Tuổi 50 huyết áp bao nhiêu là tốt?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Huyết áp là chỉ số quan trọng giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của cơ thể, đặc biệt là hoạt động của các cơ quan thuộc hệ tim mạch. Mức huyết áp thay đổi theo từng thời điểm và độ tuổi khác nhau. Mức huyết áp quá cao hoặc quá thấp đều sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể như tai biến, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... Vậy huyết áp bình thường nằm trong khoảng bao nhiêu và người 50 tuổi huyết áp bao nhiêu là tốt? Chúng ta sẽ cùng trả lời câu hỏi trên qua bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về huyết áp

1.1. Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch và góp phần vào quá trình đẩy máu chảy trong hệ tuần hoàn (từ tim đến các cơ quan trong cơ thể). Chỉ số huyết áp không cố định mà có thể thay đổi theo từng thời điểm cũng như độ tuổi khác nhau. Bên cạnh đó, huyết áp còn là chỉ số giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của cơ thể. Mức huyết áp bình thường và ổn định là chỉ số huyết áp của người khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý về tim mạch.

tuoi-50-huyet-ap-bao-nhieu-la-tot
Huyết áp được tạo ra do áp lực của máu lên thành động mạch

Huyết áp bao gồm hai thông số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

  • Huyết áp tâm thu: Còn được gọi là huyết áp tối đa, là mức huyết áp đo được khi tim đang trong quá trình co bóp – thời điểm mà áp lực của máu lên thành động mạch đang ở mức cao nhất. Trong quá trình kiểm tra huyết áp, mức huyết áp tâm thu sẽ được hiển thị phía trên và có giá trị cao hơn so với chỉ số phía dưới.
  • Huyết áp tâm trương: Còn được gọi là huyết áp tối thiểu, là mức huyết áp đo được giữa các lần co bóp của tim – thời điểm mà tim đang giãn ra. Huyết áp tâm trương có giá trị thấp hơn và hiển thị phía dưới khi tiến hành đo huyết áp.

1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức huyết áp của cơ thể

Mức huyết áp thay đổi theo từng thời điểm, độ tuổi khác nhau. Càng rời xa động mạch chủ mức huyết áp càng giảm và đạt mức thấp nhất trong các tĩnh mạch. Hiểu được các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp sẽ giúp bạn xây dựng được lối sống, chế độ hoạt động để duy trì huyết áp bình thường. Một số yếu tố tác động đến mức huyết áp có thể kể đến như sau:

Các yếu tố bên trong:

  • Nhịp tim và lực co bóp của tim: Tim đập càng nhanh và co bóp càng mạnh thì áp lực của máu lên thành động mạch càng lớn. Vì vậy, khi bạn thực hiện các hoạt động mạnh như sau khi tập thể dục hoặc khi cảm xúc hưng phấn, hồi hộp sẽ làm huyết áp tăng cao hơn bình thường. Ngược lại, nhịp đập của tim chậm, lực co bóp của tim giảm thì mức huyết áp có thể sẽ giảm xuống.
  • Sức cản của mạch máu: Sức cản của thành động mạch lớn sẽ làm huyết áp tăng. Bên cạnh đó, thành mạch kém đàn hồi, tổn thương sẽ làm máu di chuyển khó khăn ảnh hưởng đến mức huyết áp của cơ thể. Vì vậy ở người cao tuổi thành mạch máu mất đi tính đàn hồi, lòng mạch hẹp lại nên các tình trạng bệnh lý như xơ vữa động mạch thường đi kèm với tăng huyết áp. Mức huyết áp tâm thu chịu ảnh hưởng bởi sức cản của mạch máu nhiều hơn huyết áp tâm trương.
tuoi-50-huyet-ap-bao-nhieu-la-tot
Các bệnh về huyết áp có thể bị gây ra bởi xơ vữa động mạch
  • Độ quánh của máu: Máu càng đặc hay độ quánh của máu càng lớn thì chỉ số huyết áp càng tăng.
  • Khối lượng máu: Các tình trạng mất máu làm khối lượng máu trong cơ thể giảm dẫn đến hạ huyết áp. Bên cạnh đó, chế độ ăn mặn, nhiều muối làm tăng áp suất thẩm thấu, tăng khối lượng máu dẫn đến mức huyết áp tăng lên.

Các yếu tố bên ngoài:

  • Thời gian: Mức huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm. Cơ chế này cũng giúp đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động của cơ thể.
  • Tinh thần: Cảm xúc của cơ thể kích thích hệ thần kinh giao cảm từ đó tăng hoạt động của tim, tim đập nhanh và co bóp mạnh hơn. Vì vậy, các tình trạng tâm lý của cơ thể như căng thẳng, stress, lo lắng, kích động mạnh... đều dẫn đến tăng huyết áp.
  • Hoạt động: Hoạt động mạnh làm tim đập nhanh, co bóp mạnh dẫn đến mức huyết áp tăng lên.
  • Nhiệt độ: Ở nhiệt độ thấp, các mạch máu ngoại vi co lại, máu có xu hướng dồn về các động mạch lớn, làm tăng huyết áp. Vì vậy, mức huyết áp vào mùa đông thường tăng nhẹ so với mùa hè.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn mặn, chứa nhiều muối làm tăng tích trữ nước trong cơ thể, làm tăng khối lượng máu trong cơ thể dẫn đến tăng huyết áp.

2. Người 50 tuổi huyết áp bao nhiêu là tốt?

Huyết áp ở người khỏe mạnh bình thường luôn nằm trong mức ổn định. Vì vậy mà thông qua quá trình kiểm tra huyết áp thường xuyên và định kỳ sẽ giúp bạn đánh giá được tình trạng sức khỏe và tình trạng tim mạch của cơ thể. Vậy mức huyết áp bình thường là bao nhiêu? và ở giai đoạn trung niên như người 50 tuổi huyết áp bao nhiêu là tốt nhất?

Theo khuyến cáo của hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), chỉ số huyết áp tối ưu ở người trưởng thành là khi cả mức huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đều nhỏ hơn 120/80 mmHg (milimet thủy ngân).

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của chương trình phòng chống Tăng huyết áp quốc gia, mức huyết áp bình thường được chia làm 3 loại:

  • Mức huyết áp tối ưu: Chỉ số huyết áp nhỏ hơn 120/80 mmHg (Huyết áp tâm thu nhỏ hơn 120 mmHg và huyết áp tâm trương nhỏ hơn 80 mmHg).
  • Mức huyết áp bình thường: Chỉ số huyết áp tâm thu nằm trong khoảng 120 – 129 mmHg và chỉ số huyết áp tâm trương nằm trong khoảng từ 80 – 84 mmHg.
  • Mức huyết áp bình thường cao: Chỉ số huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 130 – 139 mmHg và chỉ số huyết áp tâm trương nằm trong khoảng từ 85 – 89 mmHg.

Theo đó, người có huyết áp vượt qua mức huyết áp bình thường cao được chẩn đoán là tăng huyết áp. Người có chỉ số huyết áp ở mức bình thường cao có nguy cơ chuyển biến thành tăng huyết áp. Vì vậy, mức huyết áp này còn được gọi là tiền tăng huyết áp, cần theo dõi huyết áp thường xuyên và xây dựng lối sống hợp lý.

tuoi-50-huyet-ap-bao-nhieu-la-tot
Xây dựng một lối sống lành mạnh giúp giảm các bệnh về huyết áp ở tuổi 50

Ở các giai đoạn phát triển và độ tuổi khác nhau, tính đàn hồi của mạch máu cũng thay đổi. Càng lớn tuổi, thành động mạch bị tích tụ nhiều mảng bám xơ vữa và trở nên kém đàn hồi, điều này làm cho tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu đi. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến huyết áp tăng. Vì vậy, bên cạnh mức huyết áp tối ưu nhất là 120/80 mmHg thì mỗi độ tuổi nhất định sẽ có mức huyết áp an toàn khác nhau. Theo khuyến cáo, ở độ tuổi trung niên hay người 50 tuổi huyết áp ở mức bình thường nằm trong khoảng từ 116/81 – 142/89 mmHg (Chỉ số huyết áp tâm thu từ 116 – 142 mmHg và chỉ số huyết áp tâm trương từ 81 – 89 mmHg), trong đó mức huyết áp tối ưu nhất là 129/85 mmHg.

Người ở độ tuổi 50 nói riêng hay thời kỳ trung niên nói chung là giai đoạn con người có nhiều thay đổi trong chu kỳ sinh học, trong đó đáng kể nhất là sự thay đổi nội tiết tố nên dễ mắc phải các bệnh lý không lây nhiễm. Vì vậy, nếu không quản lý và kiểm tra huyết áp thường xuyên sẽ rất dễ dẫn đến bệnh lý tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp.

  • Tăng huyết áp: Được xác định khi chỉ số huyết áp lớn hơn 140/90 mmHg. Bởi vì ranh giới giữa mức huyết áp bình thường và tăng huyết áp rất nhỏ và triệu chứng tăng huyết áp lại rất ít, nên có hơn 50% người bệnh không phát hiện được bệnh lý này. Trong khi đó tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh lý về tim mạch như đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, mất thị lực, suy giảm trí nhớ...
  • Huyết áp thấp: Được xác định khi chỉ số huyết áp nhỏ hơn 90/60 mmHg. Tuy nhiên, huyết áp thấp bao gồm hai dạng là huyết áp thấp sinh lý không có triệu chứng và huyết áp thấp bệnh lý có triệu chứng điển hình là mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, choáng váng... cần được điều trị.

3. Các biện pháp để duy trì mức huyết áp bình thường

Bên cạnh câu hỏi người 50 tuổi huyết áp bao nhiêu là tốt thì làm sao để duy trì mức huyết áp nằm trong mức bình thường là vấn đề được nhiều người quan tâm. Bởi xây dựng được phương pháp giúp ổn định huyết áp sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ gặp phải các biến chứng của bệnh huyết áp thấp hoặc tăng huyết áp như tai biến mạch máu não, suy tim, đột quỵ...

Một số phương pháp duy trì mức huyết áp bình thường như sau:

3.1. Thiết lập chế độ ăn uống khoa học và hợp lý

Chế độ ăn uống tác động rất lớn đến sự ổn định của huyết áp. Thực đơn ăn uống khoa học và hợp lý sẽ giúp cơ thể duy trì được mức cân nặng, hạn chế được nguy cơ bị béo phì, tăng lipid máu... Theo đó, dinh dưỡng mỗi ngày nên được xây dựng theo nguyên tắc sau:

  • Đảm bảo cân đối các nhóm chất protein, tinh bột, chất xơ, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Hạn chế ăn nhiều muối hay ăn các đồ ăn mặn.
  • Bạn nên hạn chế tối đa các loại đồ uống như rượu, bia, cà phê, nước ngọt...
  • Không hút thuốc lá.
  • Ngủ đủ giấc giúp cho mạch máu, hệ tim mạch được khỏe mạnh, giảm nguy cơ stress, đột quỵ...

3.2. Tập luyện thể dục thường xuyên

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý thì việc thiết lập thói quen sinh hoạt, hoạt động lành mạnh là vô cùng cần thiết để duy trì mức huyết áp bình thường. Vì vậy, bạn nên luyện tập thể dục hàng ngày với thời gian tối thiểu 30 phút mỗi ngày, và luôn giữ cho tinh thần vui vẻ, thoải mái.

3.3. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần là vô cùng cần thiết. Việc khám sức khỏe định kỳ không chỉ giúp phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh của cơ thể mà còn giúp bạn phòng tránh chúng, điều trị sớm nhất khi phát hiện sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị. Đặc biệt, kiểm tra huyết áp thường xuyên sẽ giúp bạn quản lý được mức huyết áp, từ đó xây dựng được phương pháp rèn luyện, hoạt động phù hợp để có được chỉ số huyết áp tối ưu nhất.

tuoi-50-huyet-ap-bao-nhieu-la-tot
Kiểm tra sức khỏe định kì để được theo dõi chính xác các chỉ số huyết áp

Một trong những cách an toàn và chính xác nhất để biết được tình trạng huyết áp của mình đó là khám tăng huyết áp tại bệnh viện uy tín.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan