Nhận biết cơn đau do sỏi thận

Dấu hiệu sỏi thận thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, nhưng khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đi tiểu ra máu,... Những biểu hiện này cần được chú ý và kiểm tra kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm. Nhận biết sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp giảm thiểu những ảnh hưởng nghiêm trọng mà sỏi thận có thể gây ra.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Bệnh sỏi thận là bệnh gì?

​​Bệnh sỏi thận là tình trạng trong hệ tiết niệu xuất hiện hiện tượng lắng đọng và kết tinh các chất, tạo thành sỏi. Những tinh thể và viên sỏi nhỏ ban đầu có thể di chuyển theo dòng nước tiểu và được bài tiết ra ngoài qua đường tiểu. Tuy nhiên, một số tinh thể hoặc viên sỏi có thể bị mắc kẹt tại một vị trí nào đó trong đường niệu, tiếp tục lắng đọng và kết tinh, từ đó hình thành những viên sỏi có kích thước lớn hơn.

Khi sỏi tăng kích thước, chúng có thể gây cản trở dòng chảy của nước tiểu, dẫn đến tình trạng ứ đọng nước tiểu và giãn nở phần trên vị trí tắc nghẽn. Tại đây, các biến chứng có thể xảy ra như nhiễm trùng, tiếp tục kết tinh và hình thành thêm các loại sỏi khác,... sẽ làm suy giảm dần dần cấu trúc và chức năng của thận.

2. Sỏi thận đau ở đâu?

Vị trí và các dấu hiệu đau sỏi thận đặc trưng bao gồm:

  • Đau dữ dội, đau quặn ở thận: Những cơn đau quặn, dữ dội ở vùng thận là dấu hiệu sỏi thận thường gặp. Cơn đau thường bắt đầu từ vùng thắt lưng, có thể ở một hoặc cả hai bên vùng hạ sườn. Sau đó, cơn đau có thể lan xuống phía dưới hoặc ra phía trước tới vùng hố chậu và đùi, thậm chí lan tới vùng sinh dục.
  • Đau âm ỉ, nhẹ ở vùng thắt lưng và hông: Nếu cảm thấy đau âm ỉ ở các vùng này, mọi người có thể đang có sỏi nhỏ hoặc vừa ở bể thận hoặc sỏi nhỏ trong niệu quản.
  • Đau kèm theo bí tiểu: Nếu cơn đau đi kèm với tình trạng bí tiểu, có thể là dấu hiệu sỏi thận xuất hiện ở cổ bàng quang hoặc di chuyển ra niệu đạo.
  • Đau khi ngồi lâu hoặc khi thay đổi tư thế đột ngột: Điều này có thể xảy ra nếu sỏi trong thận phát triển lớn, tạo áp lực lên các khu vực xung quanh, chèn ép và gây đau ở các mô lân cận.
  • Đau co thắt từ bên trong: Cơn đau có thể không giảm khi thay đổi tư thế và thường kéo dài từ 20 đến 60 phút, đôi khi lâu hơn. Các triệu chứng đi kèm có thể bao gồm tiểu ra máu, sốt hoặc ớn lạnh. 
Những cơn đau dữ dội, đau quặn ở thận là dấu hiệu sỏi thận thường gặp.
Những cơn đau dữ dội, đau quặn ở thận là dấu hiệu sỏi thận thường gặp.

Khi xuất hiện sỏi trong thận thì đường tiết niệu có thể bị kích thích, gây co thắt và làm tắc nghẽn, dẫn đến khó khăn trong việc bài tiết nước tiểu. Điều này làm tăng áp lực lên bể thận và gây ra các cơn đau.

3. Nhận biết dấu hiệu sỏi thận 


Dấu hiệu nào nhận biết đau sỏi thận?
Dấu hiệu nào nhận biết đau sỏi thận?

3.1 Cảm giác buồn nôn và nôn

Buồn nônnôn mửa có thể là dấu hiệu sỏi thận, thường xảy ra khi có sự tắc nghẽn trong thận. Niệu quản có thể bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ, ngăn cản nước tiểu di chuyển từ thận đến bàng quang. Sự liên kết giữa các dây thần kinh của ruột và thận có thể khiến đường tiêu hóa bị ảnh hưởng khi có tắc nghẽn tại thận, dẫn đến kích thích thần kinh đường tiêu hoá, làm dạ dày co thắt và gây ra cảm giác khó chịu, buồn nôn và nôn mửa.

3.2 Tiểu nhiều lần

Một trong những dấu hiệu sỏi thận mà bệnh nhân dễ nhận thấy chính là nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là khi viên sỏi nằm gần cuối niệu quản đầu bàng quang hoặc tại cổ bàng quang. Sỏi thận đi qua niệu quản có thể gây ra cảm giác buồn tiểu liên tục và chỉ tiểu được một lượng nhỏ mỗi lần.  

Sự kích thích của sỏi đối với bàng quang có thể khiến người bệnh cảm thấy cần đi tiểu thường xuyên hơn. Nếu sỏi có kích thước lớn, chúng có thể tắc nghẽn niệu quản, gây rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang và dẫn đến cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên.

3.3 Đi tiểu ra máu

Sỏi thận có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiết niệu, dẫn đến tình trạng đi tiểu ra máu. Nếu người bệnh nhận thấy nước tiểu có màu hồng hoặc nâu, đó có thể là dấu hiệu sỏi thận do sự tổn thương niêm mạc gây ra. Máu có thể lẫn vào nước tiểu khiến nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc nâu, bệnh nhân cần đi khám và điều trị kịp thời trong trường hợp này.

3.4 Sốt và ớn lạnh

Sốtớn lạnh đi kèm với dấu hiệu sỏi thận ở nữ giới cảnh báo nguy cơ nhiễm trùng. Sỏi thận có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng, đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh sỏi thận.

3.5 Nước tiểu đục

Nếu người bệnh nhận thấy nước tiểu của mình có màu đục, điều này có thể là dấu hiệu sỏi thận, cho thấy người bệnh đang có sỏi thận hoặc thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh sỏi thận - tiết niệu. Nước tiểu đục có thể xuất phát từ việc có nhiều chất cặn bã lắng đọng hoặc do tình trạng viêm đường tiết niệu. Nếu nước tiểu đục kèm theo mùi hôi, người bệnh có khả năng bị viêm nhiễm; còn nếu không có mùi đặc biệt thì có thể do lắng cặn.

3.6 Đau, rát khi đi tiểu, tiểu rắt

Khi viên sỏi di chuyển xuống niệu quản hoặc từ bàng quang ra niệu đạo, chúng có thể gây tắc nghẽn đường dẫn tiểu, dẫn đến cảm giác tiểu buốt, đau rát. Viên sỏi cọ xát vào niêm mạc niệu quản và niệu đạo có thể gây ra cảm giác đau, nóng rát khi đi tiểu. Sỏi kích thích bàng quang có thể gây đau sỏi thận. Đồng thời, viêm nhiễm cũng có thể xảy ra, khiến cho việc đi tiểu càng thêm đau rát. 


Đau, rát khi đi tiểu là một trong những dấu hiệu sỏi thận.
Đau, rát khi đi tiểu là một trong những dấu hiệu sỏi thận.

3.7 Vô niệu

Trường hợp sỏi niệu quản có thể xảy ra tình trạng vô niệu một phần hoặc hoàn toàn, tức là không thể đi tiểu. Vô niệu một phần thường do viên sỏi gây tắc một bên niệu quản. Tình trạng vô niệu hoàn toàn hiếm gặp hơn, xảy ra khi sỏi làm co thắt cả hai bên niệu quản. Đây là tình huống khẩn cấp yêu cầu người bệnh phải đến cơ sở y tế ngay lập tức để tránh những biến chứng nghiêm trọng như vỡ thận hoặc suy thận cấp.

Thực tế, các triệu chứng đau do sỏi thận có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm ruột thừa cấp tính, đau quặn gan do sỏi đường mật hay cơn đau dạ dày tá tràng cấp tính. Vì vậy, khi có các cơn đau quặn ở vùng lưng, người bệnh nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe