Ung thư buồng trứng: PET/CT, MRI và các biện pháp khác để chẩn đoán

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Lê Hồng Minh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Ung thư buồng trứng bắt đầu ở buồng trứng, một trong những cơ quan sinh sản của phụ nữ. Nó thường không có các triệu chứng rõ ràng cho đến khi chuyển sang giai đoạn nặng. Để chẩn đoán chính xác và tìm hiểu mức độ phát triển của bệnh, bệnh nhân thường phải sử dụng kết hợp nhiều loại chẩn đoán khác nhau như siêu âm, nội soi, chụp CT, MRI, PET/CT,vv...

1. Những điều cần biết về ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng bắt đầu từ buồng trứng, một trong các cặp cơ quan sinh sản của phụ nữ nằm trong khung chậu ở hai bên tử cung. Buồng trứng là nơi hình thành các tế bào trứng hoặc tế bào trứng.

Để đánh giá tình trạng bệnh, bác sĩ có thể sẽ khám kiểm tra vùng chậu và thực hiện xét nghiệm máu. Nếu bệnh nhân có biểu hiện của ung thư buồng trứng, thì sẽ được tiến hành siêu âm vùng chậu, chụp CT bụng và vùng chậu, phẫu thuật mở ổ bụng thăm dò, nội soi ổ bụng để loại bỏ ung thư. Để xác định mức độ và kích thước khối u, các thủ tục như chụp CT cơ thể, MRI cơ thể, PET/CT hoặc GI cũng được thực hiện đối với bệnh nhân.

Tác nhân lớn nhất gây ra bệnh ung thư buồng trứng là tuổi và tiền sử gia đình cá nhân bị ung thư buồng trứng. Phụ nữ chưa từng mang thai, phụ nữ có đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 cũng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.

Ở giai đoạn đầu, ung thư buồng trứng thường không có các triệu chứng rõ ràng cho đến khi nó đã phát triển sang giai đoạn cuối. Khi ung thư phát triển, các dấu hiệu có thể có bao gồm:

  • Áp lực hoặc đau ở bụng hoặc xương chậu
  • Sưng bụng hoặc đầy hơi
  • Buồn nôn, khó tiêu, đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy
  • Mệt mỏi dai dẳng
  • Tiểu gấp hoặc đi tiểu nhiều

Chảy máu âm đạo bất thường, chẳng hạn như kinh nguyệt ra nhiều hoặc chảy máu sau khi mãn kinh

Không đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt
Chảy máu âm đạo bất thường có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng

Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ phát triển của tế bào ung thư đang ở giới hạn trong buồng trứng hay đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Các phương pháp điều trị có thể áp dụng bao gồm:

  • Cắt buồng trứng: Bác sĩ có thể sẽ chỉ định cắt bỏ một hoặc cả hai buồng trứng. Phụ nữ bị cắt bỏ một bên buồng trứng vẫn có thể mang thai, nhưng nếu cắt bỏ cả hai buồng trứng thì không thể mang thai được nữa. Các hạch bạch huyết và các mô bụng khác cũng được đánh giá trong quá trình phẫu thuật và bệnh nhân cũng được xét nghiệm sinh thiết để đảm bảo rằng khối u chỉ giới hạn trong buồng trứng.
  • Cắt bỏ tử cung là phẫu thuật cắt bỏ tử cung, cổ tử cung và loại bỏ khối u khác có thể đã lan ra bên ngoài buồng trứng được thực hiện trong ung thư buồng trứng ở giai đoạn muộn hơn. Một khi tử cung bị cắt bỏ, người phụ nữ không thể mang thai được nữa.
  • Hóa trị hoặc thuốc tiêu diệt tế bào ung thư là lựa chọn thường được sử dụng trong ung thư buồng trứng giai đoạn nặng hơn sau phẫu thuật. Ở những bệnh nhân bị ung thư buồng trứng không thể phẫu thuật cắt bỏ, hóa trị được áp dụng như phương pháp điều trị ban đầu. Hóa trị thường được thực hiện theo thời gian và xen kẽ với các giai đoạn không điều trị.
  • Xạ trị hiếm khi được sử dụng trong ung thư buồng trứng, nó chủ yếu để điều trị các khu vực hạn chế của khối u liên quan đến xương chậu và hoặc các vùng hạch bạch huyết gây đau và các triệu chứng khác.
ung thư buồng trứng
Cắt buồng trứng hoặc tử cung là phương pháp thường được sử dụng để điều trị ung thư buồng trứng

2. Ung thư buồng trứng được chẩn đoán và đánh giá như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách tìm hiểu về tiền sử bệnh và các triệu chứng của bệnh nhân. Ngoài ra, người bệnh cũng được kiểm tra sức khỏe và khám phụ khoa, cùng với việc thực hiện xét nghiệm máu (được gọi là CA-125). Nếu có bất kỳ triệu chứng của ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ đề xuất cho bệnh nhân thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau:

  • Siêu âm vùng chậu: Tức là sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc và cơ quan trong khung chậu để xác định ung thư buồng trứng hoặc ung thư tử cung. Nếu siêu âm qua ngã âm đạo thì một đầu dò được đưa vào âm đạo để quan sát tốt hơn tử cung và buồng trứng.
  • Chụp CT bụng và vùng chậu: Tức là chụp hình ảnh của toàn bộ khoang bụng để chẩn đoán nguyên nhân của đau bụng hoặc đau vùng chậu và để phát hiện ung thư buồng trứng. Trong khi thực hiện chụp CT bụng và vùng chậu, bệnh nhân sẽ được tiêm chất cản quang hoặc thuốc uống cản quang để tăng cường khả năng hiển thị của các hạch bạch huyết và các mô khác trong quá trình khám.
  • Phẫu thuật mở bụng thăm dò: Để thực hiện việc này, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường ở thành bụng để kiểm tra các cơ quan trong ổ bụng và khung chậu để tìm dấu hiệu của ung thư. Nếu ung thư được phát hiện, phẫu thuật này thường bao gồm cắt bỏ buồng trứng, tử cung và càng nhiều mô khối u càng tốt khỏi bụng.
  • Nội soi ổ bụng: Để thực hiện kiểm tra này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống mỏng, sáng đưa qua một vết rạch nhỏ ở bụng để tìm các dấu hiệu của ung thư.

Nếu trong trường hợp kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân bị ung thư thì việc chẩn đoán bằng hình ảnh là rất cần thiết để xác định mức độ phát triển của khối u trong bụng. Các xét nghiệm hình ảnh dưới đây sẽ được thực hiện để phân giai đoạn bệnh:

  • Chụp CT cơ thể: Thao tác này sẽ được thực hiện nếu bệnh nhân chưa được thực hiện trước đó. Chụp CT cơ thể là thao tác chụp một loạt các hình ảnh chi tiết về xương chậu, bụng hoặc ngực của bệnh nhân. Đôi khi, bác sĩ sẽ chỉ định một mũi tiêm chất cản quang hoặc thuốc uống cản quang để tăng cường khả năng hiển thị của các hạch bạch huyết và các mô khác trong quá trình chụp. Chụp CT có thể phát hiện ung thư trong các hạch bạch huyết, phổi hoặc các nơi khác.
Chụp CT não
Chẩn đoán bằng hình ảnh giúp bác sĩ phân giai đoạn bệnh

  • Chụp MRI cơ thể: MRI ít phổ biến hơn chụp CT, nhưng nó có thể được sử dụng để tạo ra hình ảnh chi tiết về tử cung, các hạch bạch huyết và các mô khác trong bụng và xương chậu. Bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm chất cản quang để tăng cường khả năng hiển thị của các hạch bạch huyết và các mô khác trong quá trình khám.
  • PET/CT: Đây là một xét nghiệm hình ảnh y học hạt nhân có sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ để xác định mức độ hoặc đưa ra phương án điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm cả ung thư. Chụp PET có thể được kết hợp với CT hoặc MRI để tạo ra các góc nhìn tối ưu để có thể đưa ra các kết luận chính xác hơn. PET/CT cũng có thể được sử dụng để đánh giá phản ứng của ung thư buồng trứng với liệu pháp điều trị, chẳng hạn như hóa trị.
  • Chụp X quang đường tiêu hóa dưới (GI): Đây là một xét nghiệm X quang ruột già (đại tràng) bằng cách sử dụng một ống mềm đưa vào trực tràng để thấy rõ hơn về khả năng lây lan của ung thư trong đường tiêu hóa.

Để chẩn đoán được ung thư buồng trứng, bệnh nhân thường sẽ được áp dụng nhiều hơn một kiểm tra để xác định bệnh. Nhiều nghiên cứu khoa học và thực tiễn đã chứng minh việc sử dụng các thủ thuật xạ hình có thể cung cấp thông tin chính xác trong chẩn đoán bệnh và trong đánh giá tác động của quá trình điều trị. Đặc biệt là kỹ thuật ghi hình PET với khả năng ghi nhận hình ảnh ở cấp độ phân tử nên có thể chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm, đánh giá sự trở lại của bệnh trên những người đã từng bị ung thư và xem xét hiệu quả của điều trị. Việc kết hợp giữa chụp CT và PET sẽ cung cấp các thông tin toàn diện về hình ảnh giải phẫu và chức năng chuyển hóa trong cơ thể người bệnh.

Ngoài ung thư, PET/CT còn có vai trò lớn trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý nguy hiểm khác như tim mạch, thần kinh…
Sử dụng các thủ thuật xạ hình giúp hỗ trợ thêm các thông tin chính xác trong chẩn đoán bệnh

Khi phát hiện những triệu chứng ung thư buồng trứng sớm từ ban đầu, bạn hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên trường nhiều trường hợp, chị em phụ nữ lại không hề có các triệu chứng trên cho đến khi bệnh ở giai đoạn muộn mới có dấu hiệu ung thư buồng trứng giai đoạn cuối.

Chị em nên chú ý theo dõi diễn biến sức khỏe của mình, không nên chủ quan với bất kỳ dấu hiệu nhỏ nào bởi nó có thể cảnh báo loại bệnh nguy hiểm như ung thư buồng trứng. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, chị em nên đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan