Vì sao kháng sinh không diệt được virus

Thuốc kháng sinh không tiêu diệt được virus gây ra các bệnh lý như COVID-19, cảm lạnh hoặc cúm,... Hơn nữa, việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh này còn có thể dẫn đến tình trạng “kháng thuốc kháng sinh”. Vậy bạn có bao giờ thắc mắc vì sao kháng sinh không diệt được virus hay không?

1. Kháng sinh có tác dụng với virus không?

Để biết kháng sinh có tác dụng với virus không thì bạn phải hiểu được cách thức hoạt động của kháng sinh, cũng như sự khác nhau giữa vi khuẩn và virus.

1.1 Cách thức hoạt động của thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh được sử dụng trong điều trị các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Vi khuẩn là những sinh vật rất nhỏ và hàng tỷ trong số chúng sống trên cơ thể bạn. Hầu hết thời gian, những vi khuẩn này đều vô hại hoặc thậm chí có ích cho cơ thể của bạn, giống như những loại vi khuẩn giúp bạn tiêu hóa thức ăn, nhưng một số vi khuẩn có thể gây bệnh.

Kháng sinh ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn thông qua cơ chế làm chậm sự phát triển của vi khuẩn và làm hỏng khả năng sinh sản, lây lan của chúng hoặc tiêu diệt vi khuẩn bằng cách phá hủy thành tế bào vi khuẩn.

1.2 Sự khác nhau giữa vi khuẩn và virus - Vì sao kháng sinh không diệt được virus?

Virus có cấu trúc và cách tồn tại khác với vi khuẩn. Virus không có thành tế bào có thể bị kháng sinh tấn công. Thay vào đó chúng được bao bọc bởi một lớp áo protein bảo vệ.

Không giống như vi khuẩn tấn công các tế bào của cơ thể bạn từ bên ngoài, virus thực sự di chuyển vào bên trong tế bào, sống vào tạo ra các bản sao của chính chúng trong đó. Virus không thể tự sinh sản, giống như vi khuẩn mà thay vào đó chúng tự gắn thành phần di truyền của mình vào các tế bào khỏe mạnh của chúng ta và lập trình lại các tế bào đó để tạo ra những virus mới. Chính vì tất cả những điểm khác biệt này mà thuốc kháng sinh không tiêu diệt được virus.

2. Khi cơ thể bị nhiễm virus phải làm thế nào?

Bạn có thể gặp một số bệnh lý do virus gây ra chẳng hạn như:

Bạn có thể đã nghe cụm từ rằng: virus phải “hoạt động theo cách của nó – run its course”. Nó có nghĩa là đợi hệ thống miễn dịch của cơ thể tự chống lại bệnh tật bằng cách kích hoạt phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, điều này có thể mất thời gian. Ví dụ: ho và cảm lạnh có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày và bệnh cúm hoặc COVID có thể khiến bạn suy sụp trong 2 đến 3 tuần hoặc hơn.

Nếu bị bệnh do virus, bạn nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước và điều trị các triệu chứng như sốt hoặc đau nhức. Các lựa chọn điều trị bao gồm: liều lượng thích hợp thuốc giảm đau và hạ sốt như acetaminophen không kê đơn (OTC) hoặc ibuprofen, hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh do virus như ho, cảm lạnh hoặc đau họng và các triệu chứng của bạn xấu đi hoặc kéo dài hơn 10 ngày, hãy đến khám tại các cơ sở y tế hoặc liên hệ với bác sĩ.

Trong một số bệnh nhiễm trùng do virus, chẳng hạn như cúm, bệnh zona (herpes zoster) , COVID hoặc thủy đậu (varicella), bác sĩ có thể quyết định kê đơn thuốc kháng virus để rút ngắn thời gian lây nhiễm và giúp ngăn ngừa biến chứng. Thuốc kháng virus thường cần được thực hiện sớm khi bị nhiễm trùng - thường trong 24 đến 48 giờ đầu tiên để có hiệu quả cao nhất.

Trong các trường hợp nhiễm virus phức tạp hoặc kéo dài, vi khuẩn cũng có thể xâm nhập và gây ra bệnh được gọi là “nhiễm trùng thứ phát”, chẳng hạn như viêm phổi do vi khuẩn. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh, nếu cần để tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập cụ thể. Thuốc kháng sinh không được kê đơn để điều trị virus.

3. Vì sao chúng ta chỉ dùng thuốc kháng sinh khi cần?

Giống như bất kỳ sinh vật sống nào, vi khuẩn có thể tiến hóa và thích nghi với môi trường thay đổi. Điều này có nghĩa là vi khuẩn có thể trở nên “đề kháng” với thuốc kháng sinh, nếu tiếp xúc với chúng đủ nhiều.

Khi vi khuẩn trở nên đề kháng với kháng sinh, nguy cơ nhiễm trùng do các vi khuẩn có hại gây ra có thể sẽ không điều trị được nữa, vì chúng ta không còn bất kỳ vũ khí nào để chống lại chúng. Kháng sinh không tiêu diệt được virus, vì vậy khi bạn không bị nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn, việc dùng thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tình trạng kháng kháng sinh và làm cho thuốc kháng sinh nói chung kém hiệu quả hơn.

Dùng thuốc kháng sinh khi không cần thiết là một sự lãng phí và có nguy cơ mắc các tác dụng phụ như phát ban, đau bụng hoặc tiêu chảy. Điều này cũng có nghĩa là khi bạn thực sự mắc một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn nghiêm trọng thì kháng sinh có thể sẽ không hoạt động.

4. Cần làm gì để phòng ngừa bệnh lý do nhiễm virus?

Virus có thể gây bệnh:

  • Ở đường hô hấp khi chúng ta hít phải các giọt bắn chứa virus
  • Ở da khi dùng chung vật dụng cá nhân, khăn tắm bể bơi,..
  • Ở đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm, lây truyền virus qua đường phân miệng,...
  • Ở đường tình dục do sự tiếp xúc với dịch cơ thể hoặc máu của người nhiễm bệnh.

Biết được phương thức lây nhiễm của virus là cách tốt để ngăn chặn chúng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Vì vậy, bạn cần:

  • Giữ gìn vệ sinh tốt: rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và nấu ăn, sau khi ho hắt hơi,...
  • Không sử dụng chung ly, đĩa, dụng cụ ăn uống, khăn tắm,... với người khác.
  • Thực hiện tốt các kỹ thuật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: rửa sạch thức ăn dưới vòi nước chảy trước khi chế biến, để riêng thức ăn chín và sống, ăn chín uống sôi,...
  • Tiêm chủng vắc-xin đầy đủ
  • Tuân theo các nguyên tắc quan hệ tình dục an toàn
  • Thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn họng miệng.

Ngoài ra, bạn nên tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ ăn uống lành mạnh: ăn nhiều thực phẩm trái cây, rau, giảm lượng muối, ăn một lượng vừa phải chất béo và dầu, hạn chế ăn đường, uống đủ nước, không uống rượu, bia,... để có thể ngăn ngừa, chống lại sự tấn công của virus.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan