Trang chủ Bệnh Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Ung thư cổ tử cung

Cổ tử cung là phần thấp nhất của tử cung, nối tử cung với âm đạo. Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào cổ tử cung phát triển bất thường và xâm lấn các mô và cơ quan khác của cơ thể như phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng. Tuy nhiên ung thư cổ tử cung là dạng ung thư tiến triển chậm. Giai đoạn tiền ung thư kéo dài khoảng 10 đến 15 năm thực sự là giai đoạn cửa sổ quý báu, là cơ hội để bác sĩ và bệnh nhân phát hiện, điều trị các tổn thương tiền ung thư và dự phòng một ung thư thực sự.

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới năm 2014, ung thư cổ tử cung là loại ung thư thường gặp xếp thứ 4 ở nữ giới, chiếm khoảng 12% tất cả các loại ung thư và nó cũng đứng hàng thứ 4 trong nhóm các ung thư gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ. Lứa tuổi trung bình thường mắc ung thư cổ tử cung là 48-52 tuổi, trong khi lứa tuổi được phát hiện các tổ chức tiền ung thư thường từ những năm 20 đến 30 tuổi. Tại Việt Nam trung bình có hơn 4.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung trong vòng một năm và hơn 50% trong số đó tử vong vì ung thư cổ tử cung.

Human papilloma virus (HPV) được xem là có liên quan trực tiếp đến ung thư cổ tử cung. Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ nhiễm HPV, đặc biệt là nhiễm HPV typ 16 và 18 có nguy cơ mắc cổ tử cung cao hơn bình thường. Nhiều chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung cũng chính là đi tìm sự hiện diện của HPV và phát hiện các tổn thương mô học tiền ung thư đã làm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong như: làm phiến đồ cổ tử cung âm đạo (Pap smear), định type HPV… Hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung do HPV gây ra, giảm thiểu được tần suất mắc bệnh.

Nguyên nhân bệnh Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung bắt đầu với những thay đổi bất thường của tế bào cổ tử cung. Nguyên nhân ung thư cổ tử cung tuy chưa được nghiên cứu rõ nhưng nhiều yếu tố nguy cơ đã được xác định, được cho là làm tăng khả năng mắc bệnh.

  • Nhiễm HPV là yếu tố nguy cơ lớn nhất, theo sau là thói quen hút thuốc lá, sử dụng thuốc ngừa thai. HPV xâm nhập từ bên ngoài vào cổ tử cung. Trong đa số các trường hợp, tế bào bị nhiễm HPV sẽ tự chữa khỏi, phần còn lại, các tế bào cổ tử cung bị tổn thương thực sự và virus tiếp tục xâm nhập các tế bào khác gây nên ung thư xâm lấn. HPV type 16 và 18 thuộc nhóm HPV nguy cơ cao, là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung trong 75% các trường hợp.

  • Hút thuốc lá dù chủ động hay thụ động đều có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung lên 2 đến 3 lần. Hút thuốc lá hỗ trợ sự phát triển của HPV và tăng khả năng xuất hiện các tổn thương tiền ung thư như loạn sản nhẹ, loạn sản trung bình và loạn sản nặng đặc biệt ở những phụ nữ hút thuốc lá nhiều và kéo dài.

  • Sử dụng thuốc uống tránh thai kéo dài trên 5 năm làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung vì làm giảm đi việc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, từ đó tăng khả năng phơi nhiễm với HPV.

Triệu chứng bệnh Ung thư cổ tử cung

Tương tự như nhiều loại ung thư khác, triệu chứng ung thư cổ tử cung thường không rõ ràng cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Biểu hiện lâm sàng của bệnh thay đổi tùy theo giai đoạn bệnh như sau:

Giai đoạn ung thư cổ tử cung tại chỗ, chưa xâm nhập

Bệnh thường không có biểu hiện gì, thường được tình cờ phát hiện khi làm mô bệnh học tế bào cổ tử cung.

Giai đoạn ung thư xâm lấn

Các triệu chứng xuất hiện làm người bệnh chú ý vào giai đoạn này như:

  • Đau cổ tử cung khi giao hợp

  • Ra máu âm đạo bất thường, nhất là sau khi giao hợp, giữa các chu kỳ kinh và trong thời kỳ mãn kinh.

  • Dịch nhầy âm đạo có màu vàng bất thường, mùi hôi, đôi khi có lẫn máu.

Khi ung thư lan rộng hơn đến các cơ quan hố chậu, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng:

  • Đau vùng hông, đau thắt lưng hay phù hai chân.

  • Đái máu nếu xâm lấn bàng quang

  • Đại tiện ra máu nếu xâm lấn trực tràng, đôi khi còn có triệu chứng  của bệnh cảnh tắc ruột.

  • Toàn thân mệt mỏi, chán ăn, gầy sút.

Đường lây truyền bệnh Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung không lây nhưng yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV - loại virus có khả năng lây truyền cho bất cứ ai đã từng quan hệ tình dục, bao gồm cả nam giới và nữ giới. Đường lây truyền có thế qua tiếp xúc da với da, nhưng phổ biến nhất là theo đường quan hệ tình dục, tiếp xúc giữa dương vật, tử cung, âm đạo hay hậu môn. Hôn hoặc chạm vào bộ phận sinh dục của bạn tình cũng có thể lây nhiễm HPV.

Ung thư cổ tử cung có lây không và có di truyền không?

Đối tượng nguy cơ bệnh Ung thư cổ tử cung

Những người phụ nữ có tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn khi có một hay nhiều yếu tố nguy cơ sau:

  • Không tiêm vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung do HPV.

  • Có nhiều bạn tình hoặc bạn tình có nhiều bạn tình khác.

  • Quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su.

  • Hút thuốc lá nhiều và kéo dài.

  • Sử dụng thuốc tránh thai đường uống kéo dài ít nhất trên 5 năm.

Phòng ngừa bệnh Ung thư cổ tử cung

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung là loại bỏ các yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh và phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư để điều trị và ngăn chặn chúng tiến đến các tổn thương ung thư thực sự.

  • Tiêm phòng vắc xin ngừa HPV là cách phòng ngừa chủ động nhất. Tại Việt Nam vắc xin ngừa HPV đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ năm 2007, có hiệu quả trong việc dự phòng các tổn thương tiền ung thư gây ra do HPV typ 16 và 18. Thời điểm tốt nhất để tiêm vắc xin là trước khi quan hệ tình dục.

  • Các chương trình tầm soát định kỳ bao gồm làm phiến đồ âm đạo cổ tử cung (pap smear) và định type HPV là cần thiết cho hầu hết phụ nữ trên 30 tuổi. Đây là cách duy nhất hiệu quả để phòng ngừa ung thư cổ tử cung cho những người phụ nữ còn quan hệ tình dục nhưng quá lớn tuổi để tiêm vắc xin phòng HPV có hiệu quả.

Một số biện pháp phòng ngừa khác cũng có thể có lợi như:

  • Có càng ít bạn tình thì tỷ lệ nhiễm HPV càng thấp.

  • Không uống các thuốc ngừa thai trong một thời gian kéo dài

  • Không hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc thụ động.

  • Ăn nhiều rau xanh và hoa quả.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Ung thư cổ tử cung

Triệu chứng ung thư cổ tử cung khá nghèo nàn và không đặc trưng nên việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn tại chỗ

  • Làm phiến đồ âm đạo, soi và sinh thiết cổ tử cung để lấy mẫu làm giải phẫu bệnh là những biện pháp giúp xác định người bệnh có mắc ung thư cổ tử cung hay không.

  • Nạo ống cổ tử cung: là một biện pháp xâm lấn, được chỉ định khi làm phiến đồ âm đạo cổ tử cung thấy bất thường nhưng không phát hiện được gì khi soi cổ tử cung.

  • Khoét chóp cổ tử cung để đánh giá mức độ xâm lấn của ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn xâm lấn

  • Bệnh nhân sẽ được thăm khám lâm sàng

  • Đặt mỏ vịt, quan sát hình ảnh tổn thương cổ tử cung  bằng mắt thường. Các hình thái tổn thương có thể gặp phải bao gồm sùi, loét, thâm nhiễm. Đánh giá kích thước khối u và sự xâm lấn vào túi cùng, âm đạo và lấy mẫu làm giải phẫu bệnh.

  • Thăm trực tràng, âm đạo để xác định các nhân di căn.

  • Thăm khám toàn thân: đánh giá thể trạng, phát hiện hạch di căn ở bẹn, thượng đòn và cổ. Thăm khám bụng và ngực để phát hiện các biểu hiện của di căn xa như cổ chướng…

Việc xác định chẩn đoán vẫn dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng, quan trọng nhất là lấy mẫu mô cổ tử cung làm giải phẫu bệnh. Một số phương tiện khác giúp chẩn đoán tình trạng di căn và xâm lấn các cơ quan khác cũng được thực hiện như:

  • Soi bàng quang, chụp UIV

  • Soi trực tràng

  • Chụp CT scan, cộng hưởng từ tiểu khung và ổ bụng

  • X.quang và CT scan lồng ngực đánh giá tình trạng di căn phổi

Các biện pháp điều trị bệnh Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Để điều trị ung thư cổ tử cung, đầu tiên, bác sĩ cần xác định giai đoạn của bệnh ung thư, kích thước khối u và có hay không sự xâm lấn đến các cơ quan khác. Việc điều trị chủ yếu dựa vào giai đoạn bệnh và loại mô học của ung thư cổ tử cung. Ngoài ra tuổi, và các yếu tố gia đình xã hội khác cũng góp phần vào việc xây dựng một phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể.

Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung bao gồm:

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính. Trong một vài trường hợp, xạ trị và hóa trị có thể được chỉ định để thu nhỏ kích thước khối u trước khi phẫu thuật hoặc giết chết phần khối u còn lại sau phẫu thuật.

 

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp