Công dụng thuốc Zelboraf

BRAF là một kinase điều hòa sự sao chép và tồn tại của tế bào. Đột biến BRAF có thể dẫn đến sự phân chia quá mức và hình thành ung thư. Thuốc Zelboraf ức chế đột biến BRAF V600E nên có thể ức chế sự phân chia và làm chết tế bào ung thư.

1. Zelboraf là thuốc gì?

BRAF là một protein kinase có vai trò điều hòa các gen chịu trách nhiệm cho sự sao chép và tồn tại của tế bào. Đột biến BRAF sẽ thúc đẩy sự phát triển quá mức của các tế bào ung thư. Hoạt chất Vemurafenib trong thuốc Zelboraf hoạt động bằng cách ngăn chặn các hoạt động bất thường của BRAF, từ đó ức chế sự phân chia của tế bào ác tính và có khả năng gây chết tế bào.

2. Cách dùng thuốc Zelboraf (Vemurafenib)

Zelboraf sản xuất ở dạng viên nén, dùng đường uống 2 lần/ngày. Bệnh nhân có thể cần uống vài viên Zelboraf cùng lúc để đảm bảo liều lượng. Viên nén thuốc Zelboraf yêu cầu được uống nguyên viên, với một cốc nước và không được nghiền, bẻ hoặc nhai. Nếu đã bỏ lỡ một liều, bệnh nhân có thể dùng liều đã quên cách 4 giờ so với thời điểm dùng liều tiếp theo, tuyệt đối không uống 2 liều thuốc Zelboraf cùng một lúc để bổ sung cho liều đã quên.

Nồng độ thuốc Zelboraf trong máu có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác, bao gồm bưởi, nước ép bưởi, Verapamil, Ketoconazole, Rifampin, Phenytoin, cây thường xuân, Modafinil và một số thuốc khác. Bệnh nhân hãy cung cấp cho bác sĩ danh sách tất cả các loại thuốc và chất bổ sung đang sử dụng.

Thuốc Zelboraf chỉ có tác dụng với khối u ác tính có đột biến BRAF V600E, vì vậy người bệnh cần được kiểm tra sự hiện diện của đột biến này trước khi bắt đầu sử dụng. Để kiểm tra đột biến BRAF trên, một mẫu khối u được sinh thiết và xét nghiệm tại cơ sở xét nghiệm phù hợp.

Thuốc Zelboraf cần được bảo quản trong bao bì gốc của nhà xuất, có dán nhãn bên ngoài và lưu trữ ở nơi khô ráo và có nhiệt độ phòng. Lưu ý cần để thuốc Zelboraf tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi.

3. Tác dụng phụ của thuốc Zelboraf (Vemurafenib)

3.1. Tăng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời

Zelboraf có thể làm cho da của bệnh nhân nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, có thể dẫn đến cháy nắng nghiêm trọng hoặc phát ban. Tác dụng phụ này có thể kéo dài cho đến khi kết kết thúc điều trị. Người bệnh đang dùng thuốc Zelboraf cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc ánh nắng mặt trời, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 đến 14 giờ mỗi ngày (thời điểm cường độ mạnh nhất). Ngoài ra, bệnh nhân nên thoa kem chống nắng (chỉ số SPF ít nhất 30) hàng ngày, đeo kính râm, đội mũ và mặc quần áo dài để bảo vệ da khi ra ngoài và tìm bóng râm bất cứ khi nào có thể.

3.2. Phát ban và phản ứng dị ứng

Một số bệnh nhân có thể phát triển phản ứng dị ứng với thuốc Zelboraf, có thể bao gồm phát ban (bất kỳ phần vị trí nào kể cả trong miệng hoặc lòng bàn chân), đỏ da, phồng rộp, bong tróc hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng gây khó thở, tim đập nhanh, sưng phù hoặc sốt. Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào khi dùng thuốc Zelboraf, bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ ung bướu ngay lập tức hoặc nhanh chóng đến phòng cấp cứu để được xử trí.

3.3. Mệt mỏi

Mệt mỏi là hiện tượng thường gặp trong quá trình điều trị ung thư, đặc biệt hơn khi mệt mỏi thường không thuyên giảm khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Trong quá trình dùng thuốc và một thời gian sau khi ngưng Zelboraf, bệnh nhân có thể cần điều chỉnh lịch hoạt động mỗi ngày để kiểm soát tình trạng mệt mỏi này. Theo đó, người bệnh nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và tiết kiệm năng lượng để thực hiện các các hoạt động quan trọng hơn. Ngoài ra, thực hiện các bài tập thể dục có thể mang lại hiệu quả trong việc kiểm soát sự mệt mỏi, đơn giản như việc đi bộ hàng ngày với một người bạn là đã mang lại hữu ích.

3.4. Đau nhức toàn thân

Bác sĩ điều trị có thể kê đơn một số loại thuốc và tư vấn một số chiến lược khác để kiểm soát tình trạng đau trong thời gian điều trị ung thư bằng thuốc Zelboraf.

3.5. Nôn ói

Nôn ói là tác dụng phụ thường gặp của các thuốc điều trị ung thư và Zelboraf không phải ngoại lệ. Người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ hoặc y tá để tìm ra các thuốc giúp kiểm soát buồn nôn và nôn. Ngoài ra, người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống để dự phòng hoặc giảm nôn ói do thuốc Zelboraf, bao gồm tránh ăn quá nhiều cùng lúc, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị hoặc có tính axit. Đồng thời, người bệnh có thể thử dùng các thuốc kháng axit dạ dày, uống nước gừng để giảm bớt các triệu chứng.

3.6. Rụng lông, rụng tóc

Tóc của bệnh nhân dùng thuốc Zelboraf có thể trở nên mỏng, dễ gãy hoặc rụng. Tình trạng này thường bắt đầu sau 2 đến 3 tuần dùng thuốc thuốc Zelboraf. Bên cạnh tóc, lông của người bệnh có thể rụng ở nhiều vị trí trên cơ thể, bao gồm lông mu, lông nách, lông chân tay, lông mi và lông mũi. Lông tóc thường bắt đầu mọc lại ngay sau khi kết thúc việc sử dụng thuốc Zelboraf. Bệnh nhân hãy nhớ rằng tóc giúp giữ ấm cho da đầu trong thời tiết lạnh, vì vậy nên đội mũ khi tóc rụng nhiều đặc biệt quan trọng trong thời tiết lạnh hoặc đơn giản hơn là bảo vệ da đầu khỏi ánh nắng mặt trời.

3.7. Tiêu chảy

Tiêu chảy là một trong những tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Zelboraf. Bác sĩ ung thư có thể giới thiệu cho bệnh nhân các loại thuốc để giảm tiêu chảy. Ngoài ra, thay đổi chế độ ăn uống và chú ý bổ sung đủ nhu cầu nước mỗi ngày là những việc làm vô cùng cần thiết để kiểm soát và dự phòng biến chứng mất nước của tiêu chảy.

3.8. Ung thư da thứ phát

Trong các thử nghiệm lâm sàng, một số bệnh nhân đã phát triển một loại ung thư da mới (ung thư tế bào đáy hoặc tế bào vảy) sau khi điều trị với Zelboraf. Do đó, bệnh nhân nên khám da liễu trước khi bắt đầu điều trị, sau đó cứ 2 tháng một lần trong suốt quá trình dùng thuốc và kiểm tra lại kéo sau 6 tháng kể từ khi ngưng thuốc Zelboraf. Bệnh nhân nên theo dõi làm da của bản thân thường xuyên và báo cáo cho bác sĩ khi có các triệu chứng như hình thành vết loét hoặc vết sưng tấy kèm theo chảy máu hoặc chậm lành, hoặc bất kỳ thay đổi bất thường trên nốt ruồi...

3.9. Một số tác dụng phụ ít gặp

  • Các vấn đề về tim: thuốc Zelboraf có thể ảnh hưởng đến hoạt động điện trong tim, gây ra nhịp tim bất thường gọi là kéo dài QT. Thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bệnh nhân cảm thấy nhịp tim bất thường hoặc có biểu hiện chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu;
  • Các vấn đề về mắt: Một số bệnh nhân đã phát triển tình trạng viêm màng bồ đào trong thời gian dùng thuốc Zelboraf. Đây là tình trạng sưng tấy lớp giữa của mắt với các triệu chứng như nhìn mờ, có đốm đen trong tầm nhìn, mắt đỏ hoặc đau và nhạy cảm với ánh sáng. Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trong số này, bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ điều trị ngay lập tức;
  • Độc tính gan: thuốc Zelboraf có thể gây nhiễm độc gan, bác sĩ có thể theo dõi bằng cách sử dụng các xét nghiệm chức năng gan phù hợp. Bệnh nhân hãy theo dõi và thông báo cho bác sĩ khi có các triệu chứng tổn thương gan như da hoặc mắt vàng, nước tiểu có màu sẫm hoặc nâu hoặc đau bụng;
  • Hội chứng Radiation Recall: Phản ứng này xảy ra xảy ra trên da, biểu hiện tương tự như cháy nắng (đỏ, sưng tấy, đau nhức, bong tróc da) ở những vị trí đã được xạ trị trước đó. Hội chứng này có thể xảy ra khi việc xạ trị được thực hiện cùng lúc hoặc sau hóa trị. Bệnh nhân hãy thông báo cho bác sĩ ung thư nếu nhận thấy các triệu chứng của tác dụng phụ nghiêm trọng này hoặc có dự định xạ trị;
  • Hội chứng Stevens Johnson: Đây là một phản ứng dị ứng hiếm gặp, nhưng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến da và màng nhầy trong cơ thể. Tác dụng phụ này thường khởi phát như phát ban hoặc mụn nước gây đau đớn, sau đó tiến triển đến tổn thương da nghiêm trọng và trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong. Điều quan trọng là bệnh nhân phải báo cáo bất kỳ hiện tượng phát ban nào cho bác sĩ ngay lập tức;
  • Ung thư thứ phát: Là bệnh phát triển sau quá trình điều trị cho một bệnh lý ung thư khác. Điều này là khá hiếm, nhưng bệnh nhân vẫn nên đề phòng tất cả các rủi ro. Trong hầu hết các trường hợp, ung thư thứ phát liên quan đến hóa trị là ung thư máu (bệnh bạch cầu, ung thư hạch) và điều này có thể xảy ra nhiều năm sau khi kết thúc điều trị, thường liên quan đến việc điều trị lặp đi lặp lại hoặc dùng liều cao;
  • Các vấn đề về thận: thuốc Zelboraf có thể gây ra các vấn đề về thận, bao gồm cả suy thận, mà bác sĩ ung thư có thể theo dõi bằng cách sử dụng các xét nghiệm máu;
  • Chứng co cứng Dupuytren và u xơ lòng bàn chân (Plantar Fascial Fibromatosis): Chứng co cứng Dupuytren làm cho mô dưới da dày lên, kéo các ngón tay về phía lòng bàn tay. U xơ lòng bàn chân là tình trạng dày lên của mô ở bàn chân. Nếu bệnh nhân bắt đầu khó cử động tay hoặc chân thì nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

4. Rủi ro ảnh hưởng sinh sản của thuốc Zelboraf

Thai nhi có tiếp xúc với thuốc Zelboraf trong thai kỳ có thể dẫn đến các dị tật bẩm sinh, vì vậy bệnh nhân không nên mang thai hoặc làm bố trong thời gian dùng thuốc Zelboraf. Thực hiện các hình thức kiểm soát sinh đẻ hiệu quả là việc vô cùng cần thiết trong thời gian điều trị và ít nhất 2 tuần sau khi kết thúc.

Zelboraf có thể đi vào sữa mẹ, do đó không cho con bú trong khi điều trị và ít nhất 2 tuần sau khi liều cuối cùng của thuốc Zelboraf.

Tóm lại, BRAF là một protein kinase có vai trò điều hòa các gen chịu trách nhiệm cho sự sao chép và tồn tại của tế bào. Đột biến BRAF sẽ thúc đẩy sự phát triển quá mức của các tế bào ung thư. Người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn để đạt được hiệu quả cao nhất.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: oncolink.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

204 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan