Ý nghĩa của xét nghiệm cặn Addis

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Thùy Nhung - Phó Trưởng khoa Xét nghiệm - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Xét nghiệm soi cặn nước tiểu là một xét nghiệm thường gặp dùng để tìm các thành phần hữu hình có trong nước tiểu: các tế bào máu, tế bào biểu mô, trụ niệu, tinh thể... Có 2 phương pháp xét nghiệm cặn nước tiểu là soi tươi và xét nghiệm cặn Addis.

1. Xét nghiệm cặn nước tiểu

Một xét nghiệm nước tiểu đầy đủ gồm có: Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểuxét nghiệm soi cặn nước tiểu. Trong đó, soi cặn nước tiểu là một xét nghiệm cơ bản hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý ở hệ tiết niệu, theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng.

Soi cặn nước tiểu dễ thực hiện, thuận lợi và ít tốn kém. Bệnh phẩm nước tiểu dễ lấy, không đau đớn và không đòi hỏi thủ thuật y khoa đặc biệt vì vậy xét nghiệm này được áp dụng rất phổ biến.

2. Quy trình thực hiện xét nghiệm cặn Addis

Vào lúc 6 giờ sáng, hướng dẫn người bệnh đi tiểu hết nước tiểu trong đêm sau đó ghi giờ, cho bệnh nhân uống 200ml nước đun sôi để nguội, để bệnh nhân nằm nghỉ và hướng dẫn bệnh nhân tiểu gom vào bô khô, sạch.

Đến 9 giờ sáng, cho bệnh nhân tiểu lần cuối vào bô, sau đó đo lường số lượng nước tiểu và ghi vào giấy xét nghiệm. Lắc đều toàn bộ nước tiểu và lấy 10ml bệnh phẩm nước tiểu để tiến hành xét nghiệm. Lưu ý, người bệnh nên nhịn ăn từ 8-12 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm này. Kết quả xét nghiệm cặn Addis thường có sau 90 phút.

Nhịn ăn
Người bệnh nên nhịn ăn từ 8-12 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm này

3. Kết quả xét nghiệm cặn Addis

3.1 Kết quả bình thường của xét nghiệm cặn Addis

Không có hoặc có rất ít sự xuất hiện của hồng cầu, bạch cầu trong cặn nước tiểu (<1000 hồng cầu/phút và <2000 bạch cầu/phút). Đôi khi có vài tế bào dẹt là tế bào niêm mạc niệu quản thoái hoá hoặc một vài tinh trùng (nếu xét nghiệm nước tiểu ở nam giới). Ngoài ra, trong xét nghiệm cặn Addis bình thường sẽ không có trụ niệu như trụ hồng cầu, trụ bạch cầu...

3.2 Những bất thường và ý nghĩa của xét nghiệm cặn Addis

3.2.1 Cặn nước tiểu có hồng cầu (Đái ra máu)

  • Đái máu đại thể: Khi lượng máu xuất hiện trong nước tiểu với số lượng nhiều thì chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng phát hiện được khi nước tiểu có màu hồng cho đến màu đỏ, để lâu hồng cầu sẽ lắng xuống. Chỉ cần khoảng 1ml máu trong 1 lít nước tiểu là đủ để làm thay đổi màu sắc của xét nghiệm nước tiểu.
  • Đái máu vi thể: Xét nghiệm cặn Addis có > 1000 hồng cầu/phút.
  • Ý nghĩa của sự xuất hiện hồng cầu trong cặn nước tiểu: Các bệnh lý làm xét nghiệm cặn Addis có hồng cầu bao gồm: Viêm cầu thận cấp hoặc mạn, lao thận, sỏi tiết niệu, viêm bàng quang, ung thư bàng quang. Đôi khi nguyên nhân lại là các bệnh lý toàn thân (như bệnh của hệ thống tạo máu, rối loạn quá trình đông cầm máu).

3.2.2 Cặn nước tiểu có bạch cầu

  • Xét nghiệm cặn Addis được xem như có sự xuất hiện của bạch cầu khi có > 2000 BC/ phút.
  • Khi cặn nước tiểu có bạch cầu nghĩa là có bệnh lý nhiễm khuẩn ở hệ tiết niệu. Đôi khi còn kèm theo sự xuất hiện của trụ bạch cầu sẽ càng củng cố thêm chứng cứ của viêm đường tiết niệu như nhiễm trùng tiểu, viêm bàng quang hoặc viêm thận... Một số trường hợp khi có quá nhiều bạch cầu sẽ quan sát nước tiểu bị vẩn đục gặp trong bệnh viêm thận-bể thận cấp và mãn.

3.2.3 Cặn nước tiểu có các trụ hình

Các cấu trúc hình trụ có trong cặn nước tiểu được định nghĩa là các trụ niệu, bản chất các trụ này là mucoprotein, là một loại protein do tế bào ống thận bị tổn thương tiết ra hoặc protein từ huyết tương lọt qua hàng rào cầu thận vào nước tiểu. Khi có sự xuất hiện của các trụ hình trong cặn nước tiểu nghĩa là đã có sự tổn thương thực thể ở cầu thận hoặc ống thận.

Có hai loại trụ hình là trụ không có tế bào và trụ có tế bào. Trụ có tế bào là các trụ có chứa xác các tế bào như: Biểu mô ống thận, bạch cầu, hồng cầu... Số lượng trụ hình không quan trọng bằng loại trụ hình đó là gì, vì mỗi loại trụ hình khác nhau sẽ giúp gợi ý để chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Các loại trụ hình trong xét nghiệm cặn Addis bao gồm:

  • Trụ trong hay còn gọi là trụ hyalin: Đây là loại trụ có bản chất là protein chưa thoái hoá hoàn toàn, không có chứa tế bào.
  • Trụ keo: Là những tế bào biểu mô bị thoái hoá.
  • Trụ sáp: Là những protein đã thoái hoá hoàn toàn.
  • Trụ mỡ: do bào tương tế bào thoái hóa , hoặc do mỡ trong máu bài tiết ra tạo thành. Các hạt mỡ hiện rõ trong thân trụ, thường gặp trong thận nhiễm mỡ.
  • Trụ hạt: Trụ có chứa protein và xác của các tế bào biểu mô ống thận, thường gặp trong bệnh lý viêm cầu thận mãn, nếu trụ hạt có màu nâu bẩn thường gặp trong tình trạng suy thận cấp.
  • Trụ hồng cầu: Chứa các tế bào hồng cầu đi qua hàng rào cầu thận vào trong nước tiểu, gặp trong bệnh viêm cầu thận cấp.
  • Trụ bạch cầu: Chứa xác các tế bào bạch cầu gợi ý có tổn thương từ nhu mô thận, gặp trong viêm thận-bể thận cấp và mãn tính.

3.2.4 Các thành phần khác trong cặn nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh để điều trị hiệu quả
Trong cặn nước tiểu có nhiều thành phần khác như Các tinh thể như phosphat, oxalat canxi, tinh thể urat, tinh thể cystin,...
  • Các tinh thể như phosphat, oxalat canxi, tinh thể urat, tinh thể cystin. Các tinh thể là tiền thân của sỏi đường tiết niệu, số lượng quá nhiều làm gia tăng nguy cơ hình thành sỏi.
  • Tế bào ung thư: Có thể gặp trong trường hợp ung thư thận-tiết niệu.
  • Tế bào biểu mô: Viêm nhiễm đường tiết niệu là nguyên nhân làm xuất hiện tế bào biểu mô đường niệu trong cặn nước tiểu.
  • Thể lưỡng triết quang: Đây là thành phần ester hóa của cholesterol dưới dạng hạt mỡ, trụ mỡ thường gặp trong hội chứng thận hư.

4. Các biện pháp hạn chế bất thường của xét nghiệm cặn Addis

  • Uống đủ nước: Nên uống đủ 1.5 - 2 lít nước mỗi ngày để giúp thận loại bỏ được hết các chất cặn bã ra ngoài.
  • Không nên ăn thức ăn quá mặn sẽ làm thận phải hoạt động quá sức gây ảnh hưởng đến chức năng của thận.
  • Bổ sung vitamin, chất xơ cho cơ thể bằng cách thêm nhiều rau xanh, trái cây vào bữa ăn hàng ngày.
  • Chăm chỉ luyện tập thể thao, nâng cao sức khỏe tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
  • Không hút thuốc lá, uống rượu bia hay các chất kích thích vì chúng gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tạo cặn ở thận.
  • Những người mắc bệnh lý về thận nên giảm chế độ ăn chứa nhiều vitamin C và các loại chất béo, hạn chế ăn nội tạng, mỡ động vật.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ đặc biệt với những người đang mắc các bệnh về thận.
Nước khoáng
Nên uống đủ 1.5 - 2 lít nước mỗi ngày để giúp thận loại bỏ được hết các chất cặn bã ra ngoài

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến trên website.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: