Tìm hiểu về mức PSA sau khi cắt bỏ tuyến tiền liệt

Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt thường được áp dụng trong điều trị ung thư. Tuyến tiền liệt và tế bào ung thư ở đây sản xuất ra PSA. Bác sĩ sẽ xét nghiệm chỉ số PSA sau cắt tuyến tiền liệt để kiểm tra tính hiệu quả của thủ thuật cũng như các dấu hiệu tái phát ung thư.

1. Tổng quan

Xét nghiệm chỉ số kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (Prostate-specific antigen - PSA) thường được chỉ định cho nam giới trên 55 tuổi, giúp sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt bằng cách đo lượng protein trong máu do các tế bào trong tuyến tiền liệt tiết ra. Ngoài sàng lọc, bạn cũng cần thực hiện xét nghiệm sau khi cắt bỏ tất cả hoặc một phần tuyến tiền liệt. Bước này sẽ giúp đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị và xác định xem ung thư có tái phát hay không.

Tần suất kiểm tra thường là vài tháng một lần sau khi phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt. Tuy nhiên việc phải đi xét nghiệm ung thư nhiều lần, cũng như kết quả nhận được đôi khi không rõ ràng, có thể gây ra nhiều lo lắng cho bệnh nhân và gia đình.

Để xoa dịu nỗi sợ hãi, bạn có thể chủ động tìm hiểu một vài kiến ​​thức liên quan trước khi làm xét nghiệm. Khi nhận được kết quả, đặc biệt là nếu mức PSA của bạn cao hơn bình thường, hãy nhờ bác sĩ giải thích, nhận định tình hình và đưa ra lời khuyên tiếp theo.

Chỉ số PSA bao nhiêu cảnh báo nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến?
Người bệnh nên nhờ bác sĩ giải thích và tư vấn điều trị khi có kết quả xét nghiệm

2. Tại sao cần kiểm tra chỉ số PSA sau cắt tuyến tiền liệt?

Mục tiêu của phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt là loại bỏ tất cả hoặc càng nhiều tế bào ung thư càng tốt. Nếu ung thư vẫn chưa di căn, bạn có thể được chữa khỏi bằng phương pháp này.

Nhưng sự thật là không có cuộc phẫu thuật nào hoàn hảo. Có thể một số tế bào ung thư đã lan ra ngoài tuyến tiền liệt (di căn) trước khi tiến hành thủ thuật. Hoặc ca phẫu thuật có thể bỏ sót lại một vài tế bào ung thư, tạo cơ hội cho chúng bắt đầu phát triển trong tương lai.

Kiểm tra chỉ số PSA sau cắt tuyến tiền liệt thường xuyên là cách để bác sĩ theo dõi quá trình điều trị, đánh giá hiệu quả mổ ung thư tiền liệt tuyến và nhận định xem bệnh ung thư có tái phát hay không.

3. Tần suất kiểm tra chỉ số PSA sau cắt tuyến tiền liệt

Bạn sẽ được làm xét nghiệm PSA lần đầu tiên từ 1 - 3 tháng sau khi mổ ung thư tiền liệt tuyến. Bởi vì một số PSA vẫn còn trong máu của bệnh nhân ngay sau khi tuyến tiền liệt được cắt bỏ, nên cần phải đợi một thời gian để có kết quả chính xác hơn.

Bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Nên tiến hành xét nghiệm PSA sau khoảng 1-3 tháng từ khi mổ ung thư tiền liệt tuyến

Sau đó, bạn sẽ phải kiểm tra PSA lặp lại mỗi 6 - 12 tháng một lần, duy trì trong khoảng 5 năm. Nếu bác sĩ nhận thấy nhiều khả năng ung thư sẽ tái phát, bệnh nhân cần làm xét nghiệm thường xuyên hơn, khoảng 3 tháng một lần. Nếu mức PSA của bạn vẫn bình thường, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm mỗi năm một lần. Tần suất xét nghiệm chỉ số PSA sau cắt tuyến tiền liệt sẽ được bác sĩ chỉ định tùy thuộc vào mỗi trường hợp khác nhau.

4. Ý nghĩa chỉ số PSA

Xét nghiệm PSA giúp đo mức độ kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt trong máu người bệnh. Phòng thí nghiệm sẽ báo cáo kết quả bằng đơn vị nanogram PSA trên mỗi mililit máu (ng / mL).

Trong cơ thể chỉ có tuyến tiền liệt tiết ra PSA, vì vậy nồng độ này sẽ giảm xuống gần như bằng 0 trong vòng 4 tuần sau khi phẫu thuật. Kết quả xét nghiệm lớn hơn 0,2 ng / mL vài tháng sau khi làm thủ thuật có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh ung thư tuyến tiền liệt của bạn đã quay trở lại. Đây được gọi là tái phát sinh hóa.

Chỉ số PSA sau cắt tuyến tiền liệt cao hơn mức bình thường cũng không chắc chắn là bạn đã bị ung thư. Kết quả có thể khác nhau tùy người và tùy phòng thí nghiệm. Để biết bạn có bị ung thư hay không, cách chính xác hơn là kiểm tra tốc độ tăng nhanh PSA.

Kiểm tra tốc độ tăng PSA là đo lường sự thay đổi chỉ số PSA theo thời gian. Tính toán xem phải mất bao lâu để mức PSA của bạn tăng gấp đôi. Nếu chúng tăng nhanh thì có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Biết được tốc độ gia tăng của chỉ số PSA sẽ giúp bác sĩ dự đoán liệu khả năng lây lan của ung thư và thời gian bệnh nhân cần điều trị.

Chỉ số PSA bao nhiêu cảnh báo nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến?
Tốc độ gia tăng của chỉ số PSA giúp bác sĩ dự đoán khả năng lây lan của ung thư

5. Các bước tiếp theo

Nhiều người cảm thấy rất căng thẳng khi biết nồng độ PSA của họ cao hơn mức bình thường. Trong trường hợp này, nên hỏi rõ bác sĩ về ý nghĩa của kết quả và các bước phải làm tiếp theo. Đôi khi người bệnh sẽ cần điều trị thêm, hoặc có thể chờ đợi và làm xét nghiệm PSA thường xuyên để theo dõi tình trạng ung thư.

Điều quan trọng cần nhớ là xét nghiệm PSA không phải tất cả. Mức độ PSA có thể tự dao động lên xuống và khác nhau ở mỗi người. Ngay cả khi tế bào ung thư của bạn vẫn còn sót lại hoặc đã tái phát, vẫn có trường hợp không lây lan trong một thời gian dài.

Nếu bệnh ung thư của bạn tái phát, các lựa chọn điều trị tiếp theo thường bao gồm chiếu tia bức xạ ở khu vực tuyến tiền liệt trước đây và liệu pháp hormone. Những phương pháp điều trị này có thể làm giảm nguy cơ ung thư phát triển và lây lan.

Tóm lại, mổ ung thư tiền liệt tuyến là một phương pháp điều trị hiệu quả. Các lần thăm khám tiếp theo và xét nghiệm chỉ số PSA sau cắt tuyến tiền liệt rất quan trọng để kiểm tra dấu hiệu tái phát. Bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân, bao gồm nhận định tình hình hiện tại, lời khuyên về chế độ ăn uống, xét nghiệm sàng lọc và cảnh bảo tác dụng phụ tiềm ẩn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • thuốc Ajecxamic
    Công dụng thuốc Ajecxamic

    Ajecxamic với thành phần chính là acid tranexamic, được chỉ định điều trị các trường hợp chảy máu bất thường trong và sau phẫu thuật, sản phụ khoa, tiết niệu, chảy máu mũi, chảy máu thận, đa kinh,... Sau đây ...

    Đọc thêm