Unfortunately, the content on this page is not available in
English.
Please press continue to read the content in Vietnamese.
Thank you for your understanding!
Tổng quan bệnh Chấn thương hàm mặt
Chấn thương hàm mặt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân, cơ chế khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu nhất là do tai nạn giao thông . Ở trẻ em, chấn thương hàm mặt có thể xảy ra do tai nạn sinh hoạt té ngã, do các vật dụng, đồ chơi sắc nhọn, hay cũng có thể do bị vật nuôi tấn công. Người cao tuổi có thể bị té ngã do choáng, liên quan đến các nguyên nhân toàn thân như tăng huyết áp, hạ đường huyết…
Chấn thương hàm mặt thường gặp ở phần mềm vùng hàm mặt, mức độ chấn thương từ đơn giản đến phức tạp như: gãy xương ổ răng, gãy thân răng, chân răng; gãy xương gò má (gãy hàm gò má - cung tiếp ); gãy xương hàm dưới (vùng cằm, góc hàm, cành ngang, lồi cầu); gãy xương hàm trên…
Chấn thương vùng hàm mặt gặp ở mọi vùng miền từ thành thị đến nông thôn. Nhưng gặp nhiều ở vùng nông thôn do chưa hiểu và chấp hành tốt luật lệ giao thông, do thiếu việc làm nên thanh niên hay tụ tập gây gổ đánh nhau. Số lượng bệnh nhân chấn thương vùng hàm mặt tăng cao vào những dịp học sinh phổ thông được nghỉ hè, nghỉ lễ, tết…
Nguyên nhân bệnh Chấn thương hàm mặt
-
Tai nạn giao thông: là nguyên nhân chủ yếu, trong đó do xe máy chiếm tỷ lệ cao nhất: 45,4%. Các tai nạn giao thông khác: 33,2% (xe ô tô, xe đạp...). Do phương tiện giao thông phát triển quá nhanh, cơ sở hạ tầng đường bộ phát triển chưa kịp với sự phát triển của phương tiện giao thông, ý thức chấp hành luật lệ giao thông đường bộ của người tham gia giao thông chưa tốt.
-
Tai nạn lao động: chiếm 6,9%, các tai nạn xảy ra trong khi nạn nhân đang tham gia lao động sản xuất, do lao động chưa an toàn, trong lao động thủ công không chấp hành tốt nội quy lao động.
-
Tai nạn sinh hoạt: chiếm 3,04%, do đánh nhau, ngã, bỏng, trẻ chơi súng cao su.
-
Do tai nạn khác: chiếm 11,18%, như tai nạn do thể dục thể thao, thú vật cắn, do hỏa khí…
Triệu chứng bệnh Chấn thương hàm mặt
Đặc điểm của chấn thương hàm mặt được chia làm 2 phần:
Chấn thương phần mềm
-
Vết thương sây sát da: do vùng mặt tiếp xúc mạnh với vật nhám làm bong lớp thượng bì. Vết thương làm tổn thương các mao mạch gây chảy máu và đứt các đầu mút dây thần kinh cảm giác ở mặt da làm bệnh nhân rất đau.
-
Vết thương đụng giập: do vật đầu tù đụng chạm tổn thương phần mềm gây xuất huyết và tụ máu dưới da. Khối tụ máu bầm tím làm sưng nề tổ chức và bệnh nhân đau. Khối tụ máu thường biến chuyển từ màu tím sang màu xanh, màu vàng đậm và thành màu vàng nhạt rồi mất đi.
-
Vết thương rách da: Do vật sắc tác động gây rách da, hình thái tổn thương có thể đơn giản, phức tạp, từ nông đến sâu sát xương.
-
Vết thương xuyên: do các vật nhọn xuyên qua tổ chức dưới da và thường tận cùng gây vỡ các hốc tự nhiên như xoang hàm trên, khoang miệng, hốc mũi...
-
Vết thương do hoả khí: như đạn bắn vào... thường lỗ vào nhỏ, lỗ ra to, gây mất tổ chức, vết thương bị xé toác rộng.
-
Vết thương thiếu hổng tổ chức: tổn thương gây mất tổ chức, có thể mất một diện da, cơ bám da hay xương hàm.
-
Vết thương bỏng: có thể do lửa, nước sôi, hoá chất (acid)...Bỏng được chia thành 4 độ:
Độ 1: ban đỏ trên da.
Độ 2: phổng nước trên da.
Độ 3: phá hủy lớp da đến dưới da.
Độ 4: phá hủy cơ và các cơ quan sâu.
Chấn thương xương
Gãy xương hàm trên
-
Sưng nề nhanh ở tầng giữa mặt nhất là má và xung quanh ổ mắt, mức độ sưng nề tùy thuộc vào mức độ tổn thương. Có khi chỉ sau một thời gian ngắn hai mắt đã bị che kín không thể mở được.
-
Đau: đau ở vùng bị gãy xương, đau tăng khi há miệng, ngậm miệng, khi cắn chặt hai hàm răng với nhau. Đau có thể lan ra hai bên tai, lên thái dương, trong vòm khẩu cái.
-
Chảy máu mũi: do tổn thương xoang hàm trên hay tổn thương xương chính mũi, sụn và niêm mạc trong mũi. Máu có thể chảy ra cửa mũi trước hay cửa mũi sau xuống họng.
-
Song thị, nhìn mờ, mù hoàn toàn: do xương ổ mắt bị tổn thương chèn ép vào phần mềm, do phù nề trong ổ mắt. Nếu tổn thương thành trên xoang hàm có thể gây thoát vị tổ chức phần mềm quanh nhãn cầu vào xoang hàm gây lệch trục nhãn cầu, gây ra triệu chứng nhìn đôi (dấu hiệu song thị). Có thể mảnh vỡ xương ổ mắt phức tạp phía sâu gây chèn ép dây thần kinh thị giác (dây thần kinh số II) gây mù hoàn toàn.
Gãy xương hàm dưới
Gãy xương hàm dưới có thể kết hợp với gãy xương hàm trên hoặc gãy xương gò má hoặc kết hợp với đa chấn thương mà có các triệu chứng cơ năng, toàn thân, thực thể khác nhau. Trong phần này chúng tôi chỉ nêu gãy xương hàm dưới đơn thuần với những triệu chứng chính, chung cho các vị trí gãy xương hàm dưới.
-
Đau, sưng nề nhanh vùng hàm dưới bị tổn thương, đau tăng khi vận động hàm dưới (há, ngậm miệng, nhai)
-
Hạn chế hoặc không thể vận động được hàm dưới (do đau, sưng nề, do di lệch sai khớp cắn)
Đường lây truyền bệnh Chấn thương hàm mặt
Chấn thương hàm mặt không phải là bệnh truyền nhiễm, do đó, không có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Chấn thương hàm mặt
-
Những người tham gia giao thông nhưng không đảm bảo về phương tiện cơ giới và phương tiện bảo vệ cơ thể
-
Những người tham gia các môn thể thao mạo hiểm, những môn mang tính đối kháng mạnh.
-
Làm việc trong môi trường nguy hiểm như mỏ than, khai thác đá ...
Phòng ngừa bệnh Chấn thương hàm mặt
Chấn thương hàm mặt do nhiều nguyên nhân, trong đó do tai nạn giao thông chiếm tỷ
lệ cao nhất. Để đề phòng chấn thương vùng hàm mặt cần:
-
Mọi người tham gia giao thông đường bộ đều phải chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông.
-
Tăng cường giáo dục luật giao thông đường bộ cho học sinh và cộng đồng.
-
Lao động được bảo hộ an toàn, đặc biệt là trong sử dụng các máy cơ khí nông nghiệp, công nghiệp.
-
Không cho học sinh thiếu niên chơi súng cao su, pháo nổ.
-
Tham gia thể thao các loại có chế độ bảo hiểm an toàn, quản lý và không sử dụng các loại vật liệu nổ trái pháp luật.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Chấn thương hàm mặt
Chẩn đoán gãy xương hàm trên
Khám ngoài mặt:
-
Mặt sưng nề biến dạng, đặc biệt vùng tầng giữa mặt, bầm tím quanh hai hốc mặt hay còn gọi là dấu hiệu đeo kính râm, có thể có những vết thương phần mềm kết hợp.
-
Ấn vùng bờ dưới, bờ trong ổ mắt, mặt trước xoang hàm thấy điểm đau chói, gờ bất thường hoặc thấy dấu hiệu lạo xạo của xương gãy.
-
Khám trong mũi nếu có chấn thương mũi kết hợp có thể thấy nhiều máu đọng làm lỗ mũi một bên kém thông khí. Niêm mạc mũi thấy rách chảy rỉ máu, biến dạng vách ngăn mũi.
Khám trong miệng:
-
Miệng há hạn chế tùy theo mức độ.
-
Niêm mạc tiền đình hàm trên bầm tím tụ máu hoặc rách niêm mạc. Trong vòm khẩu cái cũng có thể thấy rách, tụ máu.
-
Dấu hiệu sai khớp cắn: cho bệnh nhân cắn hai hàm lại một vài lần, bình thường khi hai hàm cắn lại các răng hai hàm sẽ chạm khít nhưng khi có sai khớp cắn thì các răng hàm trên và dưới không chạm khít với nhau.
-
Lắc nhẹ cung răng hàm trên có thể thấy một nửa hàm hay toàn bộ hàm trên di động (dấu hiệu hàm giả).
-
Vuốt ngón tay trong ngách tiền đình lợi có thể thấy điểm đau chói ở trước xoang hàm hay bờ sau ngoài xương hàm trên.
Các thế chụp X-quang:
Để phát hiện đường gãy và đánh giá chính xác mức độ di lệch của đường gãy cần cho chụp X quang. Những thế phim thường được chỉ định: mặt thẳng, mặt nghiêng, Blondeau, Hirtz, nếu tổn thương nặng có thể chụp CT- Scanner.
Gãy xương hàm dưới
Khám ngoài miệng:
-
Nhìn: thấy mặt sưng nề, bầm tím hoặc rách da, qua vết rách da có thể nhìn thấy xương. Cằm có thể lệch sang phía bên gẫy nếu gãy toàn bộ ở cành cao hoặc lồi cầu.
-
Sờ nắn: dùng ngón trỏ và ngón cái ấn nhẹ vào bờ sau, mặt ngoài cành cao, góc hàm, mặt ngoài và bờ dưới cành ngang và vùng cằm, ở nơi nào có gãy bệnh nhân sẽ đau chói.
-
Nếu gãy toàn bộ ở cành ngang có di lệch khi vuốt tay từ sau ra trước có thể phát hiện dấu hiệu khuyết hình bậc thang. Trong gãy lồi cầu xương hàm dưới: ấn vào vùng khớp thái dương hàm phía trước ống tai thấy đau, ổ khớp có thể lõm hay gồ cao. Đặt hai đầu ngón tay phía trước lỗ tai (tương ứng vị trí lồi cầu) vào cho bệnh nhân há ngậm miệng, không thấy lồi cầu cử động dưới ngón tay.
Khám trong miệng:
-
Khám lợi: ngách lợi vùng gãy rách và chảy máu nếu gãy toàn bộ ở cành ngang, vùng giữa và bệnh nhân đến sớm. Lợi và ngách lợi vùng gãy có giả mạc, bầm tím nếu bệnh nhân đến muộn.
-
Khớp cắn hai thì: thường gặp trong gãy lồi cầu xương hàm dưới. Ở lần khám đầu cho bệnh nhân cắn hai hàm thấy hai hàm không khớp nhau gọi là khớp cắn sai (thì 1), cho bệnh nhân há ngậm miệng nhiều lần, bệnh nhân tự điều chỉnh và khớp cắn hai hàm lại khít nhau (khớp cắn đúng ở thì 2) được gọi là khớp cắn hai thì.
Xquang:
-
Chụp mặt thẳng: phát hiện gãy vùng giữa, cành ngang, góc hàm, cành cao.
-
Chụp hàm chếch: phát hiện gãy cành ngang, góc hàm, cành cao.
-
Chụp tư thế Schuler, Zimme: phát hiện gãy cổ lồi cầu.
-
Chụp toàn cảnh (panorama): phát hiện gãy ở lồi cầu, cổ lồi cầu hai bên và ở các vị trí khác của xương.
Các biện pháp điều trị bệnh Chấn thương hàm mặt
Xử trí cấp cứu chấn thương hàm mặt
-
Ngạt thở. Cho nạn nhân nằm đầu nghiêng về một bên trong thời gian sơ cứu và di chuyển nạn nhân tới tuyến trên (tuyến chuyên khoa). Khai thông đường thở: lấy hết vật cản trở hô hấp như: gắp răng rơi trong miệng, móc và hút hết đờm dãi, máu cục, chất nôn trong miệng và trong mũi. Nếu tụt lưỡi ra sau dùng gạc kéo lưỡi ra ngoài, khâu đầu lưỡi vào răng cửa hoặc mép. Do gãy xương chèn ép đường thở có thể dùng dụng cụ kéo xương giải phóng đường thở. Hô hấp hỗ trợ: Tùy tình trạng bệnh nhân và nguyên nhân gây ngạt thở có thể hô hấp hỗ trợ như hà hơi thổi ngạt, thở oxy, đặt nội khí quản hay mở khí quản...
-
Chảy máu. Chảy mạch máu nhỏ: dùng ngón tay đè vào các mạch máu, chảy máu ở mũi thì nhét mèche cầm máu. Nếu thấy điểm mạch đang chảy máu dùng panh kẹp điểm chảy máu và có thể khâu buộc lại bằng chỉ catgut, chuyển nạn nhân lên bệnh viện huyện xử trí. Chảy máu nhiều từ các mạch máu lớn: xử trí cầm máu tạm thời và chuyển ngay bệnh nhân đến tuyến chuyên khoa bệnh viện tỉnh.
-
Choáng. Cho bệnh nhân nằm đầu thấp, đặt bệnh nhân nơi thoáng khí Giảm đau bằng khám và vận chuyển nhẹ nhàng, bất động xương; dùng thuốc giảm đau toàn thân.
Xử trí tại bệnh viện
Điều này phụ thuộc vào chấn thương cụ thể của người bệnh, mức độ nghiêm trọng của nó và liệu người bệnh có bất kỳ vấn đề nào khác vào thời điểm đó không thì bác sĩ sẽ có nhiều phương pháp điều trị khác nhau như:
-
Rửa vết thương, cắt lọc vết thương và băng bó
-
Phương pháp điều trị bảo tồn: nắn chỉnh và cố định hàm, áp dụng cho các trường hợp gãy đơn giản, di lệch ít.
-
Chỉ định phẫu thuật chấn thương hàm mặt được áp dụng cho trường hợp cụ thể, dựa vào vị trí xương gãy, mức độ di lệch và tình trạng chung của bệnh nhân. Phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng trong trường hợp gãy xương phức tạp, gãy xương di lệch nhiều hay nắn chỉnh đơn thuần không có kết quả, gãy xương đến muộn có khớp giả, gãy xương có can lệch… Các bước phẫu thuật: vô cảm, bộc lộ ổ gãy, nắn chỉnh xương gãy vào đúng vị trí giải phẫu sau đó cố định xương bằng khâu chỉ thép hay nẹp vít nhỏ.
Xem thêm:
- Lệch khớp cắn: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Gãy xương gò má có tự lành không?
- Phục hồi chức năng hàm mặt
- Bệnh viện Vinmec Phú Quốc thành công mổ lấy thai thắt nút dây rốn khẩn cấp chỉ trong 5 phút
- Kết quả xét nghiệm máu thì nói lên điều gì?
- Nguyên nhân gây nổi đốm đỏ quanh mắt và trán sau khi uống rượu là gì?
- Tại sao da ửng đỏ khi tiếp xúc nước lạnh?
- Mệt mỏi, buồn nôn là dấu hiệu của bệnh gì?
- Sốt, chóng mặt là dấu hiệu của bệnh gì?
- Nghẹn ở cổ họng là triệu chứng của bệnh gì?