Liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh và nguy cơ ung thư

Liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh được coi là cách giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu sau khi mãn kinh. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy liệu pháp hormone làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư, điển hình là ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng.

1. Thời kỳ mãn kinh là gì?

Thời kỳ mãn kinh là một khoảng thời gian trong cuộc đời của người phụ nữ khi buồng trứng ngừng hoạt động và ngừng hiện tượng kinh nguyệt. Buồng trứng không còn giải phóng trứng và các nội tiết tố nữ, estrogenprogesterone. Trong vài tháng hoặc vài năm trước khi mãn kinh, hiện tượng kinh nguyệt có thể xảy ra ít hơn và không đều, đồng thời lượng hormone thường lên xuống thất thường. Thời gian này được gọi là tiền mãn kinh.

Mức độ estrogen giảm thấp là nguyên nhân gây ra hầu hết các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, chẳng hạn như bốc hỏa, loãng xương, đổ mồ hôi về đêm, mô âm đạo trở nên khô và mỏng hơn. Để giảm bớt những khó chịu của người phụ nữ khi bước vào thời kỳ mãn kinh, bác sĩ có thể tư vấn để bổ sung những loại hormone nhất định thông qua liệu pháp hormone thay thế.

2. Liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh

Những hormone thường được sử dụng để điều trị các vấn đề trong thời kỳ mãn kinh là estrogen và progesterone (trong đó progesterone và các loại thuốc hoạt động tương tự được gọi chung là progestin). Thông thường, 2 loại hormone này được sử dụng cùng nhau, tuy nhiên một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định estrogen đơn lẻ.

Nội tiết tố nam androgen (như testosterone) đôi khi cũng được dùng để điều trị triệu chứng mãn kinh. Tuy nhiên, điều này không phổ biến và hiện chỉ có một số nghiên cứu đưa ra nhận định về trường hợp này, nên chưa rõ mức độ an toàn về lâu dài của nó.

2.1. Dùng estrogen phối hợp với progestin so với estrogen đơn độc

Điều trị những triệu chứng mãn kinh bằng estrogen kết hợp progestin được gọi là liệu pháp estrogen-progestin (EPT) hoặc liệu pháp hormone kết hợp. Mặc dù chỉ riêng estrogen đã có thể cải thiện các triệu chứng khó chịu của thời kỳ mãn kinh, nhưng nó lại làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Kết hợp progestin cùng với estrogen giúp làm giảm nguy cơ này. Do đó, EPT thường được chỉ định cho những phụ nữ vẫn còn tử cung (những người trước đó không thực hiện cắt bỏ tử cung). EPT có thể được cung cấp theo 2 cách:

  • EPT liên tục: Sử dụng cùng một liều lượng estrogen và progestin mỗi ngày. Hầu như nữ giới mong muốn được điều trị theo phương pháp này hơn vì hiếm khi dẫn đến chảy máu giống như kinh nguyệt.
  • EPT tuần tự (theo chu kỳ): Những mức liều khác nhau của hormone được sử dụng vào những ngày cụ thể theo một chu kỳ nhất định. Có nhiều cách khác nhau để xây dựng nên một chu kỳ dùng thuốc, ví dụ, estrogen dạng đơn lẻ có thể dùng trong 14 ngày, sau đó dùng dạng kết hợp estrogen và progestin trong 11 ngày, tiếp theo là 3 - 5 ngày không dùng hormone. Thông thường, progestin được chỉ định dùng cách vài tháng một lần để làm giảm hàm lượng progestin hấp thu. Chu kỳ dùng thuốc theo EPT tuần tự dẫn đến sự thay đổi mức độ hormone trong cơ thể tương tự như chu kỳ kinh nguyệt tự nhiên. Theo đó, phụ nữ khi điều trị theo liệu pháp hormone này thường có hiện tượng ra máu như trong chu kỳ kinh nguyệt, nhưng điều này sẽ xảy ra ít hơn trong mỗi tháng.

2.2. Hormone sinh học (Bio-identical hormones)

Chế phẩm hormone sinh học được cho là có chứa estrogen và progesterone với cấu trúc hóa học tương tự như các hormone tự nhiên do cơ thể người phụ nữ tiết ra. Đôi khi, lượng hormone được điều chỉnh dựa trên kết quả xét nghiệm máu đối với nồng độ hormone.

Mặc dù hormone sinh học được bào chế theo cấu trúc tương tự như hormone của cơ thể người, nhưng cho đến nay, chưa có nghiên cứu dài hạn nào về tính an toàn của hormone sinh học và cũng chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc sử dụng hormone sinh học sẽ có tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn so với các dạng hormone khác. Vì lý do này, các loại hormone sinh học được cho là có thể gây ra những rủi ro sức khỏe tương đương như bất kỳ loại liệu pháp hormone nào khác.

2.3. Liệu pháp estrogen (ET)

Liệu pháp điều trị các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh chỉ với estrogen đơn thuần được gọi là liệu pháp estrogen (ET). ET giúp cải thiện những biểu hiện khó chịu của giai đoạn mãn kinh nhưng đồng thời làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Do đó, ET chỉ an toàn đối với những phụ nữ đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung trước đó.

Liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh
Liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh thường sử dụng các hormone là estrogen và progesterone

3. Nghiên cứu về nguy cơ ung thư do liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh

Một số nghiên cứu lớn đã xem xét các mối liên hệ có thể có giữa liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh và nguy cơ gây ra các loại ung thư khác nhau.

3.1. Liệu pháp estrogen-progestin (EPT) và nguy cơ ung thư

  • Ung thư nội mạc tử cung

Các nghiên cứu cho thấy EPT không làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Tuy nhiên, nếu bạn bị chảy máu âm đạo sau mãn kinh thì có thể đây là một triệu chứng của ung thư trong niêm mạc tử cung.

  • Ung thư vú

Dùng EPT có liên quan đến tỷ lệ gia tăng nguy cơ ung thư vú. EPT được sử dụng càng lâu thì rủi ro càng cao. Nguy cơ này thường sẽ biến mất sau 3 năm kể từ khi ngừng sử dụng liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh. Ung thư vú ở phụ nữ dùng EPT thường được phát hiện khi chúng bắt đầu tiến triển và lan ra ngoài vú.

Theo ước tính tính rủi ro, với 10.000 phụ nữ dùng EPT trong một năm thì sẽ có thêm khoảng 8 trường hợp ung thư vú sau mỗi năm so với khi họ không dùng liệu pháp hormone. EPT cũng liên quan đến hiện tượng tăng mật độ mô vú (khi chụp quang tuyến vú). Mật độ vú tăng lên có thể làm cho việc phát hiện ung thư vú trở nên khó khăn hơn.

  • Ung thư buồng trứng

Các yếu tố nguy cơ của ung thư buồng trứng thường khó nghiên cứu vì đây là một loại ung thư ít phổ biến. Ngay cả khi liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, song tỷ lệ mắc bệnh thật sự vẫn khá thấp.

Một phân tích kết hợp kết quả của hơn 50 nghiên cứu cho thấy những phụ nữ dùng estrogen và progestin (progesterone) sau mãn kinh có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Nguy cơ ung thư đạt cao nhất trong thời gian sử dụng hormone và giảm dần theo thời gian sau khi ngừng điều trị. Trung bình cứ 1000 phụ nữ 50 tuổi dùng hormone sau mãn kinh trong 5 năm, thì sẽ có thêm một bệnh nhân ung thư buồng trứng được phát hiện.

  • Ung thư đại trực tràng

Phụ nữ dùng EPT có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng thấp hơn, nhưng tiến triển của bệnh thường nghiêm trọng hơn (có nhiều khả năng di căn đến các hạch bạch huyết hoặc những cơ quan xa) so với những người không dùng liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh .

  • Ung thư phổi

EPT không làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, tuy nhiên nghiên cứu cho thấy EPT có liên quan đến biến chứng tử vong do ung thư phổi cao hơn so với những người không điều trị.

3.2. Liệu pháp estrogen (ET) và nguy cơ ung thư

  • Ung thư nội mạc tử cung

Việc sử dụng ET toàn thân đã được chứng minh là có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung (trừ trường hợp đã cắt bỏ tử cung). Rủi ro vẫn cao hơn mức trung bình ngay cả khi đã ngưng sử dụng thuốc.

Do nguy cơ ung thư tăng cao, phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh và vẫn còn tử cung nên điều trị với progestin phối hợp estrogen (liệu pháp EPT). Các nghiên cứu cho thấy EPT không làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung như với ET.

Ngoài ra, việc sử dụng lâu dài các loại kem bôi âm đạo, vòng hoặc viên nén có chứa liều lượng estrogen (dùng tại chỗ) cũng có thể làm tăng mức độ estrogen toàn thân. Tuy nhiên lượng hormone này nhỏ hơn nhiều so với các liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh tác dụng toàn thân và chưa rõ liệu điều này có dẫn đến rủi ro sức khỏe hay không.

  • Ung thư vú

ET không làm gia tăng nguy cơ ung thư vú. Trên thực tế theo nghiên cứu, một số nhóm phụ nữ dùng estrogen đơn thuần, chẳng hạn như phụ nữ không có tiền sử gia đình bị ung thư vú và những người không có tiền sử bệnh vú lành tính, có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn so với những người không điều trị bằng liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh.

  • Ung thư buồng trứng

Tương tự như với EPT, một phân tích kết hợp kết quả của hơn 50 nghiên cứu cho thấy những phụ nữ dùng estrogen đơn thuần sau mãn kinh có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn. Nguy cơ ung thư đạt cao nhất trong thời gian sử dụng hormone và giảm dần theo thời gian sau khi ngừng điều trị. Trung bình cứ 1000 phụ nữ 50 tuổi dùng hormone sau mãn kinh trong 5 năm, thì sẽ có thêm một bệnh nhân ung thư buồng trứng được phát hiện.

Nhiều nghiên cứu quan sát đã cho thấy những phụ nữ dùng ET có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn so với phụ nữ không dùng liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh. Rủi ro tổng thể vẫn ở mức thấp, nhưng sẽ tăng lên khi sử dụng ET trong thời gian dài. Nguy cơ ung thư buồng trứng sẽ giảm đi sau khi ngưng dùng hormone.

  • Ung thư đại trực tràng

Theo nghiên cứu, ET dường như không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến nguy cơ ung thư đại trực tràng, thậm chí tỷ lệ mắc bệnh còn thấp hơn với những phụ nữ đã sử dụng ET trong nhiều năm.

4. Cân nhắc khi chỉ định liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh

Khi chỉ định liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh, estrogen đơn thuần (ET) hoặc phối hợp với progestin (EPT), bác sĩ cần cân nhắc trước những rủi ro và lợi ích, đồng thời thảo luận điều này với người được điều trị. Những điều cần cân nhắc bao gồm:

  • Nguy cơ có sẵn của người phụ nữ đối với ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng và các loại ung thư khác, cũng như mức độ ảnh hưởng của bệnh bởi liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh.
  • Rủi ro gây ra bởi những bệnh lý khác bị ảnh hưởng bởi liệu pháp hormone nhưng chưa được đề cập trong phạm vi bài viết, như bệnh tim, đột quỵ, cục máu đông hoặc những bệnh lý ảnh hưởng đến não.
  • Có thể dùng những loại thuốc nào khác để điều trị các triệu chứng mãn kinh hoặc loãng xương hay không.

Ngoài ra, cần xem xét các triệu chứng mãn kinh của người phụ nữ ở mức độ trầm trọng như thế nào, loại và liều lượng hormone cần dùng để phát huy tác dụng.

Đọc kĩ hướng dẫn sử dụng và tham khảo ý kiến dược sĩ, bác sĩ trước khi điều trị bằng thuốc Pfizerpen ở nhà
Khi chỉ định liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh, bác sĩ cần cân nhắc rủi ro - lợi ích và thảo luận với bệnh nhân

5. Giảm nguy cơ ung thư khi điều trị với liệu pháp hormone

Trong trường hợp bác sĩ cho rằng liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh là cách tốt để điều trị các triệu chứng hoặc vấn đề do mãn kinh gây ra, hãy nhớ rằng bản chất của liệu trình là việc sử dụng thuốc. Cũng như khi dùng bất kỳ loại thuốc nào khác, bạn nên sử dụng ở liều thấp nhất cần thiết trong thời gian ngắn nhất có thể và tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ điều trị. Ngoài ra, bạn cần tái khám thường xuyên để bác sĩ đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị, theo dõi các tác dụng phụ và những điều cần lưu ý trong thời gian dùng thuốc.

Khi nhận thấy hiện tượng chảy máu âm đạo xảy ra khi điều trị với liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh, hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức vì đây có thể là triệu chứng của ung thư nội mạc tử cung. Mặc dù EPT không có nguy cơ cao gây ra ung thư nội mạc tử cung, nhưng phụ nữ nói chung vẫn có thể mắc bệnh này với những yếu tố nguy cơ có sẵn.

Việc sử dụng kem bôi âm đạo, vòng hoặc viên nén có chứa hormone estrogen cần được thảo luận trước với bác sĩ để được theo dõi và cân nhắc kết hợp thêm progestin.

Đối với những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung, progestin không nhất thiết phải có mặt trong liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh vì họ gần như không thể bị ung thư nội mạc tử cung. Hơn nữa, thêm progestin vào liệu trình điều trị sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú. Do đó, ET là lựa chọn tốt hơn đối với người đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Trước và trong khi điều trị với liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh, bạn cần tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện sớm và tầm soát nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo:cancer.org - cancerresearchuk.org - thelancet.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

369 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan