Đối tượng nào cần ưu tiên tiêm ngừa bệnh bạch hầu

Bạch hầu là bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả nếu được tiêm phòng vắc-xin. Đối tượng tiêm vắc-xin bạch hầu không chỉ là trẻ em mà còn là người lớn, người có lịch sử tiêm chủng không đầy đủ trước đây.

1. Bệnh bạch hầu là gì

Bệnh bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae gây ra. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính với đặc trưng là hình thành lớp giả mạc ở tuyến hầu họng, tuyến hạnh nhân, thanh quản, niêm mạc trong mũi, niêm mạc mắt, cơ quan sinh dục.

Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh. Ngoài đường tiếp xúc trực tiếp, bệnh bạch hầu có thể lây khi tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

2. Sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu

Cơ chế sinh bệnh Bạch hầu là sau khi vi khuẩn xâm nhập vào hầu họng hoặc một số vị trí niêm mạc khác trên cơ thể người không có miễn dịch, vi khuẩn sẽ nhanh chóng tiết ra độc tố gây bệnh.

Độc tố bạch hầu sẽ ức chế quá trình sinh tổng hợp tế bào mới, làm chết tế bào và hình thành các màng giả. Độc tố sau đó sẽ vào máu và di chuyển khắp cơ thể, gây các biến chứng nghiêm trọng như: viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, viêm phổi, thoái hóa thận, hoại tử ống thận, suy hô hấp,...

Ngay cả khi được điều trị kịp thời, vẫn có khoảng 10-20% bệnh nhân tử vong vì bệnh bạch hầu. Khoảng 50% bệnh nhân sẽ tử vong vì căn bệnh này nếu không được điều trị. Tỷ lệ tử vong do bệnh hầu như không thay đổi trong 50 năm qua.

3. Đối tượng tiêm vắc-xin bạch hầu nào cần được ưu tiên?

Trước đây khi chưa có vắc-xin, bạch hầu là bệnh lưu hành rộng rãi, gây nên các vụ dịch nghiêm trọng ở nhiều trên thế giới. Ở Việt Nam khi chưa triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh bạch hầu gây dịch bệnh ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là các khu vực có mật độ dân cư cao. Nhờ sự nỗ lực trong thực hiện công tác tiêm chủng, tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu ở Việt Nam giảm dần qua các năm, nếu năm 1985, tỷ lệ mắc bệnh là 3.95/100.000 dân thì năm 2000, tỷ lệ này chỉ còn 0.1/100.000 dân.

Tuy nhiên, bạch hầu là bệnh chưa được loại trừ ở nước ta, người dân có thể bị mắc bệnh nếu chưa được tiêm vắc-xin và tiếp xúc với mầm bệnh. Sự xuất hiện bệnh Bạch hầu ở một số địa phương trong thời gian gần đây cho thấy mầm bệnh vẫn còn trong cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở một số địa phương cùng với nhận thức hạn chế về tiêm chủng của một bộ phận người dân đã tạo điều kiện cho bệnh bùng phát.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp dịch vụ tiêm chủng vắc-xin viêm não mô cầu
Tiêm chủng vắc-xin là biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu tốt nhất hiện nay

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu một cách hiệu quả, tiêm ngừa vắc-xin là biện pháp vô cùng cần thiết.

Các đối tượng tiêm vắc-xin bạch hầu cần được ưu tiên bao gồm:

  • Tiêm bạch hầu cho trẻ: Mọi trẻ em đều cần tiêm phòng bệnh bạch hầu. Vắc-xin bạch hầu cho trẻ em hiện nay có trong thành phần vắc-xin phối hợp 5 trong 1 (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, các bệnh do vi khuẩn Hib) hoặc vắc-xin 6 trong 1 (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, các bệnh do vi khuẩn Hib). Liệu trình tiêm gồm 3 mũi cơ bản, các mũi tiêm cách nhau ít nhất một tháng bắt đầu từ lúc trẻ được 2 tháng tuổi, mũi thứ 4 được tiêm nhắc lại khi trẻ được 18 tháng tuổi. Tiêm bạch hầu cho trẻ thuộc liệu trình tiêm chủng bắt buộc, có ý nghĩa vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe trẻ, cha mẹ có thể lựa chọn tiêm vắc-xin miễn phí ở chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm vắc-xin dịch vụ có trả phí.

  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tháng tuổi chưa được tiêm chủng sẽ không có khả năng chống lại sự tấn công của vi khuẩn bạch hầu khi chúng xâm nhập cơ thể. Tiêm phòng vắc-xin bạch hầu cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là biện pháp bảo vệ hiệu quả, vừa giúp bảo vệ người mẹ, vừa giúp bảo vệ trẻ giai đoạn sớm nhờ lượng kháng thể người mẹ truyền qua.

Người lớn và trẻ lớn cũng là đối tượng cần tiêm vắc-xin bạch hầu. Do sau khi tiêm, miễn dịch bảo vệ thường kéo dài khoảng 10 năm, sau đó giảm dần theo thời gian. Nếu không được tiêm nhắc lại vẫn có thể bị mắc bệnh. Đó là lý do bệnh nhân bạch hầu gần đây chủ yếu là trẻ lớn trên 10 tuổi, thậm chí là thanh niên 20 tuổi.

Để phòng bệnh bạch hầu, mọi người cần tiêm nhắc lại để duy trì sự bảo vệ. Với tình hình xuất hiện bệnh bạch hầu rải rác ở nhiều tỉnh thành như hiện nay, những người không nắm rõ về lịch sử tiêm chủng hoặc có lịch sử tiêm chủng không đầy đủ cần đến các cơ sở tiêm chủng để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin bạch hầu càng sớm càng tốt.

Hiện bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp đa dạng các dịch vụ tiêm vắc-xin bạch hầu dành cho trẻ nhỏ và người lớn với 5 loại phối hợp, gồm:

Vắc-xin 6 trong 1 Infanrix Hexa của GSK (Bỉ)

Vắc-xin 6 trong 1 Hexaxim của Sanofi (Pháp)

Vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim của Sanofi (Pháp)

Adacel 0,5 ml của hãng Sanofi - Pháp

Tetraxim 0.5 ml của hãng Sanofi - Pháp

Để đảm bảo hiệu quả tiêm chủng và an toàn, trước khi tiêm, khách hàng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế Thế giới.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

472 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan