Các tác dụng phụ và lưu ý khi dùng thuốc Azacitidine

Thuốc Azacitidine chứa hoạt chất Azacitidine được chỉ định trong điều trị hội chứng loạn sản tủy, bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính, bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính, một số dạng ung thư tủy xương và rối loạn tế bào máu. Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Azacitidine qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Azacitidine

Thuốc Azacitidine chứa hoạt chất Azacitidine được bào chế dưới dạng viên nén và bột pha hỗn dịch tiêm. Azacitidine có tác dụng ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư trong cơ thể. Thuốc Azacitidine được chỉ định trong các bệnh lý sau:

  • Hội chứng rối loạn tủy trung bình và nguy cơ cao trên hệ thống chấm điểm tiên lượng quốc tế (IPSS);
  • Bệnh bạch cầu myelomonocytic mãn tính không có rối loạn sinh tủy;
  • Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (20 – 30%) tế bào blast và loạn sản đa dòng;
  • Bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy với trên 30% tế bào blast.

2. Liều dùng của thuốc Azacitidine

Công dụng thuốc Azacitidine chỉ định trong điều trị một số bệnh ung thư có liều dùng phụ thụ vào bệnh lý cụ thể, khả năng dung nạp của người bệnh và được chỉ định bởi bác sĩ. Liều dùng khuyến cáo cụ thể của người bệnh như sau:

Đối với người trưởng thành:

  • Điều trị hội chứng rối loạn sinh tủy: Liều thuốc Azacitidine trong chu kỳ đầu là 75mg/m2 tiêm dưới da hoặc tiêm truyền hàng ngày trong 7 ngày, chu kỳ được lặp lại sau 4 tuần. Sau 2 chu kỳ điều trị, liều thuốc có thể tăng lên 100mg/m2 trong trường hợp không xuất hiện tác dụng bất lợi và độc tính khác ngoài nôn, buồn nôn. Thời gian điều trị bằng Azacitidine tối thiểu từ 4 – 6 chu kỳ;
  • Điều trị bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy: Liều thuốc Azacitidine tương tự như trong điều trị hội chứng rối loạn sinh tủy. Liều thuốc cần được hiệu chỉnh trong trường hợp gặp độc tính huyết học ở người bệnh bắt đầu điều trị khi nồng độ các chỉ số lần lượt là bạch cầu ≥ 3000/mm3, ANC ≥ 1500/mm3 và lượng tiểu cầu ≥ 75.000/mm3.

Đối với trẻ em: Hiện chưa xác định được hiệu quả và tính an toàn đối với trẻ em dưới 16 tuổi.

Đối tượng khác:

  • Người cao tuổi: Không có sự khác biệt về liều dùng và hiệu quả thuốc so với người trẻ tuổi. Vì vậy, không cần hiệu chỉnh liều thuốc Azacitidine ở người cao tuổi. Người bệnh cần được đánh giá định kỳ chức năng thận, vì thuốc và các chất chuyển hóa được thải trừ qua thận, người bệnh lớn tuổi có nguy cơ cao bị giảm chức năng thận;
  • Người suy thận: Người bệnh suy thận có nồng độ creatinin huyết thanh và BUN tăng nên trì hoãn chu kỳ tiếp theo đến khi các giá trị trên trở về bình thường hoặc bắt đầu giảm liều 50% ở liệu trình tiếp theo. Người bệnh suy thận nặng không bị ảnh hưởng dùng thuốc bằng đường tiêm dưới da. Vì vậy, có thể sử dụng thuốc ở người bệnh suy thận mà không cần hiệu chỉnh liều theo chu kỳ 1;
  • Người bệnh suy gan: Thuốc Azacitidine có khả năng gây độc cho gan ở người bệnh suy gan nặng trước đó, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng thuốc Azacitidine ở những đối tượng này.

3. Tác dụng phụ của thuốc Azacitidine

Thuốc Azacitidine có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Thường gặp: Thiếu máu, buồn nôn, nôn, giảm tiểu cầu, sốt, mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, ban đỏ tại chỗ tiêm, giảm bạch cầu, suy nhược, hạ Kali huyết, chấm xuất huyết, giảm cảm giác thèm ăn, đau cơ xương, đau khớp, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm họng, viêm xoang, nhiễm trùng da, suy tủy xương, giảm tiểu cầu;
  • Ít gặp: Viêm màng ngoài tim, phản ứng quá mẫn, hôn mê gan tiến triển, nhiễm toan ống thận, bệnh mủ da gangrenosum, suy tim, rung nhĩ, ngừng tim, suy tim sung huyết, bệnh cơ tim sung huyết;
  • Hiếm gặp: Bệnh viêm phổi mô kẽ, hội chứng ly giải khối u, hoại tử chỗ tiêm;
  • Không xác định tần suất: Viêm mô hoại tử.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Azacitidine

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Azacitidine trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh dị ứng với Azacitidine hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Người bệnh có khối u gan ác tính tiến triển;
  • Phụ nữ đang cho con bú.

4.2. Thận trọng khi sử dụng

  • Người bệnh cần được thực hiện các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, bicarbonat huyết thanh và creatinin huyết thanh trước khi điều trị bằng thuốc Azacitidine. Công thức máu trước khi điều trị cần được thực hiện nhằm theo dõi đáp ứng thuốc và độc tính.
  • Người bệnh nên được dự phòng bằng thuốc chống nôn trước khi điều trị bằng Azacitidine.
  • Điều trị bằng thuốc Azacitidine có thể gây giảm bạch cầu trung tính, thiếu máu và giảm tiểu cầu (đặc biệt là trong 2 chu kỳ điều trị đầu tiên).
  • Các bất thường về chức năng thận (nhiễm toan ống thận, tăng nồng độ creatinin máu), suy thận thậm chí là tử vong hiếm khi được báo cáo ở người bệnh điều trị bằng Azacitidine đường tiêm kết hợp với thuốc chống ung thư khác.
  • Người bệnh có tiền sử suy tim sung huyết, bệnh tim hoặc bệnh phổi không ổn định về mặt lâm sàng chưa được chứng minh độ an toàn và hiệu quả trong điều trị.
  • Phụ nữ đang mang thai: Thuốc Azacitidine có khả năng gây hại cho thai nhi, gây quái thai và chết phôi thai. Vì vậy, người bệnh cần đảm bảo không mang thai trước và trong thời gian điều trị bằng Azacitidine.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh khả năng bài tiết vào sữa mẹ của Azacitidine nên người bệnh cần ngưng cho con bú trong thời gian điều trị bằng thuốc.
  • Người lái xe, vận hành máy móc: Thuốc Azacitidine ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc. Vì vậy người bệnh cần thận trọng trong những trường hợp này.

5. Tương tác thuốc Azacitidine

Thuốc Azacitidine có thể tương tác với một số thuốc sau:

  • Azacitidine làm tăng tác dụng ức chế tủy của thuốc Lipegfilgrastim khi dùng đồng thời.
  • Nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc Azacitidine tăng lên khi dùng đồng thời với các thuốc sau: Etanercept, Peginterferon alfa – 2a, Interferon alfa – n1, Interferon alfa – n3, Peginterferon alfa – 2b, Anakinra, Interferon gamma – 1b, Interferon Alfa – 2a, Aldesleukin.

Thuốc Azacitidine chứa hoạt chất Azacitidine được chỉ định trong điều trị hội chứng loạn sản tủy, bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính, bệnh bạch cầu dòng tủy mạn tính, một số dạng ung thư tủy xương và rối loạn tế bào máu. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

177 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan