Quai bị là bạn có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào dân thường hay gặp nhất ở trẻ em với nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, cách chữa bệnh quai bị nhanh nhất và tốt nhất là tìm đến các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp.
1. Vài nét cần biết về bệnh quai bị
Bệnh quai bị là bệnh rất phổ biến, xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới với tỷ lệ mắc cao ở những vùng dân cư đông, có điều kiện sống kém hoặc những nơi có khí hậu lạnh. Ở nước ta bệnh quai bị có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên bệnh thường tập trung mạnh vào những tháng thu đông ở các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 10 đến 40 ca trên 100 ngàn dân. Quai bị đã có vắc xin phòng ngừa, tuy nhiên việc tiêm phòng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, do đó tỷ lệ mắc bệnh gần như không khi giảm trong vòng 10 năm trở lại đây.
Bệnh quai bị không phải là bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên bệnh vẫn có khả năng gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh chủ quan, chậm trễ trong việc điều trị. Bệnh gây ra bởi virus Mumps, thuộc họ Paramyxoviridae, lây qua đường hô hấp, qua dịch tiết mũi họng khi khạc nhổ, hắt hơi... Vào khoảng 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng và 6 ngày khi triệu chứng biến mất là giai đoạn bệnh quai bị dễ dàng lây nhất. Bệnh quai thông thường sẽ trải qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: không xuất hiện triệu chứng, kéo dài khoảng 2 - 3 tuần kể từ khi cơ thể bị nhiễm virus,
- Giai đoạn khởi phát: xuất hiện các triệu chứng như đau ở góc hàm, sốt, đau đầu, sưng đau một hoặc 2 tuyến nước bọt mang tai, kéo dài khoảng 3 ngày.
- Giai đoạn toàn phát: triệu chứng rầm rộ, tuyến mai tai sưng to ở cả 2 bên, sốt nhẹ hoặc sốt cao, cơ thể mệt mỏi, da tại vùng sưng có màu đỏ, kéo dài khoảng 5 - 7 ngày.
- Giai đoạn phục hồi: triệu chứng toàn thân sẽ thuyên giảm, giảm sốt, tuyến tai bớt sưng, sau đó khỏi hẳn.
Virus paramyxo gây bệnh quai bị có khả năng tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài cơ thể: từ 30 - 60 ngày ở nhiệt độ 15 - 20 độ C, tồn tại từ 1 đến 2 năm ở nhiệt độ – 25 đến -70 độ C nhưng có thể bị diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 56 độ C hoặc dưới ánh sáng mặt trời, hóa chất khử khuẩn chứa Clo, chất khử khuẩn bệnh viện...
Quai bị lây lan trực tiếp qua đường hô hấp khi người lành hít phải các virus từ người bệnh, sau đó virus sẽ bám vào niêm mạc mũi miệng và di chuyển đến nội tạng của người mắc thông qua đường máu rồi gây bệnh. Trong các giai đoạn của bệnh quai bị kể trên, giai đoạn khởi phát là thời kỳ có khả năng lây lan mạnh mẽ nhất. Trong một số trường hợp người mang virus quai bị tuy không có triệu chứng mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng lây truyền virus cho người khác.
2. Chẩn đoán bệnh quai bị như thế nào?
Khi tìm hiểu cách chữa bệnh quai bị như thế nào chúng ta cần biết làm thế nào để chẩn đoán và phát hiện chính xác bệnh quai bị. Đối với bệnh quai bị các kết quả xét nghiệm đóng vai trò không mấy quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh, hầu hết các bác sĩ chẩn đoán bệnh quai bị thông qua các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh.
Virus gây bệnh quai bị có thể phân lập được thông qua các mẫu bệnh phẩm như mẫu máu, mẫu nước bọt, mẫu dịch não tủy. Trong đó, mẫu máu và dịch não tủy được thu thập ở giai đoạn sớm, khi bệnh nhân nhiễm virus từ 0 đến 7 ngày hoặc ở giai đoạn muộn hơn từ 14 đến 21 ngày để thực hiện các xét nghiệm tìm kháng thể IgM hoặc biến động hiệu giá của kháng thể IgG. Những phương pháp xét nghiệm bệnh quai bị là:
- CI – cố định bổ thể;
- NT – trung hòa đám hoại tử,
- ELISA – miễn dịch gắn men, có khả năng phát hiện kháng thể của virus quai bị trong máu hoặc dịch não tủy,
- IFA – miễn dịch huỳnh quang gián tiếp, có khả năng phát hiện kháng nguyên và kháng thể đặc hiệu.
3. Cách chữa bệnh quai bị nhanh nhất
Cho đến thời điểm hiện tại bệnh quai bị là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và hầu hết cách chữa bệnh quai bị thường tập trung điều trị triệu chứng. Người bệnh sau khi phát hiện mắc quai bị sẽ được cách ly trong khoảng 2 tuần. Đối với những trường hợp bệnh nhân mắc quai bị mức độ nhẹ có thể được cách ly và điều trị tại nhà theo hướng dẫn, hạn chế tiếp xúc với người khác và thường xuyên đeo khẩu trang. Khi điều trị bệnh quai bị, đồ dùng cá nhân của người bệnh và các dụng cụ y tế sử dụng cho người bệnh cần phải được khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin 2% hoặc sử dụng các chất khử khuẩn khác để tiêu diệt virus bám dính bên trên. Cách chữa bệnh quai bị nhanh nhất nhằm vào việc đẩy lùi các triệu chứng bệnh một cách nhanh chóng thông qua những thói quen sinh hoạt hàng ngày:
- Trong thời gian mắc bệnh quai bị ở người bệnh cần được nghỉ ngơi đầy đủ và tránh thực hiện các hoạt động mạnh;
- Bệnh nhân mắc bệnh quai bị cần uống nhiều nước, tuy nhiên lưu ý tránh sử dụng các loại nước ép trái cây có vị quá chua, vì vị chua có thể làm kích thích tuyến nước bọt, khiến tình trạng bệnh xấu đi;
- Bệnh nhân có thể chườm lạnh ở các vị trí bị sưng đau để xoa dịu;
- Một số trường hợp bệnh nhân có thể chườm ấm hoặc dùng thêm thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol;
- Nên giữ vệ sinh vòm họng bằng cách sử dụng nước muối sinh lý nước muối ấm hoặc các loại nước súc miệng để vệ sinh vòm họng (súc miệng bằng nước muối 0,9% hoặc dung dịch axit boric 4%),
- Trong suốt thời gian mắc bệnh quai bị, người bệnh nên ăn những thức ăn mềm hoặc lỏng, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và tránh các thức ăn có tính axit mạnh, những thức ăn cay hoặc thức ăn làm từ nếp và thịt gà, nên bổ sung những loại rau xanh hoặc dưa đỏ...
- Giữ cho khu vực cách ly được thông thoáng và có ánh nắng mặt trời;
- Trong trường hợp bệnh nhân quai bị có viêm tinh hoàn, lúc này người bệnh cần mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, sử dụng thêm thuốc kháng viêm steroid liều cao ngay từ đầu, cụ thể là Prednisolon 60mg/ ngày, sau đó giảm dần trong 7 – 10 ngày. Lưu ý cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho bệnh nhân quai bị sử dụng thuốc.
- Dùng thuốc hạ sốt (paracetamol, ibuprofen) nếu sốt trên 38,5 độ C;
- Có thể dùng thêm thuốc an thần nhẹ (rotunda) và các vitamin nhóm B, C;
- Nằm nghỉ tại giường, hạn chế đi lại khi còn sốt, còn sưng tuyến mang tai (thường trong 7 - 8 ngày đầu), ăn uống riêng bát đũa tối thiểu 10 ngày;
- Sau khi tinh hoàn đỡ sưng đau, bệnh nhân có thể dùng thêm vitamin E từ 1-2 tháng để tăng sinh tinh trùng.
Cách chữa bệnh quai bị nhanh nhất là đưa bệnh nhân đi khám để được chẩn đoán chính xác và sử dụng thuốc phù hợp nhất. Lưu ý đối với bệnh quai bị không được phép sử dụng kháng sinh, do quai bị là bệnh do virus gây ra, bệnh sẽ không đáp ứng với kháng sinh trừ những trường hợp quai bị bội nhiễm vi khuẩn. Nên tiến hành tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh quai bị cho những người đang sống tại ổ dịch, đặc biệt là đối tượng trẻ em là đối tượng vị thành niên để phòng chống bệnh quai bị.
Phụ nữ đang trong lứa tuổi sinh sản nên hoàn tất lịch tiêm phòng bệnh quai bị trước khi có thai ít nhất 3 tháng. Trong trường hợp người phụ nữ lỡ tiêm vắc-xin sau đó biết mình mang thai thì cần thông báo ngay với Bác sĩ sản khoa để được tư vấn và theo dõi thai kỳ. Việc tiêm vắc xin sởi quai bị Rubella trong thai kỳ không phải là yếu tố tiên quyết để đưa ra quyết định chấm dứt thai kỳ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.