Cách sử dụng thuốc xịt sát khuẩn họng

Họng là cửa ngõ quan trọng giao thoa giữa đường ăn và đường thở, nhưng cũng chính là nơi dễ bị tấn công bởi các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn, virus, nấm,... đặc biệt với điều kiện thời tiết nóng ẩm của nước ta chính là điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển và gây bệnh. Sử dụng thuốc xịt sát khuẩn họng để phòng và điều trị các bệnh lý do các tác nhân này gây ra được khuyến cáo rất phổ biến. Vậy sử dụng thuốc xịt sát khuẩn họng như thế nào?

1. Thành phần các loại thuốc xịt sát khuẩn họng

Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc xịt sát khuẩn họng, nhưng có thể tạm chia thành 2 loại lớn như sau:

  • Thuốc xịt sát khuẩn họng có nguồn gốc từ thiên nhiên như xuyên tâm liên, keo ong, tinh dầu bạc hà, tinh dầu húng chanh,... thường chứa các kháng sinh tự nhiên giúp giảm sự phát triển của vi khuẩn
  • Thuốc xịt sát khuẩn họng là các sản phẩm có chứa thành phần chất diệt khuẩn, virus, nấm, ức chế sự phát triển của chúng như povidon iod, dequalinium, benzalkonium,... các kháng sinh như tyrothricin, neomycin... Các sản phẩm này thường được sử dụng trong điều trị bệnh lý nhiễm trùng vùng hầu họng. Ngoài các thành phần sát khuẩn thuốc cũng thường bao gồm: các chất thuốc nhóm chống viêm không steroid, corticosteroid,... để giúp điều trị các triệu chứng kèm theo như viêm, sưng phù nề niêm mạc hầu họng, ...

2. Dùng thuốc xịt sát khuẩn họng trong trường hợp nào?

Mỗi loại thuốc xịt khuẩn họng lại có một chỉ định riêng và bạn có thể tham khảo bằng cách đọc tờ hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi ý kiến của dược sĩ, bác sĩ. Cụ thể, bạn có thể sử dụng thuốc xịt khuẩn họng trong các trường hợp sau:

  • Dùng để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị trong các bệnh lý vùng hầu họng như viêm họng, viêm amidan, viêm loét họng, viêm mũi, viêm xoang, sau cắt amidan, viêm thanh quản, viêm khí quản,...

Cải thiện các triệu chứng rát họng, đau họng, ho dai dẳng, kéo dài, ho do thay đổi thời tiết, hôi miệng,...

3. Cách dùng xịt khuẩn họng an toàn và hiệu quả

Bình xịt khuẩn họng được thiết kế theo 3 loại. cụ thể cách dùng từng loại như sau:

  • Cách dùng bình xịt họng không vòi: Người bệnh há to miệng, đưa bình xịt tới trước miệng ngang tầm với cuống họng và xịt trực tiếp vào, số lần xịt tùy theo sản phẩm.
  • Cách dùng bình xịt họng có vòi không có bơm định liều: sau khi vòi xịt đã ở tư thế nằm ngang, bạn mở nắp vòi xịt và đưa đầu vòi vào gần vòm họng, ấn nút xịt với số lần tùy mỗi sản phẩm sau đó vệ sinh vòi, đưa vòi lại vị trí ban đầu và đậy nắp lại
  • Cách dùng bình xịt họng có vòi kèm bơm định liều: trước khi xịt khuẩn họng, ấn vào đầu bơm 5 lần để khởi động bơm định liều. Giữ cố định bình xịt thẳng đứng bằng ngón trỏ và ngón cái, phần ống tra để phía bên trên. Khi dùng, đưa ống tra miệng (ống có màu trắng) vào trong miệng và ngậm miệng lại, ấn mạnh và đưa lên đầu bơm, hít sâu.

Ngoài ra để thuốc có thời gian phát huy tốt tăng hiệu quả và an toàn trong quá trình sử dụng thì bạn cần chú ý:

  • Đọc kĩ thành phần thuốc: Các loại thuốc nói chung và thuốc xịt sát khuẩn họng nói riêng có thể chứa thành phần gây ra các phản ứng dị ứng tùy vào cơ địa mỗi người. Ngoài ra, một số sản phẩm có thể chứa cồn khiến tình trạng khô miệng trở nên trầm trọng hơn, vì vậy hãy tập thói quen đọc kĩ thành phần trước khi sử dụng và nếu bạn còn cần bất kỳ thắc mắc nào hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn.
  • Đánh răng trước khi xịt khuẩn họng.
  • Làm trôi dịch nhầy ở họng bằng cách uống vài ngụm nước ấm hoặc nuốt thức ăn khô không dầu mỡ trước khi xịt.
  • Sử dụng đúng liều lượng, số lần xịt mà bác sĩ chỉ định hoặc được ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng, không được dùng quá liều. Nếu gặp các phản ứng kích thích hầu họng, triệu chứng viêm hầu họng nặng hơn do sát khuẩn họng quá nhiều lần hãy đến gặp bác sĩ để thay đổi kế hoạch điều trị.
  • Sử dụng thuốc đúng theo liệu trình thời gian mà bác sĩ chỉ định, nhất là với các thuốc có chứa thành phần như kháng sinh (thường không sử dụng quá 10 ngày),... để tránh làm ảnh hưởng tới sự cân bằng của hệ thống vi sinh vật ở vùng hầu họng dẫn đến các bệnh lý.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc xịt sát khuẩn họng cho đối tượng nào?

  • Không dùng thuốc xịt sát khuẩn họng cho người có nguy cơ dị ứng với bất kì thành phần nào của thuốc.
  • Các sản phẩm thuốc xịt khuẩn họng thường lành tính và phù hợp với mọi độ tuổi.
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ sơ sinh ( trẻ dưới 30 tháng tuổi) khi có ý định sử dụng thuốc xịt khuẩn họng nên tham khảo ý kiến của dược sĩ, bác sĩ.

Đối với mỗi loại thuốc xịt sát khuẩn họng khác nhau có thể có những lưu ý khác do thành phần thuốc không giống nhau. Vì thế, để đảm bảo an toàn thì bạn hãy đọc kỹ tờ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.

5. Tham khảo sử dụng một số loại thuốc xịt họng

5.1 Thuốc sát khuẩn họng Betadine Throat Spray

Thành phần hoạt chất chính trong betadine throat spray là Povidon iod. Loại thuốc này có tác dụng trực tiếp lên tác nhân vi sinh vật gây bệnh trên bề mặt niêm mạc hầu họng gồm virus, vi khuẩn, nấm,...Nhờ cơ chế giải phóng iod tự do từ từ khi tiếp xúc với chất bẩn trong miệng, từ đó ức chế được vi sinh vật gây bệnh.

Betadine được chỉ định sử dụng trong điều trị các các bệnh lý viêm nhiễm ở hầu họng như: viêm loét miệng, viêm họng, viêm amidan, nhiễm nấm candida, viêm nướu, viêm nha chu,... hoặc có thể sử dụng để vệ sinh khoang miệng trước trong, sau khi phẫu thuật nha khoa.

Liều dùng: mỗi lần xịt 1 nhát, mỗi ngày vài lần cách nhau từ 3 đến 4 giờ. Không sử dụng betadine throat spray cho các trường hợp bệnh nhân nghi ngờ quá mẫn với iod hoặc povidon hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, người không dung nạp iod, không sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi

5.2 Thuốc xịt khuẩn họng chứa Fusafungine

Thuốc có thành phần hoạt chất chính là Fusafungine có tác dụng kháng khuẩn chống viêm, nhờ khả năng ngăn ngừa sự phát triển của một số chủng nấm và vi khuẩn.

Thuốc Fusafungine được chỉ định cho các trường hợp bị nhiễm trùng cổ họng, miệng, mũi như: viêm họng, viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan, viêm khí quản, viêm thanh quản, ...

Liều dùng cần được tham khảo ý kiến của các bác sĩ có chuyên môn. Bạn cũng có thể tham khảo liều sử dụng sau:

  • Với người lớn: cứ 4 giờ xịt họng một lần
  • Với trẻ em cứ 6 giờ xịt một lần

Ngoài ra, thuốc còn có thể được dùng để xịt khuẩn mũi. Tuy nhiên, không dùng thuốc quá 10 ngày, nếu hết 10 ngày mà các triệu chứng không thuyên giảm thì bạn có thể cân nhắc sử dụng phương pháp điều trị khác.

5.3 Thuốc xịt khuẩn họng keo ong

Keo ong là hỗn hợp nhựa của rất nhiều loại cây trộn lẫn với nước bọt của chúng tạo ra chất dẻo với hơn 300 hợp chất sinh học. Keo ong được các nhà khoa học gọi với cái tên mỹ miều “thuốc đến từ đôi cánh” hay “kháng sinh tự nhiên”. Một nhà triết học Hy Lạp còn ví keo ong như “bức tường thành bảo vệ thành phố”.

Tác dụng chính của keo ong giúp hỗ trợ ngăn ngừa cảm cúm, ho sốt viêm họng, hôi miệng, nâng cao đề kháng miễn dịch, kháng khuẩn kháng virus kháng nấm, tránh tình trạng lờn kháng sinh,...

Liều dùng: trẻ từ 2 đến 13 tuổi: mỗi lần xịt 2-3 nhát, mỗi ngày xịt từ 2 đến 3 lần. Với trẻ em trên 14 tuổi và người lớn mỗi lần xịt 3-4 nhát, mỗi ngày cũng xịt 2 đến 3 lần

Không dùng thuốc xịt khuẩn họng keo ong cho người người mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc, thận trọng khi sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi và phụ nữ mang thai. Sản phẩm này không phải là thuốc, vì thế xịt khuẩn họng keo ong không có tác dụng thay thế các loại thuốc chữa bệnh và thuốc có thể đáp ứng nhanh hay chậm tùy theo cơ địa của mỗi người.

Việc sử dụng thuốc sát khuẩn họng đem lại nhiều lợi ích phòng ngừa bệnh hô hấp. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được các tác dụng phụ không mong muốn, bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan