, vitamin và rượu. Do đó, bác sĩ cần phải biết tất cả các loại thuốc và chất bổ sung mà người bệnh đang sử dụng trong thời gian dùng thuốc làm loãng máu. Đồng thời, người bệnh có thể sẽ cần xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra mức độ đông máu của máu. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng người bệnh đang dùng đủ thuốc để ngăn ngừa cục máu đông nhưng không quá nhiều đến mức gây chảy máu, đặc biệt là các trường hợp xuất huyết nặng có thể đe dọa tính mạng.

3. Cơ chế hoạt động của thuốc làm loãng máu

Thuốc làm loãng máu không thực sự làm cho máu loãng hơn và cũng không thể phá vỡ cục máu đông. Nhưng chúng giữ cho máu không hình thành cục máu đông mới. Chúng cũng có thể làm chậm sự phát triển của những huyết khối hiện có.

Nhóm thuốc chống đông máu kháng vitamin K làm được điều này bằng cách cạnh tranh với vitamin K từ gan. Cơ thể cần vitamin K để sản xuất ra các protein được gọi là yếu tố đông máu, giúp cho các tế bào máu và tiểu cầu dễ liên kết với nhau.

Nhóm thuốc kháng tiểu cầu giữ cho các tiểu cầu không dính vào nhau và vào thành mạch máu. Các loại thuốc này yếu hơn thuốc chống đông máu vì mục tiêu tác dụng là tiểu cầu.

4. Tác dụng phụ của thuốc làm loãng máu

Các tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị của thuốc làm loãng máu bao gồm:

  • Chảy máu bên trong cơ thể không kiểm soát được như xuất huyết trong não, ở bụng, ổ khớp
  • Bầm tím da và phát ban
  • Nước tiểu chuyển sang màu đỏ sẫm hoặc nâu sẫm
  • Phân chuyển sang màu đỏ, nâu sẫm hoặc đen
  • Chảy máu nhiều hơn bình thường trong kỳ kinh nguyệt
  • Ho ra máu
  • Chảy máu nướu răng hoặc chảy máu mũi không ngừng
  • Đau đầu dữ dội hoặc đau dạ dày không cài thiện
  • Cảm thấy ốm, yếu, ngất xỉu hoặc chóng mặt
  • Da có nhiều vết bầm tím hoặc vết rộp máu
  • Vết cắt trên cơ thể không ngừng chảy máu
  • Chảy máu bên trong, hoặc xuất huyết, là một tình trạng khẩn cấp cần được chăm sóc y tế kịp thời.
Ho ra máu
Sử dụng thuốc làm loãng máu có thể gây tình trạng ho ra máu ở người bệnh

Tóm lại, thuốc làm loãng máu có chỉ định kê toa cho những bệnh nhân đã có cục máu đông hay có nguy cơ hình thành cục máu đông trong tương lai hay đã từng bị đau tim hoặc đột quỵ. Lúc này, thuốc làm loãng máu sẽ vừa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh lần thứ hai cũng như dự phòng nguy cơ này có thể xảy ra. Tuy nhiên, vì nguy cơ đối ngược là dễ gây xuất huyết, thuốc làm loãng máu khi được chỉ định cần tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng như biết cách nhận ra các dấu hiệu tác dụng phụ của thuốc nhằm được can thiệp kịp thời.

Thuốc làm loãng máu vốn là loại thuốc kê đơn, vì thế trước khi dùng bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của các dược sĩ, bác sĩ chuyên môn. Tránh việc tự ý sử dụng thuốc có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan