Trang chủ Bệnh Hạ huyết áp tư thế đứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Hạ huyết áp tư thế đứng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Hạ huyết áp tư thế đứng

Hạ huyết áp tư thế là gì?

Hạ huyết áp tư thế đứng hay còn gọi là hạ huyết áp tư thế xảy ra khi chuyển từ tư thế nằm sang tư thế đứng. Bình thường tư thế đứng làm tăng nhẹ huyết áp tâm trương và giảm nhẹ huyết áp tâm thu so với tư thế nằm. Hạ huyết áp tư thế được định nghĩa là khi huyết áp tâm thu giảm trên 20mmHg và huyết áp tâm trương giảm trên 10mmHg khi thay đổi từ nằm sang đứng trong vòng 3 phút.

Nguyên nhân bệnh Hạ huyết áp tư thế đứng

  • Do mất nước: nôn nhiều, tiêu chảy, không bù đủ dịch có thể làm giảm thể tích tuần hoàn gây hạ huyết áp tư thế

  • Suy giáp, suy thượng thận

  • Biến chứng thần kinh tự động của đái tháo đường

  • Các rối loạn hệ thống thần kinh: bệnh Parkinson, bệnh amyloidosis, mất trí nhớ Lewy, teo đa hệ thống…

  • Do một số thuốc hạ áp: chẹn alpha, chẹn beta giao cảm, thuốc lợi tiểu, chẹn kênh canxi

  • Do các rối loạn nhịp nhanh, nhịp chậm

Triệu chứng bệnh Hạ huyết áp tư thế đứng

  • Hoa mắt, chóng mặt khi đứng dậy sau khi nằm, thường kéo dài một vài phút

  • Choáng váng khi thay đổi tư thế

  • Nhìn mờ

  • Có thể ngất

Đối tượng nguy cơ bệnh Hạ huyết áp tư thế đứng

  • Tuổi cao: hạ huyết áp tư thế thường phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi, lúc này các receptor nhận cảm điều chỉnh huyết áp có thể phản xạ chậm hơn kết hợp với sự suy giảm chức năng tim

  • Nhiệt độ cao: hoạt động trong môi trường nóng, nhiệt độ cao gây mất nước nhiều, không bù đủ nước có thể làm hạ huyết áp tư thế

  • Nằm tại giường trong thời gian dài

  • Phụ nữ đang mang thai

  • Uống rượu nhiều

  • Sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp

  • Đái tháo đường lâu năm

Phòng ngừa bệnh Hạ huyết áp tư thế đứng

  • Bù đủ nước, đủ dịch khi có tình trạng mất nước như nôn nhiều, tiêu chảy

  • Đảm bảo điều kiện lao động phù hợp khi làm việc trong môi trường nhiệt độ cao

  • Không uống nhiều rượu

  • Thay đổi tư thế từ từ, tránh đột ngột khi nằm lâu tại giường nhất là đối với người già

  • Kiểm soát đường máu

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hạ huyết áp tư thế đứng

Chẩn đoán hạ huyết áp tư thế không quá phức tạp. Chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và đo huyết áp

  • Đo huyết áp ở tư thế đứng: huyết áp tâm thu giảm trên 20 mmHg hoặc huyết áp tâm trương giảm trên 10 mmHg

  • Tìm nguyên nhân của hạ huyết áp tư thế:

  • Xét nghiệm máu: đường máu, HbA1C để chẩn đoán đái tháo đường, các hormone nội tiết như cortisol, FT4, TSH, xét nghiệm công thức máu tìm sự cô đặc máu của mất thể tích tuần hoàn

  • Khai thác tiền sử dụng các thuốc hạ huyết áp

  • Nghiệm pháp bàn nghiêng: đánh giá chức năng của hệ giao cảm, phó giao cảm thông qua các phản xạ khi thay đổi tư thế

  • Điện tâm đồ: phát hiện các rối loạn nhịp nhanh, nhịp chậm là các nguyên nhân gây hạ huyết áp tư thế

  • Siêu âm doppler tim: phát hiện các bệnh tim như hẹp van động mạch chủ, viêm màng ngoài tim co thắt, suy tim, dấu hiệu của nhồi máu cơ tim…

Các biện pháp điều trị bệnh Hạ huyết áp tư thế đứng

Điều trị hạ huyết áp tư thế tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Có thể điều trị bằng cách dùng thuốc hoặc không dùng thuốc

  • Các biện pháp không dùng thuốc:

  • Thay đổi tư thế từ từ

  • Tránh nằm lâu

  • Giảm hoặc ngừng hoặc chuyển đổi các thuốc hạ huyết áp

  • Có thể tăng lượng muối trong khẩu phần ăn

  • Đeo tất áp lực nếu bị suy tĩnh mạch ngoại biên

  • Các thuốc điều trị

  • Fludrocortison: là một loại corticoid có tác dụng giữ muối, giữ nước, tăng thể tích tuần hoàn. Nó có thể làm tăng huyết áp tuy nhiên cũng có thể gây phù hoặc suy tim sung huyết

  • Midodrine: thuộc nhóm đồng vận thụ thể alpha giao cảm, làm co mạch dẫn tới làm tăng huyết áp. Không dùng thuốc trong trường hợp suy tim nặng, suy thận cấp, nhiễm độc giáp, u tủy thượng thận

  • Dihydroxyphenylserine (DOPS): tiền chất của noradrenalin, tác dụng phụ ít, là thuốc có triển vọng trong điều trị hạ huyết áp tư thế

  • Octreotide: đồng phân của somatostatin, có tác dụng ức chế một số peptid tiêu hóa có tác dụng giãn mạch. Có thể gây buồn nôn, đau bụng

  • Các thuốc khác cần còn cần được nghiên cứu vì chưa có nhiều bằng chứng: Yohimbin, indomethacin, desmopressin, erythropoietin,…

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp