Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Suy thai trong tử cung
Suy thai trong tử cung là tình trạng thai nhi bị thiếu oxy do tuần hoàn tử cung- rau- thai bị gián đoạn gây giảm lưu lượng máu đến hồ huyết hoặc từ gai rau đến thai, đồng nghĩa với việc giảm lưu lượng oxy cung cấp cho thai.
Mức độ thiếu oxy nhiều hay ít, cấp tính hay kéo dài sẽ quyết định đến mức độ suy thai và khả năng tử vong của thai nhi. Có thể phân suy thai ra làm 2 loại:
-
Suy thai mãn tính: xảy ra từ từ và không có biểu hiện rõ ràng, có thể chuyển thành suy thai cấp tính trong chuyển dạ
-
Suy thai cấp tính: Tình trạng cực kì nguy hiểm xảy ra đột ngột trong quá trình chuyển dạ, nếu không được cấp cứu kịp thời dễ để lại di chứng về trí não hoặc thậm chí tử vong cho thai
Nguyên nhân bệnh Suy thai trong tử cung
Có thể chia suy thai xảy ra do các nhóm nguyên nhân sau:
Nguyên nhân suy thai từ mẹ:
-
Tư thể nằm ngửa của sản phụ: Tư thế này làm tử cung chèn ép vào động mạch chủ gây cản trở dòng máu lưu thông đến tử cung. Nếu tử cung chèn ép vào tĩnh mạch chủ có thể làm giảm lưu lượng mái trở về tim gây hạ huyết áp và giảm tưới máu
-
Mẹ trong quá trình mang thai bị chảy máu do chấn thương sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lưu lượng máu vận chuyển đến bào thai
-
Mẹ mắc các bệnh lý như đái tháo đường, béo phì, suy tim, nhiễm khuẩn, nhiễm virus đều có thể dẫn tới suy thai
Nguyên nhân suy thai do thai nhi:
-
Thai non tháng hay già tháng đều có thể dẫn tới suy thai
-
Thai suy dinh dưỡng trong tử cung, thiếu máu, nhiễm trùng hoặc thai dị dạng, chậm phát triển
Nguyên nhân do phần phụ của thai
-
Bệnh lý nhau tiền đạo, nhau bong non, suy nhau, bánh nhau vôi hóa
-
Dây rốn bị sa hoặc thắt nút cản trở lượng oxy được vận chuyển tới thai nhi
-
Ối vỡ sớm: đây chính là môi trường bao quanh bảo vệ thai nhi, khi ối vỡ sớm làm giảm thể tích xung quanh thai nhi thì cơn go tử cung khi chuyển dạ có thể làm chèn ép đầu thai hay dây rốn gây thiếu oxy cho thai
Nguyên nhân sản khoa gây suy thai khác:
-
Cơn co tử cung: mỗi cơn co tử cung sẽ làm tuần hoàn máu giữa tử cung và bánh nhau bị gián đoạn, lượng oxy dự trữ trong hồ huyết sẽ giúp thai sống sót trong thời gian đó. Tuy nhiên khi có cơn co cường tính hoặc lượng dự trữ không đủ có thể làm giảm nguồn cấp oxy cho thai gây suy thai
-
Đẻ khó do nguyên nhân cơ học
-
Bất tương xứng đầu- chậu
-
Ngôi thai bất thường: ngôi ngang, ngôi ngược
Nguyên nhân suy thai do thuốc:
-
Thai nhi bị ức chế do mẹ dùng các thuốc gây mê, giảm đau
-
Dùng thuốc tăng co không kiểm soát làm tăng cơn co tử cunga
Triệu chứng bệnh Suy thai trong tử cung
Các triệu chứng suy thai có thể nhận biết là:
Màu sắc nước ối bất thường
-
Nước ối màu vàng sẫm là biểu hiện của suy thai mạn, cần điều trị ngay
-
Nước ối màu xanh là mẹ có dấu hiệu suy thai, cần theo dõi sát và xử lý nếu có biến động
-
Nước ối có phân su có khả năng là biểu hiện của suy thai cấp trong chuyển dạ, cần được xử lý nhanh chóng
Tim thai đập không đều
Tim thai lúc đập nhanh (trên 160 lần/phút) có lúc lại đập chậm (dưới 100 lần/phút)
Thai nhi cử động hỗn loạn
-
Thai nhi cử động bất thường, có lúc đạp mạnh và nhiều, lúc thì chậm và động tác ít dần. Thai không cử động trong thời gian dài có thể là biểu hiện của thai lưu
-
Thai nhi khỏe mạnh khi có 4 lần cử động trong 30 phút và không có ít hơn 10 cử động trong 4 giờ
Đối tượng nguy cơ bệnh Suy thai trong tử cung
- Thai phụ bị chấn thương chảy máu, động thai
-
Thai phụ mắc các bệnh lý: đái tháo đường, suy tim, nhiễm khuẩn, nhiễm virus,…
-
Sản phụ sinh non tháng hoặc già tháng
-
Sản phụ dùng các thuốc gây mê, giảm đau hoặc thuốc tăng co trong chuyển dạ
Phòng ngừa bệnh Suy thai trong tử cung
Để đề phòng suy thai cấp mẹ cần chú ý:
-
Chữa khỏi bệnh mạn tính trước khi có thai
-
Tránh các ưu tư, phiền muộn khi mang thai
-
Có chế độ dinh dưỡng tốt, bổ sung protein, vitamin và vi lượng đầy đủ, tránh không bị tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ
-
Tránh khói thuốc lá, rượu bia và không tự ý sử dụng thuốc
-
Khám thai đầy đủ định kỳ theo lịch hẹn
-
Cần đến khám bác sĩ ngay khi thai có biểu hiện bất thường như cử động ít, không cử động hoặc mẹ có cơn co tử cung, ra máu âm đạo
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Suy thai trong tử cung
Chẩn đoán suy thai cần dựa vào cả triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm:
-
Chiều cao tử cung chậm phát triển
-
Giảm cử động thai (từ 23 giờ trở đi cử động thai mỗi 2 giờ dưới 12 lần) hoặc thay đổi cử động thai
-
Nhịp tim thai thay đổi (trên 160 lần/phút hoặc dưới 120 lần/phút)
-
Nước ối có màu xanh
-
Monitor sản khoa có Dip I, Dip II, tim thai không đáp ứng test không đả kích
-
Siêu âm xác định chỉ số nước ối
Các biện pháp điều trị bệnh Suy thai trong tử cung
Tùy vào mức độ suy thai mà bác sĩ sẽ đưa ra xử trí cho từng trường hợp có thể kể đến như:
-
Điều trị nội khoa và theo dõi
-
Dùng thuốc giảm cơn co tử cung để cải thiện tuần hoàn hồ huyết
-
Phục hồi lại cân bằng nội môi cho thai bằng cách dùng thuốc cho mẹ
-
Điều trị can thiệp, chỉ định chấm dứt thai kỳ khi tình trạng trở nên nguy kịch để cứu cả mẹ và con
Xem thêm:
- Còi xương: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Bệnh ROP ở trẻ sinh non có nguy hiểm không?
- Trẻ sơ sinh từ mẹ nhiễm viêm gan B đã được tiêm ngừa có nguy cơ lây nhiễm không?
- Trẻ bị dây thép làm chảy máu có sao không?
- Mẹ nên bổ sung dưỡng chất nào giúp hạn chế tình trạng khô đa khớp ở trẻ?
- Em bé có bị sâu răng và hôi miệng nếu mẹ bầu bị như vậy không?
- Đau bụng, khó thở khi mang thai
- Có thai sau tiêm vacxin HPV và vacxin Cúm có bị ảnh hưởng gì không?
- Ra máu trong giai đoạn sớm của thai kỳ có sao không?
- Thai ngoài tử cung có sao không?