Xét nghiệm quai bị là xét nghiệm xác định chủng di truyền của virus hoặc xác định khả năng miễn dịch của cơ thể với virus quai bị thông qua kháng thể đặc trưng. Xét nghiệm quai bị được thực hiện với mục tiêu chẩn đoán một người đã từng nhiễm quai bị hay chưa, chẩn đoán người bệnh có đang nhiễm virus gây bệnh hay không, xác định khả năng miễn dịch của cơ thể với virus quai bị và theo dõi tiến triển của bệnh để tìm phương pháp điều trị thích hợp.
1. Tổng quan về bệnh quai bị
Bệnh quai bị, hay còn gọi là bệnh má chàm bàm, là bệnh truyền nhiễm do virus làm sưng tuyến nước bọt và gây đau. Thời gian từ lúc người bệnh nhiễm phải virus và bị bệnh kéo dài từ 12 đến 24 ngày.
Bệnh quai bị lây theo đường hô hấp. Virus có trong các hạt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói chuyện..., người lành hít phải trực tiếp hoặc qua các đồ dùng bị nhiễm dịch hô hấp do bệnh nhân thải ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Những người bị quai bị thường có nhiều khả năng lây nhiễm nhất từ hai ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện đến sáu ngày sau khi các triệu chứng kết thúc.
Đây là bệnh khá phổ biến ở trẻ em và thường xuất hiện với các triệu chứng sốt cao, khoảng 39,4°C, tiếp theo là sưng các tuyến nước bọt trong vài ngày tới. Các tuyến sẽ tiếp tục sưng và đau trong 1-3 ngày. Vào thời điểm này, má của trẻ sẽ sưng lên. Trẻ cũng sẽ cảm thấy đau khi nuốt, nói, nhai, hoặc uống nước có tính axit.
Các triệu chứng quai bị thường gặp bao gồm:
- Đau mặt hoặc 2 bên má;
- Đau khi nhai hoặc nuốt;
- Sốt; đau đầu;
- Viêm họng; sưng hàm hoặc sưng tuyến mang tai;
- Đau tinh hoàn, sưng bìu;
Nếu không chẩn đoán quai bị sớm và điều trị đúng cách thì có thể dẫn đến các biến chứng. Tuy nhiên, những biến chứng này hiếm khi xảy ra. Bên cạnh gây viêm các tuyến mồ hôi, quai bị cũng có thể gây viêm ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như não và các cơ quan sinh sản như: Viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm não, viêm tụy, bệnh chàm.
2. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh quai bị
2.1. Xét nghiệm kháng thể
Xét nghiệm này có thể được sử dụng để xác nhận khả năng miễn dịch, chẩn đoán quai bị hoặc theo dõi tình trạng bệnh nhân. Kháng thể của quai bị là các protein cụ thể được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus gây bệnh. Hai loại kháng thể được sản xuất là:
Kháng thể IgM:
- Kháng thể IgM sẽ xuất hiện đầu tiên trong máu sau khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh quai bị hoặc sau tiêm chủng. Kháng thể IgM tăng trong vài ngày đến một mức tối đa và sau đó bắt đầu giảm dần ở các tuần tiếp theo.
- Nếu kháng thể IgM xuất hiện trong những người chưa tiêm chủng, có khả năng người này đã bị lây nhiễm bệnh quai bị. Tuy nhiên, nếu cả kháng thể IgM và IgG cùng xuất hiện thì người này đã mắc bệnh quai bị.
Kháng thể IgG:
- Kháng thể này sẽ xuất hiện muộn hơn nhưng lại rất hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng.
- Khi kháng thể IgG có mặt trong người đã được tiêm phòng và/hoặc hiện tại không mắc bệnh, chứng tỏ người này miễn dịch với virus gây bệnh quai bị.
Nếu một người không có cả kháng thể IgM và IgG thì không được xem là miễn nhiễm với virus bệnh quai bị. Vì kết quả có thể do chưa tiếp xúc với các loại virus, bởi IgG xuất hiện muộn hoặc vì người đó không có phản ứng kháng thể bình thường.
2.2. Nuôi cấy virus hay các xét nghiệm vật liệu di truyền của virus
Xét nghiệm này bao gồm nuôi cấy virus hay các xét nghiệm vật liệu di truyền của virus và có thể được thực hiện trên một loạt các mẫu. Tuy nhiên những phương pháp này chỉ xác định được tình trạng bệnh và không thể xác nhận khả năng miễn dịch.
Xét nghiệm vật liệu di truyền của virus (RT-PCR):
Giúp phát hiện và xác định các chủng di truyền của virus. Các xét nghiệm phát hiện trực tiếp virus đôi khi có thể được thực hiện để xác định nguyên nhân của những biến chứng nghiêm trọng có liên quan tới bệnh quai bị. Những người có hệ miễn dịch yếu có thể không có các phản ứng kháng thể miễn dịch điển hình, do đó xét nghiệm vật liệu di truyền của virus sẽ được thực hiện để xác định chẩn đoán bệnh sởi hay sởi, đặc biệt là khi kết quả xét nghiệm kháng thể không phù hợp với kết quả nghiên cứu lâm sàng.
Xét nghiệm nuôi cấy virus:
Kết quả xét nghiệm nuôi cấy virus quai bị hoặc sởi là dương tính hoặc xét nghiệm chất liệu di truyền của virus dương tính có nghĩa là người đó hiện đang nhiễm virus gây bệnh.
Nếu kết quả nuôi cấy virus quai bị hoặc xét nghiệm chất liệu di truyền của virus quai bị là âm tính chứng tỏ người đó không nhiễm bệnh, các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ là do nguyên nhân khác.
2.3. Xét nghiệm máu
Trong xét nghiệm máu, bạch cầu giảm, bạch cầu đa nhân trung tính giảm đối với nguyên nhân do vi rút và tăng đối với nguyên nhân vi khuẩn; xét nghiệm nước tiểu và amylase máu đều tăng.
Bên cạnh đó, một số phương pháp xét nghiệm khác như: Xét nghiệm dịch não tủy, các phản ứng ức chế ngưng kết hồng cầu (HI), cố định bổ thể (CI), trung hòa đám hoại tử (NT), xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm nước bọt.
3. Điều trị và phòng ngừa quai bị
- Đối với mọi bệnh nhân, cần cách ly bệnh nhân 2 tuần kể từ lúc phát hiện bệnh;
- Vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng paracetamol. Uống nhiều nước hơn (tránh các nước chua).
- Kiêng gió và nước lạnh vì sẽ làm vùng quai bị sưng to hơn và gây đau.
- Trường hợp viêm tinh hoàn, người bệnh mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, nghỉ ngơi là chủ yếu, hạn chế vận động.
- Dùng corticoid đúng liều, quan trọng nhất là dùng liều lớn khi khởi đầu (60mg Prednisolon), sau đó giảm dần trong 7-10 ngày. Phẫu thuật giải áp khi tinh hoàn bị chèn ép nhiều. Chỉ định dùng thuốc và phẫu thuật do bác sĩ chuyên khoa chỉ định tùy từng bệnh nhân và tùy từng giai đoạn của bệnh.
Phòng ngừa bệnh quai bị:
- Cách phòng ngừa bệnh quai bị tốt nhất hiện nay là tiêm vắc xin. Vắc xin phòng bệnh quai bị có tác dụng kích thích cho trẻ em sản sinh ra các kháng thể để kháng bệnh. Nếu bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi thì tiêm 3 lần, lần 1 lúc 9 tháng tuổi, lần 2 sau lần 1 sáu tháng, lần 3 khi trẻ từ 4-12 tuổi. Nếu bắt đầu tiêm từ 12 tháng tuổi thì tiêm 2 lần, lần 1 lúc 12 tháng tuổi lần 2 từ 4-12 tuổi.
- Trường hợp tiêm chủng khẩn cấp được chỉ định cho trẻ từ 12 tháng tuổi, trẻ vị thành niên và người lớn nếu đã có tiếp xúc với bệnh nhân quai bị nhưng bị mắc quai bị lần nào và chưa được tiêm chủng theo lịch phòng bệnh quai bị.
- Trong trường hợp không có chống chỉ định, vắc xin cần được tiêm không muộn hơn 72 giờ kể từ khi có tiếp xúc với bệnh nhân.
- Phòng bệnh quai bị thụ động với globulin miễn dịch, dùng cho người tiếp xúc với virus quai bị mà chưa được tiêm vắc xin trước đó.
- Cách ly bệnh nhân tại nhà với thời gian khoảng 9 - 10 ngày cho đến khi khỏi bệnh và không còn khả năng lây bệnh.
Để phòng ngừa bệnh quai bị, những đối tượng trẻ nhỏ trên 12 tháng tuổi, phụ nữ chuẩn bị mang thai, nam giới chưa được tiêm phòng vắc xin quai bị ... có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được tư vấn, đặt lịch và tiêm phòng vắc xin quai bị - sởi – rubella, nhằm phòng bệnh một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Tất cả các sinh phẩm, vắc xin tại Vinmec đều có nguồn gốc rõ ràng; được bảo quản trên dây chuyền lạnh theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới. Khách hàng được thăm khám sàng lọc trước khi tiêm, đồng thời theo dõi sức khỏe sau tiêm để đảm bảo an toàn và hiệu quả tiêm chủng cao nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.