Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Cơ tim
Bệnh cơ tim là nhóm các bệnh về cơ tim rất quan trọng và không đồng nhất, chiếm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao. Nhóm các bệnh về cơ tim có liên quan đến rối loạn chức năng cơ học và chức năng điện học hoặc kết hợp cả hai, thường xuất hiện phì đại hay giãn tâm thất không phù hợp. Bệnh cơ tim ảnh hưởng có thể giới hạn chủ yếu ở tim (bệnh cơ tim nguyên phát) hay hình thành một phần rối loạn toàn thân tổng quát (bệnh cơ tim thứ phát).
Bệnh cơ tim là bệnh mô tả sự bất thường tình trạng của cơ tim, là loại bệnh tim tiến triển làm cho tim giãn nở, dày lên hoặc cứng lại.
Có ba loại bệnh cơ tim thường gặp nhất là bệnh cơ tim giãn nở, bệnh cơ tim phì đại và bệnh cơ tim hạn chế.
Bệnh cơ tim giãn nở: là dạng bệnh cơ tim phổ biến nhất, thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Bệnh cơ tim giãn nở xảy ra khi tâm thất trái, buồng tim chính chịu trách nhiệm bơm máu đi nuôi cơ thể, bị giãn to, làm cho tim không thể bơm máu hiệu quả. Bệnh cơ tim giãn thường là hậu quả của một số bệnh như: bệnh tăng huyết áp lâu dài, bệnh mạch vành tim, hóa trị liệu, nghiện ma túy hoặc nghiện rượu. Trong một số trường hợp có thể không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh cơ tim phì đại: là sự dày lên bất thường của thành cơ tim, xảy ra chủ yếu ở thành tâm thất trái. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, và thường liên quan đến yếu tố gia đình, do có chứa gen đột biến gây cơ tim phì đại. Những người bệnh mắc cơ tim phì đại khi chụp X - quang sẽ thể hiện tim to, do đó thường được gọi là bóng tim to.
Bệnh cơ tim hạn chế: là tình trạng buồng tâm thất không có đủ khả năng giãn ra để được đổ đầy máu làm giảm chức năng tâm trương. Đây là loại bệnh cơ tim ít gặp, thường do bệnh xơ hóa nội mạc cơ tim gây ra.
Nguyên nhân bệnh Cơ tim
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh cơ tim cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhưng một trong số các yếu tố nguy cơ dưới đây có thể là nguyên nhân phát triển bệnh bao gồm:
-
Di truyền
-
Tăng huyết áp kéo dài
-
Tổn thương cơ tim sau nhồi máu cơ tim
-
Những người mắc phải các bệnh về tim mạch như bệnh mạch vành, bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, …
-
Những người bị các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, cường giáp và béo phì
-
Biến chứng trong thai kỳ
-
Thiếu hụt một số loại vitamin, khoáng chất thiết yếu chẳng hạn như vitamin B1
-
Sử dụng thuốc hóa trị hoặc xạ trị để điều trị ung thư
-
Nghiện rượu
-
Sử dụng ma túy
-
Mắc một số bệnh gây tổn thương đến cơ tim như hemochromatosis là sự tích tụ quá nhiều sắt trong cơ thể,amyloidosis (sự tích tụ bất thường của một loại protein có tên là Amyloid), hoặc sarcoidosis (sự phát triển của các ổ viêm bất thường tại nhiều cơ quan trong cơ thể).
-
Một nguyên nhân nữa mà ít người để ý là bệnh rối loạn chuyển hóa như cường giáp, tiểu đường, béo phì.
Triệu chứng bệnh Cơ tim
Trong giai đoạn đầu của bệnh cơ tim, bệnh nhân có thể không có bất cứ dấu hiệu và triệu chứng nào. Nhưng đến khi bệnh tiến triển, những triệu chứng sau có thể xuất hiện:
-
Khó thở khi gắng sức
-
Ho khi nằm xuống
-
Phù chi dưới, mắt cá chân và bàn chân
-
Mệt mỏi
-
Rối loạn nhịp tim, tim đập bất thường, phản ứng của mạch máu khi tập thể dục.
-
Đau tức ngực, đánh trống ngực, cảm thấy chèn ép ở ngực
-
Chóng mặt, cảm thấy choáng váng và có thể bị ngất xỉu
-
Nếu hình thành cục máu đông ở tâm thất trái giãn ra và cục máu đông này có thể sẽ bị vỡ và làm gián đoạn lưu lượng máu đến não, dẫn tới đột quỵ. Cục máu động cũng có thể làm chặn lưu lượng máu đến các cơ quan trong ổ bụng.
-
Đột tử
Bệnh cơ tim xảy ra khi chức năng và cấu trúc của cơ tim bị biến đổi, làm giảm đi khả năng bơm máu của tim. Bệnh có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Những biến chứng tim mạch bao gồm:
Biến chứng bệnh cơ tim
Theo thời gian, bệnh cơ tim có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng bao gồm:
-
Suy tim: Khi thành cơ tim trở nên dày, cứng, tim sẽ không thể bơm máu một cách hiệu quả và cuối cùng dẫn đến suy tim.
-
Huyết khối: Việc bơm máu không hiệu quả của tim có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim. Nếu những cục máu đông này theo dòng máu ra khỏi tim, nó có thể làm tắc động mạch vành tim hoặc động mạch não gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
-
Bệnh van tim: Sự thay đổi cấu trúc của thành cơ tim cũng có thể làm ảnh hưởng đến các van tim, gây hở van tim 2 lá.
-
Rối loạn nhịp tim, ngừng tim và đột tử: Bệnh cơ tim có thể làm rối loạn hoạt động của hệ thống điện tim, gây rối loạn nhịp tim, dẫn đến ngất xỉu hoặc đột tử do nhịp tim ngừng đập đột ngột.
Có thể người bệnh mắc một số dấu hiệu và triệu chứng khác, nhưng không được đề cập tới vì do tính phổ biến của nó. Vì vậy, nếu bệnh nhân có những biểu hiện khác thường cần thông báo ngay tới bác sĩ để có chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Đường lây truyền bệnh Cơ tim
Bệnh cơ tim không lây truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh nhưng thường liên quan đến yếu tố gia đình. Người có chứa gen đột biến có thể gây cơ tim phì đại.
Đối tượng nguy cơ bệnh Cơ tim
Bệnh cơ tim có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở đối tượng nam giới tuổi trung niên, và trong các trường hợp ví dụ như là:
-
Những người bị bệnh tăng huyết áp, nghiện rượu bia, ma túy,...
-
Những người có người thân, cha mẹ,... có tiền sử bệnh cơ tim dễ mắc bệnh cơ tim bẩm sinh
-
Những người điều trị ung thư, sử dụng nhiều hóa trị, xạ trị.
Tỷ lệ người mắc bệnh cơ tim giãn nở là 6-8/100.000 người. Đây là bệnh nặng có nguy cơ tử vong khá cao. Tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân sau 5 năm là 35% còn sau 10 năm là 70%.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh cơ tim giãn bao gồm có:
-
Bệnh động mạch vành nặng
-
Bệnh tuyến giáp
-
Bệnh tiểu đường
-
Bất thường ở van tim
-
Nghiện rượu
-
Tim nhiễm virus
-
Dùng các loại thuốc độc hại cho tim
-
Phụ nữ sau sinh mắc bệnh cơ tim chu sinh
Phòng ngừa bệnh Cơ tim
Thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định tới phần lớn hiệu quả trong điều trị bệnh cơ tim. Không những thế còn giúp phòng ngừa bệnh:
-
Chế độ ăn uống lành mạnh với tim mạch, ăn nhiều rau quả tươi, giảm muối và hạn chế chất béo
-
Duy trì cân nặng ổn định khỏe mạnh
-
Giải tỏa căng thẳng, áp lực
-
Hoạt động thể chất, chơi thể thao, tập thể dục thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút
-
Không sử dụng chất kích thích như hút thuốc lá, thuốc lào, không uống rượu bia,...
-
Không nên làm việc gắng sức
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Cơ tim
Một số biện pháp dùng để chẩn đoán bệnh cơ tim như:
-
Chụp X-quang vùng ngực: Hình ảnh x-quang của tim sẽ cho biết tim có to không
-
Siêu âm tim: Siêu âm tim là sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh của tim, từ hình ảnh này có thể kiểm tra kích thước, chức năng của tim và cả những chuyển động khi tim đập.
-
Điện tâm đồ (ECG)
-
Cộng hưởng từ tim (MRI)
-
Chụp cắt lớp vi tính bằng máy tính (CT)
-
Xét nghiệm máu
-
Xét nghiệm di truyền hoặc sàng lọc
-
Thông tim
Các biện pháp điều trị bệnh Cơ tim
Phát hiện và điều trị sớm bệnh cơ tim rất quan trọng, không những giúp hạn chế tiến triển của bệnh mà còn giúp kéo dài cuộc sống cho người bệnh. Có nhiều biện pháp để điều trị bệnh cơ tim như điều trị nội khoa nhằm làm giảm đi các triệu chứng và cải thiện được tiên lượng. Kiểm soát suy tim bằng cách điều trị dùng các loại thuốc như ức chế beta, thuốc lợi niệu,... Thuốc chống đông được sử dụng nhằm ngăn chặn việc hình thành các cục máu đông. Một số biện pháp điều trị cụ thể như sau:
-
Thay đổi lối sống lành mạnh
-
Sử dụng thuốc
-
Can thiệp hoặc phẫu thuật cấy ghép thiết bị hỗ trợ
-
Ghép tim
Thuốc điều trị bệnh cơ tim
Các thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh cơ tim có thể giúp giảm triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa biến chứng, bao gồm:
-
Thuốc chống loạn nhịp giúp tim đập bình thường.
-
Thuốc giảm huyết áp như những chất ức chế ACE, chất đối kháng thụ thể angiotensin II, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi…
-
Thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
-
Thuốc giảm viêm như Corticosteroid.
-
Thuốc lợi tiểu giúp đào thải chất lỏng và muối natri ra khỏi cơ thể.
-
Thuốc cân bằng điện giải như Aldosterone, giúp cơ bắp và dây thần kinh hoạt động một cách chính xác, ngăn ngừa suy tim, huyết áp cao và những rối loạn khác.
Các phương pháp phẫu thuật
-
Phẫu thuật cắt bỏ cơ – Septal Myectomy: Phẫu thuật này sẽ tiến hành cắt bỏ một phần của vách ngăn cơ tim bị dày lên hoặc kết hợp với việc sửa chữa van tim.
-
Phẫu thuật cấy ghép thiết bị hỗ trợ tim: Một số thiết bị như máy tái đồng bộ tim (CRT), máy khử rung tim (ICD), máy tạo nhịp tim, thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD) sẽ được cấy ghép, kết nối với tim nhằm giúp tim hoạt động tốt hơn.
-
Ghép tim: là phương pháp bệnh nhân sẽ được thay thế tim của mình bằng một quả tim của người khỏe mạnh đã hiến tặng. Nhưng đây chỉ là lựa chọn cuối cùng sau khi những phương pháp khác không mang lại được hiệu quả.
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị, phần lớn quyết định đến hiệu quả trong điều trị bệnh cơ tim:
-
Chế động ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, giảm mặn, ít muối và hạn chế ăn chất béo.
-
Duy trì cân nặng
-
Hoạt động thể chất
-
Giải tỏa căng thẳng
-
Bỏ hút thuốc lá
Tuy nhiên, tùy vào tình trạng sức khỏe và tiến triển bệnh của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp
Xem thêm:
- Đặc điểm và chức năng cơ trơn
- Có bao nhiêu cơ bắp trong cơ thể con người?
- Cơ bắp nào mạnh nhất trong cơ thể con người?
- Trẻ có động mạch chủ phải nằm bên trái kèm dính vào cơ tim nguy hiểm không?
- Phát hiện và điều trị bệnh cơ tim giãn ở trẻ em
- Chụp cắt lớp vi tính ở người mắc bệnh cơ tim
- Bệnh cơ tim hạn chế: Nguyên nhân, triệu chứng
- Phát hiện và điều trị bệnh cơ tim phì đại ở trẻ em
- Sự đặc biệt của cơ tim
- Xạ hình tưới máu cơ tim được dùng khi nào?