Bệnh tăng huyết áp được ví như “kẻ giết người thầm lặng” bởi những diễn tiến âm thầm của bệnh. Triệu chứng tăng huyết áp thường chỉ thoáng qua, nhưng lại ngấm ngầm hủy hoại các cơ quan trong cơ thể, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ở tim, não, mắt, thận và mạch máu.
1. Tăng huyết áp là bệnh gì?
Tăng huyết áp, hay nhiều người gọi là cao huyết áp, là một bệnh lý phổ biến khi mà áp lực máu tác động lên thành mạch quá cao. Nếu mức huyết áp này tăng cao trong thời gian dài, có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác, thậm chí là biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Cao huyết áp có nhiều loại, bao gồm:
- Cao huyết áp vô căn hay còn gọi là cao huyết áp tự phát (thường gặp nhất)
- Tăng huyết áp thứ phát
- Cao tăng huyết áp tâm thu
- Cao huyết áp thai kỳ (ở phụ nữ mang thai)
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về huyết áp cao không?
Huyết áp cao còn được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh thường không có triệu chứng. Thiếu hụt kiến thức về huyết áp cao có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là những câu hỏi trắc nghiệm vui giúp bạn hiểu đúng về bệnh cao huyết áp.2. Triệu chứng tăng huyết áp cũng xuất hiện ở người trẻ
Cao huyết áp là căn nguyên chủ yếu gây ra các biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận... khiến cho hàng trăm nghìn người bị tàn phế hoặc mất đi khả năng lao động mỗi năm. Các biến cố tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Theo báo cáo thống kê của Hội Tim mạch Việt Nam, cả nước hiện có 25% dân số đang có triệu chứng tăng huyết áp và mắc bệnh tim mạch. Đặc biệt, trong các năm trở lại đây, bệnh lý tăng huyết áp đang có chiều hướng trẻ hóa, trong đó rất nhiều đối tượng mắc bệnh đang còn trong độ tuổi lao động.
Cụ thể, tỷ lệ bệnh nhân tăng huyết áp từ 25 tuổi trở lên đã tăng lên đến 47% vào cuối năm 2018, trong khi 10 năm trước đó, con số này chỉ dừng ở mức 25%.
Điều đáng nói, người bệnh cao huyết áp thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, thậm chí đa số không biết mình bị bệnh. Sau đây là những con số rất đáng báo động:
- Có đến 51,6% người bệnh cao huyết áp nhưng không biết mình mắc bệnh
- 38,9% bệnh nhân đã biết mình bị cao huyết áp nhưng chưa điều trị
- 63,7% người bị tăng huyết áp được điều trị, nhưng chưa đạt được huyết áp mục tiêu dưới 140/90 mmHg.
3. Nhận biết triệu chứng tăng huyết áp
Triệu chứng tăng huyết áp thường diễn biến thầm lặng, ít khi biểu hiện rõ ràng nhưng những biến chứng mà gây ra thì rất nặng nề. Nhiều người khi đi khám một bệnh khác hoặc khám định kỳ mới phát hiện cao huyết áp, trong khi trước đó không hề nhận thấy bất kỳ dấu hiệu tăng huyết áp nào.
Một số trường hợp có thể có các triệu chứng cao huyết áp thoáng qua như nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ nhẹ,... Một số bệnh nhân khác có biểu hiện tăng huyết áp dữ dội hơn, chẳng hạn như đau nhói vùng tim, suy giảm thị lực, thở gấp, mặt đỏ bừng, da tái xanh, nôn ói, hồi hộp, đánh trống ngực, hốt hoảng.
4. Cao huyết áp, làm sao phòng ngừa đột quỵ?
Đột quỵ là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của cao huyết áp. Theo nghiên cứu của Viện Tim mạch Quốc gia, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì hết 8 người mắc bệnh cao huyết áp. Vì vậy, kiểm soát huyết áp là điều vô cùng quan trọng giúp đề phòng đột quỵ. Mục tiêu điều trị tăng huyết áp là giữ cho huyết áp của bệnh nhân ổn định, thường ở mức dưới 140/90 mmHg. Nếu thuộc nhóm đối tượng có kèm các bệnh lý khác như tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính, bác sĩ sẽ thiết lập mức huyết áp mục tiêu thấp hơn nữa (có thể dưới 130/80 mmHg). Cao huyết áp có thể được chữa trị bằng cách thay đổi lối sống, bằng cách dùng thuốc trị tăng huyết áp hoặc phải kết hợp cả hai. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cao huyết áp, thể trạng bệnh nhân và các bệnh lý kèm theo mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là điều trị không dùng thuốc và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
Một số lời khuyên giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng tăng huyết áp:
- Hạn chế sử dụng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày (không quá 1.500mg muối/ngày- tức là khoảng một nửa thìa cà phê)
- Tránh các thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như mỡ, gan, tạng động vật
- Bổ sung nhiều trái cây và rau xanh
- Hàng tuần nên ăn cá từ 2-3 bữa, chọn các loại cá giàu omega-3, như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi
- Dùng sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt
- Vận động vừa phải, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Tránh xa thuốc lá, rượu bia, kể cả các chất kích thích như trà, cà phê đậm đặc
Chỉ với việc thay đổi lối sống, bệnh nhân có thể giảm mức huyết áp ít nhất 10-20mmHg. Khi huyết áp được duy trì ở giới hạn an toàn và ổn định thì nguy cơ xảy ra đột quỵ cũng giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, để ngăn ngừa đột quỵ, bệnh nhân tăng huyết áp cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Khi được chỉ định dùng thuốc hàng ngày, đừng nản chí vì hầu hết các bệnh lý tim mạch đều phải dùng thuốc suốt đời. Ngoài ra, nhớ đi khám sức khỏe định kỳ, tái khám đầy đủ theo lịch hẹn, kiểm tra huyết áp và thực hiện các xét nghiệm cơ bản theo chỉ định (điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm sinh hóa máu,...). Lưu ý, ứng với mỗi thời điểm mà tình trạng bệnh có thể diễn tiến khác nhau, do vậy bệnh nhân không được dùng lại toa thuốc cũ, đặc biệt là những khi thời gian dài không thể tái khám.
>> Xem thêm: Các thuốc điều trị tăng huyết áp
5. Sàng lọc bệnh lý tăng huyết áp
Triệu chứng tăng huyết áp hầu hết đều rất mờ nhạt, thoáng qua và âm thầm. Tuy nhiên, hậu quả của bệnh lại cực kỳ nghiêm trọng. Càng nguy hiểm hơn, bệnh có thể tiến triển thầm lặng trong thời gian rất dài từ 15 - 20 năm mà người bệnh không hề biết.
Hiểu được điều đó, bệnh viện Vinmec đã triển khai Gói khám Tăng huyết áp nhằm giúp quý khách hàng tầm soát sớm nguy cơ mắc bệnh để từ đó lên kế hoạch cho chặng đường tiếp theo.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.