Làm thế nào khi bị gãy xương (sống) mũi?

Gãy xương mũi là tình trạng phổ biến, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể phát hiện và có hướng xử trí đúng cách. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa gãy xương mũi hiệu quả để mọi người có thể tự bảo vệ bản thân.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

1. Gãy xương mũi là gì?

Do nằm ở vị trí trung tâm khuôn mặt, mũi dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động ngoại lực, nguy cơ bị tổn thương cao, thậm chí là gãy xương mũi.

Gãy xương sống mũi xảy ra khi lực tác động từ bên ngoài như ẩu đả, tai nạn làm gãy xương mũi của một người. Trường hợp nhẹ thì người bệnh chỉ bị sưng và chảy máu nhẹ trong thời gian ngắn. Trường hợp bị gãy xương sống mũi nặng, mũi người bệnh có thể bị biến dạng, nghiêng lệch xương mũi khỏi vị trí ban đầu, chảy nhiều máu, tắc nghẽn lỗ mũi và thậm chí ảnh hưởng hô hấp do vách ngăn lệch.

Phân loại gãy xương mũi:

  • Gãy di lệch sang một bên, ở xương mũi hoặc vách ngăn mũi.
  • Gãy không di lệch.
  • Gãy hỗn hợp.
  • Gãy nén.

Mặc dù người lớn dễ bị gãy xương mũi hơn nhưng trẻ em lại có nguy cơ bị biến dạng mũi và khó thở do gãy xương mũi cao hơn.

2. Nguyên nhân gây gãy xương sống mũi

Gãy sống mũi có thể do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, thường đi kèm với chấn thương ở cổ/mặt. Nguyên nhân phổ biến gây ra gãy sống mũi bao gồm:

  • Té ngã, va vào tường nên gây chấn thương mũi;
  • Tác động lực mạnh vào mũi khi chơi thể thao hoặc ẩu đả;
  • Gặp tai nạn giao thông.

3. Dấu hiệu gãy xương mũi ở vị trí sống mũi

Khi bị gãy xương sống mũi, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:

  • Tắc nghẽn một hoặc cả hai lỗ mũi.
  • Lệch vách ngăn mũi.
  • Bầm tím, sưng và đau nhức quanh mũi.
  • Chảy máu cam.
  • Mũi biến dạng, vách ngăn mũi bị xoắn hoặc vẹo.
  • Vùng da dưới mắt đổi màu.

Do là bộ phận khá nhạy cảm nên mũi dễ bị sưng to ngay cả khi chỉ bị va chạm nhẹ. Để có thể chẩn đoán chính xác một người có bị gãy sống mũi hay không thì phải chờ đến khi hết sưng hẳn.

4. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu gãy xương mũi sau thì cần đến khám bác sĩ ngay và điều trị kịp lúc:

  • Sau khi hết sưng, bệnh nhân vẫn thấy khó thở.
  • Chảy máu cam liên tục.
  • Mũi biến dạng sau chấn thương và không giảm sưng sau 3 ngày.
  • Thuốc giảm đau không hiệu quả.
  • Sốt cao liên tục.
  • Có vết cắt lớn trên mặt.
  • Vết thương hở lớn trên mũi.
  • Chảy dịch trong từ mũi.
  • Đau nhức đầu, đau mắt.
  • Đau cứng cổ, tê ngứa cánh tay.
Khi có dấu hiệu chảy máu cam liên tục, bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Khi có dấu hiệu chảy máu cam liên tục, bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

5. Biến chứng gãy xương mũi

Mặc dù gãy xương mũi không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, những di chứng nặng nề có thể xảy ra. Một số biến chứng gãy xương mũi ở vị trí sống mũi mà bệnh nhân thường gặp phải bao gồm:

  • Biến chứng sớm bao gồm bầm da, phù nề, nhiễm trùng (ít gặp) và chảy dịch não tủy (hiếm gặp).
  • Biến chứng muộn, bao gồm các vấn đề như: Sẹo co rút dẫn đến nghẹt mũi từ từ, dị dạng tháp mũi, sụp sống mũi hình yên ngựa, thủng vách ngăn và dính cuốn mũi.

6. Phương pháp chẩn đoán

  • Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị gãy sống mũi, bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách kiểm tra thể chất, trước khi kiểm tra có thể sử dụng thuốc gây tê cục bộ nếu bệnh nhân quá đau.
  • Người bệnh bị sưng to mũi nên về nhà, đợi 2-3 ngày cho bớt sưng rồi tái khám để có kết quả chính xác.
  • Trong trường hợp chấn thương nghiêm trọng hoặc nghi ngờ có chấn thương khác trên mặt, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang hoặc chụp CT để đánh giá mức độ tổn thương của mũi và mặt.

Việc điều trị sẽ do bác sĩ chỉ định dựa trên mức độ tổn thương và triệu chứng, có thể là điều trị y tế trực tiếp hoặc hướng dẫn bệnh nhân sơ cứu tại nhà trước khi đến bệnh viện.

7. Một số phương pháp điều trị tại nhà

7.1 Sơ cứu tại nhà

Thực hiện sơ cứu gãy xương mũi tại nhà khá đơn giản.  

  • Nếu bị chảy máu mũi, người bệnh nên ngồi xuống, nghiêng người về trước và thở bằng miệng để tránh máu chảy vào cổ họng. Nếu máu vẫn không ngừng chảy, bệnh nhân nên bóp chặt hai cánh mũi để giảm lượng máu chảy ra và hỗ trợ đông máu.
  • Nếu không bị chảy máu mà chỉ thấy đau, hãy ngước cao đầu để giảm đau nhói. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin) để giảm bớt cảm giác đau.
  • Để giảm sưng nhanh, bệnh nhân có thể chườm lạnh lên mũi trong khoảng 20 phút. Trường hợp da bị rách chảy máu hoặc xương gãy trồi qua da, người bệnh cần lập tức đến bệnh viện để được điều trị.
  • Bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay sau khi sơ cứu để được bác sĩ đánh giá mức độ chấn thương và điều trị sửa mũi bị gãy hiệu quả trong vòng 1-2 tuần sau chấn thương.
Bệnh nhân bị gãy xương mũi cần đến bệnh viện ngay sau khi sơ cứu để được bác sĩ đánh giá mức độ chấn thương.
Bệnh nhân bị gãy xương mũi cần đến bệnh viện ngay sau khi sơ cứu để được bác sĩ đánh giá mức độ chấn thương.

7.2 Điều trị y tế

Với những trường hợp gãy xương mũi nặng, bác sĩ có thể sử dụng gạc y tế và nẹp để băng mũi, đồng thời chỉ định dùng thuốc kháng sinh và giảm đau cho bệnh nhân, phẫu thuật nắn xương kín và định hình mũi, cũng như chỉnh hình vách ngăn mũi, thường được thực hiện sau 3-10 ngày kể từ khi một người bị chấn thương mũi.

  • Trường hợp 1: Nếu người bệnh bị gãy xương mũi nhẹ và không di lệch thì không cần phẫu thuật, nhưng vẫn nên đi khám để được đánh giá chấn thương và có phác đồ điều trị gãy xương mũi phù hợp.
  • Trường hợp 2: Nếu người bệnh bị gãy xương mũi kín có di lệch thì bác sĩ phải chỉ định phẫu thuật nâng xương mũi và nắn chỉnh lại vách ngăn mũi. Ngoài ra, bác sĩ sẽ thực hiện lấy máu tụ ngay vách ngăn hốc mũi, đặt meche và nẹp mũi bên ngoài trong 5-7 ngày.
  • Trường hợp 3: Nếu người bệnh bị gãy xương hở, bác sĩ sẽ chỉ định thay băng, làm sạch da, lấy dị vật, khâu vết thương, đặt lại xương, cố định xương bên trong, nắn chỉnh vách ngăn và lấy máu tụ. Bệnh nhân sẽ được đặt meche mũi từ 3 đến 5 ngày, kết hợp với điều trị nội khoa, đặc biệt là tiêm SAT.

8. Thời gian hồi phục sau điều trị

Thông thường, bệnh nhân gãy xương mũi cần 1 đến 2 tuần để lành lại. Tuy nhiên, thời gian hồi phục có thể thay đổi tùy thuộc vào:

  • Mức độ sưng nề, chảy máu mũi, thông khí mũi và có dấu hiệu tổn thương sọ não hay không.
  • Kết quả sau khi nâng xương mũi, sống mũi thẳng, không còn lệch vẹo, đường thở thông thoáng, thời gian mũi sưng nề.

9. Biện pháp phòng ngừa gãy xương mũi

Để bảo vệ mũi an toàn và tránh gãy sống mũi, mọi người nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:  

  • Mang giày có lực bám tốt khi vận động hay chơi thể thao nhằm chống trượt ngã;
  • Đeo đồ bảo vệ mặt khi chơi thể thao tiếp xúc;
  • Đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hoặc chơi trượt ván;
  • Thắt dây an toàn khi ngồi trong xe ô tô.
Để bảo vệ khuôn mặt và mũi, mọi người nên chủ động thắt dây an toàn khi ngồi trong ô tô.
Để bảo vệ khuôn mặt và mũi, mọi người nên chủ động thắt dây an toàn khi ngồi trong ô tô.

Gãy xương mũi gây ảnh hưởng cả về sức khỏe lẫn thẩm mỹ khuôn mặt. Thay vì chỉ tập trung vào việc điều trị sau khi bị gãy xương sống mũi, mỗi người nên chủ động phòng ngừa bằng cách bảo vệ cẩn thận khuôn mặt và mũi, hạn chế tối đa các tác động ngoại lực có thể gây gãy xương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe