Viêm âm đạo là tình trạng phổ biến ở phụ nữ. Nguyên nhân chính thường là do vệ sinh cá nhân vùng âm đạo không đúng cách hoặc lây nhiễm từ bạn tình qua quan hệ tình dục. Mặc dù đây là bệnh thường gặp, nhưng nhiều phụ nữ vẫn thiếu kiến thức về bệnh lý này, dẫn đến tâm lý lo lắng và ngại đi khám, từ đó có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. Viêm âm đạo là gì?
Viêm âm đạo hay nhiễm trùng âm đạo là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại âm đạo của phụ nữ. Theo thống kê, khoảng một phần ba phụ nữ sẽ trải qua các triệu chứng của viêm âm đạo trong đời. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
2. Nguyên nhân gây viêm âm đạo
Sự mất cân bằng giữa nấm men và vi khuẩn sống trong âm đạo là nguyên nhân gây ra viêm nhiễm vùng kín, khiến lớp niêm mạc âm đạo bị viêm nhiễm. Các yếu tố sau có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng tự nhiên của âm đạo, bao gồm:
- Sử dụng thuốc kháng sinh.
- Sự thay đổi nồng độ hormone trong giai đoạn mang thai, cho con bú hoặc mãn kinh.
- Thụt rửa âm đạo.
- Sử dụng chất diệt tinh trùng.
- Sinh hoạt tình dục.
- Viêm nhiễm đơn thuần (phổ biến nhất là nhiễm nấm men).
3. Triệu chứng viêm âm đạo
Những triệu chứng viêm âm đạo điển hình bao gồm:
- Ngứa râm ran, theo từng đợt hoặc từng thời điểm, đồng thời có cảm giác châm chích vùng âm đạo do tác động của vi khuẩn.
- Xuất hiện khí hư có mùi khó chịu và màu sắc bất thường. Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh mà khí hư sẽ có đặc điểm khác nhau. Ví dụ, viêm nhiễm vùng kín do nấm Candida thì khí hư sẽ có màu trắng, có mùi hơi chua.
- Cảm giác đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục.
- Đau bụng dưới hoặc đau thắt lưng kéo dài.
- Vào ngày hành kinh, chị em xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội, máu kinh có mùi hôi và màu sắc bất thường.
- Xuất hiện máu dạng đốm sau khi quan hệ hoặc không vì bất cứ nguyên nhân nào.
4. Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm nhiễm vùng kín, bác sĩ sẽ tiến hành:
- Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử nhiễm trùng âm đạo hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục bệnh nhân từng mắc.
- Tiến hành khám phụ khoa bằng cách sử dụng một dụng cụ là mỏ vịt để kiểm tra xem vùng kín của phụ nữ có bị viêm hay tiết dịch bất thường không.
- Trong quá trình khám phụ khoa, bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch tiết từ âm đạo và kiểm tra dưới kính hiển vi. Các xét nghiệm bổ sung cũng có thể được thực hiện để xác định chính xác bệnh nhiễm trùng âm đạo.
5. Điều trị viêm âm đạo
Phương pháp điều trị viêm âm đạo sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Việc điều trị có thể bao gồm thuốc viên, kem bôi hoặc gel bôi trực tiếp vào âm đạo. Dưới đây là một số tác nhân phổ biến gây viêm nhiễm vùng kín:
- Nấm men
- Vi khuẩn
- Trichomonas
Mỗi loại tác nhân gây viêm nhiễm vùng kín sẽ có cơ chế bệnh, triệu chứng và phương pháp điều trị riêng biệt. Dưới đây là thông tin chi tiết về từng tác nhân:
5.1. Viêm âm đạo do nấm men
5.1.1. Cơ chế gây bệnh viêm do nấm men
Nấm men thường được biết đến với tên gọi nấm Candida là tác nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng âm đạo.
Trong âm đạo của phụ nữ khỏe mạnh, nấm Candida tồn tại với số lượng tương đối ít. Tuy nhiên, khi sự cân bằng giữa vi khuẩn và nấm men trong âm đạo bị rối loạn, nấm Candida có thể phát triển quá mức và gây ra các triệu chứng ở vùng kín. Tình trạng này được gọi là nhiễm trùng nấm men.
5.1.2. Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng nấm men
Việc sử dụng một số loại kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm men, dẫn đến viêm nhiễm vùng kín. Điều này xảy ra vì kháng sinh thường tiêu diệt vi khuẩn, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến các vi khuẩn tự nhiên trong âm đạo, làm giảm khả năng kiểm soát nấm men.
Nấm men có thể phát triển quá mức khi không bị vi khuẩn hạn chế. Phụ nữ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng nấm men trong thời kỳ mang thai hoặc khi mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, sự phát triển quá mức của nấm men cũng thường xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể yếu và không hoạt động hiệu quả.
5.1.3. Triệu chứng của nhiễm trùng nấm men
Các triệu chứng phổ biến nhất của nhiễm trùng nấm men bao gồm ngứa và rát ở vùng âm hộ (khu vực bên ngoài âm đạo), kèm theo hiện tượng đỏ và sưng. Thêm vào đó, dịch âm đạo có màu trắng, thường có dạng vón cục và không có mùi. Một số phụ nữ bị nhiễm trùng nấm men còn nhận thấy sự gia tăng bất thường về lượng dịch tiết âm đạo.
5.1.4. Điều trị viêm âm đạo do nhiễm nấm men
Nhiễm trùng nấm men có thể được điều trị bằng cách sử dụng thuốc đặt vào âm đạo (có tác dụng tại chỗ) hoặc bằng thuốc uống (có tác dụng toàn thân).
Ngoài ra, các phương pháp điều trị dùng thuốc không kê đơn thường được đánh giá là an toàn và có hiệu quả nhất định trong việc điều trị viêm âm đạo do nhiễm nấm men. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ có thể đang gặp phải một vấn đề khác nhưng lại nhầm lẫn với nhiễm trùng nấm men và tự ý mua thuốc điều trị. Trong trường hợp này, các loại thuốc chống nhiễm trùng nấm men sẽ không khắc phục được triệu chứng và có thể dẫn đến chậm trễ trong việc chẩn đoán chính xác và điều trị đúng bệnh.
Dù đã từng bị nhiễm trùng nấm men trước đó, chị em vẫn nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên sản phụ khoa thăm khám. Nhiều trường hợp đã tự dùng thuốc không kê đơn trong thời gian dài mà các triệu chứng viêm âm đạo vẫn không thuyên giảm.
5.2. Viêm âm đạo do vi khuẩn
5.2.1. Cơ chế gây viêm do vi khuẩn
Sự gia tăng không kiểm soát của vi khuẩn do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra viêm nhiễm vùng kín.
5.2.2. Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu chính của viêm nhiễm vùng kín do vi khuẩn là tăng tiết dịch âm đạo kèm theo mùi tanh. Chất dịch thường loãng, có màu sẫm hoặc xám, nhưng đôi khi có thể có màu xanh lục. Viêm nhiễm vùng kín do vi khuẩn hiếm khi gây ngứa, nhưng có thể xảy ra nếu lượng dịch tiết quá nhiều.
5.2.3. Cách chữa viêm nhiễm vùng kín do vi khuẩn
Một số loại kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn. Thuốc kháng sinh có thể được dùng qua đường uống hoặc qua đường âm đạo dưới dạng kem hoặc gel.
5.3. Viêm âm đạo do trichomonas
5.3.1. Cơ chế gây viêm của Trichomonas
Trichomonas hay còn gọi là Trichomonas vaginalis, là một loại ký sinh trùng siêu nhỏ lây truyền qua đường tình dục và gây ra viêm nhiễm vùng kín. Phụ nữ nhiễm Trichomonas có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STIs).
5.3.2. Các triệu chứng gây ra bởi trichomonas
Các triệu chứng nhiễm Trichomonas bao gồm: Dịch tiết âm đạo có màu vàng xám hoặc xanh lá cây, có thể kèm theo mùi hôi khó chịu. Bệnh nhân có thể cảm thấy nóng rát, kích thích, dẫn đến đỏ và sưng ở vùng âm đạo. Đôi khi, người bệnh cũng có cảm giác đau khi đi tiểu.
5.3.3. Cách điều trị
Trichomonas có thể được tiêu diệt bằng một liều kháng sinh uống. Lưu ý rằng bạn tình cũng cần được điều trị để tránh nguy cơ tái nhiễm.
5.4. Teo viêm âm đạo ở phụ nữ cho con bú và mãn kinh
Teo viêm âm đạo không phải do nhiễm trùng, nhưng vẫn gây ra tình trạng tiết dịch và kích thích ở âm đạo, dẫn đến cảm giác khô, ngứa và rát. Tình trạng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi nồng độ hormone nữ giảm, chẳng hạn như trong giai đoạn cho con bú và sau khi mãn kinh. Teo viêm âm đạo có thể được điều trị bằng estrogen. Sử dụng chất bôi trơn dạng lỏng cũng là một biện pháp hiệu quả để giảm triệu chứng khi quan hệ.
Khi nhận thấy các dấu hiệu viêm nhiễm vùng kín chị em nên đến bác sĩ để được khám và điều trị đúng cách. Hãy chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân để tránh những vấn đề liên quan đến viêm âm đạo.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.