Vì sao sau khi chụp DSA bệnh nhân phải nằm bất động 24 giờ?

DSA là phương pháp chẩn đoán hình ảnh kết hợp giữa việc chụp X-quang và xử lý số. Khi chụp DSA bệnh nhân phải luồn các dụng cụ ở bẹn, tại vị trí đó có thể chảy máu hoặc tụ máu. Vì vậy chụp DSA bệnh nhân sẽ phải nằm bất động trong 24 giờ.

1. Chụp DSA là gì?

1.1 DSA là gì?

DSA được viết tắt bởi Digital Subtrasion Angiography, là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh kết hợp giữa việc chụp X-quang và xử lý số có sử dụng thuật toán để xóa nền trên 2 ảnh thu nhận được trước và sau khi tiêm chất cản quang vào cơ thể người bệnh, nhằm mục đích nghiên cứu mạch máu trong cơ thể.

Chụp DSA sẽ thu được những hình ảnh cung cấp thông tin chính xác về quá trình lưu thông máu khi đi qua các bộ phận của cơ thể đặc biệt là quá trình cung cấp máu cho não và tim. Từ đó, bác sĩ có thể sớm phát hiện tình trạng bất thường của mạch máu ví dụ như: mạch bị co hẹp, phình mạch, tắc nghẽn,... hay một số bệnh lý như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,... Điều này giúp cho việc chẩn đoán và điều trị chính xác bệnh lý nghiêm trọng có liên quan đến sự tuần hoàn của máu trong cơ thể, lên kế hoạch giải phẫu giúp xác định chính xác các vị trí tổn thương bên trong cơ thể.

1.2 Hệ thống và cơ chế hoạt động của DSA

Một hệ thống DSA thường bao gồm các thành phần như:

  • Bộ phát tia X
  • Bộ phận thu nhận hình ảnh
  • Bộ phận xử lý hình ảnh số
  • Bộ phận hiển thị,...

Bộ phận trung tâm của hệ thống DSA đó là bộ xử lý hình ảnh số. Nó sẽ thu thập hình ảnh từ video camera và tạo ra tín hiệu điều khiển xung theo thời gian cho cả bộ phận phát tia X và hệ thống thu nhận hình ảnh nhằm mục đích điều khiển được việc thu và phát tín hiệu giữa 2 hệ thống này. Quá trình thu nhận hình ảnh được bắt đầu khi xung kích theo thời gian được truyền đến bộ phận phát tia, khi đó tia X được phát ra, đi xuyên qua cơ thể người bệnh và được thu nhận bằng bầu tăng quang. Một ống kính được đặt giữa bầu tăng quang và video camera nhằm giới hạn số lượng ánh sáng truyền đến camera.

Chỉ định chụp DSA mạch não
Chụp DSA sẽ thu được những hình ảnh cung cấp thông tin chính xác về quá trình lưu thông máu

Sau khi nhận tín hiệu ánh sáng từ bầu tăng quang, video camera sẽ chuyển sang tín hiệu video và đưa chúng vào bộ xử lý hình ảnh dưới dạng analog. Tại bộ phận xử lý hình ảnh, tín hiệu analog sẽ được số hóa và lưu trữ vào bộ nhớ, chúng được sử dụng để thực hiện việc so sánh và xóa nền với một ảnh khác ở 1 thời điểm hay ở 1 mức năng lượng khác.

Thuật toán thông dụng trong hệ thống X-quang số được sử dụng để xóa nền là thuật toán xóa theo thời gian. Trong quá trình thực hiện thuật toán này, hình ảnh ban đầu được thu nhận. Sau đó, chất cản quang sẽ được đưa vào cơ thể thông qua đường tĩnh mạch. Tiếp theo là quá trình thu nhận ảnh động khi chất cản quang đi vào cơ thể trong một đơn vị thời gian được cài đặt sẵn. Lúc này, bộ phận xử lý hình ảnh sẽ lấy ảnh thu nhận được khi chưa có chất cản quang làm ảnh nền và tiến hành loại trừ ảnh nền với ảnh thu được khi có chất cản quang đối với những cấu trúc giải phẫu tĩnh giống nhau giữa 2 ảnh.

2. Chụp DSA được chẩn đoán trong những trường hợp nào?

Kỹ thuật chụp DSA thường được dùng để chẩn đoán và điều trị trong một số trường hợp như:

  • Chụp chẩn đoán và can thiệp động mạch vành
  • Thuyên tắc động mạch tử cung để điều trị u xơ tử cung, chảy máu tử cung
  • Thuyên tắc động mạch phế quản nhằm điều trị ho ra máu
  • Thuyên tắc hóa dầu để điều trị ung thư gan
  • Đặt giá đỡ động mạch
  • Chụp động mạch đùi
  • Chụp chẩn đoán và điều trị can thiệp bệnh lý động mạch cảnh, động mạch não
  • Đặt máy tạo nhịp tim
  • Thuyên tắc động mạch phế quản và tử cung
  • Chụp u xơ tử cung, u gan
  • Chụp mạch máu ngoại vi
Can thiệp động mạch vành
Kỹ thuật chụp DSA thường được dùng để chẩn đoán và can thiệp động mạch vành

3. Chụp DSA có được cử động không?

Trước khi tiến hành chụp DSA, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ tiêm vào cơ thể một chất nhuộm hay còn gọi là chất cản quang, có nhiệm vụ làm sáng mạch máu. Chất cản quang hoàn toàn không gây hại cho cơ thể và sẽ được thải ra ngoài qua nước tiểu. Quá trình chụp DSA không gây đau, thời gian đầu sau khi tiêm thuốc, bệnh nhân có thể sẽ cảm thấy hơi khó chịu. Trong suốt quá trình chụp DSA, bệnh nhân sẽ được chăm sóc bởi các nhân viên y tế, và được theo dõi mạch, nhịp tim trong suốt quá trình chụp DSA. Máy sẽ quay 360 độ và chụp một loạt hình ảnh phức tạp.

Khi chụp DSA bác sĩ sẽ luồn các dụng cụ ở bẹn, sau khi thực hiện xong tại vị trí đó có thể bị chảy máu hoặc tụ máu, do đó bác sĩ sẽ tiến hành băng ép ở bẹn. Chân bệnh nhân lúc này sẽ phải bất động trong 8 tiếng, và bệnh nhân nằm bất động trong vòng 24 giờ cho đến khi bác sĩ tháo băng ép. Vì vậy, sau khi chụp DSA bệnh nhân cần được sự hỗ trợ bởi người thân trong việc sinh hoạt như ăn uống, tiểu tiện,...

Tóm lại, chụp DSA là phương pháp chẩn đoán hình ảnh kết hợp giữa việc chụp X-quang và xử lý số hóa, giúp bác sĩ có thể sớm phát hiện tình trạng bất thường của mạch máu. Trước khi chụp bệnh nhân sẽ phải tiêm thuốc cản quang làm sáng mạch máu. Ngoài ra, trong khi chụp DSA bệnh nhân phải luồn các dụng cụ ở bẹn, tại vị trí đó có thể chảy máu hoặc tụ máu, do đó bác sĩ sẽ tiến hành băng ép tại bẹn. Vì vậy chụp DSA bệnh nhân sẽ phải nằm bất động trong 24 giờ cho đến khi bác sĩ tháo băng ép.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan