Bị viêm kết mạc dùng thuốc nhỏ mắt gì?

Viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ là bệnh lý thường gặp gây ra nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt và có thể lây lan thành dịch bệnh. Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc gì an toàn, hiệu quả là thắc mắc của rất nhiều người bệnh.

1. Viêm kết mạc mắt là bệnh gì?

Kết mạc mắt được cấu tạo bao gồm kết mạc nhãn cầu- là lớp màng mỏng màu trong suốt ở bề mặt lòng trắng và kết mạc mi- là niêm mạc lớp bên trong mí mắt trên và mí mắt dưới. Kết mạc mắt có công dụng nhằm bảo vệ, bôi trơn nhãn cầu mắt để mắt hoạt động tốt hơn. Khi lớp niêm mạc này bị viêm do các tác nhân gây ra thì gọi là viêm kết mạc mắt.

Viêm kết mạc hay được gọi với tên gọi khác là đau mắt đỏ. Thời điểm mắc bệnh thường xảy ra vào mùa xuân hè và có khả năng lây lan thành dịch bệnh. Viêm kết mạc khiến mắt xuất hiện ban đỏ thứ phát sau quá trình giãn nở của các mạch máu và thường đi kèm với tăng tiết nước mắt có kèm theo tiết dịch nhầy.

Một số nguyên nhân có thể gây tổn thương và viêm kết mạc mắt cụ thể như:

  • Virus: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, 80% trường hợp bị viêm kết mạc là do Adenovirus.
  • Vi khuẩn: Bao gồm HI hoặc mắc tụ cầu,...
  • Do dị ứng với các tác nhân như bụi bẩn, lông chó mèo hoặc phấn hoa.

Bác sĩ điều trị sẽ cần chẩn đoán phân biệt bệnh viêm kết mạc với các bệnh mắt đe dọa đến thị giác khác có biểu hiện lâm sàng tương tự để đưa ra hướng điều trị phù hợp. Trong trường hợp viêm kết mạc nguyên nhân do virus hoặc vi khuẩn, viêm kết mạc mắt còn kèm theo dấu hiệu triệu chứng ở đường hô hấp như chảy nước mũi, ho,... hoặc sốt, nổi hạch trên cơ thể. Khi bị viêm kết mạc mắt thì bạn cần tự có biện pháp bảo vệ, cách ly hạn chế nguy cơ lây lan sang những người xung quanh.

2. Triệu chứng bị viêm kết mạc

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm kết mạc sẽ có các dấu hiệu triệu chứng khác nhau:

  • Viêm kết mạc mắt do virus: Dấu hiệu triệu chứng của viêm kết mạc mắt nguyên nhân do virus thường là ngứa mắt, chảy nước mắt và cảm giác cộm khi nhắm mắt. Bên cạnh đó, mắt của người bệnh cũng sẽ phù ở chân mi kèm theo các dấu hiệu triệu chứng ở đường hô hấp như: ho, hắt hơi, sổ mũi, viêm họng và kèm theo nổi hạch. Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh viêm kết mạc có thể xuất hiện các biến chứng như: chói mắt, suy giảm thị lực, thâm nhiễm giác mạc.
  • Viêm kết mạc do nhiễm vi khuẩn: Dấu hiệu triệu chứng viêm kết mạc do nhiễm vi khuẩn bao gồm xuất hiện rỉ mắt màu xanh, vàng dính vào 2 mí mắt khi thức dậy làm tăng cảm thấy khó chịu, kết mạc mắt đỏ... Đối với những trường hợp nặng, bệnh có thể gây ra biến chứng viêm loét giác mạc và giảm thị lực ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt.
  • Viêm kết mạc do dị ứng: Bệnh viêm kết mạc nguyên nhân do dị ứng thường xuất hiện theo mùa và hay tái phát với các dấu hiệu đi kèm như hay chảy nước mắt kèm theo ngứa mắt. Bệnh thường xảy ra đối với cả hai mắt.

3. Một số loại thuốc nhỏ mắt thường dùng trị viêm kết mạc

Viêm kết mạc dùng thuốc nhỏ mắt gì? Tùy thuốc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như các dấu hiệu triệu chứng, bác sĩ điều trị sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp. Một số loại thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc như nước mắt nhân tạo và thuốc kháng histamin, có thể được sử dụng để giảm triệu chứng.

Những loại thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc khác như kháng sinh hoặc steroid, là thuốc kê đơn và có thể được sử dụng cho các trường hợp những người bị bệnh viêm kết mạc nghiêm trọng hơn.

3.1. Thuốc kháng sinh

Đối với viêm kết mạc do vi khuẩn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu triệu chứng đi kèm bác sĩ nhãn khoa có thể kê đơn thuốc kháng sinh, thường được dùng tại chỗ dưới dạng thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc.Thuốc kháng sinh có thể giúp rút ngắn thời gian điều trị nhiễm trùng, giảm biến chứng và giảm nguy cơ lây lan sang người khác.

Thuốc kháng sinh hiệu quả trong trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn, các loại kháng sinh phổ rộng thường có trong thành phần của thuốc như: Ciprofloxacin, Ofloxacin, Tobramycin, hay Neomycin, ... Thuốc kháng sinh được chỉ định trong những trường hợp sau có tiết dịch mủ, xảy ra ở những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương hoặc tình trạng nhiễm trùng không thuyên giảm...Liều lượng phụ thuộc vào tình trạng và loại kháng sinh mà bác sĩ điều trị kê đơn.

Các loại thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc có hiệu quả khá nhanh, nhưng khuyến cáo không sử dụng trong thời gian quá 1 tuần. Thuốc kháng sinh thường có khả năng dung nạp tốt, nhưng có thể gây ra tình trạng kích ứng mắt, ngứa hoặc đỏ thêm. Thuốc nhỏ mắt kháng sinh không điều trị viêm kết mạc nguyên nhân do virus hoặc do dị ứng.

3.2. Nước mắt nhân tạo

Để giảm tình trạng khô nguyên nhân do viêm kết mạc do virus, vi khuẩn và dị ứng, hoặc viêm kết mạc do kích ứng hóa chất, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc là nước mắt nhân tạo. Nước mắt nhân tạo tác dụng giúp loại bỏ các chất gây dị ứng gây viêm kết mạc.

3.3. Các loại thuốc kháng Histamin

Đây là nhóm thuốc được sử dụng là thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc. Thuốc kháng Histamin ngăn chặn hoạt động của Histamin, một chất hóa học được tạo ra khi cơ thể phát hiện ra các tác nhân gây dị ứng, tác dụng ngăn ngừa viêm, ngứa và khó chịu. Thuốc kháng Histamin có khả năng dung nạp tốt nhưng có thể góp phần gây ra tình trạng khô mắt.

Thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc loại thuốc kháng Histamin H1 sẽ được chỉ định điều trị. Thành phần của loại thuốc này thường chứa các dược chất như Antazoline, Chlorpheniramine, Diphenhydramine,...

Những người bị viêm kết mạc nhưng bị tăng nhãn áp hoặc viêm tiền liệt không nên sử dụng thuốc nhỏ mắt loại thuốc kháng Histamin H1 để điều trị.

3.4. Thuốc chống viêm phi Steroid hay nhóm NSAID

Thuốc chống viêm không steroid, còn được gọi là NSAID làm giảm tình trạng viêm và mẩn đỏ, cũng như ngứa ngáy trên da. Thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc dạng thuốc kháng viêm sử dụng trong trường hợp viêm kết mạc mắt gây ra các dấu hiệu triệu chứng như sưng, đỏ ở mắt do viêm.

Thuốc kháng viêm dạng viên không được khuyến khích sử dụng kéo dài trong điều trị viêm kết mạc, nguyên nhân là do có thể xuất hiện các tác dụng không mong muốn như viêm loét dạ dày tá tràng,... Thuốc điều trị viêm kết mạc chứa corticosteroid cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể,...

3.5. Thuốc Corticoid

Đối với tình trạng viêm kết mạc mắt nặng, thường do chấn thương, do hóa chất, bác sĩ có thể kê đơn điều trị thuốc Corticosteroid tại chỗ như một phương pháp điều trị ngắn hạn. Thuốc có chứa thành phần Corticosteroid có thể làm giảm tình trạng viêm ở trong mắt.

Mặc dù thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc Corticoid có hiệu quả, nhưng có thể có các tác dụng không mong muốn nghiêm trọng, bao gồm mờ mắt, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể.

Những loại thuốc này chỉ nên được sử dụng khi có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ nhãn khoa.

3.6. Thuốc nhỏ mắt kết hợp

Thuốc nhỏ mắt kết hợp thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc phổ biến do kết hợp nhiều nhóm thuốc đem lại hiệu quả cao như: kháng sinh và kháng viêm corticosteroid,...

4. Cách chăm sóc mắt khi bị viêm kết mạc

Khi bị viêm kết mạc, bạn cần chú ý vấn đề vệ sinh mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Bạn có thể mua nước muối sinh lý cho mắt tại các nhà thuốc, sử dụng nhiều lần mỗi ngày tác dụng làm sạch, loại bỏ dử mắt cũng như giảm tình trạng kích ứng ở mắt.

Ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề sau để bảo vệ và dự phòng bệnh viêm kết mạc mắt lây lan cho những người xung quanh và tái phát lại.

  • Sử dụng riêng vật dụng cá nhân như: thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính và chậu rửa mặt,...
  • Không dụi tay bẩn lên mắt, mang kính bảo vệ mắt đặc biệt là khi ra ngoài hoặc khi làm việc có thể gây hại đến mắt.
  • Hạn chế tình trạng chạm đầu lọ thuốc nhỏ mắt vào mắt hoặc mi mắt của trẻ khi nhỏ thuốc, như vậy vi khuẩn có thể xâm nhập gây bẩn lọ thuốc.
  • Loại bỏ tác nhân dị ứng gây ra tình trạng viêm kết mạc mắt, tác nhân có thể gồm: bụi bẩn cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, lông chó mèo cần hạn chế nuôi các loại thú cưng như chó mèo, đóng cửa sổ hạn chế phấn hoa,...
  • Sử dụng nước rửa mặt đảm bảo vệ sinh, vệ sinh mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

Tóm lại, bệnh viêm kết mạc còn được gọi là đau mắt đỏ. Bệnh thường gặp vào mùa xuân hè và có khả năng lây lan thành dịch bệnh. Viêm kết mạc khiến mắt xuất hiện ban đỏ thứ phát sau quá trình giãn nở của các mạch máu và thường đi kèm với tăng tiết nước mắt có kèm theo tiết dịch nhầy gây khó chịu cho người bệnh nên việc thăm khám, sử dụng thuốc điều trị là cần thiết.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu hơn về việc viêm kết mạc dùng thuốc nhỏ mắt gì để có cách sử dụng thuốc phù hợp, nâng cao hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng không mong muốn. Trong trường hợp sử dụng thuốc nhưng không mang lại kết quả điều trị thì người bệnh cần sớm đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh để các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan