Vì sao người hút thuốc lá có nguy cơ loét bàn chân cao hơn khi bị tiểu đường?

Loét bàn chân là một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, hút thuốc lá sẽ làm góp phần vào sự phát triển và tồn tại của các vết loét bàn chân ở người bệnh.

1. Biến chứng loét bàn chân do bị tiểu đường

Loét bàn chân là một trong những biến chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân đái tháo đường bởi 3 nguyên nhân chính sau đây:

  • Nồng độ đường trong máu cao gây bệnh động mạch ngoại biên: người bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát tốt lượng đường trong máu, làm cho nồng độ glucose trong máu tăng cao gây ảnh hưởng đến các mạch máu. Mạch máu sẽ xơ cứng lại, lòng mạch hẹp và dày hơn, lâu ngày có thể hình thành các mảng xơ vữa cản trở lưu thông máu trong lòng mạch. Từ đó máu đến các chi ít hơn, giảm chất dinh dưỡng và oxy nuôi dưỡng bàn chân, khả năng miễn dịch giảm và tạo cơ hội cho vi khuẩn tấn công dẫn tới loét bàn chân.
  • Bệnh thần kinh ngoại biên: lượng đường huyết tăng có có thể ảnh hưởng và làm tổn thương các dây thần kinh ngoại biên. Từ đó, người bệnh đái tháo đường sẽ bị rối loạn cảm giác. Ban đầu người bệnh sẽ cảm thấy bỏng rát và nóng, sau đó tê đau và cuối cùng là mất hoàn toàn cảm giác, không cảm nhận được cảm giác đau khi bị thương. Vì vậy, nếu xuất hiện một vết thương nhỏ ở bàn chân nhưng không phát hiện ra và xử lý kịp thời, nó có thể trở nên nghiêm trọng và lở loét bàn chân.
  • Vấn đề hệ thống miễn dịch: bệnh nhân bị đái tháo đường làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm suy yếu khả năng bảo vệ của các tế bào bạch cầu, làm chậm quá trình tự hồi phục. Vì vậy khi gặp một vết thương ở chân nếu không được điều trị kịp thời cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng, lở loét và các biến chứng nguy hiểm khác.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố làm tăng khả năng loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường đó là hút thuốc lá, bệnh tim, bệnh thận, béo phì, giày chất lượng kém và không được vệ sinh sạch sẽ, không thường xuyên vệ sinh bàn chân,...

XEM THÊM: Cách chăm sóc bàn chân người bệnh tiểu đường

Loét bàn chân do đái tháo đường
Biến chứng loét bàn chân thường gặp ở người bị tiểu đường

2. Vì sao hút thuốc lá có nguy cơ loét bàn chân cao hơn ở bệnh nhân tiểu đường?

Hút thuốc lá chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới hiện nay. Tại Việt Nam là quốc gia có số người hút thuốc lá cao thứ 3 trong khu vực Asean. Bên cạnh đó, có tới 33 triệu người không hút thuốc lá và 2⁄3 trẻ em Việt Nam phải hút thuốc thụ động tại gia đình, nơi làm việc và các nơi công cộng. Hút thuốc lá gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc biến chứng loét bàn chân bởi những lý do sau:

2.1 Hút thuốc lá làm chậm lành vết thương

Hút thuốc lá có thể làm chậm lành các tổn thương da và các vết mổ. Nguy cơ nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng mô ghép và sự hình thành cục máu đông khi hút thuốc lá có liên quan đến:

  • Giảm tổng hợp collagen
  • Sự co mạch
  • Thiếu oxy đến các tế bào da
  • Chậm phát triển vết thương mới của các mạch máu

Đây cũng chính là những nguyên nhân dẫn tới loét bàn chân. Như vậy, hút thuốc lá đã góp phần vào sự phát triển và tồn tại của các vết loét ở các chi, đặc biệt là loét mạch máu và loét bàn chân ở bệnh nhân bị đái tháo đường.

2.2 Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mạch máu

Hút thuốc lá có thể khởi phát và làm nặng thêm hiện tượng co thắt hoặc tắc nghẽn mạch máu. Động mạch cung cấp máu đến ngón tay, ngón chân có thể bị co thắt tạm thời sau đó là hẹp vĩnh viễn khi tiếp xúc với nicotine trong thuốc lá. Từ đó phát triển các vết loét ở đầu ngón tay, ngón chân đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường.

Hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm nặng thêm hiện tượng co thắt hoặc tắc nghẽn mạch máu

Ngoài ra, sự xuất hiện nhiều cục máu đông trong các mạch máu nhỏ cũng như trong nhiều trường hợp thuyên tắc do cholesterol có liên quan đến xơ vữa động mạch, làm cho máu không đến nuôi dưỡng các chi và từ đó nguy cơ loét bàn chân tăng cao hơn.

2.3 Hút thuốc lá dẫn tới viêm tắc nang lông

Nicotine có trong thuốc lá sẽ làm tăng acetylcholine quanh nang lông và thúc đẩy sự phát triển quá mức ở phần trên nang lông dẫn tới sự tắc nghẽn. Từ đó, hình thành nên các ổ nhọt, viêm nhiễm và tăng nguy cơ loét bàn chân trên người bệnh tiểu đường.

2.4 Hút thuốc lá có nguy cơ cao mắc các bệnh về da

Hút thuốc lá có nguy cơ cao mắc bệnh về da như bệnh vảy nến. Bên cạnh đó, có khuynh hướng phát triển và làm cho bệnh trầm trọng lên, đặc biệt ở bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa kèm theo như bệnh tiểu đường. Đối với trường hợp mắc bệnh vảy nến, dạng vảy nến lâm sàng khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân có kèm đau, chảy mủ sẽ phổ biến hơn so với người không hút thuốc. Đây cũng là những yếu tố nguy cơ tiến triển thành loét bàn chân ở người bị tiểu đường. Bên cạnh đó, hút thuốc lá ảnh hưởng lên hệ thống miễn dịch, chất nicotin trong thuốc lá liên kết trực tiếp với các tế bào miễn dịch gọi là tế bào nhánh và tế bào T thay đổi chức năng của chúng làm người bệnh suy giảm miễn dịch, đây là yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và tăng nguy cơ loét bàn chân.

Tóm lại, hút thuốc lá không chỉ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu mà còn làm tiến triển, trầm trọng thêm các bệnh lý hiện mắc. Đối với người bệnh đái tháo đường, hút thuốc lá chính là yếu tố nguy cơ dẫn tới biến chứng loét bàn chân. Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường, ngoài việc kiểm soát đường huyết hiệu quả, chăm sóc bàn chân đúng cách thì cần tuyệt đối không hút thuốc lá và tránh xa môi trường khói thuốc thụ động. Bên cạnh đó, việc thăm khám sức khỏe định kỳ cũng rất quan trọng, người bệnh tiểu đường cần thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc thực hiện khám theo chỉ định của bác sĩ để được theo dõi nhằm phát hiện sớm các biến chứng cũng như các yếu tố nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

703 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan