Trang chủ Bệnh Giun móc: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Giun móc: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tổng quan bệnh Giun móc

Nhiễm giun móc hay còn gọi giun mỏ, là khi có giun móc( giun mỏ) sống kí sinh trong cơ thể. Ấu trùng và những con giun trưởng thành sống trong ruột của người hoặc động vật bị nhiễm bệnh. Nếu đối tượng nhiễm bệnh đi ngoài hoặc phân của họ được dùng làm phân bón thì trứng giun sẽ bám vào đất. Trứng sẽ trưởng thành và nở ra ấu trùng có khả năng xâm nhập vào da người. Những người đi chân không trên những khu đất này sẽ bị nhiễm giun móc vì thường ấu trùng giun móc rất nhỏ nên không thể nhìn thấy. Khi vào vòng tuần hoàn máu, giun móc sẽ đến phổi và cổ họng, sau đó đi vào ruột gây bệnh tại các cơ quan trên.

Giun móc hút khoảng 0,2-0,34 ml máu/ngày. Giun mỏ hút khoảng 0,03-0,05 ml máu/ngày. Ngoài tác hại giun hút máu, giun móc/giun mỏ còn gây viêm hành tá tràng và tiết ra chất chống đông máu, chất độc ức chế cơ quan tạo máu sản sinh hồng cầu làm trầm trọng thêm tình trạng mất máu của bệnh nhân

Bệnh giun móc/giun mỏ lưu hành ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Điều kiện quyết định sự lây truyền của giun móc/giun mỏ là khí hậu, tình trạng vệ sinh, các tập quán sinh hoạt và mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân người. Dân ở nông thôn nhiễm cao hơn dân ở thành thị, đặc biệt là dân vùng trồng màu hoặc cây công nghiệp như dâu tằm, mía, cà phê, thuốc lá, ở vùng mỏ than.

Nguyên nhân bệnh Giun móc

Các nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm giun móc

Loại giun móc lây nhiễm cho người là Anclostoma duodenale và Necator americanus. Người nhiễm bệnh thường thải trứng giun qua phân khi đi ngoài. Trứng giun có thể nở ở đất ẩm ướt và ấp khoảng 2 ngày trước khi chúng trở thành ấu trùng. Kế đó, ấu trùng này xâm nhập qua da, thường là do đi chân không, thông qua đường máu đến phổi và ruột. Một số người có thể nhiễm bệnh do ăn phải thức ăn hoặc uống nước có nhiễm khuẩn.

Triệu chứng bệnh Giun móc

Ấu trùng giun móc gây bệnh ở da, phổi, giun móc trưởng thành gây bệnh ở ruột. Tùy giai đoạn mà có các triệu chứng của nhiễm giun móc như sau

Biểu hiện viêm ruột do giun bám và hút máu, như:

  • Rối loạn tiêu hóa:  buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy từng đợt, có thể có táo bón, có thể có đau vùng thượng vị tùy theo mức độ nhiễm giun, đau tăng khi đói

  • Biểu hiện thiếu máu tiến triển và bệnh kéo dài, chán ăn, khó tiêu, xanh xao, lạnh chi, suy nhược cơ thể, yếu, thở nhanh. Nếu nặng có thể dẫn đến tử vong trong bối cảnh lỵ, xuất huyết, phù nề và suy hô hấp.

Ngoài ra giun móc còn gây bệnh ở da, phổi biểu hiện bởi các dấu hiệu sau:

  • Khi ấu trùng giun móc/giun mỏ xuyên qua da có thể gây viêm da tại chỗ với các triệu chứng ngứa, có nhiều nốt màu đỏ và hết sau 1-2 ngày. Viêm da do ấu trùng giun móc: khi ấu trùng xuyên qua da, tổn thương thường ở kẽ chân hoặc cánh tay biểu hiện thành ban đỏ, dát, sẩn thoáng qua, hơi ngứa. Do nhiều lần tiếp xúc và nhiễm ấu trùng giun móc nên bệnh nhân bị cảm ứng thành sẩn tịt, mề đay khu trú, sau thành lan tỏa, thành mảng giống viêm quầng, đau ngứa, sau nổi thành mụn nước.

  • Triệu chứng đường hô hấp và thực quản: bệnh nhân ho khan, khản tiếng, đau họng, có khi ù tai, ngứa mũi, khó nuốt như vướng vật gì ở cổ và hay chảy nước dãi.

  • Xét nghiệm máu trong giai đoạn nhiễm sớm cho thấy tăng lượng bạch cầu ưa acid, biểu hiện thiếu máu số lượng máu giảm đáng kể, thiếu máu nhược sắc trong một số trường hợp nhiễm nặng, bệnh kéo dài, giảm protein máu toàn phần

  • Soi phân (Phương pháp xét nghiệm: kỹ thuật Kato hoặc Kato-Katz): có trứng giun móc/giun mỏ trong xét nghiệm phân. Trứng giun móc và trứng giun mỏ tương đối giống nhau: trứng giun móc hình trái xoan, kích thước từ 40 - 60 m, ngoài là lớp vỏ không màu, nhẵn. Trong trứng có nhân, lúc sinh ra trứng đã có phôi bào.

Đường lây truyền bệnh Giun móc

  • Ổ chứa: là người, đặc biệt là người hay tiếp xúc với đất nhiễm phân.

  • Thời gian ủ bệnh: Thời gian từ khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua da, niêm mạc lên tim, phổi và bị nuốt trở lại vào dạ dày, ruột non đến khi thành giun trưởng thành khoảng 42 - 45 ngày.

  • Thời kỳ lây truyền: là khoảng thời gian sống của giun cái trưởng thành từ khi được thụ tinh và đẻ trứng. Một giun móc cái có thể đẻ từ 10.000-25.000 trứng/ngày, giun mỏ cái có thể đẻ từ 5.000-10.000 trứng/ngày. Đời sống của giun móc dài khoảng 4-5 năm và giun mỏ dài khoảng 10-15 năm nếu không được điều trị.

  • Phương thức lây truyền: qua đường da, niêm mạc: ấu trùng giun móc/giun mỏ giai đoạn III xâm nhập vào cơ thể người qua da, niêm mạc (kẽ ngón chân, cẳng chân...) theo tĩnh mạch về tim, phổi. Tại phổi, ấu trùng thay vỏ 2 lần thành ấu trùng giai đoạn IV và V, ấu trùng giai đoạn V lên họng hầu và được nuốt lại xuống ruột, ký sinh ở tá tràng và phát triển thành giun móc/giun mỏ trưởng thành. Qua đường ăn uống: thức ăn, nước có nhiễm ấu trùng. Không có lây truyền trực tiếp từ người sang người.

Đối tượng nguy cơ bệnh Giun móc

  • Những người tiếp xúc với môi trường không hợp vệ sinh có khuẩn ấu trùng giun tóc, nhất là ở nông thôn làm nghề trồng trọt, dùng phân sống bón ruột,...

  • Ăn thực phẩm có chứa loại ấu trùng giun móc: rau sống, rau rửa không sạch,...

  • Hầu hết các ca nhiễm giun đường ruột nhiễm lượng giun lớn thường gặp trên đối tượng bệnh nhân là trẻ em là chủ yếu,

  • Tỷ lệ và cường độ nhiễm giun móc ở phụ nữ thường cao hơn so với nam giới.

  • Những công nhân làm việc hầm mỏ, khoáng. Một số nghề nghiệp thuận lợi cho nhiễm bệnh giun móc (trồng cao su, cà phê, tiêu, đóng hạt latex, làm việc chân đất, không sử dụng hố xí hợp vệ sinh khi ở các điều kiện như thế.

Phòng ngừa bệnh Giun móc

  • Tuyên truyền giáo dục: nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân.

  • Vệ sinh phòng dịch: vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực gần nhà, trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em.

  • Xây dựng hố xí hợp vệ sinh.

  • Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch. Không dùng phân tươi bón ruộng, vườn, không đi chân đất.

  • Ở vùng hầm mỏ, hàng năm phải khám sức khoẻ và xét nghiệm giun móc/giun mỏ ít nhất 1 lần/năm và điều trị triệt để cho những người nhiễm giun móc/giun mỏ.

  • Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cách nhau 4-6 tháng. Sử dụng bảo hộ lao động trong lao động sản xuất khi tiếp xúc với đất, đặc biệt là đất nhiễm phân người.

  • Xử lý môi trường: phát động các chiến dịch dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải. Có thể xử lý phân bằng vôi bột 150 -200 g/1kg phân, trứng chết sau 30 phút đến 1 giờ.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Giun móc

Chẩn đoán nhiễm giun móc dựa vào các biểu hiện lâm sàng: triệu chứng lâm sàng nói chung không đặc hiệu có thể nhầm với một số bệnh khác vì vậy rất khó chẩn đoán

Khai thác kỹ về dịch tễ, yếu tố nguy cơ

Chẩn đoán xác định khi soi phân thấy trứng của giun móc trong phân

Chẩn đoán mức độ thiếu máu dựa vào số lượng hemoglobin trong công thức máu

Chụp Xquang ngực: có thể có hình ảnh viêm phổi.

Các biện pháp điều trị bệnh Giun móc

Nhiễm giun móc ở người là bệnh lý khá phổ biến có xu hướng thuyên giảm trong những năm gần đây tuy nhiên vẫn còn 1 số lượng bệnh nhân bị bỏ xót chẩn đoán dẫn đến bệnh kéo dài gây nhiều biến chứng. Bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện, mục tiêu của việc điều trị là chữa trị viêm nhiễm, ngăn ngừa và điều trị các biến chứng, cải thiện chất dinh dưỡng.

  • Sử dụng những thuốc có tác dụng với nhiều loại giun để tiêu diệt giun như: albendazole 400mg liều duy nhất cho mọi đối tượng trên 2 tuổi hoặc mebendazole 500mg liều duy nhất. Tuy nhiên những thuốc này không được dùng trong kỳ thai nghén trong 3 tháng đầu, phụ nữ đang cho con bú, vì chúng có thể gây hại đến bé. Thận trong với người suy gan, suy thận.

  • Nhiễm nặng: albendazole 400mg/ ngày x 3 ngày hoặc Mebendazole (vermox, fugaca,...) liều 500mg/ ngày x 3 ngày hoặc Pyrantel pamoate (combantrin, embovin, helmex,...) liều 10 mg/kg/ngày x 3 ngày.

  • Nếu có thiếu máu, dùng thuốc bổ sung chất sắt.

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng để có hướng điều trị hiệu quả

  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng giàu protein, vitamin trong khoảng 3 tháng.

 

 

Xem thêm:

Câu chuyện khách hàng Sống khỏe Sức khỏe tổng hợp