Cấu tạo của tai người - vì sao tai nghe được âm thanh?

Cấu tạo

Tai hay hệ thống tiền đình ốc tai là một cơ quan phức tạp, ngoài nhiệm vụ nhận cảm giác âm thanh (phần ốc tai), còn giúp điều chỉnh thăng bằng cho cơ thể (phần tiền đình). Về cấu tạo giải phẫu, tai gồm có 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong.

Tai ngoài

Gồm có vành tai và ống tai ngoài, đi từ vành tai tới màng nhĩ, có nhiệm vụ thu nhận và dẫn truyền âm thanh.

  • Vành tai (loa tai): bao gồm sụn và có lớp da phủ bên ngoài, có ít mạch máu và lớp mỡ bảo vệ. Các đường cong và xoắn của vành tai giúp nhận và hứng âm thanh (năng lượng âm) từ mọi phía vào ống tai.

  • Ống tai: là một ống hơi cong hình chữ S, nối từ vành tai tới màng nhĩ. Ở người lớn, ống tai có xu hướng hướng lên, sau đó hơi nghiêng về phía trước và càng hướng xuống khi tới gần màng nhĩ. Phần phía ngoài của ống tai có chứa các sợi lông nhỏ và các tuyến nhờn tạo ráy tai. Mỗi khi có ráy tai, các sợi lông chuyển động nhẹ nhàng đẩy ráy tai khô và da bong ra cửa tai. Đây là cơ chế tự làm sạch tự nhiên của ống tai.

Trong hệ thống của tai, tai ngoài là bộ phận dễ thấy nhất, nhô ra 2 bên đầu người và cũng là bộ phận duy nhất nằm ngoài xương thái dương của sọ. Các bộ phận phức tạp hơn của tai lại nằm ẩn sâu trong các khoang sọ.

Tai giữa

Cấu tạo tai giữa bao gồm màng nhĩ, hòm nhĩ, vòi nhĩ và các xương con bao gồm xương búa, xương đe, và xương bàn đạp.

  • Màng nhĩ: là một màng mỏng hình bầu dục, hơi lõm ở giữa, nằm hơi nghiêng ra sau, ngăn cách hoàn toàn ống tai ngoài và tai giữa. Màng nhĩ bình thường có màu trong mờ, trắng sáng hay hơi xám. Thường, chúng ta có thể nhìn xuyên qua màng nhĩ.

  • Hòm nhĩ: là một hốc xương gồ ghề nằm trong xương thái dương. Phía trước thông mũi họng, phía sau thông với xoang chũm, bên trong thông với tai trong.

Trong hòm nhĩ có các chuỗi xương thính giác bao gồm xương búa, xương đe, và xương bàn đạp. Ba xương này có nhiệm vụ dẫn truyền xung động âm thanh từ màng nhĩ vào tai trong.

  • Vòi nhĩ (vòi Eustache): có cấu tạo 1/3 phía trên bởi xương, ⅔ phía dưới bởi sụn. Bình thường vòi nhĩ đóng kín, chỉ mở ra khi nuốt hoặc ngáp để cân bằng áp suất trong hòm nhĩ. Tác dụng của vòi nhĩ là làm cân bằng áp lực của hòm tai với tai ngoài.

Tai trong

Cấu tạo tai trong bao gồm:

  • Ốc tai: có hình dạng là một ống xương xoắn hai vòng rưỡi quay trụ ốc, bên trong trụ ốc có hạch thần kinh ốc tai. Trong ốc tai có chứa nhiều chất dịch. Khi chuỗi xương con đưa âm thanh đến cửa sổ bầu dục, chất dịch này bắt đầu chuyển động, kích thích các tế bào lông trong ốc tai gửi các xung điện thông qua các dây thần kinh thính giác đến não bộ, nơi mà ta nhận biết được âm thanh.

  • Tiền đình: là khoang hình bầu dục, ở giữa phình rộng là nơi chứa túi nhỏ và túi bầu dục của tai trong màng. Phía sau tiền đình thông với 3 khoang của ống bán khuyên theo ba chiều ngang, trên, sau.

  • Các ống bán khuyên: Mỗi tai có 3 ống bán khuyên: bên, trước và sau, nằm thẳng góc với nhau. Các ống đều thông hai đầu với tiền đình và có tác dụng giữ thăng bằng, nhận biết ra sự di chuyển và mức độ thăng bằng.

Chức năng

Tai người có hai chức năng quan trọng:

  • Chức năng đầu tiên và được biết nhiều nhất là khả năng nghe. Khả năng nghe hoạt động chủ yếu dựa vào hệ thống thính giác gồm 3 phần: Tai ngoài, tai giữa và tai trong.

  • Chức năng thứ 2 của tai là giữ thăng bằng cho cơ thể. Khi chúng ta thay đổi chuyển động trong không gian, hệ thống tiền đình ảnh hưởng tới sự chuyển động của mắt và vị trí cơ thể (vì chúng ta chuyển động trong không gian).

Những vấn đề cần lưu ý

Cơ chế nghe âm thanh của tai

Cơ chế nghe của người bình thường diễn ra theo các bước:

  • Vành tai thu nhận âm thanh, hướng âm thanh vào ống tai và đập vào màng nhĩ.

  • Màng nhĩ bị tác động rung lên, làm chuyển động các xương thính giác ở tai giữa..

  • Chuỗi xương này dao động và tác động lên ốc tai ở tai trong.

  • Chất dịch trong ốc tai chuyển động, kích thích các tế bào lông cũng chuyển động và tạo ra các xung điện, truyền tới dây thần kinh thính giác và đưa lên não.

Phương thức bảo vệ thính lực

Tiếng ồn lớn làm sẽ làm tổn thương các tế bào lông tinh vi ở tai trong, gây ra điếc thần kinh giác quan và thường bị ù tai. Do vậy bạn cần bảo vệ đôi tai để tránh bị suy giảm thính lực hoặc ngăn việc mất thính lực trở nên tồi tệ hơn.

Một số phương thức để bảo vệ khả năng nghe của tai:

  • Hạn chế thời gian tiếp xúc với những hoạt động có tiếng ồn lớn.

  • Mang đồ bảo vệ tai như nút hoặc chụp tai làm từ silicon hoặc miếng xốp để chặn tiếng ồn

  • Chú ý nghe nhạc ở mức âm thanh vừa phải. Thực hành nguyên tắc 60/60 khi sử dụng tai nghe: 60% âm lượng với thời gian 60 phút/1 ngày là thời lượng nghe an toàn.

  • Khi mua sắm, hãy lựa chọn các sản phẩm ít ồn hơn (cường độ tiếng ồn thấp)

  • Tránh các loại thuốc có thể gây ngộ độc tai. Để chắc chắn, hãy hỏi các bác sĩ của bạn về những tác hại có thể có đối với sức nghe của bạn.

 

 

Xem thêm: