Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Viêm amidan
Amidan là gồm 2 tổ chức bạch huyết (lympho) nằm ở phía sau của hầu họng, cũng là nơi giao nhau của đường ăn uống và đường hô hấp. Đây là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp bằng hai cách (1) amidan ngăn chặn sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, nấm và virus, (2) amindan tiết ra các kháng thể chống lại nhiễm khuẩn do các tác nhân gây bệnh.
Viêm amidan là bệnh phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi trong cộng đồng, gây ra những triệu chứng đau rát họng, khó nuốt, thậm chí nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, diễn biến của bệnh sẽ trở nên nặng hơn, thậm chí dẫn tới nhiễm khuẩn máu, viêm hệ hô hấp và viêm cầu thận. Tuy nhiên, đôi khi viêm amidan được chẩn đoán nhầm với các bệnh đường hô hấp, vậy triệu chứng, cách phòng bệnh và điều trị viêm amindan là gì?
Nguyên nhân bệnh Viêm amidan
Dựa trên nền cấu trúc giải phẫu của amidan có nhiều khe và hốc do đó, đây là môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh cho cơ thể như:
-
Do nhiễm các loại virus như Adenoviruses, Enteroviruses, virus cúm, Virus Parainfluenza, Virus Epstein-Barr, virus herpes simplex.
-
Tiền sử người bệnh đã từng mắc hoặc/và đang mắc các bệnh đường hô hấp do nhiễm khuẩn như sởi, ho gà …
-
Người bệnh thực hiện vệ sinh cá nhân kém.
-
Người bệnh sử dụng các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, đồ uống lạnh như kem, nước đá, bia lạnh.
-
Môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi.
-
Thậm chí do thời tiết thay đổi đột ngột cũng dẫn tới viêm amidan.
Triệu chứng bệnh Viêm amidan
Viêm amidan gồm 2 thể như sau:
3.1. Viêm amidan cấp tính
Viêm amidan cấp tính thường gặp ở người bệnh từ 3-4 tuổi trở lên với các triệu chứng của amidan khẩu cái bị xung huyết (màu đỏ và sưng lên) và tiết nhiều dịch, đây là triệu chứng điển hình ở giai đoạn đầu của viêm nhiễm. Ngoài ra, còn có thể có thêm các triệu chứng khác như sốt, amidan có các đốm màu trắng hoặc vàng, nổi hạch bạch huyết tại cổ và hàm, đau tai và nhức đầu.
3.2. Viêm amidan mạn tính
Khác với viêm amidan cấp tính, viêm amidan mạn tính có triệu chứng không điển hình và khá nghèo nàn. Đây là tình trạng viêm tái lại nhiều lần với các triệu chứng tương tự như viêm amidan cấp tính, nhưng có thêm những dấu hiệu như sau:
- Triệu chứng đặc trưng của viêm amidan là người bệnh có hơi thở hôi, mặc dù đã được vệ sinh răng miệng sạch sẽ và đều đặn nhưng hơi thở vẫn có mùi khó chịu.
- Bệnh xảy ra trên nền thể trạng kém, gầy yếu và có thể sốt về chiều.
- Khi nuốt có cảm giác vướng ở cổ họng.
- Ho khan từng cơn, đặc biệt ho kéo dài khi ngủ dậy vào buổi sáng.
- Do ho nhiều nên gây ra rát họng và giọng nói của người bệnh thay đổi.
- Đối với trẻ nhỏ có một số các triệu chứng khác như quấy khóc, chảy nước dãi do tăng tiết dịch, chán ăn, thở khò khè và nghe thấy tiếng ngáy khi ngủ.
· Thậm chí, một số trường hợp viêm amidan sưng to đến nỗi gây chẹn họng và khiến người bệnh khó thở.
Đường lây truyền bệnh Viêm amidan
Nguyên nhân gây viêm amidan phần lớn là do vi khuẩn gây ra, do đó, bệnh viêm amidan có thể lây truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Để chủ độn phòng ngừa bệnh này, ngoài thực hiện các biện pháp phòng ngừa, người bệnh cần hạn chế hoặc bảo vệ bản thân khi tiếp xức với người bệnh viêm amidan.
Đối tượng nguy cơ bệnh Viêm amidan
Viêm amidan có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt, người ta thấy rằng trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng dễ mắc viêm amidan hơn nhóm đối tượng khác.
Phòng ngừa bệnh Viêm amidan
Để phòng ngừa bệnh viêm amidan, người dân cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ hằng ngày.
- Thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
- Hạn chế tiêu thụ các đồ uống và thức ăn lạnh.
- Tránh sử dụng chung các vật dụng với người mắc viêm amidan như thức ăn, cốc uống nước, đồ dùng cá nhân.
- ·Điều trị khỏi các bệnh đường hô hấp như viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Viêm amidan
Để chẩn đoán xác định viêm amidan và phân biệt với các bệnh khác, Bác sĩ sẽ thực hiện như sau:
- Khám bệnh: Bác sĩ sử dụng một loại đèn đặc biệt để soi chiếu trong các khoang của tai, mũi và họng để tìm ra ổ nhiễm khuẩn. Sau đó, bác sĩ khám ở cổ xem người bệnh có bị sưng hạch bạch huyết hay không, nghe tiếng ran phổi và khám vùng lách có bị to không.
- Xét nghiệm: Xét nghiệm máu toàn phần và xét nghiệm dịch tiết được lấy từ họng người bệnh để tìm ra nguyên nhân dẫn tới nhiễm khuẩn.
Các biện pháp điều trị bệnh Viêm amidan
Với tình trạng bệnh như vậy, liệu viêm amidan có cần dùng kháng sinh trong phác đồ điều trị hay không?
- Trường hợp viêm amidan nhẹ: đối với trường hợp này, người bệnh không nhất thiết phải sử dụng các biện pháp điều trị, như cảm lạnh do virus gây ra.
- Trường hợp viêm amidan nặng hơn có 2 biện pháp điều trị hiện nay: (1) thuốc kháng sinh và (2) phẫu thuật.
(1) Thuốc kháng sinh sẽ phát huy hiệu quả khi sử dụng thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ trong các trường hợp viêm amidan cần điều trị ổ nhiễm khuẩn.Người bệnh cần tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị thuốc kháng sinh và tái khám đúng hẹn để đạt được kết quả điều trị cao nhất.
(2) Phẫu thuật: hay còn gọi là cắt amidan, đây là kỹ thuật phổ biến được khuyến cáo sử dụng khi người bệnh mắc amidan mãn tính hay tái đi tái lại nhiều lần (từ 5 lần/năm đến 6 lần/năm) hoặc với các trường hợp không đáp ứng được với các phương pháp điều trị khác, gây biến chứng nặng nề cho người bệnh (như viêm tai mũi họng, viêm khớp, viêm cầu thận, khó thở, khó nuốt và khó nói...). Với kỹ thuật tiên tiến hiện nay, để cắt amidan mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh như giảm chảy máu, giảm đau và nhanh hồi phục, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp cho người bệnh như phẫu thuật khi người bệnh được gây mê có đặt nội khí quản bằng các phương pháp Anse hoặc sử dụng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, cắt amidan viêm bằng dao laser, dao siêu âm hay Coblator, …
Xem thêm:
- Điều trị viêm amidan mãn tính ở trẻ
- Thời điểm cắt amidan cho trẻ khi nào?
- Viêm amidan mãn tính có điều trị bằng thuốc được không?
- Viêm amidan mãn tính điều trị như thế nào?
- Công dụng thuốc Azissel
- Cắt amidan và nạo VA bằng Coblator thế hệ mới nhất: Ít đau, ít chảy máu
- Viêm amidan ở người lớn: Đừng chủ quan
- Thế nào là viêm amidan quá phát?
- Viêm amidan hốc mủ bã đậu có nguy hiểm?
- Viêm amidan dễ tái phát lúc giao mùa, thay đổi thời tiết