[Vinmec - Hỏi đáp cùng chuyên gia] Số 02: Sức khỏe trẻ em mùa nắng nóng (Phần 3)

Thời tiết nắng nóng khiến cơ thể trẻ nhỏ phải tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt, nếu không được chăm sóc đúng cách, bé rất dễ bị mất nước và điện giải. Cùng với đó, hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện là nguyên nhân khiến các bệnh mùa nắng nóng như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm màng não...dễ lây lan và bùng phát thành dịch.

Dưới đây là những câu hỏi liên quan đến vấn đề sức khỏe trẻ em mùa nắng nóng được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec:

28: Bạn Nguyễn Thị Mai (Kiến An, Hải Phòng): Thưa bác sĩ, Con gái tôi bị sốt xuất huyết đã sang ngày thứ 4, Ban đầu cháu có dấu hiệu sốt cao 39.5 độ C, nôn ói, thỉnh thoảng rét run, sau khi uống hạ sốt 4 - 6h lại tiếp tục sốt trở lại. Từ ngày thứ 3 tình trạng của cháu đã đỡ hơn, hiện tôi vẫn cho cháu bổ sung nước, cho ăn cháo loãng, dùng thuốc hạ sốt Paracetamol để hạ sốt cho cháu. Xin bác sĩ tư vấn thêm về cách chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết, sốt xuất huyết làm gì cho nhanh khỏi? Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Dương Văn Sỹ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng: Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng thường gặp và gia tăng trong khoảng thời gian từ tháng 6-9, hay phát thành dịch. Rất nhiều người lúng túng không biết sốt xuất huyết làm gì cho nhanh khỏi?

Những biện pháp chăm sóc trẻ sốt xuất huyết của chị rất tốt. Ngoài ra cần chú ý thêm những điều sau:

  • Theo dõi sát thân nhiệt của trẻ, báo cho nhân viên y tế bất kỳ khi nào nếu nhận thấy trẻ sốt lên.
  • Phối hợp dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprufen vì các thuốc này làm tăng nguy cơ gây xuất huyết.
  • Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
  • Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo, bột, sữa. Không cho trẻ dùng các loại thức ăn, nước uống có màu nâu/đỏ (coca, pepsi, dưa hấu, socola...) vì khó phân biệt khi trẻ có nôn ra máu.
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước: nước đun sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh..) oresol, hydrit, hoặc nước cháo loãng...
  • Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ: Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt.

Theo dõi sát tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời: Vật vã, lừ đừ, li bì. Đầu chi lạnh, da ẩm, hạ thân nhiệt. Đau bụng, đau ngực, khó thở. Chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nôn nhiều, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc có máu, tiểu ít.

Ngoài ra, tuyệt đối không tắm gội, lau người cho trẻ bằng nước lạnh vì sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra rất nguy hiểm.

Các trường hợp sốt xuất huyết độ 3, 4 nên phải nằm viện theo dõi cấp cứu điều trị Tây y. Riêng Đông y chỉ điều trị sốt xuất huyết cấp độ một, hai.

Cảnh giác biến chứng chảy máu mũi khi sốt xuất huyết
Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết cần theo dõi sát thân nhiệt của trẻ

29: Bạn Dương Thị Hà (Địa chỉ email: Duongthithuha...@gmail.com): Chào bác sĩ. Con trai tôi 4 tuổi, thường ngày cháu rất hiếu động, nhanh nhẹn, tuy nhiên hôm nay đi học về cháu có biểu hiện sốt cao, li bì, người mệt mỏi, cháu không ho, không có đờm, mũi. Hiện đang có mùa dịch sốt xuất huyết vì vậy tôi muốn cho cháu đi xét nghiệm sốt xuất huyết. Xin bác sĩ tư vấn xét nghiệm sốt xuất huyết có cần nhịn ăn không? Tôi xin cảm ơn.

Bác sĩ Dương Văn Sỹ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng: Chào bạn!

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn truyền virus Dengue gây ra. Triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue thường là sốt cao, sốt thành cơn, đôi khi kèm theo rét run, nổi gai ốc, có chấm đỏ xuất huyết dưới da . Thân nhiệt người bệnh có thể đạt đến 39-40 độ C. Nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, cần lập tức đến bệnh viện để được xét nghiệm sốt xuất huyết và điều trị kịp thời.

Về câu hỏi “Sốt xuất huyết có cần nhịn ăn không?” của bạn, xin được giải đáp như sau: Xét nghiệm sốt xuất huyết không cần nhịn ăn khi đi khám bệnh. Do xét nghiệm đối với những trường hợp nghi vấn bị mắc bệnh sốt xuất huyết là có thực hiện xét nghiệm công thức máu. Trong đó 2 thông số về tiểu cầu và độ cô đặc máu thể hiện bệnh không thay đổi khi ăn. Khi có bất kì triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để xét nghiệm chẩn đoán phát hiện sớm.

30: Anh Đinh Thanh An (Huyện Yên Thủy, Tỉnh Hòa Bình): Chào bác sĩ. Con gái tôi sốt cao nhiều ngày được chẩn đoán sốt xuất huyết hiện đang điều trị tại nhà. Tôi đã bổ sung nước cho cháu bằng cách cho uống nhiều nước lọc, nước ép hoa quả, cháo, súp...tuy nhiên được rất ít vì cháu ốm nên lười ăn uống. Tôi muốn truyền nước cho cháu nhưng không biết sốt xuất huyết có được truyền nước không? Mong bác sĩ tư vấn!

Bác sĩ Dương Văn Sỹ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng: Chào bạn! Trẻ bị sốt xuất huyết cần bù đủ lượng dịch cơ thể do sốt cao liên tục khiến cơ thể mệt mỏi không ăn uống bù dịch được, ngoài ra hiện tượng tăng tính thấm thành mạch làm thoát dịch ra gian bào. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu sốt xuất huyết có được truyền nước không và truyền như thế nào cho đúng.

Nếu trẻ bị sốt xuất huyết còn ăn uống được thì nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bạn có thể bổ sung nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước lọc, sinh tố, nước ép, súp, cháo...

Chỉ truyền dịch khi có chỉ định của bác sĩ trong các trường hợp: Bệnh nhân ăn uống quá kém; nôn nhiều gây mất dịch và điện giải; tụt huyết áp; có biểu hiện cô đặc máu (tăng Hematocrit)...

Lượng dịch truyền không phải như nhau cho tất cả người bệnh, phải tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân. Ngoài ra cần phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh như bệnh lý tim mạch, huyết áp, hô hấp,...khi truyền dịch.

Từ ngày thứ 6 của bệnh (giai đoạn tái hấp thu và hồi phục) nếu truyền nhiều dịch sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, phù phổi cấp...làm ảnh hưởng đến tính mạng.

Tuyệt đối không nên tự ý truyền tại nhà.

Như vậy sốt xuất huyết có được truyền nước không phụ thuộc vào tình trạng và giai đoạn của bệnh. Cần có sự chỉ định của bác sĩ để quá trình chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết đạt hiệu quả cao nhất.

Truyền dịch
Truyền dịch cho trẻ cần có sự chỉ định của bác sĩ

31: Bạn Cao Thị Huyền Trang (Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội): Bác sĩ ơi, tôi có người thân sốt cao trên 39 độ nên nghi ngờ bị sốt xuất huyết vì đang có dịch. Cho tôi hỏi phí xét nghiệm sốt xuất huyết giá bao nhiêu tiền và có lâu không? Tôi có thể đặt xét nghiệm tại nhà được không?

Bác sĩ Dương Văn Sỹ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng: Chào bạn. Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Vì thế khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, bạn cần đưa bé đến bệnh viện để thực hiện xét nghiệm sốt xuất huyết ngay.

Xét nghiệm sốt xuất huyết bao nhiêu tiền có sự chênh lệch tùy thuộc vào những yếu tố cơ bản sau:

Loại xét nghiệm: Hiện nay, có hai loại xét nghiệm phát hiện sốt xuất huyết cơ bản là NS1Ag và xét nghiệm Dengue IgM – IgG. Tùy vào xét nghiệm mà bệnh nhân lựa chọn thực hiện sẽ có mức chi phí khác nhau. Thông thường, xét nghiệm NS1Ag sẽ có mức chi phí cao hơn.

Ngoài ra chi phí xét nghiệm sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân tiến hành một số chẩn đoán khác để theo dõi tiến triển bệnh và có giải pháp điều trị hiệu quả. Do đó, chi phí xét nghiệm sốt xuất huyết ở mỗi bệnh nhân là không giống nhau.

Thời gian nhận kết quả: Khoảng 30 phút đối với xét nghiệm test nhanh. Ngay khi có những biểu hiện sốt xuất huyết như sốt cao, xuất huyết dưới da, nôn ói, đau bụng... bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đi xét nghiệm sốt xuất huyết càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe có thể xảy ra.

32: Bạn Nguyễn Bích Ngọc (35 tuổi, Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội): Chào bác sĩ, tôi muốn được tư vấn xem trẻ nhỏ bị sốt xuất huyển thì ăn gì để tăng tiểu cầu. Con trai tôi bị sốt xuất huyết sang ngày thứ tư, cháu có biểu hiện nôn mửa liên tục, tiểu máu, người thờ ơ, mệt mỏi... Tôi cho cháu đi khám thì được chẩn đoán sốt xuất huyết giảm tiểu cầu. Tôi muốn được tư vấn rõ hơn tại sao sốt xuất huyết lại giảm tiểu cầu, giảm bao nhiêu và tôi nên cho cháu ăn gì để tăng tiểu cầu? Xin cảm ơn!

Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng: Chào bạn. Sốt xuất huyết ở trẻ em có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, trong đó có giảm tiểu cầu. Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là một loại bệnh lý miễn dịch. Các kháng thể chống lại tiểu cầu làm tiểu cầu bị phá hủy ở lách, hậu quả là giảm số lượng tiểu cầu trong máu, cơ thể sẽ dễ bị chảy máu với một tác động nhẹ. Xin được giải đáp các câu hỏi của chị như sau:

Sốt xuất huyết tiểu cầu giảm bao nhiêu? Theo WHO, Giảm tiểu cầu được định nghĩa như sự suy giảm nhanh chóng số lượng tiểu cầu hoặc số lượng tiểu cầu dưới 150.000/mm3 (< 150 G/L). Giảm tiểu cầu được xem là một tiêu chí đánh giá mức độ nghiêm trọng của sốt xuất huyết.

Tại sao sốt xuất huyết lại giảm tiểu cầu? Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu do các lý do:

  • Thứ nhất, Số lượng tiểu cầu trong sốt xuất huyết giảm khi nó ức chế tủy xương (là khu vực sản xuất tiểu cầu).
  • Thứ hai, Số lượng tiểu cầu trong sốt xuất huyết giảm vì các tế bào máu bị ảnh hưởng bởi virus gây tổn thương tiểu cầu.
  • Thứ ba, Các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn này đã phá hủy một số lượng lớn tiểu cầu trong thời gian người bệnh bị sốt xuất huyết.
  • Thứ tư: Do các tổn thương tăng tính thấm thành mạch, gây thoát mạch các tế bào máu vào khoảng gian bào cũng làm giảm các tế bào máu trong đó có tiểu cầu.

Sốt xuất huyết ăn gì để tăng tiểu cầu?

  • Một số loại hoa quả: chà là, lựu, kiwi, đu đủ, ổi
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Cam, rau bina súp lơ xanh,...
  • Thực phẩm giàu folate: măng tây, ngũ cốc, cam và rau bina.
  • Thực phẩm giàu vitamin A: bí đỏ, cà rốt, khoai lang,..
  • Thực phẩm giàu vitamin B12: cá hồi, thịt bò, thịt gà, cá ngừ, gà tây...
  • Thực phẩm giàu axit béo omega-3: hạt lanh, óc chó, cá và rau bina...
  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: quả mâm xôi, quả nam việt quất, quả dâu tây, quả óc chó,...
  • Thực phẩm giàu chất chống viêm: rau, ngũ cốc nguyên hạt, đậu hữu cơ,... Ngũ cốc toàn phần
  • Thực phẩm giàu Vitamin K: gan, cải xoăn...
Hoa quả
Ăn nhiều hoa quả sẽ rất tốt cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết

33: Bạn Lê Thu Hằng (Sinh viên năm cuối Đại học Thương Mại): Chị nhà em có 1 cháu nhỏ 7 tuổi đang bị sốt xuất huyết đã điều trị, nay đã là ngày thứ 6 thì con có cắt sốt và bắt đầu ăn uống trở lại nhưng các nốt trên da vẫn chưa biến mất. Không rõ cháu bé đã khỏi hẳn chưa. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp cho em khi nào mới là khỏi hẳn sốt xuất huyết? Gia đình em có nên cho cháu tiếp tục uống thuốc không vì em thấy cũng uống đến 6 ngày rồi.

Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng: Chào bạn! Bệnh sốt xuất huyết có những biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, biểu hiện từ nhẹ đến nặng. Bệnh sốt xuất huyết thường kéo dài từ 7-10 ngày, chia làm ba giai đoạn.

Khi nào khỏi hẳn sốt xuất huyết còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, chế độ chăm sóc, sức đề kháng của người bệnh... Do đó khi nào khỏi hẳn sốt xuất huyết ở mỗi người có một thời gian khác nhau.

Thông thường, bệnh diễn tiến theo ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.

Giai đoạn 1: Giai đoạn sốt kéo dài trong 3 ngày đầu của bệnh với những biểu hiện: Bệnh nhân xuất hiện sốt cao đột ngột 39-40 độ C. Mệt mỏi, đau đầu, đau nhức hốc mắt, đau các khớp, đau mỏi người, có thể có viêm long đường hô hấp trên. Chán ăn, cảm giác buồn nôn và nôn. Da xung huyết, có thể có biểu hiện những chấm xuất huyết dưới da.

Giai đoạn 2: Giai đoạn nguy hiểm (hay gọi là giai đoạn xuất huyết): Thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Biểu hiện sốt có thể giảm hoặc vẫn còn sốt, xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng, có những biểu hiện xuất huyết rất đa dạng (do giảm tiểu cầu trong máu), là giai đoạn nhiều biến chứng xảy ra.

Giai đoạn 3: Giai đoạn hồi phục: Bệnh nhân hết sốt trên 48 giờ, đỡ mệt, tổng thể khỏe lên, thèm ăn và tiểu tiện nhiều hơn, Xét nghiệm tiểu cầu bắt đầu tăng. Bệnh sốt xuất huyết diễn biến tự khỏi, các thuốc sử dụng cho bệnh nhân sốt xuất huyết chủ yếu để điều trị triệu chứng như hạ sốt, bù nước và điện giải, chống chảy máu, chống suy tuần hoàn (nếu có).

34: Bạn Phạm Thị Hương (Phố Nối, Hưng Yên): Chào bác sĩ. Con gái tôi sắp được 12 tháng, cháu cao 83cm, nặng 11kg. Tôi được biết trẻ đủ 12 tháng có thể tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản. Xin bác sĩ tư vấn có bao nhiêu loại vacxin viêm não Nhật Bản và Viêm não Nhật Bản tiêm mấy mũi? Tôi xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng: Chào bạn! Viêm não Nhật Bản là bệnh lý truyền nhiễm gây tổn thương hệ thần kinh trung ương. Virus viêm não sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường máu, chủ yếu là do muỗi đốt. “Có bao nhiêu loại vacxin viêm não Nhật Bản” là câu hỏi chung của nhiều bậc phụ huynh.

Hiện nay có 2 loại vắc-xin chính được sử dụng phổ biến nhất để tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ là loại từ chủng Beijing-1 trên não chuột và vắc-xin bất hoạt được chế tạo từ chủng virus kháng nguyên Nakayama – Yoken.

Đây đều là 2 loại vắc-xin này có cơ chế gây miễn dịch cơ bản bằng 2 liều cách nhau từ 7 – 14 ngày. Ngoài ra, cũng có một loại nữa là vắc-xin phòng ngừa viêm não Nhật Bản được chế tạo từ chủng virus kháng nguyên SA – 14 – 14 – 2 trên tế bào thận chuột đất vàng. Loại vắc-xin này được sản xuất rộng rãi ở Trung Quốc, đã được kiểm nghiệm và đã được chứng minh là an toàn, hiệu quả cho trẻ nhỏ.

Về câu hỏi “Viêm não Nhật Bản tiêm mấy mũi?”, bạn có thể đưa trẻ đi tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản vào những thời điểm sau:

  • Mũi tiêm đầu tiên: Khi trẻ 12 tháng tuổi.
  • Mũi tiêm thứ 2: Sau khi tiêm mũi đầu tiên từ 1 đến 2 tuần.
  • Mũi tiêm 3: Sau mũi tiêm đầu tiên tối thiểu là 1 năm.

Sau 3 mũi tiêm này, các bậc phụ huynh vẫn nên cho trẻ đi tiêm nhắc lại 3 năm/lần cho đến khi trẻ 15 tuổi. Hiện nay, cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế đã và đang triển khai tiêm chủng miễn phí vắc-xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi trong chương trình “Tiêm chủng mở rộng quốc gia” tại các trạm y tế xã phường với lịch tiêm 3 mũi. Nếu chưa có cơ hội đưa bé tham gia các đợt tiêm chủng mở rộng các bậc phụ huynh có thể đưa trẻ đến các cơ sở tiêm vắc-xin dịch vụ để đảm bảo con được tiêm ngừa đầy đủ.

Nhờ có Vinmec, con tôi được tiêm vaccine đầy đủ theo chỉ  định
Tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ

35: Anh Khuất Văn Thắng (Nhân viên kinh doanh Bất động sản): Chào bác sĩ. Con trai tôi được 28 tháng, khi 12 tháng cháu có tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 1. Sau đó 2 tuần tiêm mũi 2. Cháu được bác sĩ nhắc lịch tiêm mũi 3 sau mũi 2 một năm. Tuy nhiên vì bận rộn gia đình quên tiêm mũi 3 Viêm não Nhật Bản cho cháu. Hiện cháu đã quá lịch tiêm 4 tháng thì có tiêm bổ sung được không và vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 3 tiêm khi nào? Tôi xin cảm ơn.

Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng: Chào bạn. Vắc xin viêm não Nhật Bản là một trong những vắc xin quan trọng nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia của Bộ Y tế. Tiêm vắc xin đúng lịch và đủ liều là cách tốt để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản.Lịch tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản gồm 3 mũi:

  • Mũi 1 tiêm khi trẻ 1 tuổi
  • Mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tuần
  • Mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm.

Cứ khoảng 3 - 4 năm cần tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ được 15 tuổi Không ít trường hợp phụ huynh cho trẻ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 1 và 2 nhưng không biết vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 3 tiêm khi nào, dẫn đến quên tiêm mũi 3 viêm não Nhật Bản cho con.Nếu chỉ tiêm mũi 1 vắc xin viêm não Nhật Bản thì trẻ chưa có khả năng chống lại vi rút gây bệnh. Sau khi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 2 thì trẻ đã có thể sản sinh ra sức đề kháng, bảo vệ cơ thể khỏi vắc xin gây bệnh với hiệu quả khoảng 80%. Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 3 thì khả năng phòng bệnh lên tới 90 - 95%. Tuy nhiên, hiệu quả phòng bệnh chỉ kéo dài trong khoảng 3 năm, vì thế trẻ cần được tiêm nhắc lại sau mỗi 3 - 4 năm. Như vậy, trường hợp bạn quên tiêm mũi 3 viêm não Nhật Bản có thể tiếp tục tiêm các mũi tiếp theo mà không cần cho trẻ tiêm lại từ đầu.

36: Bạn Tuyết Anh (Địa chỉ email: Nguyentuyetanh30...@gmail.com): Cho em hỏi về Vacxin Viêm não Nhật bản mới với ạ. Em nghe nói vừa rồi Việt Nam đã nhập lô vacxin Viêm não nhật bản mới tên là imojev và có thể tiêm cho con từ 9 tháng tuổi là sớm hơn loại cũ. Tuy nhiên chưa có nhiều thông tin về loại vacxin này. Xin nhờ Bác sĩ cung cấp thêm thông tin để các mẹ như em có thêm sự lựa chọn. Cảm ơn các anh chị!

Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng: Chào bạn. Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm lưu hành ở Việt Nam thường gặp vào mùa hè nên còn có tên gọi là bệnh Viêm não mùa hè. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề thậm chí gây tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ < 15 tuổi đặc biệt là độ tuổi từ 2 – 7 tuổi.

Hiện nay, vắc xin Viêm não Nhật Bản là vắc xin Jevax có trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và tiêm dịch vụ tại các cơ sở y tế trong cả nước. Lịch trình tiêm 3 mũi, mũi 1 khi trẻ từ 12 tháng tuổi.

Từ năm 2019, vacxin viêm não Nhật Bản mới có tên vacxin Imojev do hãng dược phẩm quốc tế Sanofi Pasteur sản xuất theo công nghệ tiên tiến đã được sử dụng tại một số Trung tâm tiêm chủng tại Việt Nam. Vắc xin viêm não Nhật Bản imojev giúp góp phần tạo miễn dịch sớm, cho hiệu quả bảo vệ cao, hạn chế tác dụng phụ. Imojev đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia ở Australia, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia.

Vacxin viêm não nhật bản mới được tiêm sớm ngày từ khi trẻ 9 tháng tuổi giúp bảo vệ phòng bệnh sớm hơn vắc xin jevax thế hệ cũ. Về lịch tiêm:

  • Vacxin viêm não Nhật Bản Imojev tiêm 1 liều cơ bản 0.5ml vắc xin đã hoàn nguyên cho người từ 9 tháng tuổi trở lên.
  • Tiêm 1 liều nhắc cho trẻ khoảng cách 12 đến 24 tháng sau liều tiêm chủng cơ bản.

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin này có thể tiêm cho người lớn trên 18 tuổi với 1 liều duy nhất không cần tiêm nhắc lại. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng vacxin viêm não Nhật Bản Imojev để tiêm nhắc đối với trẻ đã tiêm liều cơ bản của vắc xin viêm não Nhật Bản bất hoạt jevax.

Các câu hỏi của bạn đọc chưa được giải đáp sẽ được Vinmec phản hồi qua email. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi!

Hỏi đáp cùng chuyên gia: Sức khỏe trẻ em mùa nắng nóng
Các chuyên gia Vinmec giúp giải đáp các vấn đề sức khỏe trẻ em mùa nắng nóng

281 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan