Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Tăng tiết mồ hôi
Mồ hôi được sản xuất bởi các tuyến nằm ở lớp hạ bì lớp của da. Nó thường giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể. Mặc dù được tìm thấy trên khắp cơ thể, nhưng tuyến mồ hôi lại tập trung rất nhiều xung quanh khu vực trán, nách, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Bình thường chúng ta có thể đổ mồ hôi những lúc vận động thể lực nhiều hay trời quá nóng.
Tăng tiết mồ hôi là gì? Tăng tiết mồ hôi là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều mà không bắt nguồn từ các hoạt động mạnh như tập thể dục hay ở nơi có nhiệt độ cao. Tăng tiết mồ hôi có liên quan đến mùi mồ hôi bất thường (mùi mồ hôi của cơ thể). Bạn có thể đổ mồ hôi quá nhiều đến mức thấm qua quần áo, và có thể làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày và gây lo lắng hay bối rối cho người bệnh. Một số người bị đổ mồ hôi quá mức (tăng tiết mồ hôi) ngay cả khi nghỉ ngơi hay làm việc ít, tay chân luôn ẩm ướt có khi nhỏ thành giọt gây bất tiện trong giao tiếp và làm việc ( ướt tất cả vật dụng mà người bệnh cầm).
Nguyên nhân bệnh Tăng tiết mồ hôi
Đổ mồ hôi là cơ chế của cơ thể bạn để làm mát chính nó. Hệ thống thần kinh của bạn tự động kích hoạt các tuyến mồ hôi của bạn khi nhiệt độ cơ thể tăng lên. Đổ mồ hôi cũng thường xảy, đặc biệt là ở lòng bàn tay của bạn, khi bạn lo lắng.Tùy theo nguyên nhân người ta phân ra các loại tăng tiết mồ hôi khác nhau.
Trong các loại tăng tiết mồ hôi thì loại phổ biến nhất là tăng tiết mồ hôi thứ phát (hyperhidrosis). Trong loại này, các dây thần kinh chịu trách nhiệm khởi động các tuyến mồ hôi của bạn trở nên hoạt động quá mức, mặc dù chúng không được kích hoạt bởi hoạt động thể chất hoặc tăng nhiệt độ. Nếu có nhiều căng thẳng, cơ thể stress hoặc bị kích động thì tình trạng tăng tiết mồ hôi càng trở nên tồi tệ hơn. Tăng tiết mồ hôi tiên phát thường gây tăng mồ hôi ở lòng bàn tay và lòng bàn chân (tăng tiết mồ hôi tay chân)và đôi khi là ở cả mặt.
Hiện nay nguyên nhân gây tăng mồ hôi tiên phát vẫn chưa được giải thích một cách đầy đủ. Nó có thể là một phần do di truyền vì đôi khi thường thấy ở những bệnh nhân có tiền sử gia đình.
Một loại tăng tiết mồ hôi khác ít phổ biến hơn nhưng đang có xu hướng tăng đó là tăng tiết mồ hôi thứ phát. Đây là tình trạng tăng tiết mồ hôi do một tình trạng bệnh lý nào đó của cơ thể. Khác với tăng tiết mồ hôi nguyên phát các trường hợp thứ phát thường gây tăng tiết mồ hôi toàn thân. Các trường hợp có thể gây tăng tiết mồ hôi thứ phát bao gồm:
- Bệnh đái tháo đường
- Bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh
- Các vấn đề về tuyến giáp
- Lượng đường trong máu thấp
- Một số loại ung thư
- Đau tim
- Rối loạn hệ thần kinh
- Nhiễm trùng
- Một số loại thuốc cũng có thể dẫn đến đổ mồ hôi nhiều,ví dụ như opioid.
Triệu chứng bệnh Tăng tiết mồ hôi
Hầu hết mọi người đổ mồ hôi khi tập thể dục hoặc gắng sức, ở trong môi trường nóng hoặc lo lắng hoặc bị căng thẳng. trong tăng tiết mồ hôi, mồ hôi tiết ra nhiều hơn và ở nhiều thời điểm khác.
Tăng tiết mồ hôi có thể dễ dàng thấy ở tay, chân, nách hoặc mặt xảy ra trong giờ thức dậy, ít nhất một lần một tuần. Và việc đổ mồ hôi thường xảy ra ở cả hai bên cơ thể.
Khi nào cần đến khám bác sĩ?
Đôi khi đổ mồ hôi quá nhiều là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng. Đến cơ sở ý tế để khám ngay nếu tiết mồ hôi nhiều đi kèm với chóng mặt, đau ngực hoặc buồn nôn.
Tổng hợp các trường hợp cần đến khám nếu:
-
Đổ mồ hôi làm gián đoạn thói quen hàng ngày của bạn.
-
Đổ mồ hôi gây rất bối rối và bất tiện trong nhiều tình huống trong sinh hoạt.
-
Bạn đột nhiên ra mồ hôi nhiều hơn bình thường.
-
Bạn bị đổ mồ hôi đêm mà không có lý do rõ ràng
Đối tượng nguy cơ bệnh Tăng tiết mồ hôi
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc tăng tiết mồ hôi bao gồm:
-
Thường xuyên lo lắng, căng thẳng hay hồi hộp;
-
Yếu tố di truyền;
-
Mắc các bệnh lý như: viêm khớp, bệnh căng thẳng thần kinh và chấn thương tủy sống và rối loạn hệ máu;
-
Sử dụng một số loại thuốc như thuốc tiểu đường.
Phòng ngừa bệnh Tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi là một tình trạng rất khó phòng tránh, các biện pháp giảm tỷ lệ mắc chủ yếu làm giảm các yếu tố nguy cơ gây bệnh:
-
Đảm bảo chế độ ăn và sinh hoạt cân bằng giúp phòng các bệnh đái tháo đường.
-
Phát hiện và điều trị sớm các tình trạng nhiễm trùng, viêm khớp và các bệnh lý khác
-
Duy trì tinh thần thoải mái, cân bằng.
-
Tắm hàng ngày: Tắm thường xuyên giúp kiểm soát số lượng vi khuẩn trên da của bạn. Chú ý sau tắm cần lau khô người, đặc biệt là giữa các ngón chân và dưới cánh tay.
-
Chọn giày và tất làm bằng vật liệu tự nhiên. Giày làm bằng vật liệu tự nhiên, chẳng hạn như da, có thể giúp ngăn mồ hôi chân do thoát nhiệt tốt hơn. Khi bạn hoạt động, tất thể thao thấm mồ hôi là một lựa chọn tốt.
-
Thay tất chân thường xuyên. Thay tất chân hoặc rửa một hoặc hai lần một ngày, lau khô chân sau mỗi lần rửa.
-
Làm thoáng chân của bạn: Đi chân đất khi bạn có thể, hoặc ít nhất là giảm thời gian đeo giày dép một cách tối đa.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tăng tiết mồ hôi
Để chẩn đoán tăng tiết mồ hôi, bác sĩ sẽ tiến hành:
-
Khai thác về tiền sử và các triệu chứng của bệnh nhân.
-
Khám lâm sàng
-
Chỉ định một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân.
Xét nghiệm
Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc các xét nghiệm khác trong phòng thí nghiệm để xem liệu mồ hôi của bạn có phải do một tình trạng bệnh lý khác, chẳng hạn như tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết).
Xét nghiệm mồ hôi
Một số xét nghiệm mồ hôi để xác định chính xác các vị trí đổ mồ hôi và ước tính mức độ nghiêm trọng của tình trạng của bạn, bao gồm xét nghiệm iốt, độ dẫn điện của da.
Các biện pháp điều trị bệnh Tăng tiết mồ hôi
Nếu bạn được chẩn đoán có một tình trạng bệnh lý khác gây tăng tiết mồ hôi thì phần điều trị của bạn sẽ ưu tiên điều trị bệnh lý đó trước. Nếu không tìm ra nguyên nhân rõ ràng, điều trị sẽ tập trung vào việc kiểm soát mồ hôi quá mức. Đôi khi có thể cần thử kết hợp các phương pháp để điều trị. Tình trạng tăng tiết có thể tái phát ngay cả khi đã ổn định sau điều trị.
Các phương pháp điều trị tăng tiết mồ hôi:
Điều trị nội khoa:
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị hyperhidrosis bao gồm:
-
Thuốc chống mồ hôi. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống mồ hôi bằng nhôm clorua (Drysol, Xerac Ac). Sản phẩm này có thể gây kích ứng da và mắt. Bôi các thuốc trên vào vùng tăng tiết mồ hôi trước khi bạn đi ngủ. Sau đó, bạn rửa sạch khi bạn thức dậy, cẩn thận để không để thuốc dính vào mắt của bạn. Nếu da bạn bị kích thích, kem hydrocortison có thể giúp ích.
-
Kem bôi : Một loại kem bôi có chứa glycopyrrolate có thể giúp tăng cường ảnh hưởng đến mặt và đầu.
-
Các thuốc ức chế thần kinh. Một số loại thuốc uống có tác dụng ức chế sự dẫn truyền qua synap của các dây thần kinh. Điều này có thể làm giảm mồ hôi ở một số người. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm khô miệng, mờ mắt và một số vấn đề về bàng quang.
-
Thuốc chống trầm cảm. Một số loại thuốc chống trầm cảm cũng có thể làm giảm mồ hôi. Ngoài ra, chúng có thể giúp làm giảm sự lo lắng từ đó giảm yếu tố làm nặng thêm tình trạng tăng tiết.
-
Tiêm Botulinum. Điều trị bằng botulinum (Botox, Myobloc,..) tạm thời chặn các dây thần kinh gây ra tình trạng tăng tiết mồ hôi. Da của bạn sẽ được đóng băng hoặc gây tê trước. Mỗi khu vực bị ảnh hưởng của cơ thể bạn sẽ được tiêm với liều lượng tương ứng. Tác dụng kiểm soát mồ hôi kéo dài sáu đến 12 tháng, và sau đó việc điều trị cần phải được lặp lại. Điều trị này có thể gây đau đớn, và một số người gặp phải tình trạng yếu cơ tạm thời ở vùng được điều trị.
Ngoại khoa và các phương pháp khác.
-
Liệu pháp vi ba (Microwave therapy). Với liệu pháp này, một thiết bị cung cấp năng lượng vi sóng được sử dụng để phá hủy tuyến mồ hôi. Phương pháp điều trị bao gồm hai buổi, mỗi buổi từ 20 đến 30 phút, cách nhau ba tháng. Tác dụng phụ có thể là thay đổi cảm giác da và một số khó chịu khác ở da. Liệu pháp này ít được áp dụng vì tốn kém và chỉ áp dụng ở một số trung tâm lớn.
-
Loại bỏ tuyến mồ hôi. Nếu đổ mồ hôi quá nhiều chỉ ở nách của bạn, loại bỏ các tuyến mồ hôi có thể đạt hiệu quả. Có thể lực chọn kỹ thuật xâm lấn tối thiểu là nạo hút nếu bạn không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Thường áp dụng cho tăng tiết mồ hôi nách đơn thuần.
-
Phẫu thuật thần kinh (cắt hạch giao cảm). Trong thủ tục này, bác sĩ phẫu thuật cắt, đốt hoặc kẹp các dây thần kinh cột sống kiểm soát mồ hôi trên tay của bạn. Trong một số trường hợp, quy trình này kích hoạt đổ mồ hôi quá mức ở các khu vực khác trên cơ thể bạn (đổ mồ hôi bù). Phẫu thuật nói chung không phải là một lựa chọn cho tăng tiết mồ hôi ở đầu và cổ đơn thuần. Một phương pháp mới trong phẫu thuật thần kinh này làm gián đoạn các tín hiệu thần kinh mà không loại bỏ dây thần kinh giao cảm (cắt hạch giao cảm).
Xem thêm:
- Trẻ bị viêm amidan, ra mồ hôi đầu nhiều phải làm sao?
- Trẻ hơn tháng tuổi thường khóc đêm, giật mình có phải do thiếu vitamin D?
- Trẻ đổ mồ hôi, thường xuyên gãi đầu, khó mọc tóc do đâu?
- Dùng các thực phẩm và viên uống nào tốt cho thời kỳ tiền mãn kinh?
- Thai phụ chóng mặt, tụt huyết áp có nguy hiểm không?
- Mệt mỏi, đổ mồ hôi, sợ gió có phải bị cảm thương hàn?
- Làm gì khi thường xuyên bị đau ngực, khó thở, đổ mồ hôi?
- Đổ mồ hôi kèm ớn lạnh là dấu hiệu của bệnh gì?
- Khó ngủ, buồn nôn kèm đổ mồ hôi là dấu hiệu bệnh gì?
- Sốt xuất huyết ngày thứ 5 kèm nôn ói có sao không?