Tiêm vacxin quai bị cho trẻ khi nào là an toàn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Quai bị là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng hoặc để lại di chứng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Bởi vậy, việc tiêm vắc-xin quai bị cho trẻ là rất quan trọng trong việc phòng ngừa nguy cơ biến chứng của bệnh.

1. Bệnh quai bị nguy hiểm như thế nào?

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi virus Paramyxovirus, thường gặp ở trẻ 5 - 14 tuổi. Bệnh dễ dàng lây từ người sang người qua đường hô hấp (khi người bệnh ho, hắt hơi, dùng chung đồ đạc với người khỏe mạnh). Biểu hiện lâm sàng của bệnh là sưng tuyến mang tai và tuyến nước bọt, đi kèm với các triệu chứng suy nhược cơ thể, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, đau họng, đau góc hàm, sốt nhẹ, đau khi há miệng hoặc nhai nuốt.

Nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời, bệnh quai bị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy giảm thính lực, viêm tụy, viêm màng não hoặc viêm tinh hoàn (đối với nam giới), viêm buồng trứng (đối với nữ giới). Với nam giới mắc bệnh khi đang trong độ tuổi dậy thì, nguy cơ vô sinh là khá cao.

Với sự nguy hiểm như vậy, tiêm vắc-xin phòng ngừa quai bị là rất quan trọng. Việc này không chỉ giúp phòng bệnh mà còn giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

2. Tiêm vắc-xin quai bị cho trẻ khi nào để đảm bảo an toàn?

2.1 Vắc-xin quai bị là gì?

Vắc-xin quai bị có chứa chủng virus sống giảm độc lực (virus trong vắc-xin bị làm suy yếu nên không còn khả năng gây bệnh). Thông thường, vắc-xin quai bị không được tiêm đơn lẻ mà thường kết hợp trong vắc-xin quai bị - sởi - rubella (MMR).

Với hàm lượng 0.5ml, vắc-xin quai bị thường được tiêm dưới da

2.2 Nên tiêm vắc-xin quai bị ở thời điểm nào?

Tất cả trẻ em được khuyến cáo tiêm đủ 2 mũi vắc-xin MMR để đạt được hiệu quả phòng ngừa bệnh tốt. Cụ thể là:

  • Mũi 1: Khi trẻ được 12 - 15 tháng tuổi;
  • Mũi 2: Khi trẻ được 4 - 6 tuổi;
  • Trường hợp bỏ lỡ liều tiêm thì có thể cho trẻ tiêm vắc-xin MMR ở bất kỳ độ tuổi nào.

Người lớn chỉ cần tiêm 1 liều 0.5ml ở phía trên bắp tay.

Vacxin sởi quai bị rubella
Tiêm vắc-xin quai bị cho trẻ khi trẻ được 12 - 15 tháng tuổi

Tiêm vắc-xin giúp cơ thể có khả năng miễn dịch với bệnh quai bị trong một khoảng thời gian. Tùy cơ địa và sức đề kháng của mỗi người mà thời gian này có sự thay đổi khác nhau, có thể kéo dài suốt đời. Việc tiêm vắc-xin quai bị đúng lịch góp phần quyết định tới thời gian hiệu lực của vắc-xin. Vì vậy, nếu tiêm đúng lịch thì thời gian có tác dụng bảo vệ sẽ kéo dài lâu hơn.

2.3 Trường hợp chống chỉ định tiêm vắc-xin quai bị

Tất cả mọi người bất kể độ tuổi đều được khuyến khích tiêm vắc-xin quai bị, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, có một số trường hợp chống chỉ định tiêm gồm:

  • Người dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong vắc-xin;
  • Người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch (như HIV/AIDS);
  • Người đang trong quá trình điều trị bệnh, có sử dụng thuốc chống chuyển hóa, thuốc chứa corticoid hay bệnh nhân ung thư đang thực hiện xạ trị;
  • Phụ nữ đang mang thai;
  • Phụ nữ chuẩn bị mang thai: Vì vắc-xin quai bị có thể có những tác dụng phụ không mong muốn đối với thai nhi nên phụ nữ sau tiêm vắc-xin quai bị nên tránh mang thai trong vòng 3 tháng kể từ ngày tiêm;
  • Phụ nữ đang cho con bú: Cần có sự cho phép của bác sĩ khi có ý định tiêm vắc-xin quai bị.

2.4 Tác dụng phụ của vắc-xin quai bị

Theo nghiên cứu, vắc-xin quai bị tương đối an toàn đối với sức khỏe của người tiêm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể xuất hiện những tác dụng phụ không mong muốn nhưng ở mức độ nhẹ. Một số phản ứng phụ có thể gặp gồm:

  • Sốt nhẹ;
  • Viêm họng;
  • Phát ban;
  • Sưng hạch;
  • Đau khớp hoặc viêm khớp.
Những vị trí đo thân nhiệt xác định trẻ bị sốt
Tác dụng phụ của vắc-xin quai bị có thể gây sốt nhẹ

Vì vậy, để đảm bảo an toàn thì sau khi tiêm vắc-xin quai bị khoảng 1 giờ, người được tiêm cần theo dõi các dấu hiệu của cơ thể, thông báo ngay cho nhân viên y tế nếu có triệu chứng bất thường.

Để được bảo vệ an toàn, tránh nguy cơ mắc bệnh quai bị và các biến chứng khó lường, chúng ta nên cho trẻ tiêm vắc-xin quai bị đúng theo lịch tiêm được khuyến cáo. Đồng thời, sau khi tiêm cần theo dõi chặt chẽ sự thay đổi của cơ thể để kịp thời phát hiện các phản ứng phụ, có biện pháp can thiệp nhanh chóng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan