Trang chủ Bệnh Viêm cơ tim: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Viêm cơ tim: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Viêm cơ tim

Viêm cơ tim là một bệnh lý nguy hiểm, có thể bao gồm những người ở mọi độ tuổi và giới tính hay thậm chí viêm cơ tim ở trẻ em. Nguyên nhân viêm cơ tim khá đa dạng, có thể bắt nguồn từ các loại virus, vi khuẩn, các tác nhân gây nhiễm trùng khác, hoặc đơn giản hơn là do tác dụng phụ của thuốc điều trị các loại bệnh khác. 

1. Viêm cơ tim là gì?  

Viêm cơ tim là sự viêm nhiễm của các tế bào cơ tim, có thể diễn ra tại vị trí cục bộ hoặc lan rộng, do tác nhân nhiễm trùng (như virus, vi khuẩn, nấm...) hoặc tác nhân không nhiễm trùng.. 

Nguyên nhân bệnh Viêm cơ tim

2. Nguyên nhân viêm cơ tim 

Các tác nhân nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng đều có thể là nguyên nhân viêm cơ tim. 

2.1 Nguyên nhân viêm cơ tim do các tác nhân nhiễm trùng: 

  • Virus: Virus như coxsackie B, adenovirus, virus viêm gan B, C, HSV, EBV thường là nguyên nhân phổ biến gây viêm cơ tim, tuy nhiên thường khó chẩn đoán chính xác. 

  • Vi khuẩn: liên cầu, tụ cầu, bạch hầu,… 

  • Nấm: candida, aspergillus,… 

  • Kí sinh trùng: toxoplasma, Trypanosoma cruzi,… 

2.2 Nguyên nhân viêm cơ tim do các tác nhân không nhiễm trùng: 

Thuốc nhóm anthracycline (Daunorubicin, Adriamycin), cocaine, CO, bệnh lupus, viêm mạch tế bào khổng lồ, Takayasu,.. cũng được xem là một trong những nguyên nhân viêm cơ tim

Nếu người bệnh đang dùng các loại thuốc khác để điều trị bệnh, có khả năng xảy ra các phản ứng dị ứng thuốc hoặc các tác dụng phụ không mong muốn, trong đó có viêm cơ tim. Các loại thuốc có nguy cơ gây ra tình trạng này bao gồm các thuốc điều trị ung thư, một số loại kháng sinh (như penicillin và sulfonamide), một số thuốc chống động kinh, và chất gây nghiện như cocaine. 

Đối với những người sống trong môi trường nhiều hóa chất độc hại, nguy cơ mắc viêm cơ tim cũng cao hơn do tiếp xúc liên tục với các chất có hại. 

Trong nhóm nguyên nhân liên quan đến tự miễn, chính hệ miễn dịch của cơ thể lại không nhận diện đúng và tấn công vào mô cơ tim lành mạnh, thay vì chống lại vi khuẩn hoặc virus như thông thường. 

2.3 Nguyên nhân viêm cơ tim tế bào khổng lồ 

Viêm cơ tim tế bào khổng lồ là một dạng hiếm gặp, thường có diễn biến nghiêm trọng. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên có thể liên quan đến cơ chế tự miễn. Kết quả sinh thiết thường cho thấy sự tích tụ tế bào khổng lồ đa nhân điển hình. 

3. Bệnh viêm cơ tim có nguy hiểm không? 

Viêm cơ tim có thể không gây ảnh hưởng gì cho đến gây ảnh hưởng rất nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh có thể tác động lên hệ thống điều hòa nhịp tim, gây ra các rối loạn nhịp tim nguy hiểm, khó kiểm soát. Ngoài ra, bệnh có thể dẫn đến suy tim cấp động thời thậm chí gây sốc tim, và tiềm tàng gây ra bệnh cơ tim giãn suy tim mạn tính trong tương lai. Cụ thể: 

  • Viêm cơ tim có thể có tính chất khu trú hoặc lan rộng. Tình trạng viêm có thể lan tỏa vào màng ngoài tim, tạo thành viêm cơ tim-màng ngoài tim. Mức độ lan rộng của tổn thương đến cơ tim và các màng lân cận quyết định biểu hiện triệu chứng. Việc lan rộng của tổn thương có thể dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp và đôi khi gây ra đột tử do tim. 

  • Tổn thương khu trú thường ít gây suy tim, nhưng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim và tình trạng ngừng tim đột ngột. Tổn thương liên quan đến màng ngoài tim gây ra đau ngực và các triệu chứng điển hình khác của viêm màng ngoài tim. Một số bệnh nhân có thể không có triệu chứng, dù tổn thương cơ tim chỉ ở mức khu trú hoặc lan rộng. 

Triệu chứng bệnh Viêm cơ tim

4. Triệu chứng bệnh Viêm cơ tim 

Triệu chứng viêm cơ tim có thể biểu hiện từ nhẹ đến rất nặng. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng không bộc phát, hoặc thể hiện tình trạng suy tim nghiêm trọng đầy rõ rệt hoặc sự rối loạn nhịp tim nguy kịch. Các triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh, cũng như mức độ lan rộng và sự nghiêm trọng của tổn thương. Các triệu chứng thường gặp như: 

  • Các dấu hiệu của việc nhiễm trùng: sốt, cảm cúm, đau mình mẩy… 

  • Đau ngực 

  • Khó thở tùy mức độ suy tim 

  • Các rối loạn nhịp tim: ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất… 

  • Trường hợp nghiêm trọng có biểu hiện của sốc tim bao gồm huyết áp giảm, cảm giác lạnh ở chân tay, tiểu ít, khó thở liên tục, và có thể có dấu hiệu của phù phổi cấp. 

5. Phân loại bệnh viêm cơ tim

Viêm Cơ Tim Cấp Tính: Đây là tình trạng viêm nhiễm cơ tim mới phát do nhiễm virus, thường gặp và có thể phát triển đột ngột. Bệnh này đặc biệt ảnh hưởng đến trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn non yếu. Triệu chứng bao gồm đau ngực trái, tim đập nhanh bất thường, thở nhanh và khó thở, sốt, da và môi tím tái, cảm giác đau nhức toàn thân. 

Viêm Cơ Tim Tiến Triển Nhanh: Khi các triệu chứng như sốt nhẹ, đau đầu, mỏi cơ, khó thở, đau tức ngực có xu hướng gia tăng, cần nhanh chóng đến bệnh viện. Đặc biệt, khó thở nặng và đau tức ngực dữ dội có thể là dấu hiệu của viêm cơ tim tiến triển nhanh, có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm nếu không được can thiệp kịp thời. 

Viêm Cơ Tim Tế Bào Khổng Lồ: Đây là dạng viêm cơ tim hiếm gặp với diễn biến cực kỳ nghiêm trọng. Nguyên nhân viêm cơ tim ở trường hợp này chưa được khẳng định nhưng có thể liên quan đến cơ chế tự miễn. Triệu chứng bao gồm sốc, rối loạn nhịp thất kháng trị, hoặc nghẽn dẫn truyền tim. Bệnh có tiên lượng xấu và cần được loại trừ sớm, đặc biệt trong trường hợp suy tim đột ngột hoặc rối loạn nhịp kháng trị. Liệu pháp ức chế miễn dịch kịp thời có thể cải thiện tỷ lệ sống. 

Viêm Cơ Tim Mạn Tính: Khi việc điều trị viêm cơ tim kéo dài mà không thấy cải thiện, hoặc bệnh tái phát sau điều trị, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn mạn tính. Nguyên nhân thường liên quan đến các rối loạn tự miễn dịch, làm cho tình trạng viêm trở nên kéo dài và phức tạp hơn. 

Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm cơ tim

6. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh 

Đối tượng bị viêm cơ tim có thể bao gồm những người ở mọi độ tuổi và giới tính hay thậm chí viêm cơ tim ở trẻ em. Tuy nhiên, một số nhóm có nguy cơ cao hơn bao gồm:

  • Người mắc bệnh nhiễm trùng: Thường có thể xuất phát từ một nhiễm trùng không được điều trị hoặc được điều trị không đúng cách.
  • Người có tiền sử bệnh tim mạch: Những người có bệnh tim mạch khác, chẳng hạn như bệnh mạch vành hoặc suy tim, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Người mắc các bệnh autoimmunity: Các bệnh autoimmunity, nơi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào và mô của bản thân, có thể là nguyên nhân của dẫn đến bệnh.
  • Người sử dụng các loại thuốc gây độc cho tim: Có một số loại thuốc và hợp chất gây độc cho tim có thể gây viêm cơ tim.
  • Người mắc các bệnh hệ thống khác: Một số bệnh hệ thống như sarcoidosis cũng có thể là nguyên nhân viêm cơ tim.

Tuy nhiên, viêm cơ tim cũng có thể xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng. Điều quan trọng là cần tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị phù hợp.

Phòng ngừa bệnh Viêm cơ tim

7. Phòng ngừa bệnh Viêm cơ tim 

  • Hạn chế tiếp xúc với nhiễm trùng: Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, và duy trì khoảng cách an toàn hay hạn chế tiếp xúc với những người nhiễm virus, nhiễm cúm, hoặc cần có phương tiện bảo vệ khi tiếp xúc. 

  • Kiểm tra và điều trị các bệnh liên quan: Kiểm tra và điều trị các bệnh khác như tiểu đường, huyết khối, và bệnh lipid máu cao, vì chúng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh. 

  • Thực hiện lối sống lành mạnh: Quản lý căng thẳng bằng cách tập hít thở sâu, yoga hoặc thiền định để giảm áp lực lên tim. Đồng thời, có một chế độ ăn cân đối chất dinh dưỡng 

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Thực hiện các cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu có tiền sử gia đình hoặc các yếu tố nguy cơ khác. 

  • Thực hiện tiêm vacxin phòng bệnh như: vacxin cúm, viêm gan B,… để ngăn ngừa nguyên nhân viêm cơ tim do nhiễm trùng 

  • Bệnh viêm cơ tim là một bệnh tim mạch phát sinh do nhiễm trùng gây tổn thương cơ tim, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nguy hiểm và thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc kiểm tra sức khỏe đều đặn tại các cơ sở y tế được khuyến nghị cho bệnh nhân và người thân của họ. Điều này giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, từ đó ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng và giảm thiểu nguy cơ tử vong. 

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm cơ tim

8. Các phương pháp chẩn đoán bệnh

Điện tâm đồ

Điện tâm đồ thường có dấu hiệu ST chênh lệch xuống ở nhiều chuyển đạo, cho thấy tình trạng viêm cơ tim màng tim. Cần phân biệt rõ ràng để không nhầm lẫn với biến đổi ST chênh lên trong trường hợp nhồi máu cơ tim.

Chẩn đoán hình ảnh tim

Siêu âm Doppler tim có khả năng đánh giá chức năng tim và các rối loạn vận động vùng do viêm cơ tim, không liên quan đến vùng tưới máu động mạch vành.

Đối với những bệnh nhân có đau ngực và các yếu tố nguy cơ mạch vành, kèm theo tăng men tim, cũng cần thực hiện chụp động mạch vành qua da để loại trừ tình trạng nhồi máu cơ tim, nếu tình trạng cho phép.

Sinh thiết nội tâm mạc

Sinh thiết cơ tim, khi có dấu hiệu thâm nhiễm viêm và hoại tử tế bào cơ tim lân cận, được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, xét nghiệm này có độ nhạy thấp đối với việc phát hiện viêm cơ tim do sai sót trong quá trình lấy mẫu. Vì vậy, kết quả sinh thiết dương tính xác định viêm cơ tim, nhưng kết quả âm tính không loại trừ khả năng này.

Ngoài ra, việc thực hiện sinh thiết cơ tim có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm cả vỡ tim và tử vong. Do đó, không nên tiến hành một cách thường xuyên. Sinh thiết cơ tim nên được tiến hành trong các trường hợp suy tim nghiêm trọng, loạn nhịp thất, block tim hoặc khi kết quả sinh thiết sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn điều trị, như trong trường hợp của viêm cơ tim tế bào khổng lồ, nơi việc điều trị kịp thời có thể làm giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, biện pháp này chưa được thực hiện tại Việt Nam.

Xét nghiệm

Các xét nghiệm máu, bên cạnh việc kiểm tra các chỉ số nhiễm trùng, đặc biệt cần quan tâm đến Troponin T hoặc Troponin I, đây là các chỉ số cho thấy sự tổn thương cơ tim. Dựa vào đó để chẩn đoán được có sự tổn thương cơ tim. Ngoài ra NT-proBNP, lactat máu cũng cần thiết để đánh giá mức độ suy tim, tưới máu cơ quan.

Cộng hưởng từ tim

Cộng hưởng từ tim cũng là phương tiện có giá trị chẩn đoán cao, tuy nhiên ít thực hiện được trong giai đoạn cấp

Các biện pháp điều trị bệnh Viêm cơ tim

9. Các phương pháp điều trị

Điều trị viêm cơ tim có thể điều trị tại nội khoa, nhưng trong những trường hợp sốc tim, có thể cần hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, tỷ lệ tử vong cao và chi phí điều trị lớn.

Đối với điều trị nội khoa, trong giai đoạn cấp, không có thuốc điều trị cụ thể, mà tập trung vào điều trị các triệu chứng. Hầu hết viêm cơ tim cấp có khả năng phục hồi và ít ảnh hưởng đến chức năng tim. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp có thể gây suy tim và bệnh cơ tim giãn. Điều trị ở giai đoạn này tập trung vào việc điều trị suy tim, sử dụng các loại thuốc được khuyến cáo cho điều trị suy tim.

Trong những trường hợp nặng, có thể cần sử dụng các thuốc vận mạch hỗ trợ, tuy nhiên thường phải sử dụng hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Viêm cơ tim cấp có thể ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền nhịp tim và gây ra các rối loạn nhịp tim nguy hiểm như nhịp nhanh thất hoặc block nhĩ thất. Trong những trường hợp này, có thể cần đặt máy tạo nhịp tạm thời để hỗ trợ.

 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp