Chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến tụy

Để chẩn đoán ung thư tuyến tụy, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và tiền sử bệnh, cũng như các xét nghiệm cần thiết. Điều trị ung thư tuyến tụy có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp và chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng.

1. Chẩn đoán ung thư tuyến tụy

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị ung thư tuyến tụy, một hoặc nhiều xét nghiệm sau có thể được chỉ định để xác định chẩn đoán:

  • Xét nghiệm hình ảnh: Giúp bác sĩ quan sát các cơ quan nội tạng của bạn, bao gồm cả tuyến tụy. Một số kỹ thuật được dùng để chẩn đoán ung thư tuyến tụy bao gồm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET);
  • Siêu âm nội soi (EUS): Kết hợp thiết bị siêu âm với kỹ thuật nội soi để bác sĩ quan sát tuyến tụy từ bên trong bụng. Đầu dò siêu âm được truyền qua một ống nội soi mỏng, xuống thực quản và vào dạ dày để có được hình ảnh;
  • Sinh thiết: Là thủ thuật để lấy một mẫu mô nhỏ ra ngoài và kiểm tra dưới kính hiển vi. Hầu hết các mô được thu thập trong khi thực hiện siêu âm nội soi (EUS). Đôi khi mẫu mô tuyến tụy cũng được lấy bằng cách chọc hút bằng kim mịn qua da và vào tuyến tụy;
  • Xét nghiệm máu: Giúp tìm các protein cụ thể (dấu ấn khối u) do tế bào ung thư tuyến tụy tiết ra. Chất chỉ điểm khối u được dùng trong ung thư tuyến tụy là CA19-9, giúp tìm hiểu khả năng đáp ứng với điều trị. Tuy nhiên có trường hợp người bị ung thư tuyến tụy không tăng nồng độ CA19-9, khi đó sẽ không thể làm xét nghiệm này.

Khi đã xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tụy, bác sĩ cố gắng xác định mức độ (giai đoạn) của ung thư. Dựa trên thông tin từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ cho bạn biết giai đoạn ung thư hiện tại, cũng như chỉ định phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy thích hợp nhất.

Các giai đoạn của ung thư tuyến tụy được phân chia từ 0 đến IV. Giai đoạn thấp nhất cho thấy tế bào ung thư chỉ giới hạn ở trong tuyến tụy. Khi đến giai đoạn IV nghĩa là khối u đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Chụp MRI
Chụp MRi giúp chẩn đoán hình ảnh về ung thư tuyến tụy

2. Điều trị ung thư tuyến tụy

Việc lựa chọn phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy thường phụ thuộc vào các yếu tố sau:

  • Giai đoạn ung thư;
  • Vị trí của ung thư;
  • Sức khỏe tổng thể của người bệnh;
  • Nguyện vọng cá nhân.

Hầu hết trường hợp sẽ loại bỏ tất cả các tế bào ung thư khi có thể. Nếu đây không phải là lựa chọn phù hợp, việc điều trị ung thư tuyến tụy sẽ tập trung vào cải thiện chất lượng cuộc sống và hạn chế khối u phát triển hoặc gây hại nhiều hơn.

Ung thư tuyến tụy
Phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy phụ thuộc vào nhiều yếu tố

2.1. Phẫu thuật

Các loại phẫu thuật thường được áp dụng trong điều trị ung thư tuyến tụy bao gồm:

  • Phẫu thuật khối u đầu tụy

Nếu khối u nằm ở phần đầu của tuyến tụy, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cắt khối tá tụy (phẫu thuật Whipple). Thủ thuật này khá phức tạp, mục tiêu là để loại bỏ đầu tụy - bao gồm phần đầu tiên của ruột non (tá tràng), túi mật, một phần của ống mật và các hạch bạch huyết gần đó. Đôi khi một phần của dạ dày và ruột kết cũng có thể được loại bỏ. Bác sĩ sẽ kết nối các phần còn lại của tuyến tụy, dạ dày và ruột sau mổ để đảm bảo tiêu hóa thức ăn.

  • Phẫu thuật khối u ở thân và đuôi tụy

Phần thân và đuôi tụy nằm bên trái tuyến tụy sẽ được cắt bỏ khi khối u hình thành tại đó. Có trường hợp người bệnh cũng cần phải cắt bỏ phần lá lách.

  • Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy

Nếu phải cắt toàn bộ tụy, bạn vẫn có thể sống tương đối bình thường, nhưng cần điều trị bằng insulin và enzyme suốt đời.

  • Phẫu thuật khối u ảnh hưởng đến các mạch máu lân cận

Nhiều người bị ung thư tuyến tụy tiến triển không đủ điều kiện làm phẫu thuật thông thường, vì khối u có liên quan đến các mạch máu gần đó. Tại bệnh viện có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, các bác sĩ phẫu thuật có thể tiến hành phẫu thuật tuyến tụy, kết hợp cắt bỏ khối u và tái tạo các mạch máu bị ảnh hưởng.

Mỗi ca phẫu thuật đều có nguy cơ xuất huyết và nhiễm trùng. Sau phẫu thuật, một số người sẽ bị buồn nôn và ói mửa. Bạn sẽ phải nằm lại trong bệnh viện vài ngày và sau đó là dành vài tuần để phục hồi trong tại nhà.

Nghiên cứu cho thấy phẫu thuật ung thư tuyến tụy ít gây ra biến chứng hơn khi được thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm tại những bệnh viện đã từng thực hiện nhiều ca mổ tương tự. Đừng ngần ngại hỏi về kinh nghiệm phẫu thuật ung thư tuyến tụy của bác sĩ và bệnh viện nơi bạn đang điều trị.

2.2. Hóa trị

Hóa trị là biện pháp tiêm vào tĩnh mạch hoặc uống những loại thuốc có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư. Bạn có thể được điều trị ung thư tuyến tụy bằng một loại thuốc hóa trị hoặc kết hợp nhiều loại với nhau.

Đôi khi hóa trị cũng được kết hợp với xạ trị để tăng tính hiệu quả. Hóa trị - xạ trị thường được chỉ định điều trị khi tế bào ung thư không lan ra ngoài tuyến tụy và di căn đến các cơ quan khác. Sự kết hợp này có thể được áp dụng trước khi phẫu thuật để giúp thu nhỏ khối u, hoặc tiến hành sau mổ để hạn chế nguy cơ ung thư tuyến tụy tái phát.

Ở những người bị ung thư tuyến tụy tiến triển và di căn sang các bộ phận khác, hóa trị được chỉ định để kiểm soát sự phát triển khối u, làm giảm các triệu chứng và kéo dài sự sống.

Hóa trị
Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy

2.3. Xạ trị

Phương pháp xạ trị ứng dụng các chùm năng lượng cao, chẳng hạn như tia X và proton, để tiêu diệt tế bào ung thư. Bạn có thể được điều trị ung thư tuyến tụy bằng bức xạ trước / sau hoặc trong khi phẫu thuật, thường kết hợp với hóa trị. Bác sĩ cũng có thể đề nghị kết hợp xạ trị và hóa trị khi tình trạng ung thư không thể phẫu thuật.

Một thiết bị phát tia bức xạ sẽ di chuyển xung quanh bạn, hướng bức xạ đến các điểm cụ thể trên cơ thể (bức xạ chùm ngoài). Liệu pháp xạ trị truyền thống sử dụng tia X để tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng một số trung tâm y tế hiện đại đã bắt đầu dùng một dạng phóng xạ mới hơn là proton. Liệu pháp proton được dùng để điều trị ung thư tuyến tụy có thể gây ra ít tác dụng phụ hơn so với xạ trị tiêu chuẩn.

3. Đối phó với bệnh ung thư

Những người bị ung thư thường xuyên phải chịu đựng nhiều cơn đau đớn. Một số nghiên cứu cho thấy ung thư tuyến tụy thậm chí còn gây đau thường xuyên hơn các loại khác. Nếu cảm thấy đau đớn, khó ngủ và liên tục nghĩ về căn bệnh ung thư của mình, bạn dễ bị tức giận hoặc buồn bã.

Các chuyên gia có thể giúp người bệnh kiểm soát cảm xúc và đối phó với bệnh ung thư bằng một số cách như:

  • Châm cứu;
  • Liệu pháp nghệ thuật (art therapy);
  • Tập thể dục;
  • Massage trị liệu;
  • Thiền;
  • Âm nhạc trị liệu;
  • Bài tập thư giãn;
  • Tâm linh, tôn giáo.

Rất khó để chấp nhận mình đang mắc phải một căn bệnh đe dọa tính mạng, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:

  • Tìm hiểu đầy đủ, chi tiết về căn bệnh ung thư của mình từ nguồn tin cậy để đưa ra các quyết định điều trị và chăm sóc sức khỏe đúng đắn hơn;
  • Những người thân thiết của bạn sẽ cảm thấy bị sốc và bất lực khi nghe tin bạn được chẩn đoán ung thư tuyến tụy. Hãy cho phép bạn bè và gia đình chia sẻ, hỗ trợ bạn những nhiệm vụ đơn giản. Điều này không chỉ giúp bạn ít phải lo nghĩ hơn, mà còn giúp họ cảm thấy thoải mái đôi chút;
  • Tìm ai đó để tâm sự, chẳng hạn như chuyên gia tâm lý, nhân viên y tế xã hội, một nhà tôn giáo, hoặc cộng đồng những người cũng mắc bệnh ung thư để thoải mái khi chia sẻ.
Châm cứu là một biện pháp chữa đau vai gáy hiệu quả
Châm cứu là phương pháp hữu hiệu đối phó với bệnh ung thư

4. Người bị ung thư tuyến tụy sống bao lâu?

Ung thư tụy là căn bệnh khó phát hiện nhất vào giai đoạn đầu. Khi được chẩn đoán ung thư tuyến tụy, bệnh nhân thường đã ở giai đoạn III và IV, lúc mà khối u đã lớn. Trả lời cho câu hỏi “Ung thư tuyến tụy sống bao lâu?”, các bác sĩ cho biết bệnh có tiên lượng sống thấp hơn rất nhiều so với những loại ung thư khác. Cụ thể:

  • Nếu phát hiện và điều trị ung thư tuyến tụy ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có khoảng 12 - 14% cơ hội sống trong 5 năm;
  • Ở giai đoạn II, bệnh nhân có khoảng 5 - 7% cơ hội sống;
  • Giai đoạn III và giai đoạn IV, cơ hội sống của bệnh nhân chỉ còn khoảng 1- 3%.

Thông thường, bệnh nhân ung thư tụy và đã có triệu chứng lâm sàng thì tỷ lệ tử vong khoảng 95% trong những năm đầu tiên, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng 5%. Người bệnh cũng phải trải qua phẫu thuật lớn, cắt rất nhiều cơ quan ở trong ổ bụng khiến chất lượng sống rất kém.

Do đó, dù là căn bệnh hiếm gặp nhưng ung thư tuyến tụy cũng có số người tử vong không thua gì những loại ung thư phổ biến khác. Bệnh ung thư tuyến tụy có chữa được không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tầm soát bệnh sớm. Nếu được điều trị tích cực ở giai đoạn đầu, bệnh nhân vẫn có cơ hội kéo dài sự sống. Nếu trong gia đình không may có cha mẹ, hoặc anh chị em ruột bị ung thư tuyến tụy, bạn cần chủ động sàng lọc ung thư sớm vì bệnh có tính chất di truyền.

Bệnh ung thư vốn dĩ vẫn không chừa một ai, ước tính trên thế giới hàng năm có một tỷ lệ người tử vong do bệnh ung thư rất lớn. Thực tế, nếu bệnh ung thư có thể phát hiện ở giai đoạn sớm thì tiên lượng điều trị bệnh rất cao, thậm chí có thể khỏi hẳn và không tái phát. Vì thế, việc tầm soát ung thư là việc làm cần thiết, nhất là với các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, cancer.org, healthline.com

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan