Tiêm nhắc lại vắc-xin bạch hầu như thế nào cho hiệu quả?

Mọi người chưa từng tiêm chủng đầy đủ vắc-xin bạch hầu đều có nguy cơ mắc bệnh. Tiêm vắc-xin bạch hầu vừa là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, vừa làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong. Người không rõ lịch sử tiêm chủng, tiêm chưa đầy đủ hoặc chủng ngừa đã lâu cũng cần tiêm nhắc lại đầy đủ.

1.Vai trò của vắc-xin phòng bệnh bạch hầu

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể tấn công cả người lớn nếu không có miễn dịch. Tất cả người chưa được tiêm chủng ngừa bạch hầu đầy đủ đều có thể mắc bệnh.

Bệnh bạch hầu lây truyền trực tiếp từ người sang người qua giọt bắn dịch tiết đường hô hấp của bệnh nhân hoặc người mang vi trùng. Bạch hầu cũng có khả năng lây lan gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Hiện nay, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, nhưng có thể dự phòng được bằng cách tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch. Các bác sĩ cho biết, vắc-xin bạch hầu có hiệu quả phòng bệnh đến hơn 90%. Tuy nhiên, với những đối tượng có sức đề kháng kém hay suy giảm miễn dịch thì vẫn có nguy cơ mắc bạch hầu khi tiếp xúc với nguồn bệnh.

2. Trẻ em cần tiêm bạch hầu khi nào?

Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ hơn 30 năm nay. Mọi trẻ em đủ 2 tháng tuổi đều phải được tiêm 3 mũi cơ bản vắc-xin phối hợp (DPT-VGB-HiB hoặc DaPT-VGB-HiB-IPV) cách nhau ít nhất 1 tháng, tiêm nhắc mũi thứ 4 khi trẻ được 18 tháng tuổi. Phụ huynh có thể đưa con đến đến cơ sở y tế để thực hiện liệu trình tiêm chủng bắt buộc này.

tiêm chủng cho trẻ
Cha mẹ cần đưa trẻ đi chích ngừa bạch hầu khi đến độ tuổi tiêm chủng

Nhìn chung, mọi người từ 6 tuổi trở đi sẽ dần ít quan tâm đến việc tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh. Lại có thêm tác động của đại dịch Covid-19 và tâm lý lo lắng của người dân, nên hoạt động tiêm chủng bị tạm ngưng, một số gia đình chưa đưa trẻ đi tiêm đúng lịch, dẫn đến tiến độ bao phủ vắc-xin bị chậm lại.

Đến nay, dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản được kiểm soát, hoạt động tiêm chủng đã tổ chức lại trong trạng thái bình thường mới, vừa đảm bảo an toàn, vừa phòng lây nhiễm. Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các liều vắc-xin bắt buộc.

Tiếp theo lịch tiêm bắt buộc, trẻ lớn và người trưởng thành được khuyến cáo tiêm nhắc bạch hầu bằng các vắc-xin có thu phí như DaPT-IPV, DaPT, Tdap, Td. Nguyên nhân là bởi hiệu quả bảo vệ của vắc-xin tuy rất cao, nhưng miễn dịch chỉ có thể kéo dài khoảng 10 năm và sẽ giảm dần theo thời gian. Do vậy, nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh.

3. Lưu ý tiêm nhắc lại vắc-xin bạch hầu

Trong tình hình ca bệnh bạch hầu xuất hiện rải rác ở nước ta, trẻ em và người lớn có lịch sử tiêm chủng không đầy đủ hay không rõ ràng đều nên đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn nhắc lại liều vắc-xin phòng bệnh phù hợp.

Không chỉ riêng vắc-xin bạch hầu, mà một số loại vắc-xin khác, ví dụ như vắc-xin bất hoạt, cũng thường đòi hỏi phải tiêm nhắc lại vì một liều không tạo ra đủ miễn dịch. Việc tiêm thêm liều nhằm kích cho cơ thể sản xuất miễn dịch nhiều hơn.

Bên cạnh đó, sau khi tiêm đủ các mũi cơ bản, nồng độ kháng thể vẫn có thể giảm xuống theo thời gian. Do đó người lớn thường phải bổ sung thêm mũi tiêm nhắc lại. Ví dụ, miễn dịch của vắc-xin bạch hầu thường duy trì trong vòng 10 năm và giảm dần theo thời gian. Vì thế người dân có nguy cơ mắc bệnh, dù không nhớ đã tiêm vắc-xin bạch hầu hay chưa, hoặc tiêm đã lâu thì cũng đều nên chủng ngừa lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan