Thuốc lợi tiểu là loại thuốc có tác dụng làm tăng đào thải muối và nước ở thận, người bệnh vì thế sẽ đi tiểu tiện nhiều hơn. Thuốc lợi tiểu cũng thường được chỉ định trong điều trị suy thận, đặc biệt là suy thận mạn tính.
1. Nhóm thuốc lợi tiểu dùng trong điều trị suy thận
Bệnh nhân thận mạn tính, đặc biệt là suy thận thường bị quá tải dịch do thận hoạt động kém, không đảm nhiệm tốt vai trò. Quá tải dịch và trữ nước do suy thận có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, giải pháp là tăng thải dịch qua đường tiểu bằng thuốc lợi tiểu.
Bệnh nhân không có protein niệu hiện vẫn chưa xác định rõ ràng phác đồ điều trị ưu tiên, có thể cân nhắc các nhóm thuốc lợi tiểu sử dụng như thiazid, thuốc lợi tiểu quai hay thuốc kháng aldosterone.
1.1. Thuốc lợi tiểu quai
Nhóm thuốc lợi tiểu quai để điều trị suy thận thường dùng như: Bumetanide, furosemide, torsemide. Thuốc được dùng khá phổ biến, nhất là bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn 2 – 3 (mức lọc cầu thận ≥ 30ml/phút/1.72 m3).
Nhóm thuốc lợi tiểu quai còn làm tăng acid uric trong máu, tăng đào thải dịch, gây mất cân bằng điện giải. Thường gặp là tình trạng tăng Kali máu, hạ Magnesi máu. Vì thế khi dùng thuốc điều trị, cần theo dõi cân bằng điện giải thường xuyên bằng điện giải đồ để phát hiện sớm rối loạn điện giải.
Ngoài ra, thuốc lợi tiểu quai cũng giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp và bệnh tim mạch ở bệnh nhân suy thận.
Các thuốc này bài tiết qua thận, nếu mức lọc cầu thận giảm xuống 30 – 50 ml/phút/1.73m3 thì tác dụng lợi tiểu không còn, chỉ còn tác dụng hạ áp.
1.2 Thuốc kháng aldosterone
Hiện nay thuốc kháng thụ thể aldosterone (triamterene, spironolactone) được dùng trong điều trị bệnh thận mạn nếu các thuốc lựa chọn hàng đầu hoặc hàng thứ 2 không đạt được mức huyết áp mục tiêu.
Thuốc kháng aldosterone là dạng thuốc lợi tiểu giữ Kali, vì thế có thể gây nguy cơ tăng Kali máu. Bệnh nhân điều trị suy thận sử dụng thuốc kháng aldosterone cần được kiểm tra nồng độ Kali thường xuyên để phát hiện sớm nếu có rối loạn điện giải.
2. Cẩn trọng khi sử dụng thuốc lợi tiểu trong điều trị suy thận
Trong điều trị tăng huyết áp thường dùng thuốc lợi tiểu có tác dụng thải natri kéo dài và vừa phải (thường dùng nhóm thiazid).
Sử dụng thuốc lợi tiểu trong điều trị suy thận có thể gây hiện tượng tụt huyết áp thế đứng. Vì thế bệnh nhân khi bắt đầu điều trị với thuốc lợi tiểu cần chuyển từ tư thế ngồi hoặc nằm sang tư thế đứng từ từ.
Để đạt hiệu quả điều trị tốt, tránh tác dụng không mong muốn, người bệnh điều trị cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng liệu trình dùng thuốc theo bác sĩ chỉ định.
Ngoài ra, người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc hoặc sử dụng không đúng liệu trình chỉ định. Nếu gặp tác dụng phụ không mong muốn, nên báo cho bác sĩ biết để xử trí, thay thế thuốc điều trị khác.
Bên cạnh đó, điều trị suy thận với thuốc lợi tiểu là quá trình điều trị kéo dài, cần tránh tương tác thuốc có thể làm giảm hiệu quả điều trị. Bệnh nhân lưu ý khi đang dùng thuốc lợi tiểu không tự ý sử dụng đồng thời thuốc điều trị khác mà không hỏi ý kiến bác sĩ điều trị. Nếu đang dùng thuốc điều trị khác phải báo với bác sĩ để chỉ định thuốc thích hợp.