Vai trò của xạ hình Gallium

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Đức - Bác sĩ Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh.

Có nhiều loại đồng vị phóng xạ khác nhau, mỗi loại có xu hướng tập trung trong những mô cơ quan khác nhau. Vì vậy, việc dùng loại đồng vị phóng xạ nào còn tùy thuộc vào phần cơ thể muốn ghi hình. Xạ hình Gallium có xu hướng tập trung ở những vùng cơ thể có sự phân chia tế bào nhanh. Những vùng có lượng gallium tập trung cao có thể là dấu hiệu gợi ý cho nhiễm trùng, viêm, chấn thương hoặc ung thư.

1. Xạ hình Gallium là gì?

Xạ hình Gallium là một thủ thuật y học hạt nhân có thể kiểm tra các khu vực có vấn đề trong các mô nhất định của cơ thể. Trong xạ hình gallium, một liều nhỏ đồng vị phóng xạ được đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch. Đồng vị phóng xạ này sẽ phát ra một loại tia mà mắt thường không nhìn thấy được, gọi là tia gamma. Theo đó, một loại camera đặc biệt là gamma camera có thể phát hiện được loại tia này. Dùng camera này để thu nhận đươc tia gamma sau khi tiêm đồng vị phóng xạ.

2. Cơ chế hoạt động của xạ hình Gallium

Chất đánh dấu phóng xạ gallium citrate sẽ được tiêm vào tĩnh mạch ở cánh tay. Chất này có hoạt tính giống như chất sắt, một số sẽ gắn với protein trong máu, đặc biệt là loại protein có tên là transferrin. Sau đó, nó được vận chuyển theo dòng máu trong cơ thể và bắt đầu tập trung ở những vùng khác nhau của cơ thể. Những mô này bao gồm mô xương, gan, ruột và các khu vực bị viêm hoặc những nơi tích tụ các tế bào bạch cầu.

Sự tích tụ gallium có thể mất vài ngày, điều này giải thích vì sao phần thứ hai của xạ hình được thực hiện vài ngày sau đó. Sau khi chất đánh dấu tích tụ trong cơ thể, gamma camera sẽ chụp ảnh các tia gamma phát ra từ bên trong cơ thể, sau đó biến đổi thành tín hiệu điện và được chuyển vào một máy tính. Máy tính sẽ tạo ra hình ảnh có màu sắc hay độ xám khác nhau tương ứng với những tín hiệu thu nhận có cường độ khác nhau. Các bức ảnh cho thấy các khu vực có lượng chất đánh dấu cao hơn bình thường được gọi là điểm nóng.

Ví dụ, những vùng mô đích phát ra nhiều tia gamma được biểu diễn bằng những vùng màu đỏ trên hình ảnh trong máy tính. Những vùng mô đích phát tia gamma thấp được biểu diễn bằng màu xanh dương (vùng lạnh). Nhiều màu sắc khác có thể được dùng trong “khoảng giữa” tùy theo mức độ tia gamma phát ra.

3. Vai trò của xạ hình Gallium

Sốt xuất huyết ở người lớn
Tìm nguồn lây nhiễm gây sốt là một trong những vai trò của Xạ hình Gallium
  • Tìm nguồn lây nhiễm gây sốt.
  • Tìm kiếm áp xe hoặc nhiễm trùng nhất định, đặc biệt là trong xương.
  • Kiểm tra đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh.
  • Chẩn đoán các vấn đề viêm như xơ phổi hoặc sarcoidosis.
  • Tìm một số loại ung thư như ung thư hạch. Việc quét cũng có thể thực hiện để xem ung thư có di căn sang các khu vực khác của cơ thể hay không hoặc có thể kiểm tra phương pháp điều trị ung thư hoạt động như thế nào.

4. Quy trình xạ hình Gallium

Xạ hình Gallium thường được thực hiện bởi một kỹ thuật viên y học hạt nhân. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ X-quang hoặc chuyên gia y học hạt nhân sẽ giải thích các hình ảnh.

Kỹ thuật xạ hình được thực hiện thành 2 phần. Phần đầu đó là tiêm tĩnh mạch gallium citrate. Sau khi tiêm, thường bệnh nhân được cho về nhà để gallium có thể tuần hoàn trong cơ thể. Phần thứ hai của kỹ thuật là chụp hình. Tùy vào bệnh viện và lý do được chỉ định xạ hình, bệnh nhân có thể được hướng dẫn quay trở lại viện để chụp hình sau tiêm thuốc 1 ngày, 2 ngày hoặc 3 ngày.

Khi đến để quét cần phải tháo đồ trang sức, có thể phải cởi tất cả hoặc hầu hết quần áo phụ thuộc vào khu vực đang được kiểm tra.

Người bệnh nằm ngửa trên bàn, một máy ảnh lớn ở gần sẽ quét bức xạ được phát hành bởi chất theo dõi và tạo hình ảnh của chất đánh dấu trong các mô. Máy ảnh có thể di chuyển chậm trên và xung quanh cơ thể. Máy ảnh không tạo ra bất kỳ bức xạ nào, vì vậy bệnh nhân không cần lo lắng về việc phải tiếp xúc với nhiều bức xạ hơn trong khi quá trình quét đang được thực hiện.

Lưu ý người bệnh cần nằm yên trong mỗi lần quét để tránh làm mờ ảnh. Có thể được yêu cầu giữ hơi thở ngắn trong một số lần quét. Số lượng hình ảnh được ghi nhận và khoảng thời gian giữa mỗi hình ảnh sẽ thay đổi tùy vào việc ghi hình bộ phận nào. Mỗi lần quét có thể mất khoảng 60 đến 90 phút.

Trang sức
Bệnh nhân cần lưu ý không được đeo đồ trang sức khi thực hiện Xạ hình Gallium

5. Ý nghĩa và giá trị của kết quả xạ hình Gallium

Xạ hình Gallium là một thủ thuật y học hạt nhân, chụp ảnh các mô nhất định trong cơ thể sau khi đưa một chất đánh dấu phóng xạ vào bên trong. Kết quả kiểm tra thường sẵn sàng trong vòng 2 ngày sau khi quét.

  • Bình thường: Việc thu thập và hoạt động của gallium trong xương, gan, lách và đại tràng là bình thường. Không có khu vực nào có lượng gallium bất thường được nhìn thấy.
  • Bất thường: Một lượng gallium (điểm nóng) cao bất thường có ở một hoặc nhiều khu vực của cơ thể. Điều này có thể có nghĩa là viêm, nhiễm trùng hoặc khối u.

Xạ hình Gallium được sử dụng cho một số loại ung thư, chủ yếu là ung thư hạch bạch huyết, xương hoặc tủy xương. Tuy nhiên, giá trị âm tính không loại trừ khả năng ung thư, vì một số loại ung thư không xuất hiện khi xạ hình Gallium. Kỹ thuật này cũng không thể biết được khối u là ung thư (ác tính) hay không ung thư (lành tính).

Bác sĩ sẽ giải thích kết quả cùng với kết quả của các xét nghiệm khác (kiểm tra thể chất, xét nghiệm máu, chụp X-quang...). Trong nhiều trường hợp, kết quả từ MRI hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) có thể chính xác như kết quả từ xạ hình Gallium. Nếu các thủ thuật quét hạt nhân khác cần phải được thực hiện, chúng nên được lên lịch trước khi xạ hình Gallium. Điều này là do chất đánh dấu gallium tồn tại trong cơ thể lâu hơn các hợp chất đánh dấu khác.

6. Lưu ý gì khi xạ hình Gallium

Mang thai
Thủ thuật chống chỉ định với phụ nữ mang thai bởi bức xạ có thể gây hại cho thai nhi

Xạ hình Gallium không được thực hiện trong thai kỳ vì bức xạ có thể gây hại cho thai nhi.

Thông thường, kỹ thuật xạ hình gallium không gây ra tác dụng phụ nào. Thông qua quá trình phân rã tự nhiên, lượng nhỏ chất phóng xạ trong cơ thể bạn sẽ mất tính phóng xạ theo thời gian, sau đó được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu hoặc phân trong vài giờ hay vài ngày đầu sau khi làm xạ hình. Bệnh nhân có thể được chỉ dẫn các phòng ngừa đặc biệt sau khi đi tiểu, cần xả nước bồn vệ sinh hai lần và rửa tay kỹ.

Nếu tiếp xúc với trẻ em hoặc phụ nữ mang thai thì cần cho bác sĩ biết. Mặc dù mức độ phóng xạ dùng trong xạ hình rất nhỏ nhưng vẫn cần phòng ngừa đặc biệt. Bệnh viện sẽ cung cấp cho bệnh nhân nhiều thông tin hơn về vấn đề này.

Nếu phải đi nước ngoài trong vòng 3 tháng sau khi làm xạ hình cần hỏi bác sĩ để có những hướng dẫn kỹ hơn. Những cửa ra vào ở sân bay có những đầu dò phóng xạ rất nhạy có thể phát hiện ra một lượng rất nhỏ chất phóng xạ vẫn còn trong cơ thể sau khi làm xạ hình. Thông thường, có thể bệnh viện sẽ cung cấp một lá thư xác nhận để bạn có thể trình cho nhân viên tại sân bay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

533 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan