Tiêm vắc-xin sởi cho trẻ khi nào là an toàn?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Sởi là bệnh truyền nhiễm thường gặp vào vụ đông xuân, có thể gây thành dịch, lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Đây là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ là biện pháp hiệu quả giúp trẻ phòng ngừa bệnh sởi. Vậy nên tiêm vắc-xin sởi cho trẻ khi nào là an toàn và tạo miễn dịch phòng bệnh tối đa?

1. Tại sao cần tiêm vắc-xin sởi cho bé?

Trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh sởi do sức đề kháng còn yếu, hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện. Sởi là bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp. Mặc dù bệnh sởi có thể điều trị được và là bệnh lành tính, nhưng nếu trẻ nhỏ mắc phải và không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra một số biến chứng như tiêu chảy, viêm não, viêm phổi, viêm tủy, viêm tai giữa, ...

Vì vậy, tiêm vắc xin sởi cho trẻ hiện chính là biện pháp phòng bệnh phổ biến và hiệu quả nhất, giúp trẻ phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm do bệnh sởi gây ra.

2. Tiêm vắc-xin sởi cho trẻ khi nào là an toàn?

Hiện vắc-xin phòng sởi đơn (MVVAC) và vắc-xin phối hợp phòng sởi-rubella (MR), phòng sởi-quai bị-rubella(MMR) đã được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam để phòng ngừa bệnh. Vậy khi nào thì nên tiêm vắc-xin sởi đơn thay vì vắc-xin sởi phối hợp.

Vắc-xin sởi đơn là gì?

Vắc-xin sởi đơn thường được sử dụng tại Việt Nam là vắc-xin MVVAC, đây là vắc-xin sống giảm độc lực chủng virus AIK-C, được nuôi cấy trên tế bào phôi gà sạch SPF tiên phát, có tác dụng phòng ngừa bệnh sởi cho cả trẻ em lẫn người lớn. Vậy vắc-xin sởi đơn tiêm khi nào ?

Theo chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc-xin sởi đơn MVVAC được tiêm cho trẻ em từ 9 tháng tuổi, nhắc lại liều 2 có thành phần sởi lúc 18 tháng tuổi (thường là vắc-xin sởi-rubella MR). Trong trường hợp có dịch sởi hoặc trẻ có nguy cơ cao nhiễm sởi có thể tiêm vắc-xin sởi đơn MVVAC cho trẻ từ 6 tháng tuổi.

Vắc-xin phối hợp sởi-quai bị-rubella MMR II là gì?

Vắc-xin MMR II là loại vắc-xin sống, giảm độc lực giúp tạo miễn dịch phòng 3 bệnh là sởi, quai bịrubella đều là những căn bệnh nguy hiểm gây biến chứng nặng nề cho trẻ em và trẻ sơ sinh nếu phụ nữ có thai nhiễm bệnh.

Lịch chủng ngừa của vắc-xin phối hợp này đối với trẻ em là tiêm mũi đầu tiên vào khoảng 12-15 tháng tuổi hoặc muộn hơn để tránh tương tác với kháng thể của mẹ truyền sang con. Mũi tiêm nhắc lại thứ 2 sẽ được tiêm cách mũi đầu tiên 4 năm (có thể tiêm khi trẻ 4-6 tuổi hoặc sớm hơn nếu có dịch xảy ra).

Nếu trẻ tiêm vắc-xin sởi đơn MVVAC lúc 9 tháng tuổi thì 15 tháng tuổi có thể tiêm vắc-xin phòng sởi-quai bị- rubella (MMR II) mũi 1, nhắc lại MMR II mũi 2 sau 4 năm.

Vắc-xin sởi đơn MVVAC
Vắc-xin sởi đơn phòng quai bị và rubella hiện đã mặt có tại bệnh viện ĐKQT Vinmec

Tiêm vắc xin sởi cho trẻ cần được thực hiện đúng thời điểm để giúp trẻ tạo miễn dịch và phòng bệnh hiệu quả nhất. Lịch chủng ngừa như sau:

  • Vắc-xin sởi đơn: Mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi. Nếu tiếp tục chọn tiêm vắc-xin sởi đơn, mũi 2 cần được tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Cả hai mũi tiêm này đều được chủng ngừa tại trạm y tế địa phương và nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi trẻ 4 - 5 tuổi cần tiêm nhắc lại mũi 3.
  • Vắc-xin sởi cho bé dạng phối hợp MMR II (phòng ngừa 3 bệnh sởi, quai bị và rubella): Mũi 1 khi trẻ được 12 - 15 tháng tuổi. Mũi 2 khi trẻ 4 - 6 tuổi. Trường hợp có dịch sởi xuất hiện có thể tiêm nhắc lại sớm hơn nhưng cần đảm bảo khoảng cách giữa 2 mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng. Vắc-xin sởi phối hợp chỉ cần chủng ngừa 2 mũi và đều được thực hiện tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

Ngoài ra, trong một số tình huống dịch sởi bùng phát và lan rộng, để giúp trẻ tạo miễn dịch sớm và phòng ngừa bệnh, phụ huynh có thể lựa chọn phác đồ chủng ngừa vắc-xin sởi cho bé như sau:

  • Mũi 1: Vắc-xin sởi đơn tại trạm y tế địa phương khi trẻ 9 - 12 tháng tuổi.
  • Mũi 2: Vắc-xin sởi phối hợp MMR II tại cơ sở tiêm chủng dịch vụ khi trẻ 15 - 18 tháng tuổi, khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi nên là 6 tháng để đảm bảo an toàn và miễn dịch.

Có thể tiêm vắc-xin sởi cho trẻ trước 9 tháng tuổi?

Theo lịch tiêm chủng mở rộng ở nước ta, trẻ được tiêm vắc-xin sởi khi được 9 tháng tuổi. Vậy trước 9 tháng tiêm sởi-quai bị-rubella được không? Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có thể tiêm vắc-xin cho trẻ từ 6 tháng tuổi nếu trẻ đang sống trong vùng có dịch sởi hoặc sắp đến vùng có dịch. Các nghiên cứu cho thấy, tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi là an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ, tuy nhiên đáp ứng miễn dịch không cao do vắc-xin bị trung hòa bởi kháng thể từ mẹ truyền sang trẻ.

WHO không khuyến cáo tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Khi tiêm vắc-xin sởi cho trẻ trước lịch tiêm chủng vì bất kỳ lý do gì, mũi tiêm này không được tính là mũi tiêm sởi chính thức, và cha mẹ vẫn phải đưa trẻ đi tiêm 2 mũi vắc-xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi và mũi thứ 3 khi trẻ được 18 tháng tuổi nhằm đảm bảo trẻ có được miễn dịch phòng bệnh.

Những người mẹ đang cho con bú cũng được khuyến khích tiêm vắc-xin sởi, vì kháng thể được tạo ra từ cơ thể mẹ có thể bài tiết qua sữa, giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi khi trẻ còn quá nhỏ, chưa đủ tháng để tiêm vắc-xin.

Trễ mũi tiêm phòng sởi cho trẻ phải làm sao ?

Theo Tổ chức Y tế thế giới cho biết, lịch tiêm phòng cho trẻ đã được xác lập, tính toán dựa vào rất nhiều nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng trong nhiều năm. Vì thế chỉ khi trẻ được thực hiện việc tiêm chủng chích ngừa đúng lịch mới nâng cao được khả năng phòng vệ của vacxin trước những căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn có bố mẹ quên lịch cũng như trễ mũi tiêm phòng sởi cho bé.Lúc này, bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để tư vấn và thực hiện lịch tiêm bổ sung các mũi tiêm còn thiếu cho bé. Với trường hợp bé 18 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng sởi cần thực hiện đủ 2 mũi vacxin càng sớm càng tốt.

3. Một số phản ứng có thể gặp sau khi tiêm vắc xin sởi cho trẻ

Trong khoảng 24 - 48 giờ sau khi tiêm vắc xin sởi cho trẻ có thể xuất hiện một số tác dụng phụ như:

  • Sốt (có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, sốt kéo dài trong khoảng vài giờ).
  • Quấy khóc, khó chịu.
  • Khó ngủ, trớ khi bú.

Theo các bác sĩ, đây là những phản ứng hoàn toàn bình thường khi cơ thể gặp tác nhân lạ xâm nhập. Phụ huynh cần chú ý theo dõi trẻ thường xuyên để kịp thời xử trí nếu có bất thường xảy ra.

Trẻ sốt sau tiêm vắc-xin 5 trong 1
Trẻ có thể xuất hiện một số triệu chứng phụ sau khi tiêm vắc-xin sởi

Nếu sau khi tiêm vắc-xin sởi cho bé gặp những dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời:

  • Sốt cao, thường sốt trên 38,5 độ. Trẻ đã được dùng thuốc hạ sốt nhưng có tác dụng.
  • Sốt cao và kéo dài (>2 ngày). Trẻ có thể khỏi nhưng sốt trở lại sau 1 - 2 ngày.
  • Ngoài sốt, trẻ còn bị phát ban, tiêu chảy, ho, ...
  • Các triệu chứng kể trên có thể khiến trẻ khó chịu, bỏ bú hoặc bỏ ăn, khó thở hoặc thở nhanh, hôn mê, li bì, ....

4. Lưu ý khi tiêm vắc-xin sởi cho bé

Chống chỉ định tiêm vắc xin phòng sởi

  • Trẻ đang bị sốt cao. Sau khi hết sốt tối thiểu 3 ngày có thể cho trẻ tiêm chủng trở lại theo lịch đã hẹn.
  • Trẻ bị bệnh lao hoặc mắc các bệnh suy giảm hệ miễn dịch, bệnh nhiễm trùng cấp tính.
  • Trẻ bị dị ứng với vắc-xin và bất kỳ thành phần của vắc-xin
  • Trẻ mới sử dụng globulin hoặc truyền máu trong khoảng 3 tháng.
  • Trẻ mới điều trị điều trị liều cao corticoid trong khoảng 14 ngày.

Trong một số trường hợp không thể tiêm vắc xin sởi cho trẻ đúng lịch (do trẻ ốm đau, cha mẹ quên lịch, ...), phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, sau đó, chủng ngừa bổ sung cho trẻ.

Nếu trẻ trên 18 tháng tuổi nhưng vẫn chưa được chủng ngừa vắc-xin sởi, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng càng sớm càng tốt với đầy đủ 2 mũi tiêm phòng sởi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

59.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan