Xử lý hạ đường huyết ở người tiểu đường

Hạ đường huyết là một trong những biến chứng hay gặp ở người bệnh đái tháo đường. Đây là một tình trạng cấp cứu nội khoa, nếu không được xử trí kịp thời có thể làm nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, thậm chí tử vong. Vậy làm thế nào để xử trí hạ đường huyết ở người tiểu đường và cách phòng nguy cơ này như thế nào?

1. Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là một hiện tượng sinh hóa xảy ra khi có tình trạng mất cân bằng giữa lượng glucose được hấp thu vào máu và lượng glucose được tiêu thụ cho tế bào hoạt động làm cho lượng glucose tiêu thụ lớn hơn lượng glucose vào đi vào máu. Về định nghĩa, hạ đường huyết là khi glucose trong máu giảm ≤ 70 mg/dl hoặc ≤ 3.9 mmol/l và phần lớn tình trạng này xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường, nhất là những người đái tháo đường nặng nhưng không kiểm soát tốt đường huyết.

Nguyên nhân gây hạ đường huyết:

Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp làm người bệnh rối loạn chỉ số glucose máu, từ đó dẫn đến tụt đường huyết đột ngột:

  • Do thuốc: Khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường, người bệnh sẽ được chỉ định các loại thuốc điều trị. Những thuốc này có thể ở dạng uống như Metformin, Gliclazide, Glimepiride,... hoặc ở dạng tiêm như Insulin. Những thuốc này có tác dụng kích thích sản xuất insulin nội sinh, làm giảm đường máu trong cơ thể. Tuy nhiên, đôi khi đây cũng có thể là nguyên nhân gây hạ đường máu quá mức, nhất là khi người bệnh mới bắt đầu tăng liều hoặc dùng quá liều so với quy định.
  • Do ăn uống: Ở bệnh nhân tiêu đường, chế độ ăn phải cực kỳ nghiêm ngặt, đảm bảo khoa học để không làm tăng đường huyết khiến bệnh tình nặng hơn những không không được quá kiêng khem vì sẽ làm tụt đường huyết nhanh chóng, khiến người bệnh rơi vào nguy hiểm. Bên cạnh đó, những thói quen xấu như ăn uống trễ hoặc bỏ bữa ăn, thực đơn ăn không đủ lượng đường, tinh bột cần thiết cũng là nguyên nhân gây hạ đường huyết.
  • Do hoạt động thể lực quá mức bình thường: Hoạt động thể lực, tập luyện thể dục thể thao luôn là điều được các chuyên gia khuyến cáo ở người bệnh tiểu đường vì không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn khiến cơ thể kiểm soát đường huyết tốt hơn. Tuy nhiên, nếu người bệnh hoạt động liên tục, quá mức trong khi năng lượng cung cấp không đủ sẽ gây ra đường huyết bị tiêu thụ quá mức và dẫn đến hạ đường huyết.
  • Do uống rượu quá nhiều: không sử dụng rượu hay các chất kích thích là khuyến cáo của bác sĩ với những bệnh nhân tiểu đường. Sau khi uống rượu, đường huyết có thể tăng lên ở giai đoạn đầu nhưng sau khoảng 10-12 giờ, chỉ số này sẽ tụt rất thấp, cả 2 điều này đều không có lợi cho người bị tiểu đường. Hơn nữa, nếu người bệnh uống rượu quá mức kèm thêm ăn uống không đảm bảo sẽ làm đường huyết tụt đột ngột gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

2. Triệu chứng hạ đường huyết

Khi bị hạ đường huyết, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà các triệu chứng sẽ biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung đều ảnh hưởng đến toàn thân và khi không được xử trí kịp thời, người bệnh sẽ nhanh chóng trở nặng và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Các triệu chứng hạ đường huyết bao gồm:

  • Triệu chứng toàn thân: Mệt mỏi đột ngột không giải thích được, đau đầu, chóng mặt, thở hụt hơi, xâm xoàng.
  • Triệu chứng thần kinh thực vật: Vã mồ hôi, run tay, hồi hộp trống ngực, da xanh, cảm giác lạnh, tăng tiết nước bọt.
  • Triệu chứng tim mạch: Tăng huyết áp tâm thu, nhịp nhanh trên thất hoặc có thể gặp nhịp nhanh thất, đau ngực (ít gặp hơn).
  • Triệu chứng tiêu hóa: Cảm giác đói, buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị, đi ngoài có thể gặp.
  • Triệu chứng thần kinh: Co giật kiểu động kinh khu trú hoặc toàn thể, các dấu hiệu thần kinh khu trú: tổn thương thần kinh sọ, liệt nửa người, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động, hội chứng tiểu não, nhìn đôi.
  • Triệu chứng tâm thần: Xảy ra khi hạ đường huyết nặng: Kích động, hung dữ, rối loạn nhân cách, nói cười vô cớ, ảo giác, ảo khứu.
  • Hôn mê hạ đường huyết: Đây là giai đoạn cuối, biến chứng nặng nề nhất của hạ đường huyết. Triệu chứng này có thể xuất hiện nối tiếp các triệu chứng có trước nhưng đôi khi có thể biểu hiện ngay lập tức mà không có bất kỳ tiền triệu nào trước đó.
  • Những triệu chứng có thể khám được khi người bệnh rơi vào hôn mê yên lặng, hôn mê sâu như là: hội chứng bó tháp một hoặc hai bên: Babinski (+), tăng phản xạ gân xương hoặc mất phản xạ gân xương trong một số trường hợp. Trương lực cơ tăng, co giật khu trú hoặc toàn thể. Tuy nhiên, nhịp thở không bị rối loạn.

3. Các thể lâm sàng của cơn hạ đường huyết

  • Hạ đường huyết tiềm tàng

Đây là thể không có triệu chứng báo trước, hay gặp ở những bệnh nhân áp dụng những phương pháp trị liệu tích cực. Do đường huyết của người bệnh quá cao nên cần áp dụng cùng lúc nhiều phương pháp để hạ chỉ số này, đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.

Hạ đường huyết thể này nếu xảy ra nhiều lần sẽ gây hại lớn cho người bệnh như làm hoạt động của hệ thống hormon ngăn chặn hạ đường huyết bị giảm hiệu quả, hạ thấp ngưỡng cảnh báo về nguy cơ hạ đường huyết của cơ thể, từ đó sẽ làm cơ thể khó nhận ra tình trạng hạ đường huyết cho đến khi biểu hiện những triệu chứng nặng. Bên cạnh đó, hạ đường huyết thể này sẽ thường xảy ra lúc bạn đang hoạt động thường ngày có thể gây ra chấn thương, tai nạn. Hạ đường huyết tiềm tàng được chẩn đoán xác định khi chỉ số đường huyết <3,1 mmol/l (55 mg/dl).

  • Hạ đường huyết theo sau tăng đường huyết

Thể lâm sàng này còn được gọi là hiệu ứng Somogyi. Điều này xảy ra là vì khi cơ thể khi nhận một tình trạng tăng đường huyết vì một lý do nào đó sẽ kích thích tuyến tụy tăng sản xuất insulin để điều hòa lượng đường này. Trong khi đó, bệnh nhân đái tháo đường đã được dùng các thuốc hạ đường huyết để duy trì mức đường huyết ổn định, nếu lượng insulin nội sinh đột ngột tăng cao kèm theo cơ chế giảm khả năng tự điều hòa đường huyết hay xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường sẽ làm lượng đường bị tiêu thụ quá nhiều ở tế bào và gây ra hạ đường trong máu.

  • Hiện tượng “bình minh” và “trước bình minh”

Đây là hiện tượng hay gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường khi tăng đường huyết thứ phát sau khi hạ đường huyết ban đêm. Ở người bệnh, do cơ chế điều hòa insulin cần thiết để duy trì đường huyết hằng định bị suy giảm nên chỉ cần tăng insulin vừa phải cũng có thể gây hạ đường huyết trước bình minh.

Người bệnh sử dụng Insulin chậm trước bữa tối sẽ thường gây tăng insulin máu khoảng 1 đến 3 giờ sáng, điều này sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết ban đêm. Để chẩn đoán xác định cần đo chỉ số đường huyết lúc ngủ vào thời điểm 2-3 giờ sáng. Đây là thể rất nguy hiểm vì xảy ra khi người bệnh đang ngủ, rất khó nhận biết và điều này sẽ làm diễn tiến nhanh tới hôn mê và tử vong mà ngay cả bệnh nhân và người nhà cũng không hay biết.

Bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng, các xét nghiệm lâm sàng cũng giúp xác định chẩn đoán. Tuy nhiên, khi không có các điều kiện để làm các xét nghiệm kịp thời thì việc xử lý cấp cứu một tình trạng hạ đường huyết vẫn được ưu tiên hơn vì nếu chậm trễ trong cấp cứu hạ đường huyết có thể nguy hiểm tính mạng người bệnh.

  • Xét nghiệm nồng độ đường huyết < 3,9 mmol/l (70 mg/dl).
  • Xét nghiệm nồng độ Kali máu giảm.
  • Điện tâm đồ: Thời gian QTc kéo dài, có thể xuất hiện ST chênh xuống, sóng U, sóng T dẹt.

4. Xử trí hạ đường huyết ở người tiểu đường

Những bệnh nhân đái tháo đường đang sử dụng các thuốc điều trị mà có các triệu chứng nghi ngờ tình trạng hạ đường huyết, cần kiểm tra đường huyết của mình ngay lập tức.

Nếu trường hợp các triệu chứng biểu hiện nhẹ hoặc chỉ số đường huyết của bạn ở mức thấp vừa phải, hãy bổ sung các chất chứa đường như uống một cốc nước đường, sữa có đường hoặc ăn kẹo, hoa quả. Sau đó 15 phút, người bệnh cần kiểm tra lại đường huyết và có thể bổ sung thêm nếu chỉ số vẫn còn thấp đến khi đường huyết về bình thường.

Trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng kèm co giật, mất ý thức, hôn mê cần ngay lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu. Lúc này cần chú ý rằng đừng cố gắng cho người đang ngất ăn hay uống thứ gì với mục đích bổ sung đường vì có thể gây sặc làm làm tắc nghẽn đường thở.

Đối với những trường hợp hạ đường huyết nặng, người bệnh sẽ được xử trí cấp cứu:

  • Tiêm tĩnh mạch dung dịch đường glucose 20-30% để cung cấp glucose nhanh chóng và tiêm nhắc lại nếu người bệnh chưa tỉnh. Sau đó duy trì đường huyết >5,5 mmol/l bằng truyền glucose.
  • Trường hợp không thể lấy được ven ở người bệnh, nhân viên y tế có thể tiêm bắp 1 ống Glucagon 1mg. Nếu sau 10 phút, có thể tiêm nhắc lại nếu không có kết quả.
  • Nếu hạ đường huyết kéo dài sẽ được điều trị chống tái phát bằng cách truyền tĩnh mạch với liều Glucose 10% 1000ml trong 4 giờ, sau đó có thể tăng lên 1000ml trong 12 giờ. Khi người bệnh tỉnh có thể duy trì qua đường uống.
  • Người bệnh cần theo dõi chặt chẽ nồng độ đường huyết mỗi 4 giờ 1 lần để chỉ số đường huyết vượt quá 11 mmol/l.
  • Trường hợp bệnh nhân được phát hiện và điều trị quá muộn hoặc đã bị biến chứng phù não, đột quỵ gây hôn mê kéo dài: Sử dụng glucose 10% để duy trì đường huyết 2g/l và điều trị chống phù não bằng Manitol hoặc Hydrocortisone 100mg 4 giờ/lần.

5. Làm gì để phòng ngừa hạ đường huyết

Chắc chắn, điều quan trọng nhất để phòng ngừa hạ đường huyết là người bệnh đang điều trị đái tháo đường cần tuân thủ phương pháp trị liệu của bác sĩ. Điều này bao gồm thuốc điều trị, chế độ ăn uống, sinh hoạt và hoạt động thể chất hàng ngày. Cụ thể:

  • Uống thuốc, tiêm thuốc đúng giờ, đúng thuốc, đúng liều lượng theo chỉ định.
  • Duy trì chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh như ăn uống đúng bữa, đầy đủ các nhóm chất, tránh bỏ bữa hoặc các bữa ăn cách xa nhau. Người bệnh nên áp dụng phương pháp ăn 3 bữa chính và các bữa nhỏ sẽ giúp giảm nguy cơ bị hạ đường huyết.
  • Nên chuẩn bị máy đo đường huyết tại nhà để có thể kiểm tra khi cần.
  • Cuối cùng, hãy luôn ý thức nguy cơ xảy ra hạ đường huyết, nhất là khi đang điều trị đái tháo đường hoặc khi đã từng bị hạ đường huyết trước đó để chủ động phòng ngừa.

Hạ đường huyết là một cấp cứu nội khoa và bao giờ cũng nguy hiểm hơn tăng đường huyết. Vì vậy, phát hiện sớm và điều trị kịp thời là yếu tố quyết định đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chủ động áp dụng các biện pháp để giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • gimethepharm
    Công dụng thuốc Glimethepharm

    Glimethepharm là thuốc gì, có phải thuốc điều trị bệnh đái tháo đường không? Với thành phần chính là Glimepiride, Glimethepharm được dùng trong điều trị hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường type 2.

    Đọc thêm
  • hậu covid chán ăn
    Đột nhiên chán ăn, người mệt mỏi có phải do hạ đường huyết không?

    Chào bác sĩ, Con em 16 tuổi, cháu tự nhiên chán ăn cả ngày nay. Người mệt mỏi không ăn uống được gì. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi đột nhiên chán ăn, người mệt mỏi có phải do hạ ...

    Đọc thêm
  • Metophage
    Công dụng thuốc Metophage

    Thuốc Metophage có thành phần chính là Metformin hydrochlorid 850mg, được chỉ định điều trị bệnh tiểu đường cho người bệnh. Dưới đây là một số thông tin về thuốc Metophage giúp người bệnh tìm hiểu và sử dụng thuốc ...

    Đọc thêm
  • Dược Thuốc Diabetab
    Công dụng thuốc Diabetab

    Thuốc Diabetab được chỉ định trong điều trị đái tháo đường không phụ thuộc insulin ở người bệnh đã áp dụng chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp nhưng không kiểm soát được nồng độ glucose máu... Cùng ...

    Đọc thêm
  • wasita
    Công dụng thuốc Wasita

    Thuốc Wasita có thành phần chính là Sitagliptin dưới dạng Sitagliptin phosphat monohydrat 50mg. Thuốc có công dụng điều trị lượng đường huyết cho người bệnh bị bệnh đái tháo đường. Dưới đây là một số thông tin hữu ích ...

    Đọc thêm