Công dụng thuốc Lomustine

Lomustine thuộc nhóm tác nhân alkyl hóa, có hoạt chất chính là Lomustine. Thuốc có tác dụng chống ung thư. Để tìm hiểu thêm thông tin về thuốc Lomustine, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Lomustine là thuốc gì?

Thuốc Lomustine có thành phần chính là Lomustine, với hàm lượng 10mg, 40mg và 100mg, được bào chế dưới dạng viên nang.

Cơ chế của thuốc:

  • Lomustine là dẫn xuất nitrosoure, là thuốc alkyl hóa. Lomustine tan trong lipid, dễ hấp thu qua đường uống và chuyển hóa thành các chất có tác dụng alkyl hóa.
  • Lomustine còn có tác dụng carbamyl hóa DNA polymerase, làm biến đổi protein và các enzym của tế bào. Dẫn đến sự tổng hợp ADN và ARN bị ức chế. Lomustine có thể tác động lên bất kỳ giai đoạn nào của phân bào, kể cả pha nghỉ.

2. Thuốc Lomustine có tác dụng gì?

Thuốc Lomustine được sử dụng trong các trường hợp:

  • Dùng phối hợp với thuốc chống ung thư khác sau phẫu thuật u não: U nguyên tủy bào, u ác tính tế bào sao, u tế bào thần kinh đệm ít nhánh.
  • Dùng phối hợp trị liệu bước 2 điều trị bệnh Hodgkin kháng thuốc hoặc tái phát.

3. Liều dùng và cách dùng của thuốc Lomustine

3.1. Liều dùng

  • Thường dùng với người lớn và thiếu niên:
    • Liều khởi đầu khi dùng một thuốc Lomustine: Uống 100 - 130mg/ m2 x 6 tuần 1 lần.
    • Chỉ lặp lại Lomustine khi các tế bào máu đã trở về ở mức bình thường (bạch cầu > 4000/ mm3, tiểu cầu > 100000/ mm3)
    • Ở người có chức năng tủy suy yếu: Giảm liều xuống còn 100mg/ m2 x 6 tuần 1 lần. Khi dùng với các thuốc khác ức chế tủy thì phải giảm liều Lomustine.
  • Chỉnh liều cho chu kỳ tiếp theo:
    • Bạch cầu > 3000/ mm3, tiểu cầu > 75000/ mm3: Không cần chỉnh liều Lomustine
    • Bạch cầu 2000 - 2999/ mm3, tiểu cầu 25000 - 74999/ mm3: Giảm còn 70% liều trước đó
    • Bạch cầu < 2000/ mm3, tiểu cầu < 25000/ mm3: Giảm còn 50% liều trước đó
  • Suy thận:
    • Theo Aronoff
      • Clcr 10 - 50ml/ phút: Dùng 75% liều Lomustine.
      • Clcr < 10ml/ phút: Dùng 25 - 50% liều Lomustine.
      • Lọc thận: Không cần bổ sung liều.
    • Theo Kintzel
      • Clcr 46 - 60ml/ phút: Dùng liều Lomustine như bình thường.
      • Clcr 31 - 45ml/ phút: Dùng 70% liều.
      • Clcr ≤ 30ml/ phút: Không dùng Lomustine.

3.2. Cách dùng

  • Viên nang Lomustine được dùng theo đường uống. Uống thuốc với nước lọc, không nhai hay phá vỡ vỏ viên nang. Uống lúc đói. Sau khi uống thuốc phải nhịn ăn uống trong 2 giờ để tránh buồn nôn, nôn mửa.
  • Phải dùng găng tay để cầm viên nang, tránh để viên nang vỡ dây vào người.
  • Lomustine thường dùng phối hợp với các thuốc khác theo phác đồ khác nhau. Như: Lomustine, doxorubicin và vinblastin. Cyclophosphamid, methotrexat và Lomustine. Methotrexate, doxorubicin, cyclophosphamide và Lomustine. Procarbazine, vincristine và Lomustine

4. Chống chỉ định của thuốc Lomustine

Không dùng cho người có tiền sử dị ứng với Lomustine hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

5. Tác dụng phụ của thuốc Lomustine

Thường gặp:

Ít gặp:

  • Viêm da, ngứa, đau da.
  • Nhiễm độc gan nhất thời với tăng transaminase, bilirubin, phosphatase kiềm, nhiễm khuẩn.

Hiếm gặp:

  • Rụng tóc, viêm họng.
  • Viêm da tiếp xúc, tăng sắc tố da tạm thời, giãn mao mạch.
  • Viêm da tách thượng bì.
  • Dễ chảy máu.
  • Mất điều vận, ngủ lịm, mất phương hướng, loạn vận ngôn.
  • Rối loạn nhìn, teo dây thần kinh thị giác, mù.
  • Thâm nhiễm phổi, xơ hóa phổi.
  • Giảm kích thước thận, tăng nitrogen máu, suy thận.

6. Những lưu ý khi dùng thuốc Lomustine

  • Thuốc Lomustine có độc tính cao nhưng chỉ số điều trị thấp, vì thế phải dùng thuốc dưới sự theo dõi thường xuyên của bác sĩ.
  • Thận trọng khi dùng Lomustine cho người rối loạn chức năng gan. Phải kiểm tra các chỉ số đánh giá chức năng gan, thận định kỳ.
  • Phải theo dõi thường xuyên công thức máu toàn phần.
  • Phải kiểm tra chức năng hô hấp trước và sau khi điều trị.
  • Thận trọng khi dùng Lomustine cho người bị giảm hồng cầu, tiểu cầu hay bạch cầu.
  • Không dùng Lomustine cho người mang thai vì có thể ảnh hưởng tới thai.
  • Không dùng Lomustine cho người đang cho con bú vì thuốc có thể qua sữa mẹ gây hại cho trẻ.
  • Không có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của Lomustine đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc.

7. Quá liều, quên liều Lomustine

  • Quá liều: Lomustine gây nhiễm độc thận mạn tính với nhiều mức độ khác nhau. Quá liều có thể dẫn đến giảm toàn bộ huyết cầu. Khi quá liều thuốc Lomustine, gọi ngay cấp cứu để có biện pháp hỗ trợ.
  • Nếu quên một liều Lomustine, uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu gần với liều kế tiếp, bỏ qua liều Lomustine đã quên và uống liều kế tiếp như bình thường. Không uống gấp đôi liều Lomustine đã quy định.

8. Tương tác thuốc Lomustine

  • Dùng đồng thời Theophylin và Lomustine thường làm tăng nhanh sự giảm bạch cầu và tiểu cầu.
  • Không dùng đồng thời Lomustine với BCG, natalizumab, clozapine, pimozide, pimecrolimus, tacrolimus, vắc xin sống.
  • Lomustine làm tăng tác dụng của aripiprazole, leflunomide, clozapine, pimozide, vắc xin sống, natalizumab.
  • Lomustine làm giảm tác dụng của BCG, sipuleucel-T, vắc xin bất hoạt, test da coccidioides.
  • Denosumab, roflumilast, trastuzumab, pimecrolimus, tacrolimus làm tăng tác dụng của Lomustine.
  • Peginterferon alpha-2b, Echinacea làm giảm tác dụng của Lomustine.

Thuốc Lomustine được dùng để điều trị ung thư. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ và độc tính nên phải được dùng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào về thuốc Lomustine.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

394 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan