Xét nghiệm tốc độ lắng máu trong viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn gây ra tổn thương viêm mạn tính tại các khớp, đặc biệt là khớp ngón tay, khớp bàn ngón, cổ tay, khuỷu, gối, cố chân,... Bệnh hay gặp ở độ tuổi trung niên, tỷ lệ ở nữ thường cao hơn nam giới. Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp cần dựa trên nhiều xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó có xét nghiệm tốc độ lắng máu.

1. Xét nghiệm tốc độ lắng máu là gì?

Xét nghiệm tốc độ máu lắng là xét nghiệm được thực hiện nhằm mục đích đo độ lắng của hồng cầu từ đó phát hiện các tình trạng rối loạn sinh học liên quan đến phản ứng viêm. Xét nghiệm lắng máu được thực hiện bằng cách đưa máu đã được chống đông vào trong một ống thẳng đứng có chia vạch và để theo dõi. Sau đó, ống máu sẽ được đánh giá chiều cao của cột huyết tương còn lại trong ống sau 1 giờ và 2 giờ.

Chiều cao cột huyết tương còn lại trong ống được biểu thị dưới dạng mm sẽ thể hiện tốc độ lắng hồng cầu của mẫu xét nghiệm. Kết quả này phụ thuộc vào các yếu tố gồm số lượng hồng cầu và nồng độ các protein trọng lượng phân tử cao trong máu. Tuỳ vào tình trạng các protein có trong máu dẫn tới sự kết tụ khác nhau của hồng cầu.

Tốc độ lắng của các tế bào hồng cầu càng nhanh chứng tỏ độ kết tụ càng nhanh, điều này biểu thị một tình trạng viêm và hoại tử. Chính vì vậy, dù cho biết có sự hiện diện của tế bào viêm, xét nghiệm máu lắng hồng cầu trên lâm sàng không đặc hiệu trong bệnh nào cụ thể vì không xác định được vị trí và nguyên nhân gây bệnh. Để chẩn đoán chính xác, người bệnh cần phải được thực hiện thêm các xét nghiệm khác đặc hiệu hơn tuỳ theo từng bệnh lý nghi ngờ.

2. Xét nghiệm tốc độ máu lắng được thực hiện khi nào?

Nếu bệnh nhân được nghi ngờ các bệnh lý sau thì bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm tốc độ lắng máu:

  • Bệnh lý tự miễn: Viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cột sống dính khớp.
  • Các dạng viêm khớp.
  • Ung thư.
  • Nhiễm trùng.
  • Bệnh lý cơ hoặc mô liên kết ví dụ như đau đa cơ dạng thấp.
  • Bệnh lý viêm đường tiêu hóa,...

Hoặc khi người bệnh có các triệu chứng lâm sàng sau thì nên xét nghiệm tốc độ máu lắng:

  • Sưng đau hoặc cứng khớp trong thời gian dài.
  • Đau nhức đầu, vùng vai, cổ hoặc hông.
  • Giảm cân bất thường.
  • Triệu chứng bất thường tại đường tiêu hóa như: Đau bụng bất thường , sốt, tiêu chảy, có máu trong phân.

3. Cách thực hiện xét nghiệm máu lắng

Vì đây là một xét nghiệm đơn giản, nên bệnh nhân không cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm.

Các bước thực hiện:

  • Lấy khoảng 2ml máu tĩnh mạch cho vào ống chứa chất chống đông, thường dùng trong xét nghiệm lắng máu là EDTA.
  • Chuyển mẫu máu sang một ống nhỏ, dài, để yên theo phương thẳng đứng để máu lắng theo trọng lực. Kết quả mức độ lắng của hồng cầu trong ống nghiệm sẽ được đánh giá bởi nhân viên xét nghiệm hoặc tự động bằng máy sau khoảng thời gian 1 giờ và 2 giờ.

4. Đánh giá kết quả của xét nghiệm máu lắng

Tốc độ lắng máu của người bình thường là:

  • Đối với nam giới:
    • Dưới 50 tuổi: < 15 mm/1h.
    • Trên 50 tuổi: < 20mm/1h.
  • Đối với nữ giới:
    • Dưới 50 tuổi: < 20mm/1h.
    • Trên 50 tuổi: < 30 mm/1h.
    • Cuối thai kỳ và thời gian hậu sản: < 50 mm/1h.
    • Thời gian hành kinh: < 40mm/1h.

“Tốc độ lắng máu tăng khi nào?” Các nguyên nhân chính dẫn tới tăng tốc độ lắng máu thường gặp là:

  • Tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn: Viêm phổi, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm ruột thừa, apxe, lao, viêm xương,... hoặc nhiễm nấm, ký sinh trùng.
  • Ung thư hoặc các bệnh lý u khác như đa u tủy xương, u lympho.
  • Tình trạng viêm mạn tính như: Viêm đa khớp mạn tính tiến triển, viêm hồi đại tràng, bệnh đau xơ cơ do thấp,...
  • Bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,...
  • Thiếu máu nặng hoặc nhồi máu cơ tim cấp.
  • Trong thời kỳ có thai hoặc sau đẻ.

Các nguyên nhân hay gặp gây giảm tốc độ máu lắng là:

  • Các bệnh lý sau có thể dẫn đến tốc độ lắng máu giảm bao gồm: Suy tim, bệnh lý gan, thận làm giảm nồng độ protein trong máu, giảm fibrinogen trong máu, tăng bạch cầu,...

Kết quả tốc độ máu lắng bất thường chỉ là một gợi ý, thể hiện một tình trạng bị viêm của cơ thể nhưng chưa đủ để xác định chẩn đoán một bệnh lý cụ thể nào. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm các xét nghiệm cần thiết khác để có được chẩn đoán chính xác.

5. Xét nghiệm tốc độ lắng máu trong viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp, ngay trong chính tên gọi cũng đã thể hiện một tình trạng viêm hiện diện trong cơ thể. Khi bị viêm khớp dạng thấp, người bệnh bị chính các kháng thể và các yếu tố bảo vệ khác của cơ thể tấn công do rối loạn hệ miễn dịch. Chính vì tình trạng viêm mạn tính tại các khớp nên khi thực hiện xét nghiệm tốc độ lắng máu ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp sẽ cho kết quả tốc độ này tăng. Đây là một dấu hiệu gợi ý để bác sĩ chỉ định các xét nghiệm chuyên biệt khác để chẩn đoán chắc chắn bệnh.

Các xét nghiệm khác để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp:

  • Chỉ số CRP (protein C reactive): Là xét nghiệm định lượng nồng độ protein C phản ứng có trong máu. Đây là một protein do gan sản xuất, là thành phần không thể thiếu trong phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Đặc biệt, chỉ số này tăng trong các bệnh lý có viêm, không chỉ dùng để đánh giá tình trạng viêm mà còn để theo dõi đáp ứng với điều trị. Tuy nhiên, cũng như xét nghiệm tốc độ lắng máu, đây cũng là xét nghiệm không đặc hiệu vì chỉ số CRP có thể xuất hiện trong các tình trạng không viêm khác.
  • Yếu tố dạng thấp (Rheumatoid Factor – RF): Đây là các globulin miễn dịch kháng lại đoạn Fc của phân tử kháng thể IgE. Ở người bị viêm khớp dạng thấp, 50 - 75% có xét nghiệm RF dương tính, tỉ lệ này thường là ở những bệnh nhân thể nặng, tiến triển nhanh hoặc có kháng nguyên HLA-DR4,... Vì vậy, hiệu giá kháng thể RF cao được sử dụng như là một yếu tố tiên lượng bệnh nặng.
  • Kháng thể kháng CCP (anti CCP hoặc anti-cyclic citrulinated peptide antibodies): Đây là xét nghiệm có độ đặc hiệu cao (98%) nên rất có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp. Theo các nghiên cứu, ở những người có triệu chứng viêm khớp sớm chưa xác định rõ loại bệnh nhưng nếu có xét nghiệm anti-CCP dương tính thì có đến 93% sẽ tiến triển thành viêm khớp trong vòng 3 năm sau đó. Cũng như chỉ số RF, nồng độ Anti-CCP tăng cao cũng được xem là yếu tố tiên lượng nặng của bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Xét nghiệm công thức máu: Người bị viêm khớp dạng thấp sẽ có tình trạng viêm khớp kéo dài, mãn tính dẫn đến tình trạng thiếu máu. Bên cạnh đó, cũng hay gặp chỉ số tiểu cầu, bạch cầu trong huyết tương tăng nhẹ.
  • Ngoài các xét nghiệm máu, các thăm dò hình ảnh cũng là cận lâm sàng quan trọng để chẩn đoán xác định và theo dõi tình trạng bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Siêu âm khớp: Siêu âm không chỉ giúp đánh giá tình trạng tràn dịch khớp, bào mòn xương, viêm màng hoạt dịch, mà còn có thể đánh giá tình trạng tưới máu các khớp nếu dùng siêu âm Doppler.
  • Chụp Xquang khớp cổ tay: có thể được sử dụng để đánh giá giai đoạn bệnh viêm khớp dạng thấp theo tiêu chuẩn của tác giả Steinbroker, bao gồm 4 giai đoạn:
    • Giai đoạn 1: Chưa thấy biến đổi trên hình ảnh X-quang.
    • Giai đoạn 2: Đầu xương, sụn khớp đã có biến đổi một phần với hình ảnh bào mòn, hẹp khe khớp.
    • Giai đoạn 3: Tổn thương nhiều ở sụn khớp và đầu xương, dính khớp một phần.
    • Giai đoạn 4: Khớp cổ tay dính hoàn toàn và dẫn đến biến dạng khớp không hồi phục.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): so với X-quang, MRI giúp xác định sớm hơn tổn thương bào mòn khớp, từ đó giúp chẩn đoán sớm bệnh viêm khớp dạng cũng như đánh giá tình trạng bệnh nhân, bao gồm: viêm màng hoạt dịch, mức độ tràn dịch khớp, cũng như được sử dụng để theo dõi tiến triển bệnh. Tuy nhiên, nhược điểm của xét nghiệm MRI là giá thành cao nên không thể được thực hiện thường quy.

Tóm lại, viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng vận động và chất lượng sống của người bệnh. Bác sĩ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh. Xét nghiệm lắng máu tăng là một cơ sở để thực hiện các xét nghiệm chuyên biệt hơn để chẩn đoán xác định bệnh viêm khớp dạng thấp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: